Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, dưới bầu trời giông bão, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi từ nơi cư trú của mình đến Tsuglagkhang để tham gia vào cuộc đối thoại thứ hai giữa các học giả Nga và học giả Phật giáo về chủ đề “Hiểu biết Thế giới”. Sự kiện này được tổ chức bởi Trung tâm Văn hóa và Thông tin Tây Tạng (ở Matx-cơ-va), Quỹ Cứu nguy Tây tạng Tibet (ở Matx-cơ-va), và Hội Đạt Lai Lạt Ma, với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Ý Thức tại Đại học Quốc gia Lomonosov Matx-cơ-va, và Viện Triết học, Học viện Khoa học Nga.
Trong Chánh điện, Ngài đã kính lễ trước tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và chào các Tăng sĩ an tọa gần đó. Sau đó, Ngài quay sang chào đón những người bạn cũ trong số chín nhà khoa học Nga đã tập trung quanh một cái bàn trong phần chính của Chánh điện. Không gian còn lại được lấp đầy bởi khoảng 150 quan sát viên trong đó có 75 người Nga, 18 tu sĩ Tây Tạng có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, 17 sinh viên từ Viện Phật giáo Sarah, 25 người từ Men-tsee-khang, 50 sinh viên từ Làng trẻ em Tây Tạng , ba Vị từ Tong-len và hai giáo viên từ trường Cao đẳng Chính phủ Dharamsala, ngoài ra còn có 18 Vị khách của Ganden Phodrang.
Telo Rinpoche, Đại diện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Văn phòng Tây Tạng ở Matx-cơ-va, đã giới thiệu ngắn gọn về Cuộc đối thoại thứ hai giữa các học giả Nga và học giả Phật giáo ở Dharamsala. Ông hoan nghênh các nhà khoa học Nga, cũng như những người xem chương trình phát sóng trực tuyến, lưu ý rằng tiến trình đã được thực hiện bằng tiếng Anh, Nga, Trung Quốc và Tây Tạng.
Giáo sư điều hành Konstantin Anokhin cảm ơn Ngài đã tham dự cuộc hội nghị này. Ông đã thưa với Ngài rằng tất cả những người tham gia đã đọc và rất bị ấn tượng bởi cuốn sách "Vũ trụ trong một Nguyên tử duy nhất" của Ngài, và họ dự định sẽ được tìm thấy trong cuộc đối thoại này dựa trên những ý tưởng lấy ra từ nó. Ông thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban cho lời phát biểu để khai mạc hội nghị.
Ngài bắt đầu, “Thưa các anh chị em, tôi tin rằng 7 tỉ người của chúng ta hiện nay, đang có rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt hôm nay là do chính chúng ta tạo ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng, bản chất của con người chúng ta về cơ bản là từ bi. Sở dĩ chúng ta tạo ra những vấn đề rắc rối bởi vì chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi cảm xúc; và bởi vì chúng ta nhìn những người khác dưới khái niệm 'chúng ta' và 'bọn họ'. Do cái nhìn thiển cận, chúng ta quên rằng tất cả chúng ta đều là một phần của nhân loại, điều đó đã dẫn đến việc chúng ta làm hại người khác. Chúng ta cho rằng sự hủy diệt kẻ thù của chúng ta là sự chiến thắng của mình, trong quá khứ điều đó có thể là sự thật. Nhưng, hôm nay, chúng ta phụ thuộc lẫn nhau đến nỗi khi những người khác bị tổn hại, chúng ta cũng bị tổn hại, bên cạnh đó chúng ta phải giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.
“Hơn nữa, tại thời điểm này, mọi người đang bị giết chết ở những nơi khác như Syria và Yemen, trong khi những người khác đang bị chết vì đói khát. Và tệ nhất là có những người giết nhau nhân danh của tôn giáo. Chúng ta mâu thuẫn với bản chất từ bi của chính mình do sự thiển cận việc nhận ra sự hợp nhất của 7 tỷ người.
“Là động vật xã hội, chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng của mình, vì vậy, đã đến lúc để giáo dục mọi người về ý thức rằng tất cả chúng ta đều là những con người. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào nhau. Thái độ ái trọng tự thân là thiếu thực tế. Tâm hẹp hòi chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình là một sự suy nghĩ thiếu giáo dục.
“Trong hàng ngàn năm qua, các truyền thống tôn giáo đã chuyển tải một thông điệp yêu thương cho tất cả mọi người, nhưng với hiệu quả rất hạn chế. Thay vào đó, hiện nay, giáo dục hiện đại đang hướng tới mục tiêu vật chất. Tuy nhiên, kinh nghiệm chung của chúng ta là đã được sinh ra và được chăm sóc bởi các bà mẹ của mình, do đó, trẻ em thưởng hay biểu lộ bản chất tươi tắn và từ bi.
