Yokohama, Nhật Bản - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ Ấn Độ đến Yokohama ngày hôm qua trong chuyến viếng thăm lần thứ 25 tới Nhật Bản. Mặc dù tầm nhìn từ cửa sổ khách sạn của Ngài nhìn ra vịnh có màu xám xịt, nhưng Ngài thật rạng rỡ và tươi tắn nhờ một giấc ngủ ngon sau cuộc hành trình của mình. Ngài đã bắt đầu cuộc nói chuyện với Rina Yamasawa của kênh truyền hình quốc tế NHK với một hồi ức về chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài vào năm 1967. Anh trai của Ngài, Taktser Rinpoche, đã ở đây và qua bữa ăn trưa đã trêu chọc Ngài - người đã trở thành một người ăn chay - rằng ông ta đã được một bát mì udon ngon hơn.
Ngài đã trả lời câu hỏi đầu tiên về cách Ngài nhìn thấy tình hình ở Tây Tạng ngày nay bằng cách ôn lại ba cam kết của mình.
“Đầu tiên tôi coi bản thân mình chỉ là một trong số 7 tỷ người. Trong khi chúng ta cầu nguyện cho phúc lợi của tất cả chúng sinh, thì chúng ta không thể làm gì ngoài việc cầu nguyện cho những chúng sanh ở các cõi thiên hà khác. Trên hành tinh này có vô số động vật, chim chóc, cá tôm và côn trùng, nhưng chúng đều không có ngôn ngữ cho nên chúng ta không thể giao tiếp với chúng được. Trên một mức độ thực tế, những người đồng loại của chúng ta, những người mà chúng ta có thể làm được điều gì đó cho họ. Trong một thế giới vật chất mà nhiều người không biết đến giá trị của sự bình yên trong tâm hồn, thì tôi sẽ cố gắng giúp họ trở nên hạnh phúc hơn bằng cách chỉ cho họ phương pháp tìm được sự an lạc nội tâm.
“Tôi cũng là một Phật tử và tôi rất buồn khi thấy sự xung đột trên danh nghĩa của tôn giáo. Ở Ấn Độ, nơi mà các tôn giáo khác nhau có thể sống cùng với nhau, điều đó cho chúng ta thấy rằng sự hòa hợp tôn giáo là điều có thể khả thi.
“Thứ ba, tôi là người Tây Tạng và, mặc dù kể từ năm 2001 tôi đã nghỉ hưu khỏi trách nhiệm chính trị, nhưng tôi vẫn lo lắng về môi trường tự nhiên của Tây Tạng. Việc bảo tồn văn hóa của chúng tôi và những kiến thức mà chúng tôi đã tiếp thu được từ Ấn Độ cũng là điều vô cùng quan trọng.
“Kể từ năm 1974, chúng tôi đã không còn tìm kiếm sự độc lập cho Tây Tạng nữa, thay vì vậy chúng tôi đã chuẩn bị để cùng sống chung với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong 40 năm qua, phần lớn ở Trung Quốc đã thay đổi. Số lượng Phật tử đã tăng lên hơn 300 triệu, nhiều người đã quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng. Trong khi đó, ngay cả những kẻ bảo thủ trong số các quan chức cũng đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách đối phó với Tây Tạng. Họ thấy rằng 70 năm đàn áp và cố gắng tẩy não đã không làm giảm đi tinh thần của nhân dân Tây Tạng.
