Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Cuộc trò chuyện vui vẻ tràn ngập Hội trường bên cạnh Văn phòng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bỗng trở nên im lặng khi Ngài bước vào phòng và lướt nhìn những khuôn mặt của các sinh viên đang chờ đợi Ngài. Ngài mỉm cười một cách rộng rãi, chào mừng họ “Chào buổi sáng” và an toạ. Có 51 học sinh thuộc lớp 11 và 12 từ trường Woodstock, họ đang viếng thăm Dharamsala trong “tuần lễ hoạt động” ngoại khóa của họ. Lần đầu tiên Ngài kết bạn với Trường Woodstock vào lúc bắt đầu cuộc đời lưu vong khi Ngài sống ở Mussoorie, một trạm đồi, nơi trường có trụ sở ở đó.
Sau khi hỏi có bao nhiêu người Tây Tạng và người Bhutan có trong nhóm, Ngài muốn biết những học sinh còn lại là những người đến từ đâu. Đa số là người Ấn Độ, nhưng trong tổng số bảy quốc gia cũng có sinh viên đến từ Palestine, Syria và Afghanistan.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài vừa mới nói chuyện với một nhóm từ Indonesia về việc Ngài cảm thấy buồn khi chứng kiến sự xung đột giữa người Hồi giáo Shia và người Hồi giáo Sunni. Đối với Ngài, thật là không thể tưởng tượng được rằng những người thờ phụng cùng một Đức Allah và theo cùng một Quran mà lại tàn hại lẫn nhau như họ dường như đã làm.
"Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghe nói về những cuộc cãi vã như vậy giữa các tín đồ Sunni và Shia ở Ấn Độ," Ngài nói với họ. “Thật vậy, Ấn Độ là nơi duy nhất trong tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, những tôn giáo bản địa của đất nước, cũng như những tôn giáo đến từ nước ngoài, tất cả ở đây đều sống hạnh phúc bên nhau. Truyền thống lâu đời về sự hòa hợp giữa các tôn giáo của Ấn Độ là một tấm gương điển hình; và bây giờ đã đến lúc để chia sẻ sự thực hành này với tất cả phần còn lại của thế giới.”
Câu hỏi đầu tiên của một số học sinh liên quan đến những trò tiêu khiển của Ngài.
“Khi tôi còn là một cậu bé, tôi đã từng tận hưởng mọi thứ,” Ngài trả lời với một nụ cười, “Tôi kiểm tra những món đồ chơi và đồng hồ của mình để xem cách thức chúng hoạt động như thế nào. Tôi tháo dỡ và lắp ráp một máy chiếu phim thuộc về Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 để làm cho nó hoạt động. Từ khi còn trẻ, tôi cũng thích trồng cây. Tôi trồng hoa tulip đẹp trong vườn Norbulingka ở Lhasa. Tuy nhiên, những ngày nay, khi tôi lớn lên, tôi ít quan tâm đến những thứ này.”
Một sinh viên khác muốn biết ai là người quyết định điều gì là đạo đức. Ngài nói với cô ta rằng, tất cả các tôn giáo lớn của thế giới đều dạy về tình thương yêu, lòng từ bi, sự khoan dung và tinh thần tự kỷ luật. Một số truyền thống, như Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo, thì tin vào một Đấng sáng tạo là Đức Chúa và coi tất cả chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời đó. Các truyền thống Ấn Độ khác như đạo Kỳ Na Giáo và Phật giáo nhìn thấy chính chúng sinh là người tham gia vào sự tạo tác của chính mình, do đó trách nhiệm đối với sự thay đổi đều dựa trên đôi vai của chúng ta.
Ngài khuyên, “Chúng ta không nên để mình bị chi phối bởi sự nhận thức của giác quan, chúng ta cũng nên chú ý đến ý thức của tinh thần, phát triển một sự tập trung nhất tâm và sử dụng nó để phân tích bản chất của bản thân và bản chất của thực tại.