“Các nhà khoa học cảnh báo rằng, sự sợ hãi và giận dữ liên tục là không tốt đối với sức khỏe của chúng ta, trong khi đó, lòng từ bi và sự nhiệt tâm sẽ góp phần vào sự cường tráng về thể chất và lành mạnh về tinh thần của chúng ta. Do đó, cũng giống như chúng ta luôn quan tâm về vấn đề vệ sinh thân thể để giữ gìn sức khỏe tốt, chúng ta cũng cần phải rèn luyện một loại vệ sinh về mặt cảm xúc.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, Ngài đã tham gia vào các cuộc đối thoại với những nhà khoa học tập trung vào vũ trụ học, thần kinh học, vật lý và tâm lý học trong hơn 30 năm qua. Ngài lưu ý rằng, lĩnh vực khoa học hiện đại và khoa học Phật giáo đều có những điểm chung. Ví dụ, có một thỏa thuận chung về việc sinh, trụ và diệt của các dãy thiên hà; và có khả năng là có nhiều hơn một 'vụ nổ lớn' (big bang) trong quá khứ.
Theo như những gì vật lý có liên quan, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã báo cáo rằng, nhà vật lý lượng tử Raja Ramana đã nói với Ngài rằng vật lý lượng tử là mới đối với khoa học, nhưng các khái niệm tương ứng có thể được tìm thấy trong các tác phẩm của Luận sư Long Thọ. Về tâm lý học, cần có thêm giáo dục về phương pháp để giải quyết những cảm xúc của chúng ta. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, chúng ta cần phải nghiên cứu xem cách giận dữ tàn phá và sự thiếu sự quan tâm chung đối với người khác có thể là như thế nào. Ngài nói thêm rằng, vũ khí và việc sử dụng vũ lực thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả! và Ngài xác nhận rằng, bạo lực chỉ dẫn đến bạo lực mat thôi, và vì vậy nên nó tiếp diễn mãi.
Ngài khuyên rằng, một tâm hồn an lạc là tốt cho sức khỏe của chúng ta, và rằng, mục tiêu của chúng ta nên tránh bạo lực và biến điều này thành một thế kỷ đối thoại. Ngài quan sát thấy rằng, trong khi không phải mọi người đều chấp nhận tôn giáo cả, thì các phát hiện khoa học sẽ có sức hấp dẫn toàn cầu hơn. Do đó, một trong những mục đích của các cuộc hội nghị như thế này là thảo luận cách giáo dục con người từ một quan điểm thế tục về nhu cầu rèn luyện trưởng dưỡng lòng nhân hậu.
Ngài nói, "Trong bối cảnh này, Nga có một vai trò đặc biệt giữa các nền văn hóa Đông và Tây. Khi tôi còn trẻ, có những học giả Nga, Buryats, Kalmyks và Tuvans, trong các tu viện của chúng tôi, vì vậy chúng tôi đã có một sự kết nối với nhau. Ngoài ra, trong thời gian Dalai Lama thứ 13, đã có một số liên lạc với Sa hoàng. Theo đó, tôi rất vui khi có cơ hội gặp gỡ và thảo luận với quý vị - những học giả đến từ Nga.”
Nhà thần kinh học Giáo sư Pavel Balaban đã mở đầu cho cuộc đối thoại, ông nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, ông nghiên cứu về não bộ, đặc biệt là chức năng của cảm xúc. Ông nhận xét rằng, trong khi chuột có thể được chứng minh là có những trung tâm khoái lạc trong bộ não của chúng có thể được kích thích để lộ ra một phản ứng cảm xúc, ông cũng quan tâm để quan sát xem những con ốc nhìn bên ngoài có vẻ dường như không giao tiếp, nhưng chúng cũng có cảm xúc.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được nhắc nhở lặp lại một câu hỏi mà Ngài thường đặt cho các nhà khoa học. Ngài giải thích rằng, đôi khi, lúc Ngài tự tin là không có bệnh sốt rét, Ngài cho phép muỗi hút máu của mình. Tuy nhiên, khi nó đã hút no rồi, nó bay đi mà không có một dấu hiệu nào thể hiện sự biết ơn hay ngưỡng mộ nào cả. Vì vậy, câu hỏi của Ngài ở đây là bộ não cần phải lớn đến cỡ nào để có khả năng thể hiện lòng biết ơn hay sự ngưỡng mộ? Ông Balaban đã báo cáo rằng cuộc thí nghiệm của ông ta về chuột cho thấy rằng chúng cũng giống như những loài khác, trong đó có khoảng 30 - 40% biểu lộ cảm giác tự nhiên về lòng từ bi. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng loài động vật có vú dường như phản ứng theo cách này, nhưng sẽ rất thú vị khi quan sát loài bò sát như loài rùa đẻ trứng mà không có quan hệ trực tiếp với người mẹ và không cần phải có lòng từ bi để tồn tại.
