Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Con đường từ Choglamsar trên đường cao tốc Leh-Manali đến Trường Làng Trẻ em Tây Tạng (TCV) được bao quanh cả hai phía và trèo lên như một con hẻm quanh co. Sáng nay, khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm, người Tây Tạng già, trẻ - bao gồm cả những ban nhạc của những tay trống và những người thổi sáo, đều xếp hàng cả hai bên đường để cung đón Ngài.
Đi bộ từ nơi xe của mình đến khán đài có mái che trên sân trường, Ngài đã thỉnh thoảng dừng lại ở đó đây để ban phước cho các nhóm người già, ốm yếu và tàn tật - những người đang chờ đợi để được diện kiến Ngài. Các viên chức nhà trường và cựu thành viên Rajya Sabha - Thiksey Rinpoche cung đón Ngài lên khán đài. Toàn bộ Hội chúng đều đứng lên khi ban nhạc sinh viên biểu diễn các bài quốc ca của Tây Tạng và Ấn Độ.
Giám đốc Chemey Lhundup đã trình đọc bản báo cáo tóm tắt về những phát triển gần đây của trường, tập trung đặc biệt vào việc thành lập một đơn vị chăm sóc trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Điều này đã liên quan đến việc sắp xếp các nhân viên và cơ sở vật chất chuyên dụng và đã được Quỹ Đạt Lai Lạt Ma hỗ trợ.
Các học sinh biểu diễn một vũ điệu của truyền thống Tây Tạng.
Trong báo cáo rộng hơn của ông về khu định cư Tây Tạng Sonamling, Trưởng đại diện Tseten Wangchuk đã tỏ lòng kính trọng đến Sonam Dawa - Cố viên hội đồng của làng Thiksey - người đã viên tịch vào đầu năm nay. Ông đã đề cập rằng, Tiến Sĩ (Geshe) đã giảng dạy sự giới thiệu phổ biến về Phật giáo với lợi ích bao quát rộng rãi. Những phát triển khác bao gồm các trại y tế cung cấp lời khuyên về cách phòng ngừa bệnh tật, cũng như điều trị cho những người có nhu cầu. Men-tsee-khang (cơ sở y tế) cũng cho nhân viên đi đến những khu vực khác nhau của Ladakh để chẩn đoán và điều trị bệnh cho mọi người. Những người du mục sinh sống tại Chang Tang và những cư dân sinh sống ở Leh cũng nhận được sự săn sóc của Khu Định Cư.
Báo cáo cũng đề cập đến những cách tổ chức sắp xếp vấn đề vệ sinh sạch sẽ phù hợp với chiến dịch Swachh Bharat của Chính phủ Ấn Độ, yêu cầu hỗ trợ đối với Chính phủ bang J & K và khoan giếng khoan để giải quyết tình trạng khan hiếm nước do Quỹ cứu trợ trẻ em hỗ trợ. Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bakula Rinpoche được tổ chức; và trong tháng 7, các đại diện định cư đã đến thăm cộng đồng Hồi giáo Tây Tạng ở Srinagar. Trưởng Đại diện kết thúc với những lời cầu nguyện Ngài được trường thọ và thành tựu những Tâm nguyện của Ngài.
Tiếp theo sau đó là vũ điệu truyền thống do các thành viên của Khu định cư Sonamling biểu diễn, TCV đã thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tặng quà cho các lãnh đạo Ladakhi trong số các vị khách.
“Kính lễ Quán Thế Âm Bồ Tát” là cách mà Ngài mở đầu lời phát biểu của mình. “Hôm nay, tôi đã được đến khu định cư này, nơi có rất nhiều học sinh đang hiện diện, và tôi sẽ nói chuyện với quý vị như một người Tây Tạng từ Xứ Tuyết - bằng ngôn ngữ Tây Tạng. Đa số người Tây Tạng ở Tây Tạng và những người sống lưu vong đều tin tưởng vào tôi, vì vậy tôi muốn nói vài lời với họ.
