Mundgod, Karnataka, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bộ từ Tu viện Ganden Shartse đến Hội trường Ganden Lachi - nơi có khoảng 1000 người đang ngồi bên trong và hơn 4000 người ngồi trong bóng râm bên ngoài, Ngài đã được hộ tống bởi Viện trưởng của Shartse - Thượng toạ Jangchub Sangye. Ở Chánh điện, Ngài đã thắp một ngọn đèn trước những hình ảnh của Đức Phật và an toạ trước Pháp toà.
Người điều hành cho phiên khai mạc - Khensur Jangchub Choeden đã cung đón Ngài, Vị nắm giữ Toà Ganden, Sharpa và Jangtsé Chöjés, các Tu viện trưởng, chư Lamas và quan khách nước ngoài. Ông giải thích rằng Hội nghị đã được triệu tập để thảo luận về cuộc đời, tư tưởng và di sản của Đức Jé Tsongkhapa, nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày nhập Niết bàn của Ngài. Ông chuyển sang Tiến sĩ Thupten Jinpa để đưa ra một tổng quan về tiến trình sắp tới.
Tiến sĩ Jinpa nhận xét rằng việc tổ chức hội nghị quốc tế này tại Ganden - tu viện do Đức Tsongkhapa sáng lập - đã khiến cho nó thực sự mang tính lịch sử. Thêm vào đó là bài phát biểu chính được thuyết trình bởi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng khiến nó trở nên cát tường. Ông nói rằng là một học trò của Ngài và là một cựu tu sĩ của Tu viện Ganden, ông thật sự cảm thấy mình thật nhỏ bé và vô cùng vinh dự khi được hiện diện ở đây.
Ông cho rằng Đức Tsongkhapa đã trở thành một trong những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Ngài sinh năm 1357 tại Amdo, trước khi viên tịch vào năm 1419, ba Học viện Phật giáo vĩ đại đã được thành lập dưới sự ảnh hưởng của Ngài. Ngài đã thu hút được một lượng lớn đệ tử nhờ vào sự giảng dạy sâu rộng, mà cũng nhờ vào sự chú trọng của Ngài trong việc phát triển trí tuệ tích hợp dựa trên sự hiểu biết và lý luận phản biện, cũng như sự ủng hộ vận động mạnh mẽ về vai trò của đạo đức giới luật.
Tiến sĩ Jinpa giải thích rằng Hội nghị sẽ bao gồm sáu phiên thảo luận kéo dài hai giờ trong ba buổi chiều. Các phiên này sẽ tập trung vào một số chủ đề, bao gồm cuộc đời, tư tưởng và di sản của Đức Tsongkhapa; những đóng góp của Ngài đối với Trung quán và nghiên cứu về Bát nhã Ba la mật; lý thuyết và thực hành thiền định; các giai tầng của Đạo lộ; Rèn luyện Tâm thức; và đặc biệt là sự quan tâm đến Bồ đề tâm và lòng Từ bi; và sự đóng góp của Ngài đối với tư tường và sự thực hành của Kim Cang Thừa. Ông nhấn mạnh về ba mục tiêu của hội nghị: tôn vinh Đức Tsongkhapa nhân kỷ niệm 600 năm này, để khám phá tư tưởng và di sản tinh thần của Ngài và kiểm nghiệm những kiến thức trí tuệ từ tư tưởng và giáo lý của Ngài có liên quan đến cuộc sống ngày nay.
Đối với những người tham gia hội nghị, Tiến sĩ Jinpa chỉ ra rằng đó chính là một Hội nghị quốc tế thực sự. Ông đã thu hút sự chú ý đặc biệt đến sự hiện diện giữa những người thuyết trình về hai nữ Tiến Sĩ (Geshe-ma). Việc trao bằng cấp cao nhất cho chư Ni đã được đưa ra nhờ vào kết quả của tầm nhìn và sự khích lệ của Ngài. Ông cũng nêu lên điểm quan trọng về việc chào đón hai học giả quốc tế cao cấp nhất về truyền thống Tsongkhapa, Giáo sư Jeffrey Hopkins và Giáo sư Robert Thurman.
