Padum, Zanskar, J & K, Ấn Độ - Giữa những nhóm người chờ đợi để được diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài rời khỏi nơi cư trú vào sáng nay, Ngài đã dành thời gian để nói chuyện với các cựu học sinh của Trường Làng Trẻ em Tây Tạng. Ngài nhắc nhở họ rằng, mặc dù có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nhưng các vị Vua tôn giáo của Tây Tạng đã chọn nguồn Ấn Độ làm cơ sở để phát triển ngôn ngữ và văn học Tây Tạng. Tương tự như vậy, họ đã thỉnh mời các bậc Đạo Sư từ Ấn Độ sang để thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng. Do đó, Vùng đất Tuyết là nơi mà truyền thống Nalanda - một cách tiếp cận giáo lý của Đức Phật được thành lập trên lý trí và logic - đã được giữ gìn và bảo tồn cho được sống còn. Ngài kêu gọi họ nên nhớ rằng giá trị của ngôn ngữ Tây Tạng là phương tiện chính xác nhất để thể hiện ý tưởng Phật giáo và vai trò quan trọng của lý luận và logic trong sự nghiên cứu của họ.
Ngài đã đi xe đến Trường Công Lập Mẫu ở Padum theo lời mời của Anjumane Moen-ul-Islam. Người phát ngôn của họ nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng họ rất vui mừng được chào đón Ngài như là hiện thân hòa bình, hòa hợp xã hội và cộng đồng.
Ngài đáp: “Tôi cũng rất vui khi được đến đây một lần nữa! có thể được chia sẻ một thời gian với các anh chị em Hồi giáo của tôi ở đây. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nói về sự hợp nhất của nhân loại - về sự giống nhau như thế nào của loài người chúng ta trên phương diện thể chất, tinh thần và tình cảm. Mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và không ai muốn chịu đựng sự khổ đau. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm thế nào để đạt được hạnh phúc và giảm bớt khổ đau?
Niềm hạnh phúc không đến từ bên ngoài - từ tài sản và danh vọng. Những người nghĩ đến việc tìm kiếm hạnh phúc lâu dài trên cơ sở của những trải nghiệm cảm giác, dựa vào những điều đẹp đẽ mà họ nhìn thấy; hoặc nghe những âm thanh hay, hương vị thơm ngon và mùi hương thơm ngát, hoặc những xúc chạm êm ái mượt mà… họ có thể sẽ bị thất vọng! Thậm chí nếu tất cả những thú vui cảm giác mà bạn có thể nghĩ đến - đều có sẵn cho bạn, thì chúng cũng sẽ không làm cho bạn hạnh phúc được nếu tâm trí của bạn khó chịu, bấn loạn và bất an. Bạn có từng thấy tình trạng này trong số những người mà bạn quen biết không? là những người dường như có mọi thứ họ muốn, nhưng họ vẫn tiếp tục lo lắng, căng thẳng và buồn bã? Mặt khác, tất cả chúng ta đều biết về những gia đình không đặc biệt giàu có dư giả gì, nhưng họ hạnh phúc vì họ có tấm lòng nhân hậu, yêu thương và trìu mến dành cho nhau.
“Tôi đã gặp một tu sĩ Công giáo - người đã sống năm năm như một ẩn sĩ ở vùng núi phía trên tu viện của mình. Ông ta sống dựa vào những thực phẩm ít ỏi và cơ sở vật chất sơ sài - hầu như chẳng có chút tiêu khiển nào về cảm giác. Tôi hỏi về sự thực hành của ông ấy; và ông ấy đã nói với tôi rằng ông thiền định về tình yêu thương, lúc đó, ánh sáng lấp lánh trong đôi mắt của ông đã cho tôi thấy rằng ông đã tìm thấy được niềm hạnh phúc đích thực.
“Bây giờ tôi đã là một ông già; và tôi đã phải đối diện với những khó khăn từ khi tôi mới mười sáu tuổi, và tôi thấy rằng sự nỗ lực để tạo ra niềm an lạc trong tâm hồn là rất hữu ích!
