Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Chủ tịch Viện Tâm thức & Đời sống, Susan Bauer-Wu, đã chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến vào ngày thứ hai của Cuộc Hội Đàm về Tâm thức & Đời sống sáng nay, Cô thưa với Ngài rằng: chúng con rất vui mừng được trở lại . Chúng ta sẽ tìm hiểu về lòng từ bi, sự kết nối và chuyển hoá, lần này là với Pumla Gobodo-Madikizela đến từ Nam Phi.
Ngài nhận xét: Châu Phi là một lục địa vĩ đại, trước đây đã được người châu Âu khai thác, nhưng nó là một lục địa có tiềm năng lớn và tôi rất vui khi chúng ta có một người châu Phi ở đây với chúng ta ngày hôm nay.
Người điều hành Aron Stern đã giới thiệu Pumla Gobodo-Madikizela là một nhà khoa học xã hội và nhà tâm lý học lâm sàng, một người bạn của Đức Tổng Giám mục Tutu và là người phục vụ trong Ủy ban Sự thật & Hòa giải Nam Phi. Chính công việc của cô ở đó đã cung cấp nền tảng cho cuốn sách của cô “Một con người đã chết trong đêm ấy: Câu chuyện về sự tha thứ của Nam Phi.”
Cô bắt đầu: Cảm ơn Ngài đã cho phép chúng con ở đây và đã dành thời gian để ở bên chúng con! Con mang lời chào từ Đức Giám mục Tutu. Con đã ở với Ngài ấy và phu nhân của Ngài ấy vào thứ Hai tuần trước và họ rất vui mừng khi biết rằng con sẽ đến đây. Con biết ơn Ngài và Vị ấy vì cách mà các Ngài đã sống cuộc sống của mình với lòng từ ái bi mẫn. Ngài chính là ánh đuốc soi đường cho con đấy ạ!
Con đã được yêu cầu nói về ‘Ubuntu’ và sự tha thứ liên quan đến Ủy ban Sự thật & Hòa giải. Trong bối cảnh ‘Ubuntu’, khái niệm về một cá nhân đơn nhất dựa trên tiền đề sai lầm. Thay vào đó, sự chủ quan của con người được kết nối với nhau, gắn bó chặt chẽ với những người khác. Một người là một con người, trở thành một con người thông qua những người khác. Sự phong phú của tính chủ quan của chúng ta là con người luôn có mối quan hệ với người khác.
“Nelson Mandela muốn ‘Ubuntu’ trở thành một phần của hiến pháp hậu phân biệt, để chỉ ra một sự chuyển đổi từ sự tách biệt sang sự kết nối. Trong công việc của Ủy ban Sự thật & Hòa giải, điều này có nghĩa là gạt sang một bên khái niệm báo thù liên quan đến những người đã phạm tội.
Tôi cũng muốn kể cho quý vị nghe về một nhóm phụ nữ có con bị giết bởi cảnh sát phân biệt. Cảnh sát đã xúi giục một thanh niên da đen dụ dỗ bọn trẻ đến một nơi mà bọn họ giết chúng. Ủy ban Sự thật & Hòa giải đã cung cấp một cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm của họ. Chàng trai yêu cầu sự tha thứ của họ, nhưng các bà mẹ đã tức giận. Họ chất vấn: Làm thế nào mà cậu có thể phản bội nhân dân của mình như thế!
Trong câu trả lời của mình, chàng trai trẻ đã sử dụng một biểu hiện gợi lên ý thức về trách nhiệm của cha mẹ. Một trong số họ nói rằng, “con trai của tôi, cậu cũng ở độ tuổi của các con tôi” và thái độ của họ đối với cậu ấy đã thay đổi. Họ cũng có thể xem cậu ấy là con trai. Đây là một ví dụ về cách mà ngay cả khi bạn cảm thấy bị tổn thương, thì bạn vẫn có thể tìm thấy nó trong bạn có liên quan đến người đã làm hại bạn.
Trong công việc của tôi, tôi đã cố gắng để hiểu sự tha thứ và vượt lên trên sự tha thứ - sửa chữa. Với ý thức làm việc tốt, chúng ta có thể liên hệ với nhau bằng sự từ ái nhiệt thành.