Cuối cùng, Tiến sĩ Jinpa cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là một tấm gương truyền cảm hứng của truyền thống Jé Tsongkhapa, và bày tỏ lòng biết ơn đến mọi người có mặt vì đã tham gia vào lễ kỷ niệm lịch sử này. Trước khi trở lại chỗ ngồi của mình, Tiến sĩ Jinpa đã dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một bản sao về tiểu sử của Đức Jé Rinpoche của ông mới được xuất bản, có tựa đề là “Tsongkhapa - Đức Phật của Xứ Tuyết”.
Khensur Jangchub Choeden đã cảm ơn Tiến sĩ Jinpa vì đã mở đầu và cung thỉnh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lên thuyết trình bài phát biểu chính.
Ngài bắt đầu: “Thế nên, chúng ta đã tổ chức Hội nghị quốc tế này liên quan đến lễ kỷ niệm 600 năm ngày Chứng ngộ và nhập Niết Bàn của Đại sư Tsongkhapa, và tập trung vào di sản của Ngài.
Trong số nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau trên thế giới, một số truyền thống phát sinh ở Ấn Độ rất quan trọng vì chúng liên quan đến những sự thực hành để phát triển một tâm thức định tĩnh và trí tuệ sâu sắc về thực tại. Sự thực hành tôn giáo vẫn còn có liên quan đến ngày nay vì thông điệp chính của hầu hết các truyền thống là tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi.
Tất cả chúng sinh đều phải chịu những phiền não như ham muốn, sân giận và vô minh, nhưng chỉ có loài người là gây chiến với nhau. Chúng ta đã có quá đủ về bạo lực rồi, nhưng việc bán vũ khí vẫn cứ tiếp diễn. Đây là lý do tại sao chúng ta cần khẩn trương tập trung vào tinh thần bất bạo động và lòng từ bi. Chúng ta là những động vật xã hội, phải phụ thuộc vào cộng đồng của mình, vì vậy bản chất cơ bản của con người là từ bi.
Có những truyền thống thần học và phi thần học. Những người theo thần học thì cầu nguyện với Chúa. Những người thuộc truyền thống thứ hai thì không tin vào Đấng sáng tạo nào cả - thay vào đó, như Đức Phật đã tuyên bố - ‘Con chính là bậc thầy của chính con”. Chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt là liệu chúng ta có phải trải qua nỗi đau hay niềm vui hay không, bằng cách là chúng ta có mang lại sự chuyển hoá trong tâm thức hay không.
Phật giáo xuất hiện ở Ấn Độ là kết quả của ba lần chuyển Pháp luân của Đức Phật. Trong lần đầu tiên, Ngài đã giải thích về cách mà chúng ta bước vào vòng sinh tử luân hồi như là kết quả của nghiệp và sự si mê, cũng như cách mà chúng ta được giải thoát nhờ vào việc thực hành theo Đạo lộ và đạt được sự chấm dứt (Diệt đế). Chúng ta cần khám phá xem nó có thực sự có thể đạt được sự chấm dứt (Diệt đế) hay không.
Truyền thống Nalanda nhấn mạnh việc sử dụng logic và lý trí. Đây là điểm khởi đầu của lời khuyên của Đức Phật đối với các đệ tử của Ngài:
"Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!"
Mặc dù Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của Truyền thống Nalanda, nhưng chỉ ở Tây Tạng và sau đó ở Mông Cổ mới tích cực sử dụng phương pháp logic và lý luận.