"Các anh chị em thân mến! Trong thế giới hiện đại, có quá nhiều sự nhấn mạnh vào mục tiêu vật chất; trong khi tốt hơn là chúng ta nên học cách để xử lý những cảm xúc của mình. Cũng giống như nền giáo dục của chúng ta bao gồm sự rèn luyện về vệ sinh cơ bản để duy trì sức khoẻ của thể chất; chúng ta cũng cần một loại vệ sinh về cảm xúc để có sự lành mạnh về tinh thần. Kiến thức Ấn Độ cổ đại - có nguồn gốc từ các thực hành để phát triển sự tập trung nhất tâm (định) và sự hiểu biết qua phương pháp phân tích (tuệ); bao gồm rất nhiều sự liên quan đến những hướng dẫn về quy trình hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Chúng ta có thể tận dụng tốt điều này trong bối cảnh thế tục và nền học thuật ngày nay.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập rằng, các nhà khoa học đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Ngài nói rằng sự trải nghiệm chung của tất cả chúng ta là - mọi người đều rất thích lòng yêu thương và tình cảm ngọt ngào của mẹ từ khi mình vừa mới chào đời. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng; trong khi đó - sự giận dữ và hận thù liên tục sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta, việc trau giồi lòng từ bi sẽ làm gia tăng sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Ám chỉ đến thực tế rằng tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều phát triển mạnh ở Ấn Độ - những tôn giáo bản địa và những tôn giáo đến từ nơi khác - Ngài tuyên bố rằng đó là một phần của sự vĩ đại của Ấn Độ mà những truyền thống này đã sống với nhau trong sự hòa hợp. Đó là một tấm gương điển hình cho cả phần còn lại của thế giới.
"Đã có một số bất hòa giữa Phật tử và người Hồi giáo ở Ladakh và ngay cả ở Zanskar này. Tuy nhiên, tất cả các tôn giáo của chúng ta đều truyền đạt cùng một thông điệp, khuyến khích tình yêu thương, lòng từ bi và sự hài lòng, biết đủ. Do đó, chúng ta sẽ có thể sống chung với nhau trong tình bạn bè và hòa hợp. Cuộc họp gần đây giữa các đại diện Hồi giáo và Phật giáo và nghị quyết của họ để giải quyết những khác biệt giữa họ đã được báo cáo với tôi và tôi rất cảm kích về điều đó.
"Đó là tất cả những gì tôi muốn nói, xin cảm ơn quý vị!” Ngài kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội. "Nếu quý vị ngồi yên tại chỗ, tôi sẽ đến nơi và đứng ở giữa để chúng ta có thể chụp ảnh cùng nhau."
Điểm dừng chân tiếp theo của Ngài là cơ sở y tế mới được gọi là Men-Tsee-Khang. Thượng Toạ Chosphel Zotpa đã nói với đám đông chật kín rằng; tổ chức này sẽ cung cấp với cả hai phương pháp điều trị theo truyền thống Tây tạng và phương pháp trị liệu theo thuốc đồng căn. Tất cả là đều nhờ vào lòng tốt của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông cảm ơn Ngài và thỉnh cầu Ngài không những trở lại Zanskar nhiều lần nữa, mà còn là để ban cho Quán đảnh Kalachakra một lần nữa.
Ngài trả lời: ”Vì rất khó để có được sự chăm sóc sức khỏe thích hợp ở một nơi xa xôi hẻo lánh như thế này, cho nên chúng tôi đã thảo luận về việc thiết lập các cơ sở để cung cấp cho Sowa Rigpa và phương pháp điều trị thuốc đồng căn thông thường. Tôi rất vui khi biết rằng điều đó chứng minh là nó hữu ích. Tôi muốn cảm ơn các nhân viên y tế nói riêng về tất cả các công việc tốt của quý vị.
"Tôi là một đệ tử của Truyền thống Nalanda, được đào tạo về lý luận và logic, điều này đã giúp tôi nhìn thấy mọi thứ rõ ràng trong những lần thỉnh thoảng đến thăm viếng nơi đây. Tôi không có nhiều điều để nói, nhưng tôi có thể thấy được rằng quý vị đã hiểu và thực hành theo những lời khuyên của tôi. Tôi đã khuyến khích việc nghiên cứu sâu hơn về giáo lý Phật giáo trong các tu viện và Ni viện; và hiện nay, ngay cả những người cư sĩ cũng đang thể hiện sự quan tâm ngày càng gia tăng.
"Những ý tưởng về triết học và tâm lý học mà chúng ta tìm thấy trong kinh Phật không cần thiết phải được nhìn nhận trong ánh sáng tôn giáo. Chúng cũng có thể được nghiên cứu theo cách học thuật một cách khách quan. Đây là lý do tại sao tôi đã khuyên rằng, thay vì các bậc Thầy tôn giáo ở các trường Tây Tạng thì nên sắp xếp thời gian cho Pandit Nehru; ngày nay chúng ta nên đề cử những người hướng dẫn về Triết học. Ngoài những lời khuyên về tình yêu thương và lòng từ bi là những điểm chung đối với tất cả các tôn giáo, thì Phật giáo còn giải thích về vô ngã, và đó là điều mà mọi người đều có thể học hỏi.