“Những gì chúng ta trải nghiệm là kết quả của những hành động của chính chúng ta. Nếu nó mang lại niềm vui, thì chúng ta coi những gì chúng ta đã làm là tích cực; nếu nó dẫn đến đau khổ, thì chúng ta nghĩ rằng hành động của chúng ta là tiêu cực. Cũng như chúng ta không thể nói rằng một loại thuốc đặc biệt là tốt nhất cho mọi trường hợp, chúng ta không thể nói rằng một truyền thống tôn giáo là tốt nhất. Chúng ta cần những truyền thống khác nhau của chúng ta vì những tính cách khác nhau của mỗi con người và do đó chúng ta cần đối xử với sự tôn trọng đối với mọi tôn giáo.“Nhiều vấn đề mà chúng ta đang đối mặt hôm nay là do chính chúng ta tạo ra; bởi vì chúng ta là con mồi đối với những cảm xúc phiền não. Chúng ta có xu hướng suy nghĩ về 'chúng ta' và ‘bọn họ’ với rất ít ý thức về sự hợp nhất của nhân loại. Tuy nhiên, chẳng hạn, sự biến đổi khí hậu, bởi vì nó ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, có nghĩa là chúng ta phải có một cái nhìn toàn cầu hơn. Chúng ta không thể bỏ bê nó. Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau. Hãy xem Tây Tạng và các con sông của nó là nguồn nước của biết bao nhiêu quốc gia của Châu Á. Nhưng tuyết rơi đã giảm thiểu đáng kể do hậu quả của sự nóng lên của toàn cầu.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với một học sinh đã hỏi làm thế nào để khắc phục tính thờ ơ lãnh đạm và được truyền cảm hứng hơn, rằng cần phải cải thiện hệ thống giáo dục của chúng ta. Chúng ta thường được hướng dẫn về việc giữ gìn vệ sinh thân thể để bảo vệ sức khỏe của mình, nhưng chúng ta cần thêm vào đó một ý thức vệ sinh cảm xúc. Điều này có nghĩa là học cách giải quyết những cảm xúc phiền não như sự giận dữ, sợ hãi và hận thù. Thay vì chuyển sang ma túy hoặc rượu chè, bằng cách rèn luyện tâm thức, chúng ta có thể thay đổi cảm xúc của mình.”
Tâm lý học Ấn Độ cổ đại có nhiều điều để nói về điều này và mặc dù Ngài nói Ấn Độ hiện đại là khá vật chất, nhưng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng Ấn Độ là nước duy nhất có thể tiên phong kết hợp giáo dục hiện đại với kiến thức Ấn Độ cổ đại về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc
Khi được hỏi liệu Ngài có bao giờ nghi ngờ về giáo lý của Đức Phật không, Ngài đã trả lời rằng Đức Phật khuyên những người theo Ngài không nên bám chấp vào những gì Ngài dạy theo giá trị bề ngoài mà phải bằng sự nghi vấn và điều tra nghiên cứu. Do đó, Phật giáo nói chung và truyền thống Nalanda nói riêng có một cách tiếp cận thực tế căn cứ vào lý trí và logic. Ngài giải thích rằng trên cơ sở đó Ngài đã có thể tham gia đối thoại với các nhà khoa học trong gần bốn mươi năm.
“Đại học Nalanda hiện đang ở trong đống đổ nát điều tàn, nhưng truyền thống nghiên cứu đã phát triển ở đó mà Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã thiết lập ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Ngài là một học giả vĩ đại và là một nhà sư phạm, cũng như một Tăng Sĩ thuần tuý, và chúng tôi đã gìn giữ được những gì mà Vị ấy đã truyền dạy cho chúng tôi.”
Trước khi cuộc họp kết thúc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thu hút sự phân biệt giữa các thế hệ của thế kỷ 20 và 21. “Tôi thuộc về thế kỷ 20, thời gian ấy đã qua rồi. Tuy nhiên, tất cả quý vị thuộc về thế kỷ 21 và bạn cần phải suy nghĩ về cách làm thế nào để tránh sự lặp lại các lỗi lầm của quá khứ. Nơi mà thế kỷ 20 tràn đầy xung đột bạo lực, thì bây giờ cần phải giải trừ vũ khí.
“Tại một cuộc gặp gỡ của những người đoạt giải Nobel Hòa bình ở Rome vài năm trước, chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc loại bỏ vũ khí hạt nhân. Tôi gợi ý rằng nếu chỉ nói về điều đó không thôi là không đủ. Chúng ta cần phải thiết lập một thời gian biểu và gắn nó vào. Tôi tin rằng nó có thể được thực hiện bởi vì nói chung mọi người đang chán ngấy với bạo lực.
“Ngoài việc loại bỏ vũ khí hạt nhân, chúng ta cần một ý thức rộng lớn hơn về phi quân sự hoá. Chìa khóa cho điều này là đưa ra quyết tâm giải quyết xung đột và các vấn đề khác thông qua đối thoại. Theo các bước như vậy, quý vị thuộc thế kỷ 21 có cơ hội xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, hòa bình hơn. Cảm ơn quý vị.”
Các sinh viên háo hức muốn chụp ảnh với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau đó Ngài trở lại Dinh thự của mình để dùng cơm trưa.