Ngài quan sát thấy rằng khi Quốc vương Tây Tạng - Songtsen Gampo - muốn tạo ra một hệ thống chữ viết của Tây Tạng, ông đã không quan tâm đến các phương pháp của Trung Quốc và chấp nhận một mô hình của Ấn Độ. Khi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám theo lời mời của Đức Vua, Ngài đã khuyến khích dịch văn học Phật giáo sang tiếng Tây Tạng để người Tây Tạng có thể học bằng ngôn ngữ của chính họ. Tại Tu viện Samye, Ngài đã thành lập một phân khoa dịch thuật, cũng như các phân khoa thiền định và độc thân (xuất gia). Truyền thống Nalanda mà Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã truyền bá thì có cơ sở nền tảng trong việc sử dụng logic và lý luận. Các tác phẩm luận giải mở rộng của Trần Na và Pháp Xứng về logic và nhận thức luận đã được dịch sang tiếng Tây Tạng. Sau đó, các học giả Tây Tạng như Chapa Chökyi Senge (1109-69), Viện chủ Sangphu và Sakya Pandita đã nghiên cứu tỉ mỉ về các chủ đề này.
Đây là sự tự tin của một nhà logic học tài ba và thành đạt mà Gyaltsap Dharma Rinchen đã đặt ra để thách thức với Đức Jé Tsongkhapa. Ông đến nơi mà Jé Rinpoche đang giảng dạy, ông ngồi cạnh Ngài trên Pháp toà. Jé Rinpoche chỉ tiếp tục giảng dạy và đưa ra sự trình bày vô cùng sâu sắc đến mức mà Gyaltsap phải lấy mũ xuống và sau đó thừa nhận sự vượt trội của Đức Tsongkhapa bằng cách phải bước xuống khỏi Pháp toà.
Đức Je Rinpoche có linh kiến về các vị thần thiền định, nhưng nhấn mạnh về việc nghiên cứu các bản văn cổ điển. Trong khi linh kiến như vậy về Đức Văn Thù Sư Lợi, Ngài đã nhận được những lời dạy mà Ngài không thể hiểu được. Đức Văn Thù đã khuyên Ngài nên nghiên cứu thêm. Sau khi nhập thất, Ngài mơ thấy Đức Long Thọ và năm vị đề từ chính của Ngài. Một trong số họ, người có nước da ngăm đen, đã tiến đến và chạm vào một cuốn sách trên đầu của Đức Tsongkhapa, Ngài nhận ra được đó là Ngài Phật Hộ. Ngày hôm sau, trong khi đọc bài luận giải của Phật Hộ về “Trí tuệ Căn bản” của Long Thọ, Ngài đã chứng được Trí tuệ Tánh Không và lý Duyên khởi.
Về vấn đề Mật tông, Đức Tsongkhapa đã thực hiện một nghiên cứu cụ thể về “Bí Mật Tập Hội”. Ngài cũng viết những luận giải về “Trí tuệ Cơ bản” của Ngài Long Thọ và “Nhập Trung Quán Luận” của Ngài Nguyệt Xứng. Đây là lý do tại sao mà tôi xem Ngài như là Đức Long Thọ thứ hai. Trong các tác phẩm của mình, nơi mà Khedrup-je có thể tự phụ, thì Đức Tsongkhapa vẫn luôn khiêm tốn. Butön Rinchen Drup đã viết một cách thấu đáo về nhiều chủ đề, nhưng khi so sánh, Jé Rinpoche có vẻ rõ ràng và sâu sắc hơn đối với tôi.
Khi được mời đến thăm Hoàng đế Trung Quốc, Đức Tsongkhapa đã trả lời rằng Ngài không thể tham dự vì Ngài đã nhập thất. Ngài đã gửi Jamchen Chöjé đi thay thế cho mình, Hoàng đế đã ban cho Jamchen Chöjé một chiếc mũ đen. Tôi thường trêu chọc Chư Tăng Sera khi họ đặt nó trên đầu của bức tượng của người sáng lập.
Truyền thống của Jé Rinpoche đã được duy trì một cách sống động tại Drepung, Ganden và Sera thông qua sự học tập và thực hành. Trong vài ngày qua, tôi đã quan sát những cuộc tranh biện ở đây tại Gomang, Loseling và Shartse. Tôi dự định sẽ đến Sera vào tháng 3 tới.
