New Delhi, Ấn Độ - Hôm nay, các thành viên và bạn bè của Trung tâm Thiền Mahayana Tushita, New Delhi, đã cung thỉnh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm để tham gia cùng với họ trong lễ kỷ niệm 40 năm trước Lama Thubten Yeshé và Zopa Rinpoché đã sáng lập trung tâm này. Địa điểm là trường St. Columbiaa, nằm cạnh Nhà thờ Thánh Tâm, ở trung tâm thủ đô, nơi có hơn 5000 khán giả, trong đó có nhiều học sinh đến từ các trường khác ở Delhi đang tụ tập để lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Giám đốc Tushita - Tiến sĩ Renuka Singh và Hiệu trưởng St Columbiaa - Bro E L Miranda đã cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài quang lâm. Trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với những người ủng hộ và bạn bè của Tushita, Ngài đã nhận xét rằng Lama Yeshé và Zopa Rinpoché đã làm việc rất nhiều để mọi người trên khắp thế giới nhận thức được những điều mà Đức Phật đã dạy.
Ngài nói thêm, ngày nay, điều rất quan trọng là, để trở thành người Phật tử của thế kỷ 21 thì cần phải dựa nhiều vào lý trí và sự hiểu biết hơn là chỉ dựa vào mỗi mình đức tin. Đức Phật đã khuyên những đệ tử của Ngài đừng chấp nhận những gì Ngài nói mà không thắc mắc gì cả, mà hãy điều tra tìm hiểu và kiểm nghiệm nó. Ngài giải thích rằng “nhân” và “pháp” đều vốn không có sự tồn tại cố hữu của nó, mà Ngài khuyến khích các đệ tử hãy tự mình tìm hiểu kiểm chứng về điều này.
Ngài đã chào đón khán giả bằng hai bàn tay chắp lại, một nụ cười rộng mở và vẫy chào trước khi an toạ trên khán đài. Sau khi Renuka Singh giới thiệu Ngài với các em học sinh; sinh viên của trường St Columbiaa đã biểu diễn văn nghệ giải trí với những ca khúc và vũ điệu. Sau đó, để kỷ niệm 20 năm Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, các sinh viên đến từ Pratyek - một tổ chức phi chính phủ về giáo dục và chăm sóc trẻ em kém may mắn - đã thuyết trình một bài về quyền trẻ em.
Ngài đã phát hành một ấn bản mới của cuốn sách ‘Cảm hứng Hàng ngày’ trong đó chứa đựng một tư tưởng đầy cảm hứng cho mỗi ngày trong năm. Renuka Singh đã rút ra những trích dẫn từ các tác phẩm của Ngài và biên soạn chúng thành một bộ sưu tập.
Nói chuyện với khán giả như ‘những người anh chị em, trẻ thơ, phụ lão thân yêu’; Ngài nói với họ rằng Ngài rất vui khi được gặp những người trẻ tuổi. Ngài nói Ngài đã gần 85 tuổi rồi, nhưng được tương tác với những người trẻ tuổi đã khiến cho Ngài cảm thấy mình như được trẻ trung hơn.
Ngài nói với họ: “Thời gian luôn chuyển động. Không gì có thể ngăn chặn nó được. Vấn đề là liệu chúng ta có sử dụng thời gian của mình đúng cách hay không. Chúng ta không thể làm được bất cứ điều gì thuộc về quá khứ, nhưng những gì xảy ra trong tương lai sẽ phụ thuộc vào những gì mà chúng ta đang làm bây giờ. Chúng ta có thể tạo ra một tương lai hạnh phúc hơn, bình yên hơn hoặc là đau khổ hơn. Thế hệ thuộc thế kỷ 21 có cả cơ hội lẫn trách nhiệm để đối phó với điều này. Rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang gặp phải - như chiến tranh - đều do con người tạo ra. Bởi vì chúng ta đã tham gia vào việc tạo ra nó, cho nên chúng ta có khả năng giảm trừ và loại bỏ nó.