Ngài đề nghị rằng, là con người chúng ta cần phải đánh giá xem liệu sự tức giận có mang lại chút giá trị nào hay không - lưu ý rằng nó phá hủy sự bình yên trong tâm hồn của chúng ta. Mặt khác, lòng từ bi sẽ mang lại sự lạc quan và hy vọng cho chúng ta. Ngài nhận xét rằng một số truyền thống tôn giáo dựa vào nỗi sợ hãi để mang lại hành vi tốt hơn. Ngài từ chối điều này bởi vì nó có xu hướng dẫn đến sự bi quan và chán nản.
Ngài đã đưa ra hai câu hỏi liên quan đến tâm thức. Liên quan đến câu đầu tiên, Ngài hỏi nếu một tinh trùng hoàn hảo gặp một buồng trứng hoàn hảo trong một tử cung của người mẹ hoàn hảo, liệu sự sống có thể được hình thành từ đó không? Và nếu không, thì yếu tố thứ ba là gì? Câu hỏi thứ hai là, Ngài đã đề cập đến một hiện tượng được quan sát thấy trong số một số thiền giả thành tựu khi họ qua đời. Mặc dù cái chết lâm sàng đã diễn ra, nhưng cơ thể vẫn còn tươi tắn trong một vài ngày, bởi vì, nó được cho là, phần ý thức vi tế nhất vẫn còn lưu lại ở đó. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn không có câu trả lời về những gì đang xảy ra.
Cho đến cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học đã quan tâm đến não bộ, nhưng không phải là tâm thức, Ngài nói. Tuy nhiên, gần đây họ đã thừa nhận rằng tính đàn hồi của não có thể được quan sát như là kết quả của việc rèn luyện tinh thần. Do đó, mối quan hệ giữa não và tâm thức đang bắt đầu được nghiên cứu. Khoa học Phật giáo mô tả các mức độ tâm thức khác nhau, ý thức giác quan thông thường, và sự nhận thức trong trạng thái mộng là mức độ tâm thức vi tế hơn, và trong trạng thái của giấc ngủ sâu cũng vẫn còn tinh tế hơn; ý thức biểu hiện tại thời điểm chết là trạng thái tinh tế nhất. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ngụ ý rằng tâm thức này không có sự bắt đầu và sự kết thúc.
Giáo sư Svyatoslav Medvedev nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, ông đã kiểm tra bản chất của mối quan hệ giữa tâm thức và não bộ liên quan đến sự nghiên cứu của ông về cách mà bộ não duy trì sự chú ý như thế nào. Ông nhận xét rằng có những thứ như các định luật nhiệt động lực học có thể được chứng minh bằng toán học, nhưng không dễ dàng được chứng minh bằng thí nghiệm. Ông ủng hộ việc tiếp cận hợp lý hơn với một số câu hỏi. Ông lưu ý rằng Pavlov đã từng đề cập đến những đốm sáng trên não, nhưng chỉ cho đến bây giờ - sau một thế kỷ - khoa học mới có thể chứng minh được những gì ông đã đề cập đến.
“Hiện giờ chúng ta đang chuyển từ lý thuyết thuần túy sang thực hành thực tế”, Medvedev khẳng định. “Chúng ta đang cố gắng để hiểu về bộ não. Có thể là ý thức tồn tại một cách riêng biệt và bộ não là một loại giao diện.”
Tóm tắt về ba trường hợp của Đức Phật chuyển Pháp Luân (chuyển bánh xe Pháp), Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng, trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên, Đức Phật đã giảng dạy về Tứ Diệu Đế - bốn chân lý cao quý. Trong lần thứ hai, Ngài đã giả thích tỉ mỉ về Chân lý thứ Ba - chấm dứt sự đau khổ liên quan đến việc vượt qua sự thiếu hiểu biết. Vô minh sẽ bị đối trị bởi trí tuệ - trong trường hợp này, sự hiểu biết về sự thật rằng, mọi thứ đều không có sự tồn tại cố hữu của nó. Điều đó không ngụ ý rằng tánh không là không có gì cả, mà là nó chỉ tồn tại bằng sự định danh mà thôi. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm sáng tỏ rằng, đối với những người cảm thấy lời giải thích này quá khó để tìm hiểu, thì Đức Phật đã ban một nhóm giáo lý thứ ba có phương pháp khác trong việc thảo luận về ý thức; và cách mà thức ý thức tinh tế nhất có thể được coi là Phật Tánh như thế nào.
