New Delhi, Ấn Độ - Trước khi tham gia lễ Ra mắt chương trình Giảng dạy về Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp một nhóm giáo sư Ấn Độ đang làm việc với Giáo sư Samdhong Rinpoche và Giáo sư Ngawang Samten để chuẩn bị một khóa học tập trung vào Tri thức Ấn Độ Cổ đại. Giáo sư Ngawang Samten báo cáo rằng họ đã thiết kế một khóa học dựa trên sáu trường phái chính thống, tập trung vào triết lý của họ, sử dụng logic và phương pháp mà họ đối phó với cảm xúc của mình.
Ngài nói với họ rằng, “Bây giờ tôi đã gần 84 tuổi rồi, cuộc sống của tôi khá khó khăn. Tuy nhiên, tại một thời điểm nhất định, tôi nhận ra rằng những gì tôi đã học được từ Truyền thống Nalanda đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong việc giữ gìn sự an lạc nội tâm. Nó cũng đã giúp tôi làm sắc bén tâm thức của mình thông qua sự phân tích. Đơn giản là trong cuộc sống hàng ngày, nếu có sự an lạc trong tâm hồn và ít phải chịu những cảm xúc tiêu cực thì rất hữu ích. Tôi tin rằng chúng ta có thể mang lại những thay đổi như thế thông qua sự giáo dục; và điều đó trong sự đóng góp vào kiến thức Ấn Độ cổ đại có thể mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.
Tuy nhiên, kiến thức về Ấn Độ cổ đại gắn liền với truyền thống tôn giáo. Những gì chúng ta cần không phải là nghi lễ và cầu nguyện mà là nền giáo dục trong một bối cảnh thế tục nghiêm ngặt.
Mahatma Gandhi đặt cuộc đấu tranh tự do của Ấn Độ trên nền tảng của tinh thần ahimsa (bất bạo động) - điều mà một số người giải thích là cho thấy sự yếu kém. Tôi tin rằng việc thực hành bất bạo động ahimsa là một dấu hiệu của sức mạnh. Tôi hy vọng quý vị học giả và giáo sư có thể cho chúng tôi biết làm thế nào chúng ta có thể kết hợp tinh thần đó với sự giáo dục hiện đại từ mẫu giáo đến đại học. Nếu Trung Quốc, trong lịch sử là một quốc gia Phật giáo, theo gương Ấn Độ, và hơn hai tỷ người ở cả hai quốc gia này đều nuôi dưỡng sự an lạc nội tâm, thì nó sẽ tạo ra một sự khác biệt đáng kể cho thế giới.
Ngày hôm qua, tôi đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cách mà tất cả các tôn giáo trên thế giới phát triển mạnh ở đất nước này, đều sống bên cạnh nhau. Trong hơn 20 năm qua, tôi đã khuyến khích Chính phủ Ấn Độ tổ chức một hội nghị tôn giáo quốc tế tại đây, giống như lễ kỷ niệm 2500 Đức Phật Jayanti vào năm 1956 vậy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể gặp gỡ nhau và hiểu nhau hơn. Các hành giả có thể tổ chức các cuộc thảo luận và học hỏi lẫn nhau; và các cuộc hành hương có thể được tổ chức đến những nơi chiêm bái.
Ở tầng dưới trong Hội trường, hơn 900 người đang chờ Ngài quang lâm. Khi bước về phía khán đài, Ngài đã chào hỏi các bạn bè trong số họ. Ngài ôm lấy Richard Moore, tháo kính ra để Moore có thể chạm vào khuôn mặt của Ngài. Trước khi an toạ, Ngài đã nằng nặc yêu cầu rằng chiếc ghế bành quá khổ được cung cấp cho Ngài cần phải được thay đổi cho cùng một loại ghế mà mọi người khác đang ngồi.
Vị chủ trì cuộc lễ - Ravi Gulati tuyên bố rằng, có một lỗ hổng trong sự giáo dục của chúng ta và chương trình Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội đang tìm cách lấp đầy nó. Ông mời Tempa Tsering của Hội Đạt Lai Lạt Ma để giới thiệu dịp này. Ông ấy đã chào đón tất cả mọi người tham dự buổi Lễ Khai Trương để ra mắt chương trình Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội đã được chuẩn bị tại Đại học Emory với sự hỗ trợ của Ngài.
Ông nói rằng “có một sự phát triển lớn về cơ sở hạ tầng và truyền thông, nhưng liệu chúng ta có hạnh phúc hơn hay hài lòng hơn không? Trái lại, dường như có thêm nhiều sự căng thẳng, bạo lực và tham lam. Các phương tiện truyền thông được cải tiến đã làm cho thế giới trở nên nhỏ hơn và mọi người càng phụ thuộc lẫn nhau hơn, nhưng chúng ta có từ bi hơn không?