Chiến tranh và bạo lực xảy ra là kết quả của sự sân giận, ích kỷ và hẹp hòi. Nếu chúng ta có một ý thức thuyết phục hơn về sự đồng nhất của nhân loại, thì sẽ không có cơ sở cho sự chia rẽ giữa ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’, và cũng không có cơ sở để bắt nạt và giết hại lẫn nhau.
Con người là loài động vật xã hội có mối quan tâm đối với cộng đồng mà sự tồn tại của họ phải phụ thuộc vào đó. Trong quá khứ, giới hạn của mối quan tâm này là gia đình và cộng đồng địa phương, nhưng hiện giờ, tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay đều tạo thành một cộng đồng.
Những người theo Phật giáo thì thường cầu nguyện cho phúc lợi của tất cả chúng sinh mẹ. Người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo - những người coi toàn bộ thế giới là sự sáng tạo của Chúa, coi đồng loại của họ là những người con của Chúa; và do đó là anh chị em của họ. Chúng ta phải sống bên cạnh nhau. Các truyền thống như Số Luận Phái, Kỳ Na Giáo và Phật tử thì không tin vào một Đấng sáng tạo, mà định hình hành động của họ theo nghĩa của ‘ahimsa’ - bất bạo động và ‘karuna’ - lòng từ bi. Theo đuổi những sự thực hành này, thì quý vị sẽ tự động trở nên hòa bình và từ bi hơn.
“Bất bạo động và lòng từ bi - được tiếp cận từ quan điểm của thế tục, rõ ràng là có liên quan và phù hợp với ngày nay. Mỗi chúng ta đều cần những phẩm chất này trong cuộc sống cá nhân của mình. Mọi người có thể được khuyến khích để chọn lựa phương pháp này, không phải bằng sự cầu nguyện và nghi lễ, mà thông qua giáo dục. Hệ thống giáo dục hiện đại của chúng ta có xu hướng thiết lập các mục tiêu vật chất, nhưng nó có thể được kết hợp với kiến thức về cách rèn luyện tâm thức và giải quyết những cảm xúc tiêu cực hủy diệt.
Ngài đã giải thích bốn cam kết của mình về việc thúc đẩy lòng từ bi thông qua sự giáo dục; khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo - vì tất cả các truyền thống tôn giáo đều truyền tải một thông điệp quan tâm chung đến tha nhân; để bảo vệ hệ sinh thái mỏng manh của Tây Tạng và giữ cho hệ thống kiến thức của Tây tạng được tồn tại, và cuối cùng, hoạt động để vực dậy sự quan tâm đến kiến thức của Ấn Độ cổ đại về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Ngài tuyên bố một sự tin tưởng rằng Ấn Độ có thể có sự đóng góp vô giá cho nền hòa bình trên thế giới bằng cách chia sẻ các kiến thức về cách mà mỗi cá nhân có thể đạt được sự an lạc nội tâm như thế nào.
Ngài giải thích rằng, cách mà Ngài được dạy để học - trước tiên đòi hỏi phải học thuộc lòng một cuốn sách kinh điển. Sau đó, bạn sẽ đọc và nghe từng lời giải thích về nó, theo đó bạn sẽ khám phá những gì mà bạn đã hiểu trong cuộc tranh biện lý luận với các sinh viên khác. Ngài tuyên bố rằng, Truyền thống Nalanda, mà Phật giáo Tây Tạng đã được bắt nguồn từ đó - đã chọn phương pháp khoa học đối với tâm thức và thế giới nội tâm mà các nhà khoa học có thể liên hệ đến ngày nay.
Ngài thừa nhận rằng chúng ta bị thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, nhưng Ngài khuyên rằng chúng ta phải tự quan tâm đến mình một cách thông minh hơn là dại dột như thế. Bởi vì cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào người khác, cho nên sự tự quan tâm đến mình một cách thông minh chính là nên quan tâm đến tha nhân.