Ngài nói xen vào: Thực tế thì những lời nói đúng đắn được nói vào đúng thời điểm thì có thể trở nên rất mạnh mẽ. Trong truyền thống Bồ tát, chúng ta nói về tất cả chúng sinh như những “chúng sinh mẹ”, đó là một cách nói về việc đề cập đến họ. Thật kỳ lạ, nói về tất cả “chúng sinh cha” thì chẳng có cùng một cảm giác vang dội như thế gì cả! Điều này cho thấy được sự quan tâm và tình cảm của người mẹ thì quan trọng như thế nào.
Gob Gobodo-Madikizela nói thêm: Ngài đã nhắc nhở con về một khía cạnh khác trong cách các bà mẹ mà con đang nói về việc liên quan đến chàng trai trẻ. Họ đã nói về khoảnh khắc chuyển hoá gợi lên cảm giác về mẹ như thế nào; và mối liên hệ giữa mẹ và người mẹ này đã cho phép họ mở lòng ra. Con cũng hiểu rằng có những liên kết về vật lý. Chúng ta bước vào thế giới trong cơ thể này và chúng ta liên quan đến thế giới thông qua cơ thể của chúng ta. Sự tiếp xúc vật lý với mẹ của chúng ta có tác động mạnh mẽ đến sự trải nghiệm của mình.
Aaron Stern đã mời Gobodo-Madikizela nói thêm về trách nhiệm và trách nhiệm liên quan đến ‘Ubuntu’. Vâng! Cô ấy trả lời - đây là điều quan trọng. Chúng tôi chịu trách nhiệm và có trách nhiệm đối với người khác. Chúng tôi không cần phải nghĩ người khác là quái vật. Chúng tôi chịu trách nhiệm và có trách nhiệm mời họ trở lại nhân loại, để loại bỏ cảm giác rằng họ đã bị mất đi nhân tính.
Ngài muốn biết liệu việc sử dụng ‘Ubuntu’, có bị giới hạn ở Nam Phi hay không. Gobodo-Madikizela thưa với Ngài rằng nó được sử dụng phổ biến trên khắp lục địa châu Phi. Có một thuật ngữ tương tự ở Rwanda. Điều chủ yếu là nhận ra rằng những người khác cũng là con người. Đó là một từ đã bị phớt lờ bỏ qua khi chính trị của sự ghét bỏ chiếm ưu thế. Nó liên quan đến một sự nỗ lực để kết nối lại với cộng đồng.
Ngài đã quan sát thấy rằng tất cả 7 tỷ người đang sống hiện nay đều giống nhau về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Trước đây, con người chỉ liên quan đến cộng đồng địa phương của họ, nhưng trong công nghệ thế kỷ 21, nền kinh tế hiện đại và mối đe dọa của sự biến đổi khí hậu đã làm giảm bớt tầm quan trọng của biên giới quốc gia. Ngày nay, tất cả 7 tỷ con người là một phần của ‘chúng ta’. Ngài nói, chỉ tập trung vào lợi ích của riêng mình thì chỉ đưa đến sự đau khổ mà thôi! Trau dồi mối quan tâm dành cho người khác sẽ giúp cho tất cả chúng ta đều được hạnh phúc.
Sự khác biệt về tôn giáo, quốc tịch hoặc màu da… chỉ là thứ yếu. Sự phân biệt như thế không liên quan gì khi chúng ta được sinh ra. Các bà mẹ của chúng ta đã săn sóc chúng ta theo cùng một cách và cuối cùng tất cả chúng ta cũng đều phải chết theo cùng một cách. Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc và tìm cách tránh khỏi đau khổ. Chúng ta giống nhau về quyền được có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Các truyền thống bất bạo động của Ấn Độ có liên quan đến điều này. Thông qua sự giáo dục, chúng ta có thể thay đổi cách suy nghĩ của mình. Chúng ta có thể rũ bỏ lối suy nghĩ hẹp hòi và mở rộng tầm nhìn hơn. Tôn giáo nên có sự giúp đỡ vì thông điệp chung của nó là tình yêu thương, sự tha thứ, lòng khoan dung và kỷ luật tự giác. Nhưng khi có sự giết chóc nhân danh tôn giáo, thì tôn giáo lại xuất hiện không chỉ không có liên quan mà còn nguy hiểm nữa!
Bằng chứng khoa học là quan trọng và hiệu quả. Những cuộc gặp gỡ như thế này có thể rất hữu ích. Chúng ta có một mục tiêu chung để tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn. Điều cho tôi hy vọng là nếu chúng ta đào sâu hơn về cách hoạt động của cảm xúc của chúng ta, thì ta sẽ thấy rằng tham ái và hận thù đều phụ thuộc vào một quan niệm sai lầm về thực tế. Chúng ta có thể đánh giá chúng, cân nhắc về ưu và nhược điểm của chúng. Ta cần sử dụng trí thông minh của mình để điều chỉnh những cảm xúc như vậy.
Các cuộc thảo luận nhóm bắt đầu bằng cách xem xét các điều kiện để chuyển hoá con người. Pumla Gobodo-Madikizela cho rằng, tại những thời điểm chuyển hoá, trí tuệ mời gọi chúng ta thay đổi tình yêu thương dành cho những người thân yêu. Chúng ta khôi phục các mối quan hệ dựa vào ý thức của cộng đồng. Richie Davidson đã hỏi làm thế nào các điều bất ngờ như vậy có thể được chuyển đổi thành một điều gì đó lâu dài hơn.
Ngài trả lời: Yếu tố cơ bản là thói quen và sự quen thuộc. Có một phương pháp của Ấn Độ để thu nhận kiến thức bắt đầu bằng sự hiểu biết dựa trên tin đồn về những gì bạn nghe hoặc đọc được. Tuy nhiên, thông qua sự phản ánh và tiến hành phân tích của riêng bạn, sự thuyết phục phát sinh. Nếu sau đó bạn thực sự làm quen với niềm tin đó, nó sẽ tạo ra trải nghiệm chân thực.
Gobodo-Madikizela đã nhận ra điều này trong những gì mà cô ấy gọi là sửa chữa. Cô ấy nói rằng cô ấy đã quan sát thấy ở Rwanda rằng mọi người đã phản ánh về lợi ích của việc tham gia với kẻ thù cũ. Mặc dù hàng xóm đã giết những người thân yêu, nhưng người ta vẫn kết luận rằng sẽ hữu ích hơn khi nghĩ rằng ngày mai có thể tốt hơn quá khứ.
Ngài đã quan sát thấy rằng một khi bạn thừa nhận rằng - ai đó có thể bị coi là kẻ thù thì họ cũng là đồng loại - thì sự thay đổi có thể xảy ra. Ngài nhắc lại rằng các kiến thức cổ xưa của Ấn Độ về bất bạo động và lòng từ bi, ‘ahimsa, và ‘karuna’, có một sự đóng góp để thực hiện lối suy nghĩ này. Gobodo-Madikizela đã đề cập đến tầm quan trọng của việc chứng kiến những gì có thể khả thi thông qua tấm gương điển hình về sự chuyển hoá của người khác.
Samdhong Rinpoche được hỏi về những suy nghĩ của mình. “Tôi nhớ về điều gì đó đã xảy ra với Mahatma Gandhi. Ông ta đang tham dự Hội nghị Bàn tròn lần thứ hai ở Luân Đôn và một linh mục Kitô giáo đã đọc một câu từ Kinh thánh cho ông ta, nói rằng chúng ta nên yêu kẻ thù như chúng ta đã yêu hàng xóm của mình vậy. Gandhi vẫn im lặng và vị linh mục nhắc lại những gì ông đã nói. Bị ép phải trả lời, Mahatma nói với ông ta rằng, điều khó khăn đối với tôi là tôi không có kẻ thù. Lòng từ bi vĩ đại không phải là mối quan tâm đối với nhóm này hay nhóm khác, mà là mở rộng lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Ngài đã lưu ý rằng mối quan tâm đến hạnh phúc của chính chúng ta là cơ sở để tiếp cận với người khác bởi vì chúng ta muốn được hạnh phúc cũng giống như họ vậy.