“Tây Tạng thường được gọi là “Nóc Nhà của Thế giới”. Một nhà khảo cổ học Trung Quốc đã nói với tôi rằng những di tích cổ xưa mà ông được thấy, đã cho thấy rằng sự định cư của con người ở Tây Tạng đã có đến 35.000 năm tuổi, vốn khá sớm theo bất kỳ tiêu chuẩn nào - vào một thời điểm mà đất nước có thể đã được biết đến với cái tên Shang-Shung. Sau đó, vào thế kỷ thứ 7, Vua Songtsen Gampo đã kết hôn với một công chúa Trung Quốc và một Công chúa Nepal; và thông qua họ đã có sự kết nối với Phật giáo. Đức Vua đã thúc giục việc tạo ra chữ viết Tây Tạng, liên quan đến một bản chữ cái dựa trên kiểu chữ Devanagari và ngữ pháp Ấn Độ.
“Vào thế kỷ thứ 8, khi Vua Trisong Detsen muốn thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng, Đức Vua đã thỉnh cầu Ngài Thiện Hải Tịch Hộ. Vị học giả vĩ đại này từ Nalanda đã giới thiệu một phương thức học tập Thiền môn. Ngài đã thiết lập Tu viện đầu tiên tại Samye, trong đó bao gồm một phần dành cho các nhà Sư độc thân, và xuất gia cho bảy người Tây Tạng đầu tiên để xem họ có thể giữ được giới nguyện haykhông.
“Dưới sự chỉ đạo của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, công trình được bắt đầu với sự phiên dịch phần lớn văn học Phật giáo tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng, với kết quả là hôm nay chúng ta có 100 bộ sưu tập của Kangyur (Kinh tạng) - những dịch phẩm được dịch ra từ lời dạy của Đức Phật; và 225 tập của Tengyur (Luận tạng) - những luận giải của các bậc Luận sư của Ấn độ sau này. Ngài đã giới thiệu về phương pháp mà chúng ta vẫn tiếp tục ngày hôm nay để ghi nhớ thuộc lòng các bản Kinh văn gốc, nghiên cứu các luận giải của nó và thực nghiệm về những gì mà chúng ta đã học được trong cuộc tranh luận. Điều này có hình thức bác bỏ quan điểm của người khác, khẳng định những quan điểm của chính mình và tái thiết sự phê bình.
“Thiện Hải Tịch Hộ là một học giả thành tựu, một nhà logic học và là một triết gia vĩ đại - như những tác phẩm của Ngài đã chứng thực. Nhờ sự hướng dẫn của Ngài mà ngôn ngữ Tây Tạng đã được làm cho trở nên phong phú một cách sâu sắc trong quá trình dịch thuật. Sau đó, thông qua sự nghiên cứu và thực hành của họ; người Tây Tạng đã đảm bảo được việc bảo tồn Phật giáo. Những luận giải của các bậc Luận sư Tây Tạng trước tác được ước tính lên tới hơn 40.000.
“Tổ tiên Tây Tạng của chúng ta đã đáp ứng được tâm nguyện của bộ ba vĩ đại - Bậc Tinh Thông Liên Hoa Sanh, Tu viện trưởng Thiện Hải Tịch Hộ; và Hoàng Đế Trisong Detsen - và truyền bá Phật giáo trên khắp Tây Tạng. Và chúng ta - những thế hệ hậu sanh của họ - cũng đã giữ gìn được cho sự sống còn của truyền thống này.
“Để chứng minh sự thật về Giáo lý của Đức Phật, chỉ dựa vào việc trích dẫn kinh thánh là không rõ ràng; vì sự mâu thuẫn trong những sự trình bày khác nhau này. Các nhà logic sau này đã phân loại các Kinh điển thánh thư thành những loại mà người ta có thể dựa vào một cách dứt khoát và những loại mang tính tạm thời. Logic và lý luận chính là chìa khóa; và các sinh viên đang tranh luận ở đây ngay từ lúc bắt đầu đã tham gia vào truyền thống đó.
