Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sau khi an toạ trên Pháp toà vào sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thông báo rằng Ngài đã quyết định ban truyền Lễ Gia Trì Quan Thế Âm giải thoát chúng sanh thoát khỏi mọi ác đạo. Cùng với đó, Ngài cũng sẽ thực hiện lễ truyền giới cho Cư sĩ và Bồ Tát Giới. Tuy nhiên, trước tiên, trong khi những lời cầu nguyện và trì tụng được thực hiện, Ngài sẽ tiến hành những nghi thức chuẩn bị cần thiết.
Trước tiên, Chư Tăng Thái Lan tụng những bài Kệ kiết tường bằng tiếng Pali. Sau đó là chư Tăng, Ni và Cư Sĩ Việt nam tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Việt một cách hết sức du dương. “Bát Nhã Tâm Kinh” sau đó được tụng lại bằng tiếng Indonesia, và cuối cùng đã được một nhóm từ Singapore tụng lại một lần nữa bằng tiếng Anh.
Ngài bắt đầu bằng cách trích dẫn từ "400 bài Kệ” của Ngài Thánh Thiên như một hướng dẫn cho buổi thuyết Pháp của ngày hôm nay.
Trước tiên ngăn chặn những điều quấy sai lầm lỗi,
Kế tiếp ngăn chặn [ý tưởng thô] về một cái Tôi;
Sau đó ngăn ngừa quan điểm về tất cả các loại.
Ai liễu ngộ điều này - đó chính là bậc trí.
“Những điều quấy sai lầm lỗi ở đây - đề cập đến những hành vi không lành mạnh cần nên tránh. Trên cơ sở đó thoát khỏi tất cả các quan điểm méo mó, bao gồm cả sự bám chấp cho rằng sự tồn tại là có thật. Bồ Đề Tâm, bắt nguồn từ tình yêu thương và lòng từ bi, được tập trung vào các chúng sinh; trong khi trí tuệ thì tập trung vào sự chứng ngộ. Tu luyện thực hành Bồ Đề Tâm cùng với sáu Ba La Mật, bao gồm cả trí tuệ ba la mật, sẽ mang lại trí tuệ hiểu biết về tánh không.”
Ngài đề cập đến ba hay bốn thân của Đức Phật, mà chỉ có thể đạt được bằng cách tu luyện những nguyên nhân thích hợp. Ngài giải thích rằng con đường được dạy trong Kinh điển có thể làm phát sinh Pháp thân Phật, nhưng con đường dẫn đến Sắc thân Phật chỉ được tìm thấy trong Mật điển.
“Hiểu được các pháp hiện tượng như chúng là - là sự đối trị của vô minh. Hiểu biết về lý duyên khởi - sẽ dẫn đến sự hiểu biết về tánh không, và bứng được tận gốc rễ của sự vô minh. Sắc Thân là để phụng sự cho người khác - xuất hiện từ tánh không. Nếu không đạt được Pháp Thân, bạn sẽ không thể đạt được Sắc Thân, vì vậy trước tiên hãy đặt mục đích vào Pháp Thân.
“Trong quá khứ, đã có những người khẳng định rằng, giáo lý Bát Nhã Ba La Mật không phải do Đức Phật thuyết giảng. Tương tự, những người khác đã khẳng định rằng cả tổng thể giáo lý của truyền thống tiếng Phạn không phải là giáo lý của Đức Phật. Những xác nhận này đã bị phản bác trong tác phẩm “Vòng Hoa Báu” của Ngài Long Thọ; trong đó đã duy trì sự bảo tồn rằng Bồ Đề Tâm, sáu Ba La Mật và tánh Không đều được dạy trực tiếp bởi Đức Phật.
“Tứ Diệu Đế, mười sáu đặc điểm của nó, và 37 phẩm trợ Đạo, được tiết lộ trong các giáo lý nền tảng của Truyền thống Pali và được thọ giữ chung bởi tất cả các truyền thống Phật giáo, được giải thích chi tiết tỉ mỉ trong Truyền thống tiếng Phạn. Tuy nhiên, không đủ để tuyên bố rằng những giáo lý của Truyền thống tiếng Phạn có thể được quy cho là trực tiếp của Đức Phật hay không; vấn đề thực sự ở chỗ là liệu họ có chịu sự kiểm nghiệm của lý trí và logic hay không.
