Kargil, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Gặp gỡ với một nhóm nhỏ các đại diện giới truyền thông tại khách sạn của Ngài ở Kargil sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trước tiên đã vạch ra ba cam kết của mình.
“Là một con người, tôi biết rằng tất cả chúng ta, về mặt thể chất, tinh thần và tình cảm đều giống nhau; và tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc. Các nhà khoa học nói rằng bản chất cơ bản của chúng ta là từ bi. Rõ ràng lòng yêu thương và tình cảm đã mang mọi người đến với nhau. Ngay cả loài động vật cũng thể hiện lòng vị tha hạn chế đối với bạn đồng hành của nó. Loài Voi dường như than khóc thương tiếc khi có một con trong đàn bị chết.
“Hầu hết chúng ta đều rất thích lòng yêu thương và tình cảm vĩ đại từ người mẹ của mình từ khi mình được chào đời. Và cũng từ nơi Mẹ mà chúng ta nhận được hạt giống đầu tiên của lòng bi mẫn. Bất kể chúng ta có niềm tin vào tôn giáo hay không, nhưng nếu là một người từ bi thì vẫn tốt hơn. Nó làm cho chúng ta hạnh phúc hơn khi những cá nhân có sự ảnh hưởng tích cực đến gia đình mình và cả khu phố nơi chúng ta đang sống. Người đã sống một cuộc sống tử tế - khi họ qua đời, mọi người sẽ tiếc thương họ và sẽ nói như thế. Nhưng khi một người giận dữ, tham lam, đầy tham vọng chết đi, thì mọi người sẽ có cảm giác nhẹ nhõm. Vì vậy, tôi cố gắng thực hành lòng nhân ái bất cứ nơi nào tôi đến.
“Cam kết thứ hai của tôi là khuyến khích hòa hợp liên tôn giáo và thứ ba là bảo vệ môi trường tự nhiên. Đây là những lĩnh vực mà tôi nghĩ rằng các thành viên của giới truyền thông có trách nhiệm cảnh báo và giáo dục công chúng.”
Người đặt câu hỏi đầu tiên nói với Ngài rằng mọi người đã hạnh phúc đến mức nào khi được Ngài đến thăm Kargil lần thứ hai. Ngài trả lời rằng Ngài đã bị ấn tượng và xúc động bởi sự chú tâm rất gần gũi mà mọi người đã dành cho những gì Ngài đã nói ở Công viên Hussaini ngày hôm qua. Ngài đã đề cập đến các cuộc thảo luận gần đây về khả năng triệu tập một cuộc Hội nghị Hồi giáo Ấn Độ, nhằm chia sẻ với các anh chị em Hồi giáo ở các nơi khác trên thế giới về việc những người Hồi giáo ở Ấn độ đã sống hoà hợp như thế nào giữa những tôn giáo khác nhau; và làm thế nào mà không hề có sự cãi nhau giữa các nhánh Hồi giáo Sunni và Shia.
Một phụ nữ trẻ hỏi về tình bạn; và Ngài đã nói với cô ấy rằng tình bạn thực sự và bền vững thì dựa trên sự tin cậy; và lòng tin tưởng chỉ phát triển khi bạn thể hiện sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Ngài nhớ lại lời khuyên của một linh mục Ki tô giáo mà Ngài đã quen biết - một người cố vấn hướng dẫn hôn nhân - đã nói với Ngài rằng ông ta thường khuyên các cặp vợ chồng đừng vội vã kết hôn, mà là phải làm quen với nhau trước. Phát triển niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau là cơ sở tốt hơn cho một cuộc hôn nhân bền vững lâu dài hơn là chỉ đơn giản thu hút nhau về mặt thể chất.
Đối với việc giải quyết xung đột trên thế giới, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kiên quyết chống đối việc sử dụng vũ lực và khuyến khích mọi người nên đối thoại.
Nói chuyện với một nhóm Phật tử đến từ Kargil trên bãi cỏ bên ngoài khách sạn, Ngài nhận xét rằng, trong nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau, truyền thống Nalanda là đáng chú ý nhất vì sự sử dụng lý trí, logic và tư duy để phân tích. Ngài nói, Đức Phật đã khuyến khích tâm hoài nghi khi Ngài nói với các đệ tử là không nên chấp nhận những gì Ngài nói về đức tin, mà là kiểm tra nó như một thợ kim hoàn kiểm tra chất lượng của vàng và chỉ chấp nhận nó sau khi họ đã chứng minh được giá trị của nó.