“Phong cách mà chúng ta tranh luận ở Tây Tạng có thể khác nhau ở một số khía cạnh từ cách lập luận được thực hiện ở Nalanda. Vào thế kỷ 12, Sakya Pandita đã soạn thảo một luận thuyết toàn diện về logic trên cơ sở Chapa Chökyi Sengey đã đưa ra các quy tắc và phong cách tranh luận mà chúng ta sử dụng ngày nay. Một hệ quả là các ngôn ngữ như tiếng Hindi, tiếng Anh và tiếng Trung không thể đến gần với độ chính xác mà các ý tưởng Phật giáo và lập luận logic có thể được diễn tả bằng tiếng Tây Tạng. Sáu triệu người Tây Tạng nhưng chỉ là một giọt trong đại dương 7 tỷ người đang sống hôm nay, nhưng vẫn với ngôn ngữ của chúng ta mà Phật giáo có thể được giải thích và hiểu biết một cách chính xác nhất."
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quan sát thấy rằng, phần lớn sự đào tạo về logic và lý luận đã trang bị cho các học giả Tây Tạng có khả năng tương tác với các nhà khoa học hiện đại. Họ đã được học nhiều hơn về thế giới vật chất; và các nhà khoa học đã được học về tâm thức - nói cách khác, cuộc hội thoại đã giúp cho cả hai bên cùng có lợi. Sự nghiên cứu khoa học đã trở thành một phần của chương trình giáo dục trong các tu viện lớn. Sự đổi mới này có nghĩa là các tu viện hiện nay mô phỏng một cách chặt chẽ hơn về tình huống ở Nalanda như được mô tả trong ‘Ngọn Đuốc Lý Luận’ của Ngài Thanh Biện đã mô tả hàng loạt các quan điểm tương phản cạnh tranh sự chú ý.
Ngài tiếp tục: “Chúng ta đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng tinh thần của nhân dân Tây Tạng vẫn còn rất mạnh mẽ. Chúng ta không phản đối người dân Trung Quốc, nhưng những thành viên bảo thủ, cứng nhắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gây ra cho chúng ta một thời kỳ khó khăn. Bao lâu mà người dân Tây Tạng còn tìm cách bảo tồn những đặc tính độc đáo của họ, thì những người bảo thủ này đã diễn giải sai về nó như một mong ước ly khai khỏi Trung Quốc. Trong quá trình đấu tranh của chúng ta, hàng ngàn tu viện và đền chùa đã bị phá hủy. Các nhà sư cũng bị đối xử tàn bạo.
“Một Giáo Viên của Jamyang Sheypa - người mà tôi đã gặp trên đường đến Trung Quốc vào năm 1954 - đã bị bắt giữ sau năm 1959 và bị kết án tử hình. Trước khi bản án được thi hành, ông ta yêu cầu cho một khoảnh khắc để cầu nguyện; và ông đã thốt lên những câu sau đây:
“Với sự ban phước của các bậc Thầy thánh thiện,
Con nguyện ước rằng sự đau khổ của chúng sinh.
Mong nó chín muồi và giáng xuống đời con;
Và con xin nguyện dâng hiến đến tha nhân
Tất cả hạnh phúc và phước lành con có được!
“Tương tự như vậy, một tu sĩ khác mà tôi biết đã bị bắt vào hệ thống nhà tù Trung Quốc 18 năm trước khi ông ấy đến được Ấn Độ. Khi tôi nói chuyện với ông về những trải nghiệm của ông; ông ấy đã nói với tôi rằng ông đã gặp nguy hiểm rất nhiều lần. Tôi nghĩ rằng ông ấy muốn nói đến sự nguy hiểm đối với mạng sống của mình; tôi đã yêu cầu ông ấy kể cho tôi nghe về điều đó. Ông trả lời rằng, ông đã nhiều lần có nguy cơ xuýt đánh mất lòng từ bi dành cho các công tố viên Trung Quốc của mình.
