Sumur, Thung lũng Nubra, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Chư Tăng đã tham gia vào cuộc tranh luận sôi động khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến khán đài ở trên sân bãi thuyết Pháp của Tu viện Samstanling hôm nay. Ngài chào mừng đám đông, chào đón các Vị Lamas cùng các vị chức sắc như thường lệ rồi an toạ. Thầy xướng Lễ bắt đầu những lời cầu nguyện mở đầu trong khi trà và bánh mì được phục vụ.
Ngài tuyên bố: “Hôm nay, tôi sẽ giảng về giáo lý của Đức Phật, vì vậy chúng ta bắt đầu bằng sự trì tụng “Ba điều thường niệm” và “Bát Nhã Tâm Kinh”. Phần đầu tiên có thể được tìm thấy trong các phiên bản tiếng Pali và tiếng Phạn, nhưng “Bát Nhã Tâm Kinh” thì chỉ xuất phát từ truyền thống tiếng Phạn. Chúng ta cũng tụng những bài Kệ kính lễ “Trí Tuệ Cơ Bản của Trung Quán” và “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” của Ngài Long Thọ.
“Trong cuộc họp gần đây giữa các học giả Tây Tạng và các học giả thuộc truyền thống Phật giáo Nguyên Thuỷ, tôi đã đặt ra một câu hỏi. Đức Phật đã dạy từ 2500 năm trước. Kể từ đó đến nay - nhiều thứ, chẳng hạn như quần áo chúng ta mặc, nhà cửa của chúng ta, phương thức vận chuyển của chúng ta…, đã thay đổi đáng kể. Vì vậy, chúng ta phải hỏi, liệu những lời giảng dạy của Đức Phật vẫn còn có liên quan đến ngày hôm nay hay không? Chúng ta không nên chỉ tuân theo nó chỉ vì chúng ta đã quen với việc làm như vậy.
“Tôi có nhiều bạn bè Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn giáo … những người mà đức tin đã mang lại lợi ích cho họ. Tất cả những truyền thống này đều dạy về tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng từ bi - sự quan tâm dành cho người khác. Khi con người gặp khó khăn, lòng tin nơi Đức Chúa Trời có thể giúp họ giữ cho niềm hy vọng của họ được sống còn.
“Trong loạt giáo lý đầu tiên của Ngài, chúng ta gọi là lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên, được bảo tồn theo truyền thống Pali, Đức Phật đã giải thích về Tứ Diệu Đế và mười sáu thuộc tính của nó. Trong loạt Giáo lý thứ hai, được lưu lại bằng tiếng Phạn, Ngài đã dạy về tánh Không. Trong khi truyền thống Pali chủ yếu dựa vào thẩm quyền kinh điển, thì truyền thống tiếng Phạn, được minh họa bởi Ngài Long Thọ và và các đệ tử của Ngài - dựa vào lý luận. Những điều mà Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng đã viết về logic đã trang bị cho chúng ta để mở rộng phạm vi kiến thức của mình vượt ra ngoài nhận thức thực nghiệm. Tâm lý học mà chúng ta có thể tìm thấy trong các tác phẩm của 17 Vị Đạo sư Nalanda có nghĩa là những lời dạy của Đức Phật không chỉ đơn thuần có liên quan, mà còn rất cần thiết trong thế kỷ 21 này.
