Yokohama, Nhật Bản - Bầu trời thật quang đãng và ánh sáng mặt trời buổi ban mai đã chiếu sáng chiếc cầu ngang qua Vịnh Yokohama khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bộ đến địa điểm của Pháp hội trước khi khán giả bắt đầu đến vào ngày hôm nay. Ngồi một mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu các nghi lễ chuẩn bị cho quán đảnh Quán Thế Âm mà Ngài sắp ban truyền. Phía sau Ngài có treo một bức Thangka thật lớn về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hai bên là Ngài Long Thọ và Ngài Vô Trước; và một bức mô tả khác về Đức Quán Thế Âm - Đấng của thế gian. Bên cạnh Ngài là gian lều nhỏ có mạn đà la của Đức Quan Thế Âm.
Lúc mọi người bắt đầu đến kín hội trường thì “Bát nhã Tâm Kinh” được tụng trước tiên bằng tiếng Nhật, sau đó là tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Mông Cổ.
Khi đã chuẩn bị sẵn sàng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Chào buổi sáng, hôm nay tôi sẽ truyền quán đảnh của Đức Đại từ bi, Đức Quan Thế Âm, Đấng của thế gian. Nói chung, tôi xem giáo lý của Đức Phật bao gồm hai thể loại: cấu trúc chung bao gồm các giáo lý kinh điển từ ba lần chuyển Pháp Luân; và những giáo lý đặc biệt được trao cho các nhóm hoặc cá nhân đặc biệt. Sự trao truyền quán đảnh Mật tông ngày nay thuộc về loại giáo lý chuyên môn.
“Ở Ấn Độ không có sự phân chia thành các mật tông cũ và mới - một sự phân biệt được giới thiệu ở Tây Tạng vào thời của Dịch giả Lotsawa Rinchen Sangpo. Trong truyền thống mật tông cũ có những giáo lý thuộc dòng truyền thừa dài ‘kama', dòng truyền thừa ngắn của 'terma' hoặc kho báu ẩn, và dòng truyền thừa khép kín từ các nguồn có tầm nhìn xa trông rộng. Sự truyền quán đảnh này được bắt nguồn từ những Tầm nhìn Bí mật của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm. Tôi đã nhận những quán đảnh này từ Tagdrag Rinpoché khi tôi còn rất trẻ và tôi đã thực hiện nhiều khoá nhập thất có liên quan.
"Khi chúng tôi ban đầu đến với cuộc sống lưu vong, chúng tôi không có bản sao của Kinh văn, nhưng cuối cùng, một bản sao đã đến với tôi và kể từ đó, theo phong tục của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, tôi thực hiện sự cúng dường lên Đức Quán Thế Âm vào ngày thứ mười của mỗi tháng phù hợp với nó. Ở Tây Tạng có một bức tượng Quán Thế Âm nổi tiếng ở Potala, một bức tượng khác ở Jokhang, trong khi một bức tượng thứ ba là Wati Sangpo hay Kyirong Jowo trong sự chăm sóc của Tu viện Dzongkar Chodé. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm thực hiện một cuộc nhập thất Quán Thế Âm, Ngài thỉnh ba Vị đến với nhau và trải nghiệm những linh kiến về các vị thần nổi lên từ tim của Ngài Wati Sangpo.
“Bức tượng đó, Kyirong Jowo, được Chư Tăng Dzongkar Chodé mang đến Ấn Độ và hiện đang ở cùng với tôi ở Dharamsala. Chư Tăng nói rằng các biểu hiện khác nhau có thể được nhìn thấy trên khuôn mặt của bức tượng; và tôi đã nhận thấy Ngài có vẻ mỉm cười khi tôi đang cầu nguyện liên quan đến Bồ Đề tâm. Tôi đã có một giấc mơ về Ngài một lần, trong đó tôi đã nói chuyện mặt đối mặt với Ngài. Tôi hỏi Ngài đã liễu ngộ được Tánh Không chưa? Ngài trả lời "Có". Một số người coi Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của Đức Quan Thế Âm, nhưng tôi coi mình là sứ giả của Ngài.”