Nếu quý vị nhìn vào các tác phẩm của Tsongkhapa, thì “Toả sáng Mục tiêu: Sự luận giải về Nhập Trung quán Luận” của Ngài Nguyệt Xứng, 'Đại dương lý luận' về 'Trí tuệ cơ bản' của Ngài Long Thọ, và 'Tinh hoa của sự Biện tài thực sự', cũng như các tác phẩm của Ngài về Mật tông bất khả tư nghì như 'Ngọn đèn sáng chói', thì quý vị sẽ hiểu lý do tại sao tôi coi Ngài là Đức Long Thọ thứ hai. Còn ai khác có thể để lại một di sản toàn diện như vậy? Những tác phẩm này vô cùng hữu ích để có được trí tuệ sâu sắc về Chánh Kiến.
Bao lâu mà Bồ Đề Tâm còn có liên quan thì bấy lâu tôi còn nghiên cứu về “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên; nhưng bất kỳ sự chuyển hoá nào mà tôi đã thực hiện cũng đều được ảnh hưởng bởi các tác phẩm của Đức Tsongkhapa, bao gồm cả “Kho tàng vĩ đại về các giai trình của Đạo giải thoát” - lấy cảm hứng từ lời cầu nguyện của Đức Tsongkhapa:
“Bất cứ nơi nào giáo pháp đã lan rộng và bị suy tàn;
Và nơi nào Giáo pháp chưa được lan truyền đến;
Nguyện cầu cho con luôn ban truyền Chánh Pháp,
Bằng tâm từ dành cho tất cả chúng sinh”.
Tôi đã cố gắng phụng sự cho nhân loại và tôi cảm thấy mình đã không làm cho họ phải thất vọng.
Khensur Jangchub Choeden cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì trí tuệ biện tài của Ngài, và mời Giáo sư Donald S Lopez thuyết trình trước tiên.
Giáo sư Lopez bắt đầu với những kỷ niệm cá nhân của bốn mươi năm về trước khi đến Ấn Độ, và đến Ganden - nơi mà Sư Phụ của ông là Lati Rinpoche là Viện chủ. Sau đó, ông bắt đầu làm việc trên cuốn sách về các nguyên lý của Changkya, bản dịch mà gần đây ông đã hoàn thành và xuất bản. Ông trích dẫn lời của vị Viện chủ Gomang - Sogpo Ngawang Nyima - đã nói với ông rằng: “Con là người Mỹ, tôi là người Mông Cổ. Chúng ta hiện đang ở đây là Ấn Độ, nói tiếng Tây Tạng, mà nói về một Vị đến từ Amdo (có nghĩa là Tsongkhapa). Điều này chắc chắn phải là nghiệp duyên.”
Lopez hỏi, chúng ta có thể nói gì về con người này - người mà được gọi là vật trang trí vương miện của các học giả của Xứ Tuyết? Câu trả lời của Viện chủ là, bởi vì nhờ có Ngài mà ta có được Ba Đại học vĩ đại, cũng như Tashi Lhunpo, Labrang và Kumbum, có Ganden Phodrang, có Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma. Điều này rất đáng chú ý bởi vì Ngài không phải là một Đấng sáng tạo thế giới, mà là một hành giả Du già lang thang.
Lopez đã đưa ra những so sánh giữa Phật giáo, cụ thể là Phật giáo Tây Tạng và Thiên chúa giáo, đặc biệt là nhà thờ Công giáo La Mã. Tuy nhiên, nơi mà ba người đàn ông, Thomas Aquinas, Thomas a Kempis và St Benedict đã thực hiện sự thay đổi trong nhà thờ, thì trong truyền thống Geluk, chỉ một người đàn ông - Tsongkhapa đã làm nên sự hợp nhất của triết học, thiền định và Giới luật.