“Nếu chúng ta kiểm tra xem sự giận dữ có chút chất lượng nào của sự hồi phục hay không; chúng ta thấy rằng nó làm rối loạn sự bình an trong tâm hồn của chúng ta, làm rối loạn sức khỏe của chúng ta và làm tổn thương mối quan hệ của chúng ta với người khác. Chúng ta cần phải đoạn trừ nó trong khả năng có thể. Nguồn nguyên nhân trực tiếp của sự tức giận có thể là sự thất vọng và kích động, nhưng nguyên nhân cơ bản là quan niệm sai lầm của chúng ta về thực tại. Những lời giải thích của Phật giáo về vô ngã và tánh không đã tìm ra cách để đối trị lại những quan niệm sai lầm như vậy. Trong khi đó, các nhà khoa học ngày nay đã theo dõi giám sát bộ não có thể thấy được những phần nào của não bộ đang hoạt động khi những cảm xúc như tức giận hay từ bi hiện diện.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát thấy rằng hơn mười năm trước, Ngài đề nghị rằng các tu viện Tây Tạng nên giới thiệu khoa học vào các chương trình giảng dạy của họ. Họ đã thực hiện điều đó; và kết quả là một số người trong số họ bây giờ đã có phòng thí nghiệm khoa học trong cơ sở của họ. Trong quá khứ, có những Tu viện và Ni Viện chỉ tham gia vào các hoạt động nghi thức cúng kính lễ bái, không có mô hình cho việc học hành và nghiên cứu. Điều này đã thay đổi; và ngày nay thậm chí cả những người Cư Sĩ cũng quan tâm đến việc nghiên cứu học tập.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng “Nghĩa Hiện Quán” của Ngài Sư Tử Hiền, một trong 21 luận giải về “Hiện quán Trang nghiêm Luận”, phân biệt hai loại tín đồ Phật giáo: những người có căn cơ sắc bén thì theo phương pháp lý luận, và những người có căn cơ chậm lụt thì phụ thuộc vào đức tin.
“Hiện quán Trang nghiêm Luận” khuyến cáo giới thiệu những giáo lý của Đức Phật trên nền tảng của hai Sự thật (Nhị Đế) - sự thật thông thường (tục đế) và sự thật tối hậu (chân đế). Nếu bốn Chân lý Cao thượng (Tứ Đế) được giải thích trong bối cảnh đó thì sẽ dễ dàng hơn để hiểu được sự chấm dứt (Diệt đế) thực sự - điều gì chấm dứt và điều gì được chứng ngộ. Hiểu được điều đó, có nghĩa là hiểu được rằng đạt được quả vị Phật là điều có thể khả thi; và những người tham gia vào con đường ấy chính là Tăng đoàn.”
Trước khi bắt đầu đọc “Ba cốt tuỷ của Đạo Lộ” của Je Tsongkhapa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không tiếc lời tán thán Ngài, mô tả Ngài là một bậc học giả cực kỳ uyên bác, một người thực hành Pháp cả ngày lẫn đêm. Để soạn luận giải của mình về “Hiện quán Trang nghiêm Luận”, Ngài đã đọc tất cả 21 luận thuyết hiện tại của các bậc thầy Ấn Độ trước khi soạn thảo cách giải thích của riêng mình. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã so sánh tư tưởng ban đầu của “Lời giải thích hay về Vòng Hoa Vàng” với một bản văn của Buton Rinpoche, thường được gọi là 'toàn trí', nhận xét về tác phẩm “Bí mật Tập hội” của Ngài Long Thọ, nhưng nó chỉ diễn giải những lời của Đạo sư Ấn Độ. Mặt khác, Tsongkhapa - đi ra khỏi con đường của mình để làm sáng tỏ những điểm khó hiểu.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, sự thông thạo của Tsongkhapa là như vậy cho nên Vị học giả tài năng Trehor Kyörpön đã lưu ý khuyến khích Ngài nghiên cứu tất cả năm tác phẩm về Trung Quán của Je Rinpoche, ý chính của nó là mọi thứ tồn tại chỉ bằng cách định danh mà thôi.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma suy đoán rằng, nếu theo quan điểm riêng của mình thì Tsongkhapa có thể đã bắt đầu ‘Đại Giai Trình của Đạo Lộ’ với Tứ Diệu Đế. Tuy nhiên, thay vào đó, ông đã theo truyền thống của Kadampas. Đọc một cuốn sách của Khedrup-jey, một trong hai đệ tử chính của Tsongkhapa, Ngài đã ngạc nhiên khi ông sử dụng ngôn ngữ thô tháo trong những lời mà ông chỉ trích người khác - không phải điều mà Je Rinpoche từng làm trong các tác phẩm của Ngài.
Tsako Ngawang Drakpa, một đệ tử khác của Tsongkhapa, đã được phái đến miền Đông Tây Tạng để giảng dạy. Từ đó ông đặt câu hỏi cho vị Thầy của mình trong một bức thư, mà “Ba Cốt tuỷ của Đạo lộ” là câu trả lời. Ở những nơi khác, Je Rinpoche đã viết rằng, khi vào cuối cùng Ngài biểu lộ Phật quả trên thế giới, thì Ngài sẽ chia sẻ giáo lý đầu tiên của Ngài với Vị đệ tử này.