Giảng về “Tám bài Kệ luyện tâm” - Ngài nhận xét rằng tác giả, Geshé Langri Thangpa, cùng với Sharawa, một đệ tử của bậc thầy Kadampa, Geshé Potowa. Ngài là một hành giả vĩ đại của Bồ đề tâm. Đọc những dòng đầu tiên, ‘Nguyện cầu cho con luôn trân trọng tất cả chúng sinh’, Ngài đã khuyên, ngay từ đầu, đã hỏi “ai”, “cái gì” hoặc “cái Ngã” này ở đâu? Câu trong bài Kệ thứ hai, ‘Trân trọng người khác như bậc tối thượng’ là rất hữu ích trong việc đối trị với thái độ ái trọng tự thân. Câu ba khuyến khích chúng ta xem xét cảm xúc nào làm hại chúng ta và điều gì giúp chúng ta trở nên tốt hơn. Câu bốn nêu bật ý tưởng rằng có thể cảm nhận được lòng từ bi ngay cả đối với những người mà chúng ta thường coi là thù địch thì đó chính là sự trắc nghiệm của lòng từ bi thực sự.
‘Nguyện cho con có thể chấp nhận sự thất bại và mang lại niềm chiến thắng vinh quang cho người’ và ‘Nguyện cho con có thể hiến dâng tất cả sự giúp đỡ và niềm vui cho những bà mẹ của con’, và ‘nguyện cho con có thể tự mình chịu đựng mọi tổn thương và nỗi đau của họ', trong câu sáu và bảy đề cập đến các sự thực hành của “cho và nhận”. Ngài nhớ lại rằng vào năm 2008 khi nghe tin người Tây Tạng ở Lhasa đã biểu tình, Ngài lo sợ về việc họ sẽ bị tổn hại. Ngài quán tưởng loại bỏ tất cả tức giận và thù địch của các nhà cầm quyền Trung Quốc, và mang lại niềm vui và lòng nhân từ cho họ. Ngài giải thích rõ rằng, cách thực hành này tạo ra một chút khác biệt so với các sự kiện xảy ra trên nền tảng thực tế, nhưng nó giúp cho Ngài không bị mất đi sự an lạc nội tâm.
Trong câu thơ cuối, dòng ‘Nguyện cầu cho con có thể thấy tất cả mọi thứ là ảo ảnh’, ám chỉ cho việc đối trị với quan niệm sai lầm rằng ‘mọi thứ tồn tại giống như sự xuất hiện của chúng’ - bằng cách hiểu rằng ‘chúng vốn dĩ không hề có sự tồn tại độc lập’. Nó không hề tồn tại từ phía của chính nó.
Trong phần trao đổi câu hỏi và trả lời, Renuka Singh đã đọc các câu hỏi từ phía khán giả và Ngài đã đưa ra những câu trả lời rõ ràng.
Câu hỏi: Điều nào đến trước, lòng từ bi hay trí tuệ?
Trả lời: Trí tuệ thì cần có thời gian để phát triển, nhưng tấm lòng từ bi ấm áp chân thành thì có thể đạt được ngay lập tức.
Câu hỏi: Ngài xem bản thân mình như thế nào?
Trả lời: Là một con người - đến từ vùng Amdo.
Câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể xử lý nỗi lo lắng về các kỳ thi?
Trả lời: Khi tôi đi thi, tôi hơi lo lắng. Tuy nhiên, tôi đã học được 13 năm; và một khi ngày thi đã được ấn định, tôi đã học hành chăm chỉ hơn, vì vậy tôi không còn lo lắng nhiều nữa.
Câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể thành công trong học tập và đạt được sự an lạc nội tâm?
Trả lời: Hãy tự nghĩ rằng mình đang học hành là để có thể phụng sự cho tha nhân.
Câu hỏi: Có thể ý tưởng ‘coi bản thân mình là thấp hèn hơn tất cả’, sẽ đưa đến việc đánh mất tinh thần?
Trả lời: Bạn không thể bị đánh mất tinh thần nếu bạn đã nuôi dưỡng ý thức vị tha.
Câu hỏi: Giữa sự hỗn loạn, những câu chuyện nào đã khôi phục lại niềm tin của Ngài vào nhân loại?
Trả lời: Mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, vì vậy hãy tự hỏi chính mình rằng - điều gì phá hủy sự hạnh phúc; và điều gì thực sự đảm bảo mang lại được hạnh phúc.