"Ở trường Hồi giáo - vừa mới đây - tôi đã nói về sự cần thiết đối với việc chăm sóc môi trường. Tôi đã đề cập rằng, ở Dharamsala nơi tôi sống, ở đó có ít tuyết rơi hơn trước đây. Có lẽ ở đây cũng giống như thế. Chúng ta cần chuẩn bị các hồ chứa để đảm bảo cho việc cung cấp nước. Trong vòng mười năm tới, mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều; ở Ladakh và Zanskar, quý vị có thể gặp phải những khó khăn nghiêm trọng liên quan đến nước, cần phải trồng cây và thực hiện sự thu hoạch nước.
"Khi tôi đến thăm Israel, tôi đã quan sát thấy trong các khu định cư của Israel, họ có phương pháp sử dụng nước từng giọt đến hiệu quả tối đa để môi trường xung quanh của họ có màu xanh.
"Biến đổi khí hậu có nghĩa là chúng ta không thể tiếp tục sống theo cách mà chúng ta đã có trong hàng 1000 năm qua. Thời tiết nóng hơn bao giờ hết, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải đối mặt với lũ lụt do mưa quá mức. Thiên tai đang gia tăng và dường như sự biến đổi khí hậu và sự nóng lên của toàn cầu có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn.
“Bây giờ là 11 giờ và tôi phải đi. Hãy sống thật vui vẻ! Mặc dù Thượng toạ Chosphel Zotpa yêu cầu tôi trở lại và truyền Kalachakra một lần nữa, điều đó có thể khó khăn. Nhưng cho dù tôi có thể trở lại hay không, tôi cũng sẽ không bao giờ quên quý vị!"
Tại trường Mẫu Lamdon ở một góc khác của Padum, Tiến Sĩ Geshe Damchö, Hiệu trưởng của trường, đã giới thiệu ngắn gọn. Ông nói rằng trường được thành lập vào năm 1988 và từ đó đã có 870 sinh viên đã tốt nghiệp. Trong số này, tám người đã tham gia đào tạo y khoa MB.BS, bảy tiến sĩ theo đuổi trong các môn học khác nhau và nhiều hơn nữa đã vào Viện Công nghệ Ấn Độ. Ông thỉnh cầu Ngài nói chuyện với các học sinh và nhân viên của trường.
"Người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn - nhìn chung - đều theo cùng một nền văn hóa như người Tây Tạng chúng tôi,” - Ngài bắt đầu. "Nhưng quý vị được tự do bảo tồn văn hóa và tôn giáo của mình. Người dân Tây Tạng chúng tôi đã bị mất đi Tổ quốc của mình và đang đối mặt với mọi khó khăn; nhưng mọi thứ sẽ thay đổi! Vài tháng trước, một người Hồi giáo Tây Tạng từ Srinagar đến gặp tôi. Ông ta nói với phương ngữ Lhasa thật hoàn hảo, và hỏi tôi: “Thưa Ngài! khi nào chúng ta sẽ trở về Lhasa?” Ông ấy, cũng giống như chúng tôi, đã không quên quê hương của mình!
"Như tôi đã nói, người dân Hy Mã Lạp Sơn theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng - truyền thống Nalanda. Tôi đã nghe những lời đề nghị rằng Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng) nên được dịch sang tiếng địa phương Sikkimese và Ladakhi, nhưng nó sẽ dễ dàng hơn cho mọi người để học hoặc hoàn thiện sự hiểu biết của mình bằng tiếng Tây tạng. Nếu bạn bỏ qua sự hiểu biết của mình về ngôn ngữ, thì nó sẽ khó khăn cho bạn để hiểu và giải thích được những gì mà kinh điển đề cập đến. Như tục ngữ có nói rằng: “Nếu bạn có châu báu trong tay nhưng không nhận ra giá trị của nó, thì chẳng có điểm nào để phàn nàn một khi bạn mất nó”. Gần đây, Hội Tawang đã công bố kế hoạch mở rộng các ngôi đền và tu viện trên dãy Hy Mã Lạp Sơn thành các trung tâm học tập, đó là một sự phát triển tuyệt vời.