Điều Tinh Tuý đầu tiên của Đạo Lộ, xem xét rằng, bao lâu chúng ta vẫn còn có cái thân uẩn do tâm lý và vật lý kết hợp thành - bắt nguồn từ nghiệp báo và ảo tưởng mê lầm, thì bấy lâu ta vẫn còn phải bị trải nghiệm sự đau khổ; thế nên ta phải phát triển lòng quyết tâm để thoát khỏi những đau khổ ràng buộc này. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh mất mục tiêu của mình, về sự quý giá của cuộc sống này với những thuận duyên và may mắn. Cuộc sống này, rất khó tìm, và có thể mang lại lợi ích to lớn. Chúng ta có hai mục tiêu: sự tái sinh vào những cảnh giới cao; và sự giải thoát hay sự tốt lành chắc chắn. Nguyên nhân của sự tái sinh vào cảnh giới cao bao gồm việc tránh mười hành động bất thiện. Ngài đề cập rằng “Tràng Hoa Báu” của Ngài Long Thọ có nêu tên mười sáu nguyên nhân như vậy. Trong “400 bài Kệ”, Ngài Thánh Thiên đã khuyên:
Trước tiên ngăn chặn những điều quấy sai lầm lỗi, Kế tiếp ngăn chặn [ý tưởng thô] về một cái Tôi; Sau đó ngăn ngừa quan điểm về tất cả các loại. Ai liễu ngộ điều này - đó chính là bậc trí
Ngài giảng về giây phút cận kề của cái chết, và thực tế là bạn bè, sự giàu sang và danh tiếng sẽ không giúp được gì vào lúc ấy cả. Sự ám chỉ của Ngài đối với ý thức vi tế nhất đã thúc giục Ngài phải nói về các hành giả vẫn còn duy trì trong trạng thái thiền định sâu sau khi chết lâm sàng - một hiện tượng mà các nhà khoa học quan tâm và đang bắt đầu nghiên cứu.
Khi đến những bài Kệ liên quan đến điều Cốt Tuỷ thứ hai của Đạo lộ - phát Bồ Đề Tâm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ những động lực mạnh mẽ mà chúng cũng có thể là sự quyết định được tự do. Những chúng sinh khác được viết như mối quan hệ của các bà mẹ của chúng ta; chúng cũng có thể áp dụng cho chúng ta.
Bị cuốn phăng theo dòng chảy của bốn con sông hùng mạnh,
Bị trói chặt bởi những buộc ràng của hành động, rất khó tháo gỡ;
Bị tóm bắt trong lưới sắt của thái độ ái trọng tự thân;
Hoàn toàn bị bao phủ bởi bóng đêm của vô minh ngu dốt.
Sinh ra và tái sinh trong vòng luân hồi bất tận,
Bị ba loại khổ đau không ngừng dứt giày vò;
Tất cả chúng sinh, mẹ hiền của bạn, đang trong tình trạng đó;
Hãy suy tư đến họ và phát khởi tâm vô thượng Bồ đề!
Ngài Tịch Thiên cũng nhận xét tương tự:
Nếu tôi không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Đối với những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì không những cảnh giới Phật tôi sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi tôi sẽ chẳng thể nào vui.
Đến cuối bản văn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng rõ về những dòng nghịch lý của bài Kệ áp chót,
Sự xuất hiện bác bỏ tính thường hằng
Và tánh Không loại trừ sự thường đoạn,
Tượng trưng cho quan điểm khẳng định rằng mọi thứ tồn tại chỉ bằng định danh.
Chọn hai dòng cuối cùng:
Hãy nỗ lực mạnh mẽ và đến ở nơi cô tịch,
Và nhanh chóng đạt được mục đích cuối cùng,
Ngài trích dẫn lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất - Gendun Drup - tuyên bố rằng Ngài đã từ bỏ sự cô tịch để làm việc tốt hơn vì lợi ích của chúng sinh. Với ý kiến này, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận xét rằng, Ngài đã dành hết thân, khẩu, ý của mình cho phúc lợi của tha nhân; và đã được dẫn dắt bởi một bài Kệ khác của Ngài Tịch Thiên.
