Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Hai nhóm người Ấn Độ đã diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại dinh thự sáng nay. Một nhóm bao gồm các thành viên của Hiệp hội Phật giáo Thanh niên Ấn Độ, Sankisa: sinh viên, giáo viên, bác sĩ và kỹ sư từ 13 tiểu bang và bạn bè của họ. Nhóm còn lại là các sinh viên và giảng viên của Học viện Truyền thông đại chúng Ấn Độ - những người đã và đang làm quen với cộng đồng Tây Tạng ở Dharamsala.
Ngài bắt đầu cuộc nói chuyện với họ khi tuyên bố rằng cam kết chính của Ngài là thúc đẩy việc thực hành lòng vị tha, bồ đề tâm.
Chúng ta được khuyến khích nên xem tất cả chúng sinh cũng thân yêu như mẹ của mình. Có những sinh vật ở các dãy thiên hà khác mà chúng ta không thể liên hệ trực tiếp được. Ở đây, trên thế giới này, có động vật, chim chóc, côn trùng, sâu bọ và vân vân, rất khó để chúng ta có thể giúp đỡ được - vì chúng không có ngôn ngữ. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm được điều gì đó cho đồng loại của mình, bởi vì chúng ta có thể giao tiếp với những người có tinh thần, thể chất và cảm xúc giống như chúng ta. Rèn luyện lòng từ bi sẽ mang đến cho mọi người sự an lạc nội tâm. Nó mang lại cho ta niềm hạnh phúc.
Khi chúng ta quá thất vọng, tức giận hoặc đầy sợ hãi, ta không có được sự an lạc nội tâm. Tiền tài, danh vọng và quyền lực không mang đến cho ta sự bình yên trong tâm hồn, nhưng lòng từ bi thì có thể giúp ta đạt được điều đó. Trẻ em không hề quan tâm đến vấn đề đức tin, quốc tịch hay chủng tộc của những người bạn đồng hành của mình, miễn là chúng cười đùa và cùng nhau chơi vui vẻ là được. Đó là tinh thần mà tất cả chúng ta đều cần đến.
Thật không may! Nền giáo dục hiện đại đã cung cấp rất ít sự hướng dẫn về cách xử lý những cảm xúc đáng lo ngại của chúng ta và cách để đạt được sự bình an trong tâm hồn. Mặt khác, trong hơn 3000 năm, các khái niệm về ‘ahimsa’ đã giúp ta kìm hãm không làm tổn hại người khác, và ‘karuna’ đã nuôi dưỡng một động lực từ bi, những ý thức này đã được phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ. Những sự thực hành này đã tồn tại ngay cả trước thời của Đức Phật.
Ban đầu người Tây Tạng là những người dân du mục và chiến binh, nhưng sau khi chúng tôi gặp được Phật Pháp, chúng tôi đã trở nên ôn hòa và an lạc hơn. Vào thế kỷ thứ 7, Hoàng Đế Tây Tạng đã quyết định mô hình hóa một hình thức chữ viết bằng tiếng Tây Tạng theo mẫu chữ của Ấn Độ. Sau đó vào thế kỷ thứ 8, một vị Hoàng Đế khác, mặc dù có quan hệ mật thiết với Trung Quốc, nhưng Đức Vua đã chọn sự truyền bá Phật giáo đến Tây Tạng từ Ấn Độ.
Hoàng Đế đã thỉnh một học giả vĩ đại, một tu sĩ và cũng là một triết gia và là nhà logic học tên là Thiện Hải Tịch Hộ từ Đại học Nalanda. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã khuyến nghị rằng văn học Phật giáo Ấn Độ nên được dịch sang tiếng Tây Tạng, và với kết quả là chúng ta đã có được một bộ gồm 300 tập kinh điển. 100 tập chứa các ghi chép về lời dạy của Đức Phật, 200 tập còn lại bao gồm các bài bình luận của các bậc thầy Ấn Độ tiếp theo sau đó. Trong quá trình dịch thuật, ngôn ngữ Tây Tạng đã được làm cho trở nên phong phú và sâu sắc. Hiện giờ, ngôn ngữ Tây tạng là phương tiện chính xác nhất để giải thích về tư tưởng Phật giáo.
Những Phật tử của truyền thống Pali dựa vào thẩm quyền của những lời Phật dạy. Trong khi đó, những người theo truyền thống Nalanda, như người Tây Tạng chúng tôi, thì dựa vào lý luận và logic. Chúng tôi luôn hỏi tại sao? Tại sao Đức Phật dạy điều đó? Ngài có dụng ý gì? Truyền thống Trung Quốc ít quan tâm đến logic và phân tích. Nhiều hành giả Trung Quốc chủ trương tập trung và thiền định vô khái niệm. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã dự đoán được sự căng thẳng giữa quan điểm đó với phương pháp phân tích và logic của Ngài.