“Thay vì tìm kiếm nền độc lập, chúng tôi đang tìm kiếm sự lợi ích chung. Người Trung Quốc có thể giúp chúng tôi phát triển cơ sở hạ tầng; và chúng tôi có thể giúp họ về mặt tâm lý Phật giáo. Vì vậy, phương pháp Trung Đạo của chúng tôi là một nỗ lực để đạt được thỏa thuận lẫn nhau dành cho sự cải thiện lẫn nhau. Một số người Tây Tạng thực hiện tự do của họ để duy trì sự độc lập mà chúng tôi rất thích trong thế kỷ 7, 8 và 9. Tuy nhiên, tôi là một người ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh Châu Âu, đặt lợi ích chung của tất cả các thành viên của mình lên trên mối quan tâm của từng quốc gia. Ấn Độ cũng là một liên bang của các tiểu bang với các ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau - là một phần của một liên minh. Tôi mạo hiểm tưởng tượng ra một loại liên bang tương lai nào đó đang thịnh hành giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục làm rõ rằng, trong lịch sử, nhân dân Tây Tạng ở ba tỉnh Tây Tạng - theo hiến pháp Trung Quốc - đã có quyền lợi với mức độ tự trị cao. Điều đó sẽ cho phép họ bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của họ. Ngài chỉ ra rằng, nơi sinh của Ngài và của Je Tsongkhapa bây giờ đã trở thành một phần của tỉnh Thanh Hải. Ngài mong đợi một quyền tự trị thật sự sẽ được ban hành cho vùng Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ và Tây Tạng.
Bà Yamasawa hỏi Ngài rằng người kế nhiệm của Ngài sẽ được chọn như thế nào. Ngài giải thích rằng từ năm 1969, Ngài đã nói rõ rằng, việc chọn Đức Đạt Lai Lạt khác có được công nhận hay không và sẽ được ở với người Tây Tạng hay không; sự lựa chọn đó cần phải được thực hiện trước bất kỳ quyết định nào về vấn đề người kế nhiệm có thể được chọn như thế nào. Có thể chọn theo cách truyền thống để xác định một hoá thân; nhưng cũng có những trường hợp các Lamas sẽ đề cử một người đang còn sống làm người kế nhiệm của họ.
Ngài lưu ý rằng vào cuối tháng này, việc triệu tập các nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng sẽ diễn ra, chủ yếu tập trung vào việc nâng cao chất lượng kiến thức và thực hành Phật giáo. Vấn đề về một vị Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai cũng có thể nằm trong chương trình nghị sự.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát thấy rằng, lúc Ngài ở Châu Âu trong lần mới đây, một nhóm phụ nữ đã gặp Ngài để phàn nàn về hành vi lạm dụng tình dục của một số vị thầy tâm linh Tây Tạng. Ngài nói với họ rằng, khi những lời than phiền đó lần đầu tiên được Ngài chú ý, Ngài hỏi liệu những cá nhân đó có xem thường những quy tắc giới luật mà Đức Phật đặt ra hay không, tại sao họ lại lắng nghe bất cứ điều gì mà ông ấy nói. Ngài gợi ý rằng, sự xấu hổ công khai có thể sẽ hiệu quả hơn. Ngài khuyên nhóm nên chuyển tiếp khiếu nại của họ trong một bức thư để gởi đến cuộc họp của các nhà lãnh đạo tinh thần.
Khi Yamasawa lái cuộc nói chuyện sang chủ đề người kế nhiệm của Ngài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với cô ấy rằng; vài năm trước, đối mặt với câu hỏi tương tự của một nhà báo ở New York, Ngài đã gỡ đôi kính ra - như Ngài đã làm hôm nay - và hỏi tinh nghịch rằng, “Hãy nhìn vào gương mặt tôi, liệu có cần phải giải quyết vấn đề về sự tái sanh của tôi một cách khẩn cấp không?” Ngài nói với cô rằng, Ngài ít quan tâm đến những gì sẽ xảy ra sau cái chết của mình so với việc trở thành một hành giả Phật giáo tốt ngay tại đây và ngay bây giờ. Ngài lặp lại bài thơ của Tịch Thiên mà Ngài đã lấy làm lời cầu nguyện động viên của mình:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Trong những câu trả lời bổ sung của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh rằng, Ngài khuyên những người đệ tử ngày nay của Đức Phật hãy là những Phật tử của thế kỷ 21, mà Ngài định nghĩa như là những người được thúc đẩy bởi kiến thức và sự hiểu biết về những gì Đức Phật dạy chứ không phải chỉ là đức tin mù quáng. Ngài cũng thảo luận về sự ngưỡng mộ của Ngài đối với nền dân chủ, những nỗ lực của Ngài để giới thiệu cải cách ở Tây Tạng và quyết tâm của Ngài để thực hiện điều đó khi Ngài và 80.000 người Tây Tạng đến với cuộc sống lưu vong.