Câu hỏi: Nguyên nhân nào khiến cho học sinh bị trầm cảm?
Trả lời: Sự ái trọng tự thân và thiếu hiểu biết về cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
Câu hỏi: Thế hệ trẻ nên giữ gìn những cách thức cũ hay nên đón nhận nền văn hóa hiện đại?
Trả lời: Hãy thử kết hợp. Kết hợp nền giáo dục hiện đại với kiến thức cổ xưa về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
Câu hỏi: Thiền định quan trọng như thế nào đối với giới trẻ ngày nay?
Trả lời: Nó có sự liên quan phù hợp. Hãy thử bắt đầu các buổi học bằng sự tĩnh lặng và suy nghĩ về tâm thức.
Câu hỏi: Tại sao một Vị đạo sư là quan trọng?
Trả lời: Jé Tsongkhapa đã viết trong “Đại Luận về các giai trình của Đạo lộ” rằng: một người muốn huấn luyện người khác thì trước tiên phải có khả năng tự huấn luyện chính mình. Và trong mười phẩm hạnh của một bậc Đạo sư được liệt kê trong ‘Tương tục Tối Thượng’ là: điều quan trọng nhất là phải có lòng thương yêu và tâm từ bi.
Câu hỏi: Hạnh phúc là gì?
Trả lời: Nếu bạn có một tâm trí vui vẻ, những vấn đề rắc rối khác không làm giảm được niềm vui của bạn - đó chính là hạnh phúc.
Câu hỏi: Ngài thoát khỏi Tây Tạng như thế nào?
Trả lời: Đó là một câu chuyện dài. Tôi đã trải qua chín năm cố gắng để đối phó với người Trung Quốc. Vào năm 1954, tôi đến Trung Quốc và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Đảng, kể cả Chủ tịch Mao. Tôi đã rất ấn tượng, nhưng quyền lực đã khiến cho họ trở nên hư hỏng. Cuối cùng, không có được sự tự do, không có tự do báo chí và v.v. ở Trung Quốc. Từ ngày 10 đến 17 tháng 3 năm 1959, tôi đã cố gắng làm cho tình hình bớt căng thẳng hơn. Có rất nhiều bạo lực đàn áp người Tây Tạng ở miền Đông Tây Tạng. Có những dấu hiệu tương tự như thế xảy ra ở Lhasa, và những dấu hiệu khác cho thấy đã đến lúc phải ra đi.
Câu hỏi: Làm thế nào để đối phó với nỗi thống khổ?
Trả lời: Đức Phật đã nhập diệt. Ngài Long Thọ đã viên tịch. Đó là điều tự nhiên.
Câu hỏi: Mang tính dân tộc thì có tốt không?
Trả lời: Bạn cần kiểm tra xem đó có phải là một cảm giác hẹp hòi, thiển cận hay không, điều đó sẽ không tốt và dẫn đến sự chia rẽ; hay đó là một tâm hồn rộng mở luôn quan tâm đến tất cả mọi người.
Bro EL Miranda - Hiệu trưởng St Columbiaa, đã dâng lên lời tri ân sâu sắc. Ông chỉ ra rằng, sự giáo dục ở trường nhằm chuẩn bị cho sinh viên về tinh thần lãnh đạo để giấc mơ của Mahatma và Đức Chúa có thể được thực hiện. Ông nói, phương châm của trường là ‘Dám biết, chân thành và kiên định’. Ông thỉnh cầu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma “Xin hãy hoan hỷ quang lâm đến nữa ạ!” và ông lưu ý đến những người anh em Ailen đã sáng lập trường - hãy kết thúc bế mạc bằng một lời cầu nguyện Cát Tường của Ailen:
Nguyện cầu cho con đường mở ra để gặp bạn,
Nguyện cầu cho cơn gió luôn luôn sau lưng bạn,
Nguyện cầu cho vầng thái dương chiếu sáng ấm áp trên gương mặt bạn,
Và những cơn mưa nhẹ rơi trên cánh đồng của bạn,
Và cho đến khi chúng ta gặp lại nhau,
Nguyện cầu cho Chúa ôm bạn trong vòng tay của Ngài.