“Tất cả các truyền thống tôn giáo đều có khả năng giúp cho các cá nhân trở thành những người tốt hơn bởi vì họ truyền tải một thông điệp chung về giá trị của tình thương yêu và lòng từ bi, tâm khoan dung và sự tha thứ. Các tín ngưỡng thần học thì tin vào một Đấng sáng tạo, những truyền thống không thuộc về thần học - như Kỳ na giáo và Phật giáo thì không tin vào Đấng sáng tạo và họ có cách tiếp cận khác. Họ nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân và tầm quan trọng của việc rèn luyện tâm trí của chúng ta và giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, hận thù và ganh tỵ.
“Văn học Phật giáo chứa đựng một kiến thức phong phú về các hoạt động của tâm thức và cách xử lý những cảm xúc tiêu cực như thế. Tôi cố gắng để cho mọi người biết rằng, sự phát triển một mình về lĩnh vực vật chất thôi là không đảm bảo rằng ta sẽ có được hạnh phúc - yếu tố quan trọng là sự bình yên trong tâm hồn. Là những đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta hãy cố gắng thực hiện tốt để chú ý hơn đến giáo pháp của Ngài và chuyển hoá tâm thức của chúng ta.
“Ngài Tịch Thiên, bậc Đạo sư Nalanda vào thế kỷ thứ 8, đã viết cuốn “Nhập Bồ Tát Hạnh”, và tôi đã theo sát những lời khuyên được viết trong đó và đã chuyển hoá cảm xúc của chính mình. Chương thứ sáu, liên quan đến hạnh nhẫn nhục, có lời khuyên vô giá về việc làm giảm thiểu sự tức giận. Chương tám thảo luận về lý do tại sao và làm cách nào chúng ta có thể phát triển Bồ Đề tâm của mình.”
Ngài đã trao một số bản sao của cuốn sách bản dịch tiếng Anh và tiếng Hindi.
“Phật tử chúng ta nên là những người Phật tử của thế kỷ 21, ít dựa vào đức tin hơn, mà nên dựa nhiều hơn vào sự hiểu biết về cách thức hoạt động của tâm thức. Hội Tawang gần đây đã giải quyết để mở rộng các trung tâm học tập dọc theo vùng Hy Mã Lạp Sơn từ Ladakh đến Tawang trong các ngôi chùa, tu viện và ni viện hiện có. Họ có sự ủng hộ hoàn toàn của tôi.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe khoảng 40km từ Kargil đến Trường Công lập Thung lũng Mùa Xuân được thành lập vào năm 1992 tại Mulbekh. Ngài được hộ tống đến pháp toà của mình trên khán đài có mái che nhìn xuống sân trường, nơi có 230 học sinh, cha mẹ và người thân, nhân viên nhà trường và các thành viên quan tâm của công chúng được tập hợp lại.
Hiệu trưởng Norboo đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc trong sự chào đón của ông. Ông nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, họ đã rất lấy làm tiếc khi thời tiết xấu ngăn cản Ngài đến thăm trường vào năm 2014. Nhưng họ đã không từ bỏ hy vọng; và vô cùng biết ơn khi Chủ tịch Haji Ali thỉnh Ngài đến Kargil và tạo điều kiện để Ngài đến Mulbekh. Hiệu trưởng báo cáo rằng nhà trường và giáo viên của mình tin rằng nếu họ cung cấp một nền giáo dục toàn diện trong một môi trường thân thiện và ân cần, thì học sinh sẽ học được cách sử dụng sự sáng tạo bẩm sinh vì lợi ích của chính mình và của người khác.
Ông bày tỏ lòng biết ơn về sự hỗ trợ mà nhà trường đã nhận được từ Ngân Quỹ Đạt Lai Lạt Ma, đặc biệt là cho dự án Ký túc Xá, dự kiến sẽ mở rộng đáng kể những hoạt động của trường trong những tháng mùa đông lạnh giá. Ông kết luận, "Chúng con sẽ cống hiến để cung cấp cho trẻ em một nền giáo dục có chất lượng tốt và xin thành kính tri ân về sự khuyến khích và hỗ trợ của Đức Ngài."
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố về sự đánh giá cao của Ngài đối với sự báo cáo của Hiệu Trưởng: “Bạn đang cố gắng thực hành những gì tôi nói, vì vậy tôi không có nhiều điều để thêm vào.
