Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ một nhóm 22 học giả Ấn Độ tham gia Hội nghị ba ngày về Nghiên cứu Tây Tạng do Viện Chính sách Tây Tạng của Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA) tổ chức.
Ngài đã giải thích cho họ về cách truyền thống đích thực của Đại học Nalanda đã được truyền đến Tây Tạng.
"Mặc dù kiến thức quý giá là cốt lõi của truyền thống này có thể đã bị lãng quên ở Ấn Độ, nhưng qua sự nghiên cứu và thực hành nghiêm ngặt, chúng tôi đã giữ nó tồn tại ở Tây Tạng trong hơn một nghìn năm. Truyền thống Nalanda không chỉ là vấn đề giảng dạy thuộc về tôn giáo, mà theo tư tưởng triết lý và tâm lý học tiên tiến của nó - là phương tiện hữu hiệu để đối phó với những cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Đó là một truyền thống bắt nguồn sâu sắc từ lý luận và logic. Vâng theo lời khuyên mà Đức Phật đã dành cho các đệ tử của Ngài là phải điều tra, nghiên cứu, kiểm nghiệm về những gì mà Ngài đã dạy, các bậc Luận Sư vĩ đại của Nalanda như Ngài Long Thọ và Ngài Nguyệt Xứng đã khảo sát Giáo lý của Đức Phật dưới ánh sáng của lý luận và họ đã kết luận rằng, một số Giáo lý là đối tượng để giải thích và không thể được thực hiện theo nghĩa đen."
Ngài đã nhận xét rằng phương pháp phân tích để nghiên cứu theo các trung tâm học tập của tu viện Tây Tạng, sử dụng việc ghi nhớ học thuộc lòng, tranh luận và thiền định; tương tự như một phương pháp khoa học. Ngài nói với các vị khách của mình rằng, có mười ngàn Tăng Sĩ và một nghìn Sư Cô đang được đào tạo theo phương pháp này trong các trung tâm tu viện ở Nam Ấn.
"Trong hơn ba mươi năm qua, nhờ sự thảo luận nghiêm túc với các nhà khoa học hiện đại, tôi đã học được rất nhiều điều từ họ về thế giới bên ngoài; và chúng tôi đã có thể giải thích cho họ những gì mà chúng tôi hiểu được về sự hoạt động của tâm thực và cảm xúc.
Ngài đã hết lời ca ngợi truyền thống Ấn Độ cổ xưa - Ahimsa - tinh thần bất bạo lực - như một phương thức ứng xử; và karuna - lòng bi mẫn - là động lực của tinh thần ấy. Ngài lưu ý rằng ngay cả trước khi Đức Phật xuất hiện, thì những sự thực hành về shamatha (thiền chỉ) và vipashyana (thiền quán), là phương tiện để tu luyện sự nhất tâm và trí tuệ sáng suốt đặc biệt đã được thực hành rộng rãi. Thật vậy, Đức Phật là kết quả thành tựu của những sự thực hành Ấn Độ cổ đại này.
Đề cập đến hơn 300 tập văn học Phật giáo đã được dịch chủ yếu từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng, Ngài nói rằng:
"Nội dung của các kinh điển và chuyên luận này có thể được phân thành ba loại: khoa học, triết học và tôn giáo. Trong khi nội dung tôn giáo thực sự chỉ được các Phật tử quan tâm, thì nội dung khoa học và triết học có thể được nghiên cứu trong bối cảnh học thuật một cách khách quan. Raja Ramana, một trong những nhà vật lý hạt nhân hàng đầu của Ấn Độ, đã từng nói với tôi rằng mặc dù lý thuyết lượng tử còn khá mới trong thế giới khoa học, nhưng những ý tưởng tương ứng có thể được tìm thấy trong các tác phẩm của Ngài Long Thọ.
"Nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đương đầu ngày nay có nguồn gốc từ những cảm xúc tiêu cực. Kiến thức Ấn Độ cổ đại về sự hoạt động của tâm thức có thể giúp chúng ta hiểu cách giải quyết những loại cảm xúc như vậy. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng Ấn Độ có tiềm năng lớn để kết hợp nền giáo dục hiện đại với kiến thức truyền thống này để mang lại những hiệu quả có lợi.”