Mặc dù Ngài tin rằng bản chất cơ bản của con người là tử tế và từ bi, nhưng nền giáo dục hiện đại không cân bằng và không khuyến khích các giá trị như vậy. Giải pháp là cần phải cung cấp một nền giáo dục cân bằng giữa trái tim và tâm thức.
Veer Singh của Hội Vana đã nói với Hội chúng rằng, Ngài đã tự coi mình là Đứa Con của Ấn Độ và là một người Ấn Độ, tôi thật sự rất biết ơn Ngài vì đã nhắc nhở chúng tôi về di sản cổ xưa của chúng ta để trau dồi đức hạnh và rèn luyện tâm thức như Đức Phật; chương trình Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội là kịp thời và phù hợp.
Tiến sĩ Robert Paul, Trưởng khoa danh dự của Đại học Emory tuyên bố rằng, thật là vinh dự và hạnh phúc khi được gửi lời chào từ vị Chủ tịch của Emory - Claire Sterk. Ông mô tả chương trình Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội như một nguồn cảm hứng tại thời điểm thế giới đang bước vào thời kỳ hỗn loạn. Ông nói, đó sẽ là một nguồn năng lực cho sự sống còn của con cái chúng ta và con cái của họ. Ông tán thán Tiến Sĩ Geshé Lobsang Tenzin Negi, sinh viên cũ của ông và hiện là đồng nghiệp của ông, vì sự lãnh đạo hiệu quả của dự án.
Giáo sư Tiến Sĩ Geshé Lobsang Tenzin Negi đồng ý “Thật sự là một vinh dự lớn lao khi được có Ngài hiện diện ở đây để công bố chương trình giảng dạy, Ngài đã ban bố cho chúng con tầm nhìn và cảm hứng. Chương trình Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội có buổi ra mắt mà chúng ta đang kỷ niệm là sự đại diện cho nhiều thập kỷ nỗ lực từ phía Ngài để mang lại sự thay đổi trong giáo dục. Để mang lại sự lợi ích, nó cần phải được dựa trên một trái tim thiện lành. Ngài đã mở đầu cho mối quan hệ đối tác Emory-Tây Tạng vào năm 1998, đã thuyết phục rằng mọi người có thể được dạy dỗ để phát triển một trái tim ấm áp nhân hậu. Kể từ đó, Emory cũng đã làm việc để mang kiến thức khoa học hiện đại đến với các tu sĩ Tây Tạng.
“Năm 2015, Ngài đã giao cho chúng con phát triển chương trình giảng dạy này. Chúng con đã rút ra từ những điều mà Ngài đã viết trong ‘Đạo đức cho Thiên niên kỷ mới’ và ‘Vượt lên trên Tôn giáo’, cũng như trong cuốn “Chú Tâm Ba Lần” của Daniel Goleman và Peter Senge. Tiến Sĩ Geshé Thupten Jinpa cũng là một nguồn cảm hứng của chương trình này. Con muốn cảm ơn Ngài và Chủ tịch Emory đã hỗ trợ chúng con và các Chủ nhiệm khoa; nếu không có sự hậu thuẫn này của quý vị thì chúng con không thể nào thành công được. Bây giờ, con xin cung thỉnh Ngài công bố bốn tập của Chương trình “Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội”.
Được sự trợ giúp của Manish Sisodia và Kailash Satyarthi, Ngài đã mở gói và cả ba Vị cầm những cuốn sách lên cho mọi người xem.
Sau đoạn video ngắn về chương trình, Phó Tổng trưởng Delhi và là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Manish Sisodia đã phát biểu với Hội chúng.
"Chào buổi sáng. Là một con người, tôi có thể nói rằng Chương trình “Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội” này là một món quà tuyệt vời cho nhân loại. Chúng ta đang cố gắng giải quyết các vấn đề rắc rối và đây là một giải pháp, đó là điều mà ai ai cũng cần và cũng muốn. Chúng ta cố gắng mang lại hòa bình bằng cách áp đặt luật pháp hoặc sử dụng vũ khí, nhưng giải pháp thực sự cho sự thù hận và bạo lực là cung cấp sự đào tạo về học tập cảm xúc và đạo đức xã hội. Ở Delhi, năm ngoái, chúng tôi đã giới thiệu một chương trình giảng dạy tương tự về Hạnh phúc trong các trường học của chúng tôi với nhiều kết quả tích cực. Tôi xin chúc mừng đội ngũ những người đã thực hiện công việc này và những người đã ủng hộ họ. Đó là một sự đóng góp rất thiết thực.