Một cuộc phỏng vấn thứ hai với bà Yoshiko Sakurai - chủ tịch của bể chứa kiến thức được gọi là Viện nguyên tắc cơ bản quốc gia Nhật Bản - đã đề cập đến một số chủ đề tương tự. Về cách thức mà truyền thống của người Tây Tạng được bảo tồn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh về sự hào hiệp của chính phủ Ấn Độ và Thủ tướng Nehru đã ủng hộ họ như thế nào. Chính Nehru đã đích thân khuyến khích những nỗ lực để giáo dục trẻ em Tây Tạng trong các trường học Tây Tạng riêng biệt và tái thiết lập các cơ sở học viện thiền môn. Do đó, hiện nay đã có hơn 10.000 Tăng sĩ và 1000 Ni Cô đã được huấn luyện tốt trong Truyền thống Nalanda.
Đề cập đến nền giáo dục trong thế giới rộng lớn hơn, Ngài lưu ý rằng nó có khuynh hướng nghiêng về mục tiêu vật chất, trong khi sẽ tốt hơn nếu nó giải quyết những nhu cầu của cả con tim và khối óc. Cụ thể, Ngài đề nghị nên dạy cho mọi người phương pháp giải quyết những cảm xúc tiêu cực của họ.
Khi bà Sakurai than vãn rằng, chính quyền Trung Quốc dường như thực hiện rất ít cho người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ; Ngài đã trả lời rằng, Ngài đã nhìn thấy trong 70 năm qua về bốn thời đại đã bị ảnh hưởng bởi Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình. Mặc dù vẫn cùng một đảng nắm giữ quyền lực, được dẫn dắt bởi cùng một hiến pháp, tuy nhiên những thay đổi lớn đã diễn ra. Ngài lưu ý rằng, vẫn còn có chỗ cho sự thay đổi thêm. Ngài cũng nhận xét rằng 1,2 triệu người Trung Quốc cần có quyền được biết điều gì đang thực sự xảy ra; và khi họ biết được về điều đó, Ngài bày tỏ sự tự tin vào khả năng của họ để phán xét phân biệt những điều đúng - sai, phải - quấy.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập rằng ở Tây Tạng, ngay cả khi sự đàn áp gia tăng, thì người Tây Tạng vẫn tiếp tục theo đuổi con đường bất bạo lực. Ngài nhấn mạnh các trường hợp của hơn 150 người đã tự thiêu là những ví dụ điển hình, Ngài nói rằng, một mặt - họ rất buồn; nhưng mặt khác - họ rất đáng được ngưỡng mộ vì họ vẫn duy trì được tinh thần bất bạo động - ít nhất là trong mối liên quan đến những người khác.
Khi được hỏi làm thế nào mà người Nhật bản và người Tây Tạng có thể đóng góp được cho phúc lợi của nhân loại, Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với truyền thống Thần đạo do sự đánh giá cao đối với môi trường tự nhiên. Ngài tán thán ngợi khen khả năng kết hợp sự phát triển công nghệ với một kiến thức hiểu biết sâu sắc về các hoạt động của tâm thức để giúp cho nhiều người hơn tìm thấy được sự bình yên trong tâm hồn. Ngài cũng bày tỏ hy vọng rằng, Nhật Bản là một quốc gia đã từng bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân - sẽ không từ bỏ sự lãnh đạo của phong trào này để loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Ngài nhắc lại rằng, mục tiêu ấp ủ của Ngài về một thế giới không những “phi vũ khí hạt nhân”, mà còn là “phi quân sự hoá” - nói chung, mục tiêu này sẽ chỉ đạt được khi càng có nhiều người thành tựu được ý thức “giải trừ vũ khí nội tâm” trong trái tim và khối óc của họ. Ngài gợi ý, đây là điều mà các anh chị em Nhật Bản có thể đóng góp được!