Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Trong năm thứ ba liên tiếp, Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) đã đưa một nhóm các nhà lãnh đạo trẻ từ các vùng xung đột đến diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Viện Hoà Bình Hoa Kỳ là một tổ chức phi đảng phái và độc lập, có nhiệm vụ thúc đẩy an ninh quốc gia và ổn định toàn cầu bằng cách làm giảm thiểu sự xung đột bạo lực ở nước ngoài.
Được dẫn đầu bởi Chủ tịch Viện Hoà bình Hoa kỳ - Nancy Lindborg - 27 nhà lãnh đạo trẻ, và ba người đã đến hồi năm ngoái mà hiện giờ đang là những trợ lý giảng viên, đến từ 12 quốc gia khác nhau: Afghanistan, Miến Điện, Cộng hòa Trung Phi, Colombia, Iraq, Libya, Nigeria, Somalia , Nam Sudan, Syria, Tunisia và Venezuela.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước vào phòng, Ngài gởi lời chào đến với tất cả mọi người, "Chào buổi sáng" và bắt tay với các thành viên của nhóm hội thảo đầu tiên của buổi sáng.
Ngài nói với họ: “Tôi thực sự rất thích những cuộc gặp gỡ như thế này. Sự thực hành chủ yếu của tôi là hồi hướng những hành động về thân, khẩu, ý của mình cho lợi ích của tha nhân. Tôi không thể giúp bất kỳ ai trong số quý vị bằng cách dọn dẹp nhà cửa của quý vị, nhưng ít nhất tôi có thể mỉm cười. Thông thường thì một nụ cười sẽ mời gọi một nụ cười khác. Khá hiếm khi thấy một nụ cười bị đáp trả bằng một cái chau mày. Và cũng giống như tôi hồi hướng những hành động về thân của mình cho lợi ích của người khác, tôi cũng thực hiện trực tiếp như thế bằng những hành động về khẩu của mình; nhưng điều chính là tôi hồi hướng những hành động về ý của tôi cho mục đích phúc lợi của những chúng sanh khác - không chỉ hôm nay mà cho đến khi nào hư không còn tồn tại. Tuy nhiên, khi tôi ngồi thiền thì tôi chỉ có một mình, nhưng khi tôi được ở cùng với những người như các bạn, tôi có thể mỉm cười và sử dụng giọng nói của mình. Cảm ơn quý vị đã cho tôi cơ hội này!”
Nancy Lindborg hướng dẫn cuộc trò chuyện bằng cách mời các nhà lãnh đạo trẻ tự giới thiệu về bản thân và đặt câu hỏi cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Câu hỏi đầu tiên được đưa ra bởi một đại biểu đến từ Venezuela, là về vấn đề liệu có thể đạt được hòa bình khi mà bạn không có tự do hay không.
Mô tả về kinh nghiệm sống của chính mình trong một vùng xung đột, Ngài nói với Cô ta: “Có nhiều cấp độ hòa bình khác nhau, khi những người Cộng sản Trung Quốc đầu tiên xâm chiếm Tây Tạng, sự kiểm soát của họ đối với đất nước không quá chặt chẽ.
Vào năm 1954, tôi đến Bắc Kinh để tham dự Đại hội Nhân dân. Tôi đã gặp Chủ tịch Mao nhiều lần. Ông ấy không hành xử như một nhà lãnh đạo chính trị. Tôi đã phát triển một số sự tôn trọng đối với ông và các nhà lãnh đạo đảng khác mà tôi đã gặp, chúng tôi đã thảo luận về lịch sử của cuộc cách mạng và các ý tưởng của Marx. Lúc đó, tôi đã bị thu hút bởi các lý thuyết mà hiện nay được biết đến như là thuyết kinh tế - xã hội của ông ta, đặc biệt là khái niệm phân phối bình đẳng (cộng sản).
"Tuy nhiên, trong cuộc Cách mạng Bolshevik, Lenin đã phá hỏng mọi thứ với tinh thần chiến tranh thời gian của mình và kéo dài sự bí mật, nghi ngờ và đàn áp. Những thái độ này trực tiếp dẫn đến chủ nghĩa toàn trị. Cuối cùng, chính trị gia Stalin đã làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Các nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc đã thực sự tận tụy, nhưng một khi họ được nếm thử về quyền lực, thì dường như việc thực hiện trở nên quan trọng hơn hệ tư tưởng.