“Vì một số học giả Ấn Độ đã gợi ý rằng các mật chú không được giảng dạy bởi Đức Phật, bởi vì các sự thực hành tương tự, như nghi lễ hỏa tịnh và vân vân, được tuân thủ cả trong các mật điển Phật giáo và phi Phật giáo, tôi đã thỉnh cầu Thầy của tôi - Khunu Lama Rinpoche - giải thích về cách làm thế nào để phân biệt được sự khác nhau giữa các truyền thống này. Ngài đã giải thích rõ rằng, không phải những sự thực hành có liên quan đến việc sử dụng các kinh mạch, năng lượng, và những giọt minh điểm tạo nên sự khác biệt hay không; mà yếu tố phân biệt là trong Mật điển Phật giáo những sự thực hành này được sử dụng trong bối cảnh của sự hiểu biết về tánh Không.
“Tôi đã nghe về những người Sadhus Ấn Độ, sống trần trụi ở những dãy núi cao, tu luyện thực hành về Nội Hoả. Họ cũng thực hành pháp chuyển di ý thức. Tôi mong muốn và hy vọng được gặp một số trong số những vị thiền giả thành tựu này để thảo luận với họ về những kinh nghiệm mà họ đạt được.
“Ngài Long Thọ, các đệ tử của ngài Thánh Thiên và Ngài Nguyệt Xứng, mỗi người đều viết rất nhiều về tánh không, nhưng cũng đã trước tác rất nhiều luận giải về mật điển. Họ giải thích rằng yoga thần tính được dựa trên sự hiểu biết về tánh Không.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, Ngài không biết liệu Ngài Thiện Hải Tịch Hộ và Ngài Liên Hoa Giới có trước tác về mật điển hay không, nhưng những dịch giả Tây Tạng tiếp theo sau đó - những vị đã từng đến viếng thăm Ấn Độ - đã viết về mật điển. Trong số đó có Ngài Marpa Lotsawa - người đã được học hỏi và được huấn luyện với Đức Naropa. Trước đây Ngài đã từng là một học giả tại Đại học Nalanda - nơi mà Ngài là người gác cổng ở cửa phía Bắc.
Khi ngài bắt đầu truyền Lễ Gia Trì của Đức Avalokiteshvara Sarvadugati Parishodana - vị Quan Âm Đại Bi giải thoát chúng sanh khỏi các ác đạo, Ngài nói rằng sự thực hành này đến từ Mitrayogi - người đã thọ nhận nó trực tiếp từ Đức Quán Thế Âm, qua sự kết hợp các linh kiến của Thagphu Dorje Chang. Ngài nói với khán giả rằng, Ngài đã thọ Pháp này từ Kyabje Trijang Dorje Chang; và trong khóa nhập thất mà Ngài đã thực hiện liên quan đến pháp hành này - Ngài đã trì 600.000 thần chú Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn.
Trong quá trình của buổi lễ, Ngài đã truyền Tam Quy Ngũ Giới cho Cư Sĩ và Bồ Tát Giới. Khi Lễ Gia Trì hoàn tất, Ngài đã chuyển sang “Phật Hộ Căn Bản Trung Quán Luận Giải” và yêu cầu các thành viên của khán giả nhớ lại trong bản văn Ngài đã đọc đến đâu rồi.
“Có lẽ quý vị sẽ cảm thấy thất vọng khi chúng ta không học nhiều thêm về luận giải của Ngài Phật Hộ lần này. Tôi quyết tâm sẽ giảng hoàn tất luận giải này, thậm chí cho đến khi tôi 90 tuổi. Ngày mai, tôi sẽ giải thích về “Tám Bài Kệ Luyện Tâm” và sẽ có cơ hội để thảo luận về bất kỳ câu hỏi nào mà quý vị có thể có.”