“Chúng ta đang ở thế kỷ 21 và khi chúng ta nhìn lại thế kỷ trước, dường như nó đã bị ngập tràn sự đau khổ và chiến tranh. Trong khi tôi thuộc về thế kỷ 20, thì các cháu học sinh ở đây thuộc về thế kỷ 21. Ngày nay, chúng ta thấy những cuộc khủng hoảng trên thế giới là do cách suy nghĩ cổ hũ - chủ yếu là sử dụng vũ khí và vũ lực để giải quyết vấn đề. Mặc dù sau đó thái độ đã thay đổi, nhưng trong phần đầu của thế kỷ 20, mọi người vẫn còn tự hào về quân đội hùng mạnh của họ, cũng như về sau này họ đã tự hào về vũ khí hạt nhân của họ.
“Tuy nhiên, sau Thế chiến thứ hai, mọi người bắt đầu đánh giá cao tầm quan trọng của sự hòa bình. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, de Gaulle và Adenauer đã làm việc để thiết lập những điều mà sau này đã trở thành Liên minh châu Âu, và kết quả là hòa bình đã chiếm ưu thế ở châu Âu kể từ đó. Tinh thần nầy của sự thúc đẩy vì lợi ích chung hơn là lợi ích quốc gia nhỏ hẹp của họ - là điều mà tôi thực sự rất ngưỡng mộ.
“Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một phong trào chống hạt nhân cũng nổi lên do Nhật Bản dẫn đầu. Tôi đã đến Hiroshima và Nagasaki, nơi mà những vũ khí gây sốc này đã được sử dụng. Gần đây hơn, trong cuộc khủng hoảng Iraq, nhiều người ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới đã tuần hành biểu tình phản đối bạo lực và chiến tranh.
“Gặp gỡ các tình nguyện viên ở đây - họ đến từ Cộng hòa Séc - đã nhắc tôi nhớ đến Tổng thống Vaclav Havel, người ủng hộ cho phong trào hòa bình như thế. Khi Tiệp Khắc trở nên độc lập và tự do khỏi sự thống trị của Liên Xô, ông đã mời tôi đến dự lễ kỷ niệm. Ông ấy là người mà tôi thực sự ngưỡng mộ. Sự qua đời của ông là một mất mát lớn. Chúng ta cần nhiều nhà lãnh đạo như Ông.
“Ở Ấn Độ, Mahatma Gandhi đã theo đuổi cuộc đấu tranh tự do thông qua tinh thần bất bạo lực. Ông đã học cách triển khai thực hiện sự thực hành của Ấn Độ cổ đại về ahimsa (bất bạo động) trong bối cảnh chính trị.
“Vào thời điểm khủng hoảng Iraq, tôi được yêu cầu đến Baghdad để dàn xếp, nhưng tôi không cảm thấy tôi có bất kỳ sự kết nối nào để có hiệu quả. Tôi đã viết thư cho Tổng thống Havel gợi ý rằng một phái đoàn, ví dụ, những người đoạt giải Nobel Hòa bình, đại diện cho phía không có chính phủ, chỉ là với sự quan tâm đến hòa bình, thì có thể sẽ có ảnh hưởng đến các sự kiện. Tôi vẫn nghĩ rằng chiến tranh có thể tránh được.
“Sau sự kiện ngày 11 tháng 9 tại New York và Washington, tôi đã viết thư cho Tổng thống Bush dâng lời cầu nguyện và gởi lời chia buồn của tôi. Tôi cũng bày tỏ hy vọng rằng bất kỳ sự phản ứng nào của ông ta cũng nên là phi bạo lực. Tôi nói, "Hôm nay có một Bin Laden, nhưng nếu bạn dùng đến bạo lực và sử dụng vũ lực, thì bạn có nguy cơ tạo ra hàng trăm Bin Ladens." Bạo lực kích động bạo lực trong một vòng lẩn quẩn bất tận."
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát rằng sẽ luôn có những sự bất đồng giữa con người như là kết quả của những ý tưởng khác nhau, nhưng cách giải quyết những bất đồng này là thông qua đối thoại. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải biến điều này thành một thế kỷ hòa bình bằng cách thừa nhận rằng tất cả chúng ta thuộc về cộng đồng con người, nhưng cũng nên nhớ rằng hòa bình phải được bắt đầu ở một cấp độ cá nhân.
Ngài lưu ý rằng con người là động vật xã hội; và tình yêu thương đã mang chúng ta đến với nhau, trong khi cơn giận khiến chúng ta trở nên xa cách. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, khi sự giận dữ và hận thù liên tục sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta, lòng từ bi sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng quát của chúng ta. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, đây không phải là điều liên quan đến kiếp sau, thiên đàng hay niết bàn; Mà là để có một cuộc sống yên bình và vui vẻ hơn trong đời sống hàng ngày thì chúng ta cần có một trái tim ấm áp nhân hậu.
