Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Trong điều kiện liên tục lạnh buốt, dưới bầu trời u ám, sáng nay có khoảng 7000 người tập trung bên trong và xung quanh Tsuglagkhang - Ngôi Chùa Chính của Tây Tạng và trong khu vực sân phía bên dưới. Họ bao gồm hơn 2000 Tăng ni, nhiều người trong số họ đến từ các Học Viện ở Nam Ấn Độ, người Tây Tạng địa phương và khoảng 800 người từ 54 quốc gia khác.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến sớm hơn một chút so với thời gian đã được thông báo và không mất thời giờ để bắt đầu việc giảng dạy.
Hôm nay, chúng ta sẽ tham khảo một luận giải có chú thích về ‘Tinh hoa Trung Quán Luận’. Như Ngài Je Tsongkhapa đã viết ở phần đầu ‘Đại Luận Giải của Mật Tông', “Chúng ta có thể chứng minh lời dạy của Đức Phật dựa trên lý trí để không bị đối thủ dẫn dắt lạc lối”. Tôi đã đưa ra quan điểm tương tự trong điểm kết của ‘Tán thán 17 bậc Hiền Triết của Nalanda”: “Thật cực kỳ quan trọng là những người trong số chúng ta noi theo Đức Phật nên có đức tin dựa trên kiến thức về giáo pháp của Ngài. Do đó, chúng ta nên khảo sát các lý luận đối với Giáo Pháp với một cái tâm thích tìm hiểu và không thiên vị, nên phân tích nó một cách chặt chẽ. Ở Ấn Độ có rất nhiều trường phái tư tưởng cạnh tranh. Ngài Thanh Biện (500-78 CE) đã đề cập đến quan điểm của họ, điều đó đã làm cho cuốn sách này trở nên đặc biệt có giá trị.
Ngược lại, Ngài Atisha đã sáng tác ‘Đèn soi nẻo Giác’ ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ 11, nó được dành cho những cá nhân để chuyển hoá tâm thức của mình theo một cách đặc biệt.
Tôi đã nhận được sự khẩu truyền của 13 bản văn cổ điển từ Khunu Lama Rinpoche và Geshe Rigzin Tenpa, Khenpo Kunga Wangchuk, v.v. và tôi cũng nghĩ rằng điều quan trọng là phải nhận được sự khẩu truyền của luận giải “Tinh hoa Trung Quán Luận” này nữa. Tuy nhiên, những sự tra cứu của tôi cho thấy rằng không phải chỉ có một bản. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có một bình luận chú thích cho bản văn, tôi có thể thọ nhận nó được, vì vậy tôi đã thỉnh cầu Sakya Khenpo Kunga Wangchuk (1921-2008) chuẩn bị một bản và truyền nó lại cho tôi. Ngài Thanh Biện đã sáng tác bản văn này trong thể thơ và cũng đã viết luận giải riêng của mình được gọi là ‘Ánh Đuốc Lý Luận”.
Ngài bắt đầu đọc. Sau tựa đề bằng tiếng Phạn Madhyamakahrdayakarika, Ngài giải thích rằng, vì một lý do nào đó, Ngài Khenpo Kunga Wangchuk đã viết “và bằng ngôn ngữ miền Trung Tây Tạng” thay vì chỉ bằng “tiếng Tây Tạng”, nó được gọi là ‘Uma Nyingpo’. Đối với Ngài, điểm quan trọng là nó được viết bằng tiếng Tây Tạng do vua Songtsen Gampo thiết lập và trong đó vua Trisong Detsen đã ủy thác bản dịch của Kangyur (Kinh Tạng) và Tengyur (Luận Tạng).
Tiếp đến là sự kính lễ của dịch giả, còn được gọi là ‘sự kính lễ được áp đặt bởi mệnh lệnh của hoàng gia’. Vua Tri Ralpachen ra lệnh rằng sự kính lễ của dịch giả nên chỉ ra phần nào trong Tam Tạng của Giáo Lý Đức Phật mà tác phẩm thuộc về. Trong trường hợp này, sự kính lễ đối với Đức Văn Thù Sư Lợi trẻ trung cho thấy rằng tác phẩm thuộc về Vi Diệu Pháp hoặc bộ sưu tập kiến thức cao hơn.
Ngài nhận xét rằng, có nhiều sự đề cập đến tâm quang minh chủ quan mà Ngài đã đề cập ngày hôm qua như đã được tiết lộ trong lần chuyển Pháp Luân thứ ba của Đức Phật. Ngài nói, sự nhận thức nguyên sơ đó không phải được hình thành bởi các nguyên nhân và điều kiện bất ngờ, mà nó đã xuất hiện kể từ vô thỉ đến nay.
Lý do để sáng tác luận giải này là gì? Để đưa những người đã phát triển bồ đề tâm đi đến giác ngộ. Để đúc kết lại cho những ai đã phát bồ đề tâm thì đừng bao giờ từ bỏ nó, mà nên nuôi dưỡng bốn quyết tâm để đáp ứng những mục đích của chúng sinh và đặt chúng vào con đường đúng đắn. Ngài đã nhấn mạnh một lần nữa rằng Ngài Thanh Biện là bậc thầy Trung Quán đầu tiên viết về các trường phái tư tưởng đối thủ và sự khác biệt về trí tuệ đã khuấy động cộng đồng Phật giáo.
Đọc xong chương đầu tiên, ‘Không từ bỏ Bồ đề tâm’, Ngài tiếp tục đến phần thứ hai, ‘Tham gia vào thực hành khổ hạnh của Hiền nhân’. Một lần nữa, Ngài lưu ý rằng tâm thức là một dòng ý thức, vì vậy tính liên tục của một thực thể được nhìn nhận dưới dạng ý thức. Bởi vì ý thức là một sự liên tục, cho nên một con người không thể có sự tồn tại cố hữu. Ngài nói rằng sự quan tâm của khoa học đối với tâm thức vi tế đang ngày một tăng lên, một phần là kết quả của những sự nỗ lực để giải thích về ký ức mà một số người có được ở kiếp trước và hiện tượng ‘thuk-dam’. Điều này xảy ra khi một cơ thể thiền giả có kinh nghiệm vẫn còn tươi tắn sau khi chết lâm sàng. Sự giải thích của Phật giáo về điều này là do sự hiện diện liên tục của ý thức vi tế.
Ngài bắt đầu đọc Chương Ba ‘Sự tìm hiểu Hiện thực’ và dừng lại khi Ngài đọc đến câu 260. Ngài sẽ tiếp tục đọc vào ngày mai.