Ngài tiếp tục đề cập đến ba đối tượng tri thức - có những điều hiển nhiên rõ ràng, dễ hiểu đối với chúng ta, những điều hơi tối nghĩa nhưng có thể được hiểu thông qua lý trí và suy luận, và những điều mơ hồ và chỉ có thể được hiểu bằng cách dựa vào chứng ngôn của người khác. Ngoài ra, Ngài đã đề cập đến bốn nguyên tắc về lý trí - tự nhiên, sự phụ thuộc, chức năng và bằng chứng.
Sau một thời gian ngắn nghỉ giải lao dùng trà, Giáo sư Nikolai Yankovsky, một chuyên gia hàng đầu về di truyền học của Nga giải thích rằng gen có thể ảnh hưởng đến việc bạn có khuynh hướng thiền định hay hưởng lợi từ liệu pháp tâm lý hay không. Tương tự, gen có thể ảnh hưởng đến tính nhạy cảm với sự tức giận. Ngài tự hỏi liệu vai trò của gen có thể so sánh với vai trò của năng lượng vi tế đi cùng với tâm thức được mô tả trong các giáo lý mật tông hay không.
Yankovsky nói rằng việc chỉnh sửa mã gen dự kiến sẽ góp phần vào các biện pháp khắc phục cho một số loại bệnh nhất định. Ông cũng nhận xét rằng thao tác di truyền có thể được sử dụng dưới dạng vũ khí, điều này đặt ra câu hỏi về vấn đề đạo đức. Ông chỉ ra rằng, khi các nhà khoa học tạo ra một khám phá mới thì đạo đức không nhất thiết phải là một vấn đề, nhưng một khi họ cố gắng sử dụng nó trong thực tế, thì vấn đề về đạo đức nảy sinh. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng, vì tất cả chúng sinh đều tìm kiếm hạnh phúc, cho nên những điều mang lại lợi ích và hạnh phúc thì được xem là tốt, trong khi đó, nguyên nhân gây ra đau khổ thì bị coi là xấu.
Ngài cũng nói rõ rằng, vì giận dữ là một phần của tâm thức, cho nên sự đối trị của nó phải được áp dụng với tâm thức. Ngài quan sát thấy rằng, các nhà khoa học đã xác nhận với Ngài rằng, đá và não bao gồm cùng một loại hạt ở mức độ tinh tế như nhau. Tại một điểm nhất định, sự sắp xếp của vật chất trong não phải là như vậy để nó trở thành cơ sở cho ý thức. Rồi thì sự sống, cảm giác vui sướng và đau đớn xảy ra. Ngài khuyến khích các nhà khoa học nên thảo luận về điều này vào buổi chiều với các học giả trẻ hơn có bộ não tươi mới hơn.
Giáo sư Evgeny Rogaev đã mô tả nghiên cứu của ông về não bộ, tìm hiểu xem gen nào làm phát sinh tâm thần phân liệt. Ông nói rằng nghiên cứu di truyền xác nhận sự khẳng định của Ngài rằng tất cả chúng ta là anh chị em và chúng ta không cần phải đi rất xa để thấy rằng tất cả chúng ta đều có tổ tiên chung. Ông nói về công việc đang được thực hiện để tạo ra các mô hình chuyển đổi tích cực thành hành vi hòa bình liên quan đến việc thuần hóa các con cáo hoang dã Siberia.
Giáo sư Alexander Kaplan nói với Ngài về sự quan tâm mà các sinh viên của ông ở Moscow đang tham dự trong cuộc hội nghị này. Ông đã đề cập đến những nỗ lực của mình để tiếp xúc trực tiếp với bộ não trong công việc với các nạn nhân đột quỵ đã mất khả năng nói hoặc di chuyển. Ông mô tả cách lựa chọn các chữ cái của họ được hiển thị trên màn hình có thể được thu thập từ các phản ứng trong bộ não của họ cho phép sự giao tiếp diễn ra. Ông thấy điều này là có tiềm năng cho sự hiểu biết các hoạt động của cảm xúc đối với những người khỏe mạnh khác.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, ý thức tinh tế nhất được mô tả là Phật Tánh - có tiềm năng to lớn và mọi người đang cố gắng khám phá ra nó, nhưng nó sẽ mất rất nhiều thời gian.
Ngài kết thúc phiên họp bằng cách cảm ơn mọi người vì đã đến tham dự; và đảm bảo với họ rằng Ngài sẽ gặp lại họ vào ngày mai. Ngài rời Chánh Điện và trở về nơi dinh thự của mình. Những người tham gia và quan sát viên của Hội nghị sau đó thưởng thức bữa ăn trưa được phục vụ trong sân Chùa và tập trung cho buổi thảo luận khác vào buổi chiều.