Anh ta nói rằng trong một thời gian dài làm quen với nguyên lý của Changkya, anh ta thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi sự hiện diện của Tsongkhapa trong bản văn, bởi vì mặc dù bản thân Ngài không viết về các nguyên lý, nhưng hầu như không có chủ đề nào mà Ngài không đưa ra trí tuệ sâu sắc cần thiết. Anh ta lưu ý rằng đó là cam kết của Đức Tsongkhapa đối với lý luận, phân tích và bằng chứng; đó là một trong những bài học chính yếu mà các tác phẩm của Ngài phải cung cấp cho thế giới hiện đại.
Giáo sư Lopez đã kết thúc với một hồi ức khác khi anh ta phải khởi hành để đi Mỹ vào năm 1979, mà không có Sư phụ của mình để có thể hoàn thành việc dạy cho anh ta về ‘Bản chất của Biện tài thật sự’, anh ta đã chắc chắn rằng điều đó có nghĩa là họ sẽ gặp lại để tiếp tục học nó. Đây là bản văn đã được Chư Tăng tại Ganden tụng vào 600 năm trước - khi Đức Tsongkhapa viên tịch.
Giáo sư Lopez đã bước đến để dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một bản sao của bản dịch hoàn chỉnh gần đây của anh ta về các nguyên lý Changkya.
Khensur Jangchub Choeden đã cảm ơn Giáo sư Lopez về bài thuyết trình đầy cảm động của anh ta, và thỉnh mời Tiến sĩ Geshé Yama Rinchen lên thực hiện phần thuyết trình tiếp theo. Tiến sĩ nói bằng tiếng Tây Tạng về cách mà Đức Tsongkhapa phân tích rõ ràng về việc học hành và thực hành giới luật thiền môn của Tăng sĩ - Vinaya. Ngài đã nghiên cứu nhiều bản văn cổ điển, bao gồm cả “Kinh Giới Luật” của Ngài Đức Quang và luận giải rộng rãi của Dharmamitra.
Tiến sĩ Geshé Yama Rinchen đã đề cập đến hai bản văn ngắn và một bản dài mà Đức Tsongkhapa đã viết về Luật tạng ở Wolka không được đưa vào các phiên bản tiêu chuẩn của các tác phẩm thu thập của Ngài. Ngài tập trung vào lời khuyên dành cho những người chưa thọ giới nguyện thiền môn, cách làm thế nào để giữ gìn giới nguyện, và cách khôi phục giới nguyện nếu đã bị vi phạm.
Đức Tsongkhapa nghiêm túc thực hiện câu ngạn ngữ rằng nếu sự thực hành Giới luật còn tồn tại, thì Giáo lý của Đức Phật sẽ phát triển. Do đó, Ngài đã làm việc chăm chỉ cho sự hồi sinh và bảo tồn Giới luật, thực hiện nguyện ước “Cầu nguyện cho chư Tăng sống trong hòa hợp, và cầu cho cộng đồng thiền môn được tăng trưởng và phát triển!”.
Khensur Jangchub Choeden đã kết thúc phiên thảo luận, ông cảm ơn Tiến sĩ Geshé Yama Rinchen về kiến thức mà Tiến sĩ đã nêu lên đối với vị trí quan trọng mà Đức Tsongkhapa đã đặt nơi Giới luật. Ông đã thành kính tri ân Ngài đã chủ trì lễ khai mạc hội nghị và cảm ơn các vị khách quý khác đã tham dự. Trước khi mọi người giải tán để dùng bữa trưa, những người thuyết trình đã tập trung xung quanh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma để cùng chụp ảnh với Ngài.
Ngài đã đi bộ từ hội trường Ganden Lachi để trở lại Ganden Shartsé. Trên những bước chân, Ngài đã dừng lại để mỉm cười và vẫy tay chào đám đông - những người đã tươi cười, vỗ tay vui mừng và vẫy tay lại với Ngài.