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Chuyển sang bản văn kế tiếp mà Ngài sắp giảng “Mật Giáo về sự hoán đổi bản thân và người khác”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài đã thọ nhận pháp này từ Kyabje Trijang Rinpoche. Nó liên quan đến những bài Kệ trong “Cúng dường Bậc Thầy Tâm Linh” (Lama Chöpa):
Cũng như - không ai muốn - dù chỉ là một nỗi đau nhỏ nhất
Và chẳng bao giờ thấy đủ với niềm vui mình đang hưởng tận,
Không có sự khác biệt giữa bản thân con và người khác;
Vì vậy, xin gia trì cho con để hoan hỷ khi người khác được vui.
Căn bệnh kinh niên của ái trọng tự thân
Là nguyên nhân của khổ đau không mong muốn.
Nhận thức điều này, nguyện con được gia trì để khiển trách,
Và diệt trừ con quái vật của sự ích kỷ nhỏ nhen.
Chăm sóc các bà mẹ của con và tìm cách bảo vệ họ trong phúc lạc,
Là cửa ngõ đưa đến nguồn công đức vô tận vô biên. Nhìn thấy điều này,
Nguyện con được gia trì để trân quý họ hơn mạng sống riêng con,
Thậm chí cho dù họ nổi lên như kẻ thù của con vậy!
Tóm lại, chúng sinh trẻ con chỉ làm việc cho mục đích của riêng mình.
Trong khi chư Phật thì làm việc chỉ hoàn toàn cho người khác.
Hiểu được sự khác biệt giữa khiếm khuyết và phẩm hạnh tương ứng của họ;
Nguyện con được gia trì để có thể hoán đổi giữa chính mình với tha nhân!
Vì ái trọng tự thân là cánh cửa dẫn đến mọi khổ đau,
Trong khi chăm sóc các mẹ chúng sanh là nền tảng của mọi thiện đức,
Xin gia trì con thực hiện cốt lõi của sự thực hành nghiêm túc
Về pháp Du già hoán chuyển tha nhân và chính bản thân mình.
Thế nên, hỡi bậc Thầy từ bi khả kính!
Gia trì con - để mọi chướng duyên từ hành động xấu ác, khổ đau
Của mẹ chúng sinh - hãy chín muồi và giáng xuống đời con ngay lập tức;
Và con nguyện hiến dâng công đức và niềm hạnh phúc của mình cho người khác,
Để mọi chúng sanh được hưởng niềm vui an lạc hạnh phúc thiện lành!
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng, tất cả chúng ta đều bình đẳng như nhau trong sự mong cầu hạnh phúc và không muốn đau khổ. Hơn nữa, chúng sinh đã từng tử tế với chúng ta trong quá khứ, cũng như bây giờ. Ngay cả việc đạt được sự giải thoát cũng là do nhờ vào lòng tốt của chúng sinh.
So với căn bệnh kinh niên của thái độ ái trọng tự thân - là nguồn gốc của mọi đau khổ - thì Bồ đề Tâm là nguồn gốc của mọi phẩm hạnh tốt lành - là Đại Thọ che chở cho mọi chúng sinh lang thang và mệt mỏi trong cõi luân hồi buộc ràng bất tận, là ánh trăng rạng ngời của tâm thức xoá tan mọi khổ đau của các quan niệm não phiền; là mặt trời vĩ đại xua tan màng bóng tối vô minh cuối cùng của thế giới, là chất bơ tinh túy được chiết xuất từ dòng sữa của Chánh Pháp.
Cuối cùng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập rằng trong cuộc trò chuyện với Ganden Trisur Rinpoche, Ngài đã được nhắc nhở rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 2 - Gendun Gyatso - đã trước tác một luận giải cho bản kinh văn, Manjushri-nama-samgiti hay “Trì tụng Hồng danh của Đức Văn Thù Sư Lợi”. Luận giải này không phổ biến trong sự trao truyền của truyền thống Geluk, nhưng Ngài nhận nó từ Dilgo Khyentse Rinpoche - người đã được Jamyang Khyentse Wangpo ban truyền cho. Hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trao truyền qua sự đọc bản văn gốc mà chư Tăng thường học thuộc lòng.
Khi đến phần kết thúc, Ngài thông báo rằng ngày mai Ngài sẽ ban quán đảnh trường thọ, và tiếp theo đó là lễ Cầu nguyện Cúng dường Trường thọ dâng lên Ngài.