"Trong 50 hoặc 60 năm qua, cả Ladakh và Zanskar đều đã đạt được những tiến bộ đáng kể về vật chất, bao gồm cả việc thành lập các trường học như thế này. Tôi rất ngưỡng mộ tất cả sự nỗ lực của giáo viên và nhân viên trong việc giáo dục trẻ em. Tôi rất vui khi biết rằng không có sự phân biệt đối xử tôn giáo khi nói đến giáo dục; và nhà trường cũng đã thu hút được các sinh viên Hồi giáo."
Ngài hỏi các học sinh có biết bài “Xưng tán Đức Văn Thù” hay không; và nghe rằng họ đã đề nghị cho họ được đọc chung với Ngài. Ngài yêu cầu họ quán tưởng hình dung Đức Văn Thù Sư Lợi trên đỉnh đầu và tưởng tượng những tia sáng phóng ra từ Đức Văn Thù để giúp làm tăng trưởng trí tuệ và sự thông minh của họ. Sau đó Ngài hướng dẫn họ đọc câu thần chú của Ngài Văn Thù: “Om a-ra-pa-tsa-na-dhi.”
Tiếp theo sau đó là một sự trì tụng rất cảm động về “Sự Cầu Nguyện của Lời Chân Thật”, ngay cả những đứa trẻ nhỏ nhất cũng hát những lời đó một cách nhiệt thành với giai điệu thật cảm động. Vào đoạn cuối của lời cầu nguyện bày tỏ mong ước rằng:
“Xin Đấng Bảo Hộ Quán Thế Âm
Thực hiện lời cầu nguyện thậm thâm
Trước chư Bồ Tát và Chư Phật
Ôm trọn dân Xứ Tuyết vào lòng!
Cầu cho lời nguyện trĩu ước mong
Sớm mau viên mãn, chóng thành công,
Nguyện cho thành tựu ngay hiện tại;
Ở tại nơi đây, phút giây này!”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng có nhiều người Trung Quốc có thể phân biệt được đúng - sai, người có thể tìm cách giải quyết được vấn đề Tây Tạng. Tuy nhiên, trong sự vô minh, có những người nghĩ rằng nó phải được giải quyết bằng vũ lực. Đây là một khía cạnh của lối tư duy độc tài mà cần phải được thay đổi.
"Tôn giáo và văn hóa Tây Tạng có tiềm năng mang lại lợi ích cho người dân Trung Quốc. Về mặt phát triển vật chất, Trung Quốc có thể giúp Tây Tạng. Đây là cơ sở để chúng tôi không tìm cách ly khai, mà là chọn lựa một giải pháp để hai bên cùng có lợi.
“Liên quan đến điều này, tôi thực sự rất ngưỡng mộ Liên minh châu Âu, được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Kết quả là hòa bình đã chiếm ưu thế trong 70 năm qua giữa những kẻ thù cũ. Sau chiến tranh, Tổng thống de Gaulle và Thủ tướng Adenauer đã sử dụng ý thức chung. Họ hiểu rằng việc theo đuổi một mối quan tâm chung thì tốt hơn so với sự tập trung nhỏ hẹp vào chủ quyền của một quốc gia. Về liên minh Châu Âu, họ đã mang lại một sự thành tựu thật tuyệt vời!
"Trong thế kỷ thứ 7, 8 và 9, các sách lịch sử Trung Quốc đã ghi lại, Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng là ba quốc gia có chủ quyền. Các tài liệu Trung Quốc đã ghi lại từ Đời Đường cho đến triều đại Mãn Châu đã không hề đề cập đến bất cứ điều gì về việc Tây Tạng là một phần của Trung Quốc. Kể từ năm 1974, chúng tôi đã chọn phương pháp không tìm cách ly khai với Trung Quốc. Tuy nhiên, các quyền mà chúng tôi tuân theo hiến pháp Trung Quốc phải được thực hiện. Hiện nay, Trung Quốc đang thay đổi và cánh cửa của chúng tôi đang mở ra.
"Những người Trung Quốc bảo thủ tiếp tục nhắc đến Đạt Lai Lạt Ma như một “kẻ ly khai”; nhưng cả thế giới đều biết điều này là không đúng. Có lẽ họ không biết cách thay đổi luận điệu của mình, hoặc - bằng cách nào đó - nó có ích cho họ để tiếp tục nói như vậy. Tuy nhiên, sự chỉ trích của họ dường như đang giảm đi. Cho dù là năm tới hay năm sau nữa, tôi tin rằng sự thay đổi sẽ đến."
Sau đó, Ngài đi xe về Phodrang để dùng cơm trưa. Ngày mai, Ngài sẽ rời Zanskar và đi đến Kargil.