Một thành viên của khán giả đã hỏi, trong bối cảnh đau khổ mà những người phụ nữ mà Gobodo-Madikizela đã mô tả, làm thế nào mà họ có thể đạt được một cuộc sống vui thích. Cô trả lời rằng, một con đường để tìm thấy hy vọng trong đau khổ là thông qua sự đoàn kết với những người khác, chẳng hạn như mối quan tâm dành cho sự công bằng xã hội. Khi bạn có ý chí duy trì một cộng đồng đạo đức, bạn thể hiện tình đoàn kết với người khác và sự quan tâm đủ để đứng lên đòi công lý. Điều này mang đến khả năng tiếp cận với những người khác, nhắc lại rằng chính từ ‘apartheid’, có nghĩa là sự tách biệt.
Ngài đã khuyến nghị rằng cần có sự thừa nhận cơ bản về sự bình đẳng của bản thân với người khác. Ngài trích dẫn một vài câu thơ từ các nguồn Phật giáo:
Vì không ai muốn - dù chỉ là nỗi khổ đau nhỏ nhất
Hạnh phúc trong tầm tay cũng chẳng chút bằng lòng.
Chẳng khác biệt gì giữa con và người khác;
Vì vậy, hãy truyền cảm hứng cho con để vui mừng với hạnh phúc của tha nhân!
Khi một người con đã từng giúp đỡ,
Hoặc người mà con đặt hy vọng lớn lao,
Ngược đãi con - gây tổn thương tàn bạo,
Nguyện xem như bậc Hướng Đạo - tôn Sư.
Ngài nhận xét - giận dữ, nghi ngờ và ganh tỵ luôn quấy rầy tâm trí của chúng ta. Phương pháp đối trị cho những cảm xúc này là rèn luyện sự kiên nhẫn và chịu đựng. Ai đã cho chúng ta cơ hội để phát triển cảm xúc ấy? Người mà chúng ta gọi là kẻ thù của mình. Do đó, chúng ta có thể xem anh ấy hoặc cô ấy như một người thầy vậy!
Ngài đã nhắc lại mong muốn để biết thêm về những thay đổi tích cực nuôi dưỡng lòng từ bi có trong não bộ; và tương tự - những tác động của sự tức giận là gì. Richie Davidson thưa với Ngài rằng ngày càng có nhiều bằng chứng về điều này. Gần đây, rõ ràng là sự thiền định về lòng từ bi có tác dụng giảm viêm, đặc biệt là liên quan đến não bộ.
Tiến Sĩ Geshé Ngawang Samten đã hỏi Pumla Gobodo-Madikizela về điều gì đã thúc đẩy chàng trai trẻ trong câu chuyện đầu tiên của cô tiếp cận Ủy ban Sự thật & Hòa giải. Đó là sự hối tiếc hay là một cảm giác từ bi?
“Có lẽ là tất cả những điều đó” - cô ấy trả lời. “Tôi nghĩ rằng cậu ấy cảm thấy “Tôi phải sửa đổi”, đã phản ánh về những gì cậu ấy đã làm. Khi bạn cảm thấy đầy xấu hổ, bạn không thể liên hệ với người khác. Chấp nhận hậu quả của hành động của bạn sẽ cho phép bạn tiếp cận với người khác. Đây là một phần của những gì mà tôi gọi là sửa chữa - là điều thường diễn ra hàng ngày.
Khi cuộc hội thảo kết thúc, Susan Bauer-Wu hỏi liệu Ngài có gì để nói thêm không.
Ngài bắt đầu: “Không có gì cả! Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng cuộc gặp gỡ theo kiểu này thì rất hữu ích. Khi tôi gặp các thành viên của Viện Tâm thức và Đời sống vào sáng nay, tôi đã đề cập rằng, công việc của chúng ta không chỉ giới hạn trong một nhóm hoặc một cộng đồng. Chúng ta đang nghĩ đến toàn thể nhân loại. Những người từ Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, v.v ... đã có một số ý thức về tầm quan trọng của việc rèn luyện tâm thức. Tôi muốn mời mọi người từ những nơi này tham gia với chúng ta để họ cũng có thể hiểu được những gì chúng ta đang thảo luận ở đây. Điều chủ yếu là - mục đích cuối cùng của chúng ta là giúp đỡ toàn thể nhân loại”.