Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, tại Dinh thự của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp 58 thành viên của Câu lạc bộ Nhân vật Iran - CEO của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - tự mô tả mình là sứ giả của hòa bình. Khi Ngài bước vào phòng, họ chào đón Ngài bằng những tràng pháo tay thân thiện.
Ngài nói với họ rằng: “Tôi rất vui khi được gặp những người đến từ Iran. Một số người nghi ngờ người Iran, nhưng tôi nhớ rằng, có những báo cáo về mối liên hệ giữa Tây Tạng và Ba Tư trong triều đại của Hoàng Đế Songtsen Gampo vào thế kỷ thứ 7. Và trong khi người Ba Tư được mô tả là giàu có, thì người Mông Cổ được xem là những người thích chiến tranh.
Tôi có những cam kết kiên định. Là một trong số 7 tỷ người - những người muốn sống một cuộc sống hạnh phúc - tôi đã cam kết giúp đỡ mọi người hiểu được rằng điều này có thể đạt được nếu họ nuôi dưỡng một tâm hồn định tĩnh, vui vẻ dựa trên tình yêu thương và lòng từ bi. Nói một cách đơn giản, nếu bạn có thể từ bi và ấm áp, thì bạn sẽ có được hạnh phúc.
Thứ hai, là một tu sĩ Phật giáo, tôi cảm thấy có trách nhiệm đạo đức để thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ở cấp độ triết học, có tất cả các loại khác biệt giữa các truyền thống tôn giáo, nhưng thông điệp chung của tất cả các truyền thống là tầm quan trọng của việc trưởng dưỡng tình yêu thương. Tôi đã được thuyết phục rằng sự hòa hợp tôn giáo là điều có thể khả thi, hãy nhìn vào Ấn Độ - nơi có rất nhiều truyền thống tôn giáo đã sống bên cạnh nhau trong hàng ngàn năm qua. Vì tôi coi trọng sự hòa hợp tôn giáo, cho nên tôi rất vui khi được gặp gỡ các thành viên của các tín ngưỡng khác, thế nên, đây là một niềm vinh dự thực sự cho tôi khi được gặp các anh chị em Shia ngày hôm nay.
Ngày nay, nhìn thấy mọi người gây chiến tranh và giết hại lẫn nhau nhân danh tôn giáo - cho dù ở Ai Cập, Miến Điện hay Afghanistan - thực sự là điều không thể tưởng tượng được. Tuần tới tại Delhi, tôi sẽ tham dự một cuộc hội nghị để tôn vinh sự đa dạng của người Hồi giáo Ấn Độ. Tôi không nghe thấy báo cáo nào về sự xích mích giữa người Sunni và người Shias ở Ấn Độ, vì vậy tôi đã khuyến khích bạn bè của mình ở Ladakh nên thực hiện các bước tích cực hơn để hòa giải sự phân biệt giữa anh chị em của họ với các giáo phái khác nhau.
Khi tôi gặp những người có truyền thống tâm linh khác nhau, tôi luôn nhớ rằng - ở cấp độ cơ bản, chúng ta đều là những con người như nhau. Ở Tây Tạng nơi tôi sinh ra, chúng tôi có hàng xóm là những người Hồi giáo; và khi còn nhỏ chúng tôi chơi đùa vui vẻ với nhau, không hề có sự khác biệt giữa chúng tôi. Khi tôi đến Lhasa, thành phố thủ đô của chúng tôi, với cái tên Đạt Lai Lạt Ma, tôi thấy cũng có một cộng đồng Hồi giáo nhỏ ở đó. Họ đã sinh sống ở đó kể từ thời Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, Ngài đã cho họ một vùng đất để xây dựng một nhà thờ Hồi giáo. Hầu như không có báo cáo nào về sự tranh chấp giữa Phật tử địa phương và những người Hồi giáo này, họ là những người rất hoà thuận, nấu những món ăn ngon và nói chuyện với một phương ngữ Tây Tạng hoàn hảo.
Tôi đang mong chờ cuộc gặp gỡ sắp tới và hy vọng rằng đại diện của các đại sứ quán của nhiều quốc gia Hồi giáo cũng sẽ tham dự. Tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo.
Trong số những câu hỏi đặt ra, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được hỏi rằng nếu những người theo đạo Phật không tin vào Chúa, thì làm thế nào để họ giải thích về sự sáng tạo? Ngài trả lời rằng cũng giống như Kỳ Na Giáo, những người Phật tử tin vào kiếp sau và không hề có sự khởi đầu. Việc bạn có một cuộc sống hạnh phúc hay khó khăn đều tùy thuộc vào cách mà bạn đã thực hiện trước đó. Tử tế và từ bi đối với người khác và tránh làm tổn hại họ là những nguyên nhân tốt cho một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. Điều quan trọng là làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa, Đức Ngài đã đề cập rằng Ngài rất ngưỡng mộ cách suy nghĩ về đồng loại của mình như là những người con của một Đức Chúa nhân từ - suy nghĩ như thế có thể giúp bạn thực hiện được điều đó.
Được hỏi về phản ứng của Ngài đối với sự quấy rối của người Hồi giáo ở Miến Điện, Ngài đã giải thích rằng, lúc đầu tiên nghe về điều đó, là Ngài đang ở Washington DC. Ngài bày tỏ nỗi buồn về những gì đang xảy ra; và Ngài kêu gọi các Phật tử Miến Điện không phải chỉ nhớ đến Đức Phật mà còn phải suy tư rằng nếu Đức Phật có ở đó, thì Đức Phật cũng sẽ bảo vệ cho những người Hồi giáo này. Ngài giải thích rằng Ngài cũng đã bày tỏ sự thất vọng với Aung San Suu Kyi, người trả lời rằng tình hình rất khó khăn và Cô không thể làm được điều gì cả. Để khẳng định sự cảm thông và quan tâm đến phúc lợi của những người bị di tản này, Ngài đã chỉ đạo Tổ chức Gaden Phodrang của ngân quỹ Đạt Lai Lạt Ma hỗ trợ cho sự cứu trợ và phục hồi của họ thông qua Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Những người Iran đã thể hiện sự ngưỡng mộ của họ với những tràng pháo tay vang dội.
Trước khi sự kiện này kết thúc, các vị khách đã tập trung quanh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thành các nhóm nhỏ hơn để cùng chụp ảnh chung với Ngài, rõ ràng là họ vô cùng hoan hỷ khi được diện kiến Ngài.