"Khi tôi trở về quê nhà vào năm 1955, trên đường tôi gặp Tướng Trương Quốc Hoa và nói với ông ta rằng; vào những năm đầu thì tôi có phần nhát gan, nhưng sau đó thì tôi đã trở lại đầy tự tin. Tuy nhiên, từ năm 1956 trở đi, có vẻ như các quan chức Trung Quốc càng nghi ngờ tôi nhiều hơn. Cùng lúc đó, sự cải cách đã bị áp đặt một cách tàn nhẫn, bắt đầu từ miền Đông Tây Tạng, khiến cho người dân nổi dậy khởi nghĩa. Tuy nhiên, những người phục vụ tiền nhiệm của các lãnh chúa phong kiến Tây Tạng đã thể hiện cho họ thấy sự tử tế bằng cách cho họ biết khi nào họ sắp bị các cuộc đấu tranh để cho phép một số người trong số họ được trốn thoát sang Ấn Độ.
"Nhiều người chạy trốn khỏi miền Đông Tây Tạng và tập trung tại Lhasa. Năm 1959, khi người Trung Quốc mời tôi tham dự một buổi biểu diễn múa, công chúng rất nghi ngờ và vây quanh Cung điện Norbulingka để bảo vệ tôi, tôi cố gắng trấn an họ và viết thư cho người Trung Quốc nhưng vô ích. Tôi đã nhận được một tin nhắn từ một cựu quan chức cao cấp của Tây Tạng yêu cầu tôi xác định nơi tôi đang ở trong Norbulingka, nhưng không rõ mục đích là để bảo vệ tôi hay là nhắm vào tôi. Vào ngày 20 tháng 3, các lực lượng Trung Quốc đã bắn phá Lhasa và tình cờ bắn phá nơi cư trú của tôi tại Norbulingka. Sự quyết định trốn thoát là một quyết định đúng đắn; và ở tại Ấn Độ này tôi đã có thể đóng góp một ý nghĩa lớn lao cho việc đạt được sự an lạc nội tâm.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục giải thích về việc cuộc sống lưu vong đã tập trung vào việc bảo tồn văn hóa và bản sắc Tây Tạng bằng cách giáo dục trẻ em Tây Tạng như thế nào. Ngài gọi đây là một cách tiếp cận thực tế đề cập đến việc sử dụng đến sự giận dữ và bạo lực là tự hủy hoại và dẫn đến sự đàn áp khắc nghiệt hơn. Ngài nhấn mạnh rằng bạo lực là phương pháp sai lầm để mang lại sự thay đổi. Nancy Lindborg nói thêm rằng Viện Hoà Bình Hoa Kỳ đã có bằng chứng cho rằng sự bất bạo lực luôn có hiệu quả hơn về lâu dài.
Ngài lưu ý rằng, hiện nay ước tính có 400 triệu Phật tử ở Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã đánh giá cao về giá trị của Phật giáo Tây Tạng. Ngài nhận xét rằng trong khi người Trung Quốc có thể mang lại sự phát triển vật chất và sự thoải mái về thể chất cho Tây Tạng, thì người Tây Tạng có thể trợ duyên về sự phát triển tâm linh và sự an lạc nội tâm cho người Trung Quốc. Ngài nói, điều quan trọng là duy trì được sự kiên định, thực tế và năng động.
"Chúng tôi đã lưu giữ lại kiến thức Ấn Độ cổ đại về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc trong những cuốn sách mà chúng tôi dịch từ tiếng Phạn. Chúng tôi giải quyết các vấn đề bằng cách xử lý tâm thức và cảm xúc, và xây dựng sức mạnh nội tâm. Sau 70 năm, sử dụng mọi phương pháp, người Trung Quốc đã bị thất bại trong việc bóp chết tinh thần của người dân Tây Tạng."
Đáp lại một câu hỏi về vai trò của phụ nữ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát thấy rằng, phụ nữ đã được chứng minh là nhạy cảm hơn đối với sự đau khổ của người khác. Ngược lại, các anh hùng được tổ chức để tiêu diệt đối thủ của họ hầu như luôn là nam giới. Trong bối cảnh Phật giáo, Ngài nói, chúng ta xem những chúng sinh khác là 'tất cả chúng sinh mẹ' trong sự tri ân lòng tốt của họ. Ngài nhắc lại lời khuyên mà Ngài thường đưa ra về sự cần thiết để nhìn thấy nhiều phụ nữ hơn trong vai trò lãnh đạo và có sự liên quan chặt chẽ hơn trong việc giáo dục về lòng bi mẫn. Ngài trích lời cựu Tổng thống Ireland và nhà vận động nhân quyền - Mary Robinson - khi đề cập đến Ngài như một ‘Đạt Lai Lạt Ma cho nữ quyền’.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ bất cứ nơi nào có thể để khắc phục sự thiếu kiến thức. Ngài nhớ lại rằng ở Tây Tạng, nguồn tin tức chính từ thế giới bên ngoài là những thương nhân Hồi giáo đã du hành đến và đi từ Ấn Độ. Ngài quan sát thấy rằng những người ở nhiều quốc gia bị cô lập thường suy nghĩ về một sự thật, một tôn giáo. Ngài nói, cách tiếp cận này thì rất tốt trên một mức độ cá nhân, nhưng thực tế của thế giới chúng ta đang sống là có một số tôn giáo lớn và sự thật có thể có nhiều khía cạnh.