Kailash Satyarthi - người được trao giải Nobel Hòa bình năm 2014 cho cuộc đấu tranh chống đàn áp trẻ em và thanh thiếu niên và cho quyền của tất cả trẻ em được giáo dục - đã nói tiếp. Ông xưng tán Ngài là một bậc Thầy, một người cố vấn và là một người bạn tuyệt vời. Ông ta gắn kết những phẩm chất tích cực của một đứa trẻ thơ cho Ngài, giải thích rõ rằng ông đang đề cập đến những đứa trẻ thật thà và minh bạch.
Tôi hy vọng “Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội” sẽ thay đổi quan điểm của tôi về giáo dục. Khi mới sinh ra, trẻ em rất trong sáng, nhưng thông qua giáo dục, các cháu đã học cách tiếp cận sự phân biệt về danh tính dẫn đến sự phân chia của nhân loại. Trẻ con không hề tạo ra ranh giới và biên giới. Chúng ta không cần dạy các cháu về lòng từ bi, mà chúng ta cần phải học về lòng từ bi từ bọn trẻ. Thế giới trở nên như vậy là vì thiếu lòng từ bi. Các bạn thân mến! Tôi hy vọng rằng thông qua các chương trình như lòng từ bi này sẽ trở thành một cách sống. Nó nên là một phần của chúng ta. Chúng ta cần làm việc kinh doanh với lòng từ bi; làm chính trị với lòng từ bi; yêu cầu các chính trị gia của bạn phải từ bi. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng nên tìm hiểu về lòng từ bi.
Khi đến lượt mình, Ngài chọn đứng ở bục giảng để phát biểu.
Các anh chị em kính mến! Tôi là một trong số 7 tỷ người đang sống hiện nay và cuộc tụ họp này có liên quan đến sự thịnh vượng của nhân loại. Trong số các loài động vật có vú khác nhau, con người là loài có ác ý nhất. Những chúng sinh khác cũng có thể có sự giận dữ, luyến ái và ý thức về ‘cái Tôi’, nhưng mức độ hành động của chúng còn bị hạn chế. Con người chúng ta có thể là kẻ phá hoại nhất. Mặt khác, nếu chúng ta sử dụng trí thông minh của mình một cách xây dựng tích cực, thì chúng ta cũng có thể làm được nhiều điều rất tốt.
Bản chất cơ bản của con người là từ ái và bi mẫn. Richard Moore ở đây là một ví dụ sống động về điều này. Khi cậu ta bị mất đi thị lực, suy nghĩ đầu tiên của cậu ấy không phải là sự tức giận, mà là sự tiếc nuối rằng mình không còn có thể nhìn thấy khuôn mặt của mẹ mình nữa. Cậu ta đã không để bụng sự giận dữ đối với người lính đã bắn mình. Thay vào đó họ đã trở thành bạn bè của nhau.
Khi trẻ con bước vào hệ thống giáo dục, ở đó không đề cập nhiều về giá trị con người. Các cháu trở nên bị định hướng cho các mục tiêu vật chất trong khi những phẩm chất tốt đẹp của trẻ bị nằm lại im lìm. Sự giáo dục nên giúp chúng ta sử dụng trí thông minh của mình để có hiệu quả tốt, điều đó có nghĩa là áp dụng lý trí. Sau đó, chúng ta có thể phân biệt được những điều trong lợi ích ngắn hạn và dài hạn của mình. Khi được sử dụng đúng cách, trí thông minh của chúng ta có thể giúp chúng ta trở nên thực tế; sự tức giận chỉ làm cho chúng ta trở nên thiển cận mà thôi.
Những cảm xúc hủy diệt dựa trên sự nhìn nhận cho rằng sự xuất hiện bề ngoài là thật, trong khi - với trí thông minh, chúng ta có thể hiểu được ở mức độ sâu hơn rằng, có một sự cách biệt giữa sự xuất hiện và sự thật.