Ngài nói về truyền thống Nalanda và cách truyền bá sau khi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ giới thiệu truyền thống này đến Tây Tạng. Ngài đề cập rằng người hành hương Trung Quốc -Huyền Trang - đã đến thăm Đại học Nalanda, nơi ông đã học hành và được cho là đã gặp được Ngài Long Trí là đệ tử của Ngài Long Thọ. Cuối cùng, truyền thống Nalanda lan truyền từ Tây Tạng đến Mông Cổ và Cộng hòa Mông Cổ của Nga là Kalmykia, Buryatia và Tuva.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quan sát thấy đã từng có một phong tục ở Tây Tạng tôn kính một nhóm các học giả Ấn Độ được gọi là "Sáu bậc Trang Sức và Hai bậc Tối thượng”, nhưng Ngài nhận thấy rằng một số học giả nổi bật đã bị thiếu sót. Ngài thêm tên của họ, và vẽ lên một danh sách mới của ‘Mười bảy bậc Luận Sư Nalanda’ và uỷ thác cho vẽ một bức tranh của tất cả các vị ấy. Ngài nhận xét rằng Khunu Lama Rinpoché, Tenzin Gyaltsen đã nói với Ngài rằng một số Đạo sư Phật giáo nổi bật trong số các học giả Ấn Độ; và những tác phẩm như "Trí Tuệ Căn bản Trung quán Luận“ của Ngài Long Thọ và “Luận giải về Tập Lượng Luận của Trần Na” của Ngài Pháp Xứng là những tác phẩm tiếng Phạn có chất lượng cao nhất.
Trở lại với vấn đề về những linh kiến và các Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài đã đề cập rằng Gendun Drup - Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên đã học với Je Tsongkhapa và là một hành giả tận tụy đã có linh kiến về Đức Tara. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai - Gendun Gyatso, đã có những linh kiến về các vị thần từ thời thơ ấu của ngài. Do sự khác biệt với Panchen Yeshe Tsemo, Ngài không thể ở tại Tu viện Tashi Lhunpo do người tiền nhiệm của Ngài thiết lập, và Ngài đã đến Drepung. Viện chủ ở đó có một giấc mơ về Tenma Chunyi (Mười hai nữ thần bảo vệ Tây Tạng) đã mang một tu sĩ đến Tu viện. Ngài nói với Chư Tăng ở đó rằng có người đang đến và mọi người hãy chuẩn bị để cung nghinh vị ấy.
Quả nhiên, Gendun Gyatso trở thành Viện chủ của Drepung và sau đó là Viện chủ của Sera. Ông ta có mối liên hệ mật thiết với Palden Lhamo. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích, “Tôi từng có một giấc mơ rằng tôi đang ở trên đỉnh của Potala, và tôi có thể nghe thấy giai điệu sâu sắc của lời cầu nguyện dâng hiến của Drepung cho Palden Lhamo. Một giọng nói bảo tôi rằng Gendun Gyatso đã sáng tác nó.
“Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai rất nổi tiếng vì đã thiết lập Tu viện Chö-khor Gyal và mở Hồ Lhamo Latso. Ngài cũng thiết lập Ngari Dratsang và Dagpo Dratsang. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ ba, những hành trạng của Sonam Gyatso đã đưa Ngài đến Mông Cổ - hầu hết đều như có một kế hoạch cho các Đức Đạt Lai Lạt Ma mở rộng sự ảnh hưởng của họ. Cuối cùng, Vị thứ Năm đã trở thành nhà lãnh đạo tinh thần và lãnh đạo quốc sự của Tây Tạng.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng Ngài đã được sinh ra trong một ngôi làng khiêm tốn gần Kumbum, nơi sinh của Je Tsongkhapa, người được xem như điển hình cho phương pháp thông qua phân tích lý luận, có thể chuyển hoá tâm thức và làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Vì vậy, bao lâu chúng ta còn bám víu vào sự vô minh - như trong khái niệm cho rằng mọi thứ đều có sự tồn tại độc lập - thì những cảm xúc phá hoại sẽ nảy sinh trong chúng ta. Ngài đã trích dẫn lời của Ngài Thánh Thiên:
Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện diện, khiến não phiền
Khéo chế ngự hỗn loạn này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh bình yên.