Ngài lưu ý rằng, nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt thì phát sinh từ việc thiếu nền tảng đạo đức, Ngài khuyến khích về việc rèn luyện tâm thức, trau giồi một mối quan tâm sâu sắc hơn đối với hạnh phúc của người khác. Mối quan tâm như vậy sẽ phát sinh một cách tự nhiên khi chúng ta coi người khác như là anh chị em của mình.
“Chúng ta phải nhớ rằng, mỗi một người trong chúng ta là một phần của nhân loại. Chúng ta cần phải kiên định để đạt được sự thay đổi tích cực, nhưng cũng cần phải có khả năng để có một tầm nhìn sâu rộng về những gì cần phải được thực hiện. Điều quan trọng là không được đánh mất tinh thần. Sự lạc quan sẽ dẫn đến thành công; sự bi quan sẽ đưa đến thất bại. Một người có thể là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác. Những người trong chúng ta, những người thực hành Phật pháp nhằm đạt được quả vị Phật - điều hầu như bất khả thi đối với hầu hết chúng ta - nhưng lại là khát vọng rất lớn cho chúng ta đạt được sức mạnh nội tâm.
“Cuộc gặp gỡ này khiến tôi tự tin rằng chúng ta đang thức dậy. Chúng ta có thể đạt được sự thay đổi trên thế giới. Chúng ta có thể làm cho hạt giống tốt phát triển. Chúng ta cần phải vững chãi trong mục đích của mình và cùng nhau giải quyết chúng. Vài năm trước, một cuộc gặp gỡ của những người đoạt giải Nobel Hòa bình đã nhất trí về nhu cầu cấp thiết để loại bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng để đạt được mục tiêu như vậy, chúng ta cần phải thiết lập thời gian biểu và gắn bó với nó, thu hút người khác vào việc làm cho điều này phải xảy ra.”
Một lãnh đạo trẻ đến từ Nam Sudan đã đến Dharamsala năm ngoái; và năm nay quay trở lại với tư cách là một huấn luyện viên - đã đưa ra một sự đánh giá ngắn gọn về hai cuộc hội thảo mà cô đã tham dự với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Con đã đến đây hồi năm ngoái và con rất vui khi được quay trở lại đây một lần nữa. Con cảm thấy Ngài sống theo những gì mà Ngài nói. Ngài là một nhà lãnh đạo thế giới mà chúng con có được sự kết nối với Ngài. Sự an lạc nội tâm của Ngài là một nguồn cảm hứng đối với chúng con. Con rất vui khi được biết rằng Ngài là một Đạt Lai Lạt Ma cho nữ quyền. Xin cảm ơn Ngài vì đã dành thời gian cho chúng con ở đây!”
Trả lời câu hỏi cuối cùng về việc xây dựng hòa bình, Ngài tuyên bố,
“Ý tưởng có thể di chuyển từ trên xuống, nhưng những biến động khiến cho nó có hiệu lực phải được vận hành từ dưới lên. Tôi rất phấn khởi khi được nhìn thấy những người trẻ như quý vị đang cố gắng để mang lại sự thay đổi tích cực như thế nào. Chúng ta có cơ sở tốt để tự tin vì những nỗ lực của chúng ta là dựa trên sự thật và lý trí - do đó chúng ta sẽ thành công.
“Chúng ta đang làm việc vì lợi ích của nhân loại. Tôi không nghĩ về bản thân mình như một người Tây Tạng hay một Phật tử, mà là một con người. Chúng ta phải nghĩ về toàn bộ nhân loại. Con người là nền tảng chung trong sự nỗ lực của chúng ta để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Hãy nhớ rằng, tất cả chúng ta đều sống phụ thuộc vào người khác.”
Nancy Lindborg bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những người đã góp phần làm cho cuộc hội họp được thành công - bao gồm các nhân viên Văn phòng của Ngài, Viện Hoà bình Hoa Kỳ và Đài Á châu Tự do. Cô ta đã kính tặng cho Ngài một chiếc mũ hòa bình của Viện Hoà bình Hoa kỳ, mà Ngài đã đội lên với một nụ cười tươi tắn. Lời khuyên vào lúc chia tay của Ngài là, cuộc gặp gỡ này xuất phát từ sự hợp tác của các cá nhân.
“Mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, nhưng nhiều người không biết phải làm thế nào. Đúng lúc, và với sự nỗ lực, chúng ta có thể thay đổi điều đó.”