Kết quả của chương trình này và chương trình giảng dạy sẽ không được nhìn thấy vào tuần tới, nhưng trong quá trình của thế hệ tiếp theo, chúng ta có thể thấy những con người từ bi hơn, những cá nhân và gia đình hạnh phúc hơn. Bởi vì sự biến đổi khí hậu là một mối đe dọa nghiêm trọng như vậy, nên chúng ta cần có ý thức mạnh mẽ về cộng đồng và ý thức mạnh mẽ rằng - là con người - chúng ta đều giống nhau cả. Sự khác biệt giữa chúng ta chỉ là điều thứ yếu. Chúng ta đều là con người; và tất cả chúng ta đều chia sẻ một hành tinh này, đó là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Vì điều đó chúng ta cần phải chăm sóc nó tốt hơn. Chúng ta phải trưởng dưỡng lòng từ bi không chỉ cho đồng loại, mà còn cho các loài động vật, chim và những loài côn trùng khác mà chúng ta đang cùng chung sống trên thế giới. Đó là tất cả; xin cảm ơn quý vị!”
Trong cuộc thảo luận sau đó, Daniel Goleman đã giải thích trong một thông điệp video về cách mà các chương trình “Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội” đã theo dõi ấn phẩm của ông về “Trí tuệ Cảm xúc” và các chương trình này đã được cải thiện như thế nào.
Kimberly Schonert-Reichl tuyên bố rằng “Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội” đã được đưa lên ở 37 quốc gia. Cô giải thích rõ rằng điều quan trọng là các kỹ năng xã hội và cảm xúc có thể được truyền dạy. Trước đây người ta cho rằng sự đồng cảm không thể được dạy hay học, bây giờ thì rõ ràng là nó có thể. Và bây giờ cũng rõ ràng rằng các sinh viên tham gia vào “Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội” đều cải thiện thành tích học tập của họ lên đến 11%.
Robert Roeser nói thêm rằng lòng từ bi không những chỉ tốt cho những người được giúp đỡ, mà người trợ giúp cũng có được lợi ích. Ông báo cáo rằng hiện nay được biết rằng ngay cả trẻ em cũng quan tâm đến người khác.
Ngài đã góp ý vào để chỉ ra rằng có một ý thức từ bi một cách tự nhiên dựa trên sự gắn bó với người thân và bạn bè. Nó có sự hạn chế về phạm vi nhưng có thể giống như một hạt giống mà trí thông minh có thể phát triển. Lòng từ bi sâu rộng bao dung cả người lạ và thậm chí là kẻ thù thì chỉ có thể được phát triển thông qua sự đào tạo.
Brendan Ozawa-de Silva đã phác thảo khuôn khổ của “Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội”, đưa ra một định nghĩa khoa học về lòng từ bi liên quan đến việc nhận ra được sự đau khổ, thấu hiểu nỗi đau khổ của người khác; khát khao giúp đỡ họ thoát khỏi nỗi đau và biết cách làm thế nào để thực hiện điều đó. Ông cũng cho thấy “Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội” ảnh hưởng đến các lĩnh vực cá nhân, xã hội và hệ thống như thế nào trong khi liên quan đến các khía cạnh khác nhau về nhận thức, lòng từ bi và sự tham gia.
Cuối cùng, người sáng lập Hội Giáo dục Kaivalya - Aditya Natraj báo cáo rằng ông và các đồng nghiệp đã hỏi về điều gì đáng để học; và kết luận rằng đó là sự tự do thoát khỏi những suy nghĩ có điều kiện. Sự làm việc với trẻ em đã dạy cho ông ta biết được rằng, thường thì vấn đề không phải ở trẻ em mà là với người lớn. Do đó, có một nhu cầu được công nhận để giúp giáo viên và các nhà giáo dục phát triển lòng từ bi. Điều này được tiếp cận với niềm tin rằng tất cả con người đều tốt và muốn làm điều thiện, nhưng bị mắc kẹt trong hệ thống mà họ tìm thấy chính mình trong đó.
Ông nói về một lãnh đạo công đoàn giáo viên, người đã đến với ông và thề rằng anh ta không thể thay đổi, người mà vừa đã trở thành một người ủng hộ tuyệt vời cho sự đào tạo lòng từ bi. Một câu chuyện khác khiến khán giả thích thú là về một người phụ nữ muốn biết ông đã làm gì với chồng của cô ta. Cô nói, trước đây, chồng của cô về nhà thường nói về chính trị và yêu cầu trà. Kể từ khi làm việc với Natraj, anh ta về nhà và điều trước tiên là hỏi thăm sức khỏe của cô ta.
Ngài đã nhận xét,
Trong truyền thống Ấn Độ cổ đại, bất cứ điều gì xuất hiện thông qua nguyên nhân và điều kiện đều phải thay đổi, do đó, con người cũng có thể thay đổi. Và một sự thay đổi rõ ràng là khi chúng tôi đến đây, dạ dày của chúng tôi đã đầy; nhưng bây giờ thì chúng trống rỗng.
Ngài cùng dùng cơm trưa với các tham luận viên và những khách mời khác.