Ngài đã khuyên Hoàng Đế Tây Tạng mời người học trò đầu tiên của Ngài - Liên Hoa Giới - đến Tây Tạng để tranh luận với các nhà sư Trung Quốc. Sau khi đánh bại quan điểm của Trung Quốc, Ngài Liên Hoa Giới đã nhấn mạnh về việc học hành nghiên cứu và thiền phân tích. Phương pháp này đã cho chúng ta sự tự tin để tham gia vào các cuộc thảo luận vô cùng hiệu quả với các nhà khoa học hiện đại về các chủ đề như vũ trụ học, sinh học thần kinh, vật lý và tâm lý học.
Ngài đã làm rõ rằng Ngài cam kết thúc đẩy các giá trị cơ bản của con người, khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo và bảo tồn kiến thức và văn hóa Tây Tạng. Ngài trích dẫn lời của một bậc thầy Tây Tạng thế kỷ 15 - người đã tuyên bố rằng:
"Ở Tây Tạng, vùng đất của xứ Tuyết,
Màu sắc tự nhiên chính là màu trắng,
Nhưng trước khi ánh sáng từ Ấn Độ truyền vào,
Tây Tạng vẫn còn trong bóng tối âm u."
Ngài nói thêm rằng việc Tây Tạng bảo tồn được truyền thống Nalanda là một nguồn tự hào thực sự.
Ngài quan sát thấy rằng, trong quá khứ Ấn Độ đã sản sinh ra nhiều học giả và các nhà tư tưởng vĩ đại, những người đã phát triển sự hiểu biết phong phú về hoạt động của tâm thức và cảm xúc - kiến thức vô cùng quan trọng và lợi ích đối với nhiều người trên thế giới ngày nay. Vì Ngài tin tưởng rằng Ấn Độ có cả cơ hội lẫn khả năng kết hợp được kiến thức cổ xưa này với nền giáo dục hiện đại, thế nên Ngài cam kết cố gắng làm hồi sinh lại sự ngưỡng mộ đối với kiến thức ấy.
Khi trả lời các câu hỏi của khán giả, Ngài đã nói rõ những đóng góp mà ‘ahimsa’ và ‘karuna’ đã thực hiện để thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo. Nơi nào có mục đích nền tảng không gây sự tổn hại, thì nơi ấy - có thể có tranh luận - nhưng không hề có bạo lực.
Ngài khuyên rằng, quá ái trọng tự thân có thể sẽ làm phát sinh sự lo lắng và trầm cảm. Phương pháp đối trị hiệu quả cho vấn đề này là trau dồi ý thức vị tha, suy nghĩ đến toàn thể nhân loại. Đánh giá cao tính đồng nhất của nhân loại sẽ giúp cho chúng ta nhận ra được sự bình đẳng thiết yếu của chúng ta là những con người. Ngài chỉ ra rằng Đức Phật đã phản đối và chống lại sự phân chia đẳng cấp.
“Ngày nay, với sự trợ giúp của công nghệ, toàn thể nhân loại là một cộng đồng”.
Khi được hỏi làm thế nào để có thể chia sẻ văn hóa Tây Tạng một cách tốt hơn với phần còn lại của thế giới, Ngài nhận xét rằng, trước năm 1959, có những người gọi Phật giáo Tây Tạng là Lama Giáo, như thể đó không phải là một truyền thống đích thực. Nhưng ngày nay, Phật giáo Tây tạng được tôn trọng một cách đúng đắn là bậc thừa kế của Truyền thống Nalanda - một hệ thống thậm chí còn thu hút cả sự quan tâm của các nhà khoa học hiện đại.
Khi được hỏi về lần tái sinh tiếp theo, Ngài nhớ lại rằng, vào một dịp trước, có một nhà báo đã hỏi về điều này, Ngài đã tháo kính ra, nhìn thẳng vào mắt cậu ta và hỏi: “Bạn có nghĩ rằng có vội lắm không?” Những người Trung Quốc bảo thủ dường như rất muốn biết câu trả lời về điều này, nhưng họ sẽ phải chờ thêm 30 hoặc 40 năm nữa để tìm ra.
Tương lai của Đạt Lai Lạt Ma thực sự nằm trong tay tôi. Trước khi chết, tôi sẽ viết di chúc. Và tôi nghĩ rằng tôi có thể sẽ trở lại trong một cộng đồng Phật giáo. Tuy nhiên, từ trước năm 1969 tôi đã nói rõ rằng, liệu có một vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 hay không - điều đó sẽ phụ thuộc vào người dân Tây Tạng. Nó không quá quan trọng. Không có sự tái sinh của Đức Phật, nhưng giáo lý của Ngài vẫn tồn tại. Không có sự tái sinh của các bậc thầy Nalanda, nhưng các tác phẩm của họ vẫn duy trì. Trong trường hợp của tôi, sách vở và các bản ghi âm về những cuộc nói chuyện của tôi sẽ vẫn có ở đó.
"Cảm ơn quý vị!”