“Chúng ta đã hoàn toàn đồng hóa Phật giáo kể từ khi Phật giáo được truyền đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện tất cả các bước để tẩy não người dân Tây Tạng, tìm cách xóa sạch văn hóa và bản sắc của chúng ta, nhưng điều đó thật là vô ích, hảo huyền; bởi vì không gì có thể khiến cho lòng quyết tâm của chúng ta bị lung lay, chùn bước. Ngày nay, đã có rất nhiều người chú ý đến Phật giáo Tây Tạng, trong số đó có khoảng 400 triệu Phật tử ở Trung Quốc.
“Các tài liệu lịch sử cho chúng ta biết rằng vào thế kỷ thứ 7, 8 và 9, ba đế chế đã phát triển mạnh mẽ - Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng. Không hề có sự đề cập đến trong những tài liệu Trung Quốc về việc Tây Tạng là một phần của Trung Quốc.
"Pandit Nehru nói với tôi rằng Hoa Kỳ sẽ không đi đến chiến tranh với Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng; do vậy sớm hay muộn gì thì chúng ta cũng sẽ phải nói chuyện với người Trung Quốc. Chúng ta đã kêu gọi đến Liên Hợp Quốc nhưng điều đó đã không thành công; và vào năm 1974 chúng ta đã quyết định không tìm kiếm sự độc lập, mà phải chuẩn bị để tham gia vào cuộc đối thoại. Phương pháp Trung Đạo của chúng tôi được ủng hộ bởi phần lớn người Tây Tạng ở Tây Tạng và những người sống lưu vong. Và tôi tin rằng nếu người dân Trung Quốc hiểu rằng người Tây Tạng không theo đuổi sự độc lập, thì họ sẽ có ít lý do để phản đối chúng ta hơn. Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều trong 40 năm qua, tôi tin rằng chúng ta có thể mong đợi sự thay đổi tích cực hơn nữa.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, những người Tây Tạng ở Ladakh đã làm tất cả những gì họ có thể để giữ cho kiến thức và văn hóa của họ được sống còn. Ngài nói, ở những nơi khác trên thế giới, người Tây Tạng có giá trị nhờ vào cách cư xử và tính ngay thẳng của họ. Ngài đề cập đến sự nghỉ hưu của mình vào năm 2011 và Ngài đã uỷ quyền lãnh đạo chính trị cho vị lãnh đạo được công chúng bầu chọn. Ngài đã đề cập rằng một số du khách thường nhắc đến Phật giáo Tây Tạng như là Lama Giáo, nhưng hiện nay đã có một sự thừa nhận phổ quát rằng nó thực sự đại diện cho truyền thống Nalanda của Ấn Độ.
Ngài kết thúc bằng một câu chuyện về Mao Trạch Đông hỏi Ngài vào năm 1954 rằng Tây Tạng có Quốc Kỳ hay không. Khi nghe được rằng người dân Tây tạng cũng có lá cờ của họ; ông ta đã nói với Ngài rằng; điều quan trọng là phải giữ gìn nó và cho nó bay cùng với lá Cờ Đỏ. Vì vậy, Ngài khuyến khích những người ủng hộ rằng; khi các nhân viên sứ quán Trung Quốc phàn nàn về việc cờ Tây Tạng tung bay ở những nơi khác nhau, thì nên nói với họ rằng đích thân Mao Trạch Đông đã cho phép Đức Đạt Lai Lạt Ma treo nó.
Trong lời tác bạch cảm ơn, Dhondup Tsering đã bạch lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng lòng tốt của Ngài không thể nào đền đáp hết được - nhưng - thay mặt cho người dân Tây Tạng trong các khu định cư và trong các khu vực du mục, ông cầu nguyện cho Ngài được trường thọ và thành tựu những tâm nguyện của Ngài.