Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Trong cuộc gặp gỡ sáng nay với một nhóm 47 học giả, chính trị gia, bác sĩ v.v. người Mông Cổ - những người đã tham gia khóa nhập thất Tây Tạng-Mông Cổ ba ngày do Viện Phật giáo Naro Banchen và Văn phòng Tây Tạng, Matxcơva tổ chức; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với họ:
"Ngay cả trước khi Phật giáo được phổ biến, Tây Tạng và Mông Cổ là những quốc gia láng giềng có chung đường biên giới. Các nhà sử học từ thời đại nhà Đường cho rằng Mông Cổ được nổi bật bởi sức mạnh quân sự của nó, Trung Quốc thì quan tâm đến chính trị và Tây Tạng thì tập trung vào Phật Pháp."
Ngài đã chỉ ra rằng Phật giáo được thiết lập ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8 và các tác phẩm của các bậc thầy nổi tiếng của Đại học Nalanda đã trở thành sách giáo khoa của Chư Tăng. Ngài nhớ lại rằng Phật giáo đã được giới thiệu đến Mông Cổ trong ba giai đoạn, bắt đầu với việc truyền bá qua Trung Á trong thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Giai đoạn thứ hai, vào thế kỷ 13-14, có sự tham gia của Drogön Chögyal Phagpa, người được mời từ Tây Tạng. Vào thế kỷ 16, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 3 Sönam Gyatso đã giới thiệu những giáo lý của Tsongkhapa, được truyền bá khắp cả nước. Tất nhiên, Mông Cổ và các quốc gia Buryat, Kalmykia và Tuva của Mông Cổ đã sản sinh ra nhiều học giả Phật giáo nổi tiếng.
Khi tôi đến viếng thăm Mông Cổ lần đầu tiên vào năm 1979, mặc dù Mông Cổ vẫn còn dưới sự cai trị của cộng sản, tôi đã rất ấn tượng khi được thấy lòng tin vào Chánh Pháp đã tồn tại như thế nào. Đức tin, là một phần của tất cả các truyền thống tôn giáo, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, trong truyền thống Nalanda đức tin được củng cố bởi lý luận và triết lý. Vào thời điểm hiện tại, điều quan trọng là chúng ta trở thành Phật tử của thế kỷ 21 với sự hiểu biết đúng đắn về những điều mà Đức Phật đã dạy.
"Trong thời đại khoa học và công nghệ, chỉ có đức tin và cầu nguyện thôi là không đủ. Phật tử cần phải hiểu giáo lý của Đức Phật. Nghiên cứu các tác phẩm của các đạo sư Nalanda có thể giúp cho sự hiểu biết đó phát triển hơn. Nghiên cứu, suy tư phê phán và thực hành thiền định có thể giúp chúng ta biến Phật pháp thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. Phật giáo là tôn giáo truyền thống của Mông Cổ, nhưng nếu thực hành chỉ dựa trên đức tin, thì nó có thể không tồn tại trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, nếu sự thực hành của nó được thành lập dựa trên logic và lý trí, thì nó có thể tồn tại trong nhiều thế kỉ.”
Ngài nhận xét rằng, nhờ Phật giáo từ truyền thống Nalanda được thành lập dựa trên lý luận và logic mà sự tương tác gần đây với các nhà khoa học hiện đại đã có nhiều kết quả hữu ích. Những người theo đạo Phật đã học được rất nhiều điều từ các nhà khoa học về thế giới bên ngoài, trong khi đó - ngược lại - các nhà khoa học cũng học hỏi được từ những điều mà Phật giáo đã đề cập về những sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
Ngài bày tỏ sự vui mừng rằng có hàng trăm người Mông Cổ đang theo học tại các trường đại học Phật giáo ở miền Nam Ấn Độ. Ngài mong muốn họ có thể đóng góp cho sự hồi sinh của Phật giáo ở Mông Cổ, Buryatia, Kalmykia và Tuva.
Khi trả lời các câu hỏi từ phía khán giả, Ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết phải rèn luyện tâm thức. Ngài lưu ý rằng, dù bạn có chọn để thọ trì một sự thực hành tôn giáo hay không, thì mọi người cũng đều cần được dẫn dắt bởi ý thức đạo đức, do đó Ngài khuyến khích mọi người nên quan tâm đến nền đạo đức thế tục. Ngài cho rằng sự tuân thủ nền đạo đức thế tục là tương đương với ý nghĩa nền tảng cơ bản của lòng từ ái được nuôi dưỡng bởi Phật tử Tây Tạng và Mông Cổ.