“Đây là một số điều tôi đã quan sát. Tôi thuộc về thế kỷ 20, nhưng những người trong số của quý vị thuộc về thế hệ của thế kỷ 21 - cần phải tính đến cả thế giới. Hãy cố gắng làm cho thế kỷ này trở thành một kỷ nguyên hòa bình. Nền giáo dục hiện đại nên chú ý đến cách phát triển sự an lạc nội tâm. Cũng như chúng ta cần có một thể chất phù hợp, chúng ta cũng cần phải có một tinh thần phù hợp. Và cũng giống như chúng ta học cách duy trì vệ sinh về thể chất để duy trì sức khỏe, thì chúng ta cũng cần vệ sinh về cảm xúc, liên quan đến việc xử lý những cảm xúc tiêu cực của chúng ta.
“Nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt hôm nay là do chính chúng ta gây ra. Tạo ra một thế giới hoà bình hơn đòi hỏi phải có một tâm hồn yên bình và một trái tim hòa bình. Là anh chị em - chúng ta phải sống chung với nhau trong sự khoan dung và tình cảm. Một trong những bước chúng ta có thể thực hiện là khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ấn Độ có thể cho thế giới thấy rằng các truyền thống tôn giáo của thế giới có thể sống chung với nhau trong tình bằng hữu và sự tôn trọng.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nói về mối đe dọa của sự biến đổi khí hậu và nhu cầu cấp thiết của việc chăm sóc môi trường. Ngài cho biết tuyết rơi ở Dharamsala trong 60 năm qua đã giảm dần. Kết quả sẽ là sự thiếu hụt về nguồn nước. Ngài nhớ lại rằng khi Ngài ở Tây Tạng, tất cả mọi người đều được lấy nước sạch. Chỉ đến khi sống lưu vong Ngài mới biết được rằng do sự ô nhiễm mà một số nguồn nước không phù hợp để uống. Tuy nhiên, Ngài nói, các bước khắc phục có thể đáp ứng với thành công. Tại một con sông ở Stockholm, Thụy Điển, đã bị ô nhiễm nên không có nhiều cá trong đó, nhưng sau những nỗ lực để loại bỏ sự ô nhiễm, cá đã quay trở lại.
Cuối cùng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng mình là một Phật tử, một học trò của Truyền thống Nalanda và chính truyền thống này đã dạy Ngài về trí thông minh của sự tư duy lý luận.
“Đức Phật là một bậc Thầy vĩ đại, nhưng Ngài cũng là một triết gia, một nhà tư tưởng vĩ đại, người đã khuyến khích về lý trí và thử nghiệm. Ngài Long Thọ, Thánh Thiên, Phật Hộ Nguyệt Xứng, Trần Na và Pháp Xứng, cũng là những triết gia vĩ đại. Chúng tôi vẫn nghiên cứu những gì mà họ đã trước tác. Hầu hết hơn 300 tập của Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (luận tạng) đều có phiên bản dịch của các bản Kinh văn Ấn Độ. Trong quá trình dịch thuật, ngôn ngữ Tây Tạng đã được làm phong phú và tinh tế hơn. Do đó, ngày nay nó là phương tiện chính xác nhất để giải thích triết học và tâm lý học Phật giáo. Vì vậy, biết nói tiếng Tây Tạng thật là đáng giá biết bao! Ngày nay, ngay cả các học giả Trung Quốc cũng đánh giá cao phương pháp khoa học của truyền thống Nalanda mà chúng tôi đã giữ gìn cho nó được sống còn ở Tây Tạng.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kết thúc bằng cách ban khẩu truyền cho các em về “Xưng tán Đức Văn Thù” và thần chú của Ngài. Ngài nhắc lại tầm quan trọng của giáo dục và nói với khán giả rằng nếu không có giáo dục, quý vị sẽ không thể phát triển được.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng gia nhập với các học sinh Thung lũng mùa Xuân trong việc cùng tụng ‘Bài Cầu Nguyện của Lời Chân Thật’, tiếp theo sau đó, nhạc sĩ người Séc - Iva Bittova đã biểu diễn một bài hát truyền thống của Séc.
Sau khi dùng cơm trưa với khách mời, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xem Ký Túc Xá mới và chụp ảnh với các sinh viên, tình nguyện viên đến từ Séc, cùng với giáo viên và nhân viên trước khi đi xe về Kargil. Ngày mai, Ngài sẽ trở về Leh.