Tuy nhiên, ông tiếp tục làm sáng tỏ rằng, vì vô minh không có cơ sở vững chắc nào trong lý trí, cho nên nó có thể bị đánh bại cùng với những vấn đề do nó phát sinh.
Ngài đã thông báo rằng Ngài sẽ truyền giới cho Cư sĩ. Ngài đã chỉ ra rằng:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Chư Phật đã chỉ ra con đường đúng đắn mà chúng ta đã noi theo.
Ngài cũng nhớ lại rằng Đức Phật đã do dự về việc có nên dạy những gì mà Ngài đã nhận ra sau khi giác ngộ hay không, bởi vì không ai có thể hiểu được những gì Ngài đã nói. Tuy nhiên, cuối cùng giải thích rằng "trong cái nhìn của những bậc tôn quý, đây là sự thật đau khổ ...", Ngài đã dạy về Tứ Diệu Đế. Sau đó, trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai, Ngài dạy về Bát Nhã Ba La Mật. Ý nghĩa rõ ràng của những giáo lý đó là sự trống rỗng của sự tồn tại độc lập, mà Ngài Long Thọ chịu trách nhiệm đối với việc nghiên cứu tỉ mỉ. Ý nghĩa ẩn tàng là làm thế nào để tiến bộ trên đạo lộ mà Ngài Vô Trước đã làm sáng tỏ trong Năm bộ luận của Di Lặc.Trước khi truyền quán đảnh, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban khẩu truyền về sự giải thích của Je Tsongkhapa về ‘Xưng tán Đức Phật về Giáo lý Duyên khởi’. Ngài nhớ lại rằng khi Tsongkhapa rời khỏi xứ Amdo của mình để đi đến miền Trung Tây Tạng ở tuổi 16, Vị Thầy Dhondup Rinchen đã cho Ngài lời khuyên rõ ràng về cách Ngài nên theo đuổi con đường học vấn của mình. Vì thế, Ngài đã đi đến tu viện Kadampa của Sangphu, nơi mà Ngài tham gia vào các nghiên cứu triết học và tham dự những kỳ thi khảo hạch.
Tại Gadong, Ngài trải nghiệm một linh kiến về Đức Văn Thù Sư Lợi - người sẽ tư vấn cho Ngài sau này. Sau đó, khi Ngài đang giảng dạy một nhóm tín đồ thì Đức Văn Thù Sư Lợi bảo Ngài phải nhập thất. Khi Tsongkhapa bày tỏ sự hiểu lầm của người khác về việc làm gián đoạn những giáo lý mà Ngài đã ban cho, Đức Văn Thù Sư Lợi nói với Ngài rằng Ngài biết rõ hơn hết. Tsongkhapa nhập thất trong sự khổ hạnh nghiêm khắc với những bạn đồng hành như Togden Jhampa Gyatso.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nóit rằng, khi Ngài còn nhỏ, Ngài đã học thuộc lòng ‘Xưng tán Đức Phật và Lý Duyên khởi” trong một buổi sáng. Sau đó, Ngài nhận được lời giải thích từ vị thầy Kinnauri Gyen Rigzin Tempa - người đã nhận nó từ Khangsar Dorje Chang.
Khi đọc xong bản Kinh văn, Ngài bắt đầu truyền quán đảnh Quán Thế Âm mà các thành viên của khán giả đã dành sự chú ý đầy hoan hỷ của họ. Sau khi kết thúc hai ngày giảng dạy về Phật Pháp, Ngài đã vẫy tay chào khán giả ở các hướng khác nhau của hội trường và với tay dang rộng ở phía trước sân khấu khi chuẩn bị rời khỏi. Ngày mai, Ngài sẽ tham gia vào một cuộc đối thoại về khoa học hiện đại và khoa học Phật giáo.