New Delhi, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp một nhóm khoảng một trăm các nhà trí thức, học giả và các nhà ngoại giao sáng nay, Ngài nói với họ rằng, con người chúng ta đều giống nhau về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất, tất cả chúng ta đều giống nhau. Chúng ta có cùng một loại về não bộ và cùng một phẩm chất thông minh. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều mong muốn sống một cuộc sống hạnh phúc thoát khỏi đau khổ.
Ngài giải thích - Ngày nay, các nhà khoa học đã nói với chúng ta rằng, bản chất cơ bản của con người vốn dĩ là từ bi. Chúng ta là những động vật xã hội phụ thuộc vào cộng đồng nơi chúng ta đang sống. Trước khi đến trường, trẻ em rất cởi mở và thân thiện với nhau. Các cháu không hề quan tâm đến tôn giáo hay quốc tịch mà những người bạn đồng hành của họ thuộc về, miễn là họ chơi với nhau một cách thân thiện. Tuy nhiên, khi bắt đầu đi học, các cháu đã học cách chú ý nhiều hơn đến những sự khác biệt thứ yếu, chẳng hạn như tôn giáo, màu da, nền kinh tế và - tại đất nước này - họ thuộc về đẳng cấp nào. Để đối trị lại sự phân biệt đối xử này - ý thức về “chúng tôi” và “bọn họ” này - chúng ta cần phải nuôi dưỡng ý thức về sự đồng nhất của 7 tỷ con người.
Ngài nói với hội chúng rằng Ngài có bốn cam kết. Đầu tiên là giúp cho mọi người hiểu rằng, khi tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, thì nguồn hạnh phúc thực sự nằm ở nơi chính chúng ta. Tấm lòng nồng ấm sẽ làm cho bạn, gia đình và hàng xóm của bạn hạnh phúc hơn. Cam kết thứ hai của Ngài là khuyến khích sự hòa hợp tôn giáo, đó là một truyền thống lâu đời ở Ấn Độ. Ngài chỉ ra rằng, sở dĩ chúng ta có những truyền thống tôn giáo khác nhau bởi vì những con người khác nhau có những nhu cầu và khuynh hướng tinh thần khác nhau - mặc dù tất cả các truyền thống tôn giáo đều truyền tải một thông điệp chung về tình yêu thương và lòng từ bi.
Cam kết thứ ba của Ngài liên quan đến việc Ngài là một người Tây Tạng và là một người mà nhân dân Tây Tạng đã đặt trọn niềm tin của họ vào đó. Ngài nói rõ rằng kể từ năm 2001, Ngài đã hoàn toàn rút lui khỏi sự tham gia chính trị, và dành những trách nhiệm đó cho một Vị lãnh đạo được nhân dân bầu chọn.
Tuy nhiên, tôi vẫn quan tâm đến việc giữ gìn duy trì bản sắc tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của Tây Tạng. Vào thế kỷ thứ 7, vị vua Tây Tạng, Songtsen Gampo đã ủy thác việc tạo ra chữ viết theo mô hình của chữ viết Devanagari của Ấn Độ. Sau đó, vào thế kỷ thứ 8, vua Trisong Detsen đã thỉnh mời bậc học giả vĩ đại Thiện Hải Tịch Hộ từ Đại học Nalanda truyền bá Phật giáo đến Tây Tạng. Truyền thống mà Ngài thiết lập ra thuộc về truyền thống tiếng Phạn, được duy trì tại Nalanda, chú trọng việc sử dụng logic và lý luận. Chính nền tảng này đã giúp cho Phật giáo Tây Tạng có thể hợp tác thảo luận được với khoa học hiện đại. Truyền thống Nalanda cũng kết hợp việc thực hành các hành vi bất bạo động - ‘ahimsa’, và động lực từ bi của nó - ‘karuna’.
Cuối cùng, tôi cam kết tìm cách làm hồi sinh lại sự quan tâm đến kiến thức của Ấn Độ cổ đại, nơi có sự hiểu biết thấu đáo về hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Tôi tin rằng điều này rất phù hợp trong thế giới hiện đại ngày nay. Tôi tin rằng ở Ấn Độ, kiến thức này có thể được kết hợp với sự giáo dục hiện đại để mang lại lợi ích chung cho chúng ta.
Trả lời các câu hỏi của khán giả, Ngài khuyên rằng, khi nói đến quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc, tốt hơn hết là hai quốc gia này nên sống cạnh nhau như những người hàng xóm hiền hòa. Về việc tốt hơn hết là nên dạy cho trẻ em về vấn đề tôn giáo hay về các giá trị cơ bản của con người; Ngài cho rằng việc thực hành tôn giáo là vấn đề lựa chọn cá nhân, nhưng sự nồng ấm nhiệt thành đơn giản sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Ngài nhấn mạnh đến nhu cầu học tập, không chỉ dành cho chư Tăng Ni, mà ngay cả trong số cư sĩ Phật tử. Ngài nhớ lại đã xem một sinh viên đạo Sikh ở Ladakh đã tham gia một cách đầy sôi nổi hứng thú trong cuộc tranh biện. Ngài khuyên mọi người nên khám phá ý tưởng về 'pratityasamutpada' hay ‘lý Duyên Khởi’. Bởi vì mọi thứ tồn tại phụ thuộc vào các yếu tố khác, chúng không hề có sự tồn tại độc lập; cho nên nếu chúng ta mở rộng khái niệm này để đánh giá cao rằng hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào người khác, thì chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về sự liên quan của lòng từ bi. Ngài khuyên rằng nếu chúng ta nuôi dưỡng lòng yêu thương tử tế, thì ngay cả kẻ thù của mình cũng có thể trở thành người bạn tuyệt vời nhất của chúng ta.
Khi được hỏi tại sao ý thức chung dường như rất hiếm, Ngài trả lời rằng, hệ thống giáo dục hiện đại do người Anh truyền vào Ấn Độ - ít chú ý đến việc đào tạo tâm thức. Do đó, mọi người không biết cách làm thế nào để giải quyết những cảm xúc tiêu cực, cũng như làm thế nào để đạt được sự an lạc cơ bản của nội tâm. Ngài kết luận với sự trấn an rằng, chúng ta thực sự có thể chuyển hoá tâm thức và cảm xúc của mình - điều đó cần có thời gian - nhưng nó có thể thực hiện được nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực.