Mundgod, Karnataka, Ấn Độ - Bầu trời phía trên khu định cư Tây Tạng tại Mundgod vàng rực khi mặt trời mọc sáng nay. Khoảng sân xung quanh Hội trường Ganden Lachi và Ganden Shartsé liên tục chật kín hơn 10.000 người. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bộ từ Ganden Shartsé đến mái hiên trên đỉnh bậc thang đến Ganden Lachi, nơi đặt một Pháp toà và chiếc ghế thoải mái dành cho Ngài. Vị nắm giữ vị trí Ngai toà Ganden Tripa, các Vị thứ bậc trong truyền thống Geluk và các Vị Viện chủ đã cung nghinh Ngài. Ngài thắp một ngọn đèn trước những bức tranh của Đức Phật và Đức Jé Tsongkhapa.
Geshé Ngawang Samten - người điều hành sự kiện - đã nói rằng đây là dịp cát tường, kỷ niệm 600 năm ngày viên tịch của Đức Jé Tsongkhapa, được tổ chức tại một nơi tốt lành Tu viện Ganden - Tu viện do Ngài sáng lập. Cũng giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ban truyền những giáo lý về vô thường và vô ngã ở Varanasi, gây ra một cuộc cách mạng trong sự thực hành tâm linh Ấn Độ, thì Đức Tsongkhapa đã để lại một di sản đã khiến cho sự thay đổi ở Tây Tạng. Ngài được biết đến như là "vật trang trí vương miện của các học giả ở Xứ Tuyết”.
Viện chủ của Ganden Shartsé - Thượng Toạ Jangchub Sangyé - đã tường thuật kỹ lưỡng về cuộc đời của Đức Tsongkhapa. Thượng toạ bắt đầu bằng cách chào hỏi các vị khách và cảm ơn Ngài đã chủ trì sự kiện này. Ông báo cáo rằng Đức Tsongkhapa sinh vào năm 1357 tại Tsongkha. Khi lên ba tuổi, Ngài đã được Đức Karmapa Rolpai Dorjé ban truyền cho giới Ưu Bà Tắc. Theo sự hướng dẫn của Vị thầy đầu tiên, Ngài đã đến miền Trung Tây Tạng khi lên 17 tuổi và học tại các tu viện ở Sangphu, Dewachen và Gungthang, sau đó tại Gadong, Kyormolung và Tsurphu. Các chủ đề mà Ngài đề cập đến bao gồm Bát Nhã Ba La Mật, A Tỳ Đạt Ma - thượng, hạ; Giới Luật, Lượng Luận và Trung Quán.
Ngài đã nhập thất để nghiên cứu sâu hơn về Tsal Gungthang và đọc Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng). Ở tuổi 31, Ngài đã sáng tác tác phẩm quan trọng đầu tiên của mình, “Chuỗi tràng Vàng”. Một năm sau, Ngài đã giảng dạy 17 bản Kinh văn cùng một lúc, điều này đã tạo nên danh tiếng về sự học thức uyên bác của Ngài.
Vị Viện chủ kết thúc bài nói chuyện của mình bằng lời cầu nguyện cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được trường thọ và ước nguyện của Ngài được thực hiện viên mãn. Ông thêm một hy vọng rằng Ngài sẽ quang lâm đến thăm viếng Ganden nhiều lần.
Ngài đã được cung thỉnh lên để phát hành một số sách bao gồm tiểu sử gồm sáu tập của Đức Jé Tsongkhapa do Ban tổ chức kỷ niệm biên soạn. Có một tiểu sử khác của Tsongkhapa và các đệ tử của Ngài; và tiểu sử của Ban Thiền Lạt Ma và các Đạt Lai Lạt Ma. Những tác phẩm này được viết bằng chữ Tây Tạng. Ngoài ra, Ngài đã phát hành ấn bản Nam Á của tiểu sử được xuất bản gần đây của Thupten Jinpa: ‘Tsongkhapa - Đức Phật của Xứ Tuyết’ - và một ấn bản chữ nổi: “Vượt lên trên Tôn giáo” của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Các tác giả và các nhà biên dịch khác nhau đã đến để diện kiến Ngài.
Khambo Lama của Mông Cổ - Choijamtso - đã có một cuộc nói chuyện ngắn, trong đó ông nhắc nhở với hội chúng rằng Ngài Tsongkhapa đã từng được Đức Phật tiên tri. Ông báo cáo rằng Chư Tăng và Phật tử Mông Cổ trong thời gian gần đây đã tập trung lại cùng nhau tụng kinh cầu nguyện để tôn vinh Đức Jé Rinpoche.
Ông nhớ lại rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quang lâm đến thăm Mông Cổ lần đầu tiên vào năm 1979 khi tình hình Phật giáo vẫn còn bị hạn chế. Sau năm 1990, đất nước đã giành được tự do, với kết quả là họ có thể cung thỉnh Ngài đến thăm một lần nữa và chư Tăng Mông Cổ bắt đầu đến học tại Tu viện Drepung và Sera.
Một chương trình học bổng của Jé Tsongkhapa đã được công bố sẽ cung cấp cho sáu học giả hỗ trợ trong mười năm trong khi họ tiến hành nghiên cứu.
Chủ tịch Quốc hội Tây Tạng lưu vong tán thán những hành trạng vĩ đại của Tsongkhapa. Ông ám chỉ sự thiếu tự do tôn giáo ở Tây Tạng kể từ năm 1959, nhưng bày tỏ sự hài lòng rằng nhờ vào lòng tốt của Ngài, mà có thể nghiên cứu và thực hành trong các tu viện và Ni viện được tái lập ở Ấn Độ. Người Tây Tạng lưu vong đã được tận hưởng sự tự do dân chủ.
Sách hoàn thành loạt tác phẩm về Khoa học và Triết học trong Kinh điển Phật giáo Ấn Độ đã được phát hành. Yangden Rinpoche gọi dự án này là một trong những thành tựu vĩ đại của Ngài. Gần mười năm trước, Ngài ủy nhiệm cho Viện trưởng Tu viện Namgyal - Thomtog Rinpoche - để tổ chức, chiết trích và tổng hợp các tài liệu liên quan đến khoa học và triết học ở Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng).
Một nhóm lớn bắt đầu công việc trên cơ sở phác thảo sơ bộ; còn một nhóm gồm bốn Tiến Sĩ thì làm việc với Viện trưởng; Tiến sĩ Thupten Jinpa và Tiến Sĩ Thupten Yarphel đã hoàn thiện tài liệu. Một số bản dịch sang các ngôn ngữ bao gồm tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Hindi đã được hoàn thành. Thomtog Rinpoche đã trình bày các ấn phẩm gần đây nhất lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Tiến sĩ Sikyong - Lobsang Sangay - lưu ý rằng Jé Rinpoche đã mang lại sự thay đổi trong cách mà mọi người nghiên cứu ở Tây Tạng. Kể từ năm 1959, nhiều tu viện ở đó đã bị phá hủy, nhưng giáo lý của Jé Rinpoche vẫn còn rất sinh động ở đây trong Ba Tu Viện lớn được tái lập này. Điều này rất quan trọng vì Truyền thống Nalanda đã được người Tây Tạng bảo tồn giúp cho mọi người tìm thấy được sự an lạc trong tâm hồn.
Ganden Tripa dẫn lời Đức Tsongkhapa lưu ý rằng, trong tất cả các hành vi của Ngài, việc truyền bá giáo lý của Đức Phật là vĩ đại nhất. Jé Rinpoche là bất khả phân với Đức Văn Thù Sư Lợi, nhưng theo nhận thức thông thường, Ngài đã tiến hành nghiên cứu và thực hành Kinh điển và Mật tông. Ngài tích hợp những gì mà Ngài đã học được từ bản thân và đạt được những thành tựu tâm linh.
Các tác phẩm của Ngài, đặc biệt là 'Tinh hoa của Biện tài thực sự', ‘Kho tàng Vĩ đại về các giai tầng của Đạo giác ngộ' và ‘Ngọn đèn sáng tỏ cho năm Giai đoạn' là đáng chú ý nhất. Chúng ta có thể tưởng niệm Ngài tốt nhất bằng cách thực hiện - như Ngài đã làm - trong học tập (văn), suy ngẫm (tư) và thiền định (tu).
Người giữ vị trí ngai toà Ganden đã trao tặng giải thưởng Tri Ân của Jé Tsongkhapa cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tiến Sĩ Ngawang Samten nhận xét rằng, những người bảo thủ Trung Quốc đã tìm cách xóa sổ Phật giáo Tây Tạng tại quê hương của mình, nhưng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lãnh đạo nỗ lực giữ gìn cho nó được tồn tại trong sự lưu vong. Tiến Sĩ thỉnh cầu Ngài nói chuyện với hội chúng.
Ngài bắt đầu: “Hôm nay, chúng ta đang tôn vinh Ganden Ngamchö. Tất cả các diễn giả trước đó đã tán thán Đức Jé Tsongkhapa, cuộc đời và hành trạng của Ngài. Có những người ở đây đã đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Số người quan tâm đến Phật giáo và giáo lý của Đức Jé Rinpoche đang tăng lên ngày càng nhiều. Tôi muốn cảm ơn tất cả các quý vị đã đến đây!
"Theo truyền thống, ở Tây Tạng vào thời điểm này, đã từng có một lễ cúng dường Trường thọ tại Gyumé (Hạ Mật Viện) vào ngày 24 của tháng và một Lễ nữa tại Gyutö (Thượng Mật Viện) vào ngày 25, mỗi nơi thực hiện theo phong cách không thể bắt chước được của trường đại học. Chúng tôi thường đến viếng thăm thánh tích của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm và những Vị khác ở Ganden Ngamchö và đọc kinh cầu nguyện. Một trong những bài cầu nguyện đó là “Bài ca của núi Tuyết phương Đông", được sáng tác bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên - Gendun Drup; và một bài khác “Giữa Đoá Sen Tâm” do Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy - Kalsang Gyatso - sáng tác.
"Tôi thấy khá hứng khởi khi tụng những lời này trong Điện thờ Quán Thế Âm trước bức tượng Quan Âm. Tôi nghĩ rằng tôi có thể đọc một số trong những lời cầu nguyện này cho quý vị. Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên đã thọ nhiều giáo lý từ Đức Tsongkhapa - người khuyên Ngài nên nhập thất tại Riwo Gangchen ở Tsang. Tôi đã từng đến đó và chính tại nơi ấy Ngài đã sáng tác bài này.
Trên đỉnh những ngọn núi tuyết phía đông,
Từng đám mây trắng lơ lửng trên không;
Con nhìn thấy hình bóng Thầy nơi ấy;
Tâm nhớ về lòng từ ái của Người,
Lòng dâng trào niềm tin chẳng hề vơi…
Ở phía đông mây trắng bồng bềnh trôi,
Giạt vào Tu viện Ganden lừng lẫy,
Miền cô tịch của bao niềm hoan hỷ,
Nơi cư ngụ của Ba Ngài cao quý bất khả tư nghì;
Lobsang Drakpa - Cha tâm linh của con, và hai trưởng tử của Ngài…
Giáo lý của Ngài thâm diệu, bao la
Về Pháp Du Già và hai giai trình của Đạo lộ
Cho những hành giả may mắn miền Xứ Tuyết;
Hỡi Tôn Sư! Lòng từ ái của Thầy thật siêu việt - chẳng thể nghĩ suy!
Rằng con, Gendun Drup, kẻ có xu hướng biếng lười,
Giờ đây có tâm trí được thúc thôi bởi Giáo Pháp,
Đều nhờ lòng tốt của bậc Thầy thánh thiện và các trưởng tử của Ngài.
Hỡi Tôn Sư hoàn hảo! Lòng từ ái của Thầy quả thực vô song!
Mặc dù lòng tốt của Thầy không bao giờ có thể đền đáp nỗi,
Nhưng Thầy ơi! Con vẫn nguyện cầu giữ gìn dòng dõi truyền thừa của Thầy!
Tất cả mọi thời, và bằng tất cả sức mạnh của con;
Không bao giờ để cho tư tưởng bị rơi vào cạm bẫy
Của tham ái luyến lưu hoặc sân giận hận thù.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên đã cầu nguyện Arya Tara để có thể kiên trì thực hành Pháp. Sau này, khi Ngài lớn tuổi, các đệ tử của Ngài đã nói với Ngài rằng chắc chắn Ngài sẽ đến cõi Tịnh độ của cảnh giới Cực Lạc. Ngài trả lời rằng Ngài không muốn đến đó. “Tôi muốn được sinh ra trong số những người đang đau khổ để tôi có thể giúp đỡ họ”. Đây là một ước nguyện luôn làm tôi cảm động.
Trong một tiểu sử của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai của Yangra Chöjé, ông mô tả Gendun Gyatso là bậc thầy Mũ Vàng bất phân bộ phái. Ngài đã tìm hiểu khám phá các truyền thống Phật giáo khác, mặc dù Ngài là một người thuộc dòng Geluk. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm cũng đóng góp cho tất cả các truyền thống Phật giáo của Tây Tạng. Ông viết rằng một số Gelukpas dường như không thể duy trì truyền thống của Jé Rinpoche. Jé Rinpoche đã nói rằng những người thông minh sẽ làm tốt việc rèn luyện trí óc của họ bằng logic. Ông nói thêm rằng nếu bạn đạt được sự chắc chắn về Giáo pháp thì bạn sẽ không bị lạc lối.
Nghiên cứu về các hệ thống Giáo lý khác nhau rất quan trọng, giống như bạn đánh giá chất lượng của một viên ngọc lam bằng cách so sánh nó với một viên ngọc khác. Như bạn quất vào con ngựa để làm cho nó chạy nhanh hơn, bạn tự rèn luyện logic để tìm sự chắc chắn về những lời dạy của Đức Phật. Học tập thì rất quan trọng, nhưng suy nghĩ về ý nghĩa cũng hết sức quan trọng chứ không phải chỉ là các từ ngữ mà thôi.
Gendun Drup đã phàn nàn rằng những người tự xưng là tín đồ của Pháp lại coi người khác là kẻ thù của Pháp. Ngài hỏi “Họ chỉ đơn thuần là nguyên nhân cho sự xấu hổ và ngượng ngùng thôi sao? Chẳng phải Quỷ dữ đã xâm nhập vào trái tim của họ rồi sao?” Không cố gắng khắc phục cảm xúc tiêu cực của mình, những người như vậy chỉ tham gia vào những cuộc ngồi lê đôi mách và cãi vả. Cách họ cư xử giống như cố gắng ngăn chặn những chướng duyên ở phương Đông bằng cách cúng bánh nghi lễ ở phương Tây. Ở Ganden Ngamchö, chúng tôi thường đọc thuộc lòng những lời cầu nguyện này trước bức tượng Đức Quan Thế Âm. Tôi cảm thấy phong tục đọc kinh này trong phòng thờ Phagpa đầy cảm hứng.
Tác phẩm “Giữa Đoá Sen Tâm” của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy đề cập đến tâm thức vi tế của ánh quang minh, và bắt đầu bằng một sự kính lễ đối với Jé Tsongkhapa. Trong Chương 22 của “Trí tuệ Căn bản” có một bài Kệ về Như Lai Tạng:
Không phải là các uẩn, cũng chẳng khác các uẩn,
Các uẩn không ở trong anh ta, anh ta cũng chẳng ở trong các uẩn.
Như Lai Tạng không sở hữu các uẩn.
Vậy Như Lai Tạng là gì khác nữa?
Điều này cũng có thể được đọc để tham khảo tìm hiểu cho chính mình.
Tôi không phải là một với các uẩn, cũng không khác với các uẩn,
Các uẩn không ở trong tôi, tôi cũng không ở trong các uẩn.
Tôi không hề sở hữu các uẩn.
Vậy tôi là gì khác nữa?
Đây là loại phân tích mà quý vị không thể tìm thấy những thứ có sự tồn tại một cách độc lập khách quan, cho dù quý vị có tìm kiếm nhiều đến cỡ nào chăng nữa. Quý vị không thể tìm thấy được sự định danh cuối cùng. Nếu mọi thứ có một sự tồn tại khách quan như vậy, thì nó sẽ dẫn đến sự ngộ nhận. Sự tồn tại thông thường sẽ chịu được sự phân tích. Nhưng sự “sinh” và “khởi” tối hậu của vạn vật sẽ không được bác bỏ.
Quý vị cần phải phân tích bản chất của sự vật để tìm ra sự chắc chắn rằng chúng không có sự tồn tại độc lập khách quan. Thân thể và tâm thức là cơ sở để định danh một con người hoặc một chúng sanh, nhưng ngay cả tâm thức cũng không có sự tồn tại cố hữu. Khi bạn phân tích cách mà mọi thứ tồn tại, bạn có thể có ấn tượng rằng mọi thứ có một sự tồn tại khách quan, vững chắc, nhưng ta không thể tìm thấy bất cứ điều gì.
Nếu bạn phân tích bàn tay của mình với lòng bàn tay, ngón tay cái và các ngón tay, bạn không thể tìm thấy danh tính của nó như một thứ gì đó tách biệt với các bộ phận này. Mọi thứ dường như có sự tồn tại độc lập khách quan, nhưng thật sự chúng không có như thế.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy viết rằng, giống như những đám mây phân tán trên bầu trời mùa thu, khi bạn phân tích mọi thứ và thấy chúng không có sự tồn tại độc lập khách quan, sự xuất hiện của chúng tan biến và mất hút. Lý Duyên Sinh chỉ được mỗi mình Đức Phật giảng dạy và chính vì điều đó - không có gì khác hơn - Ngài xứng đáng với danh hiệu ‘Tôn Sư”. Chúng ta nói về luật nhân quả, nguyên nhân và điều kiện mang lại kết quả.
Những người theo chủ nghĩa hiện thực thường sử dụng lý luận của Duyên sinh, nhưng họ cho rằng mọi thứ vẫn có một mức độ tồn tại khách quan. Những người theo trường phái Trung Quán hỏi: làm thế nào mà điều này có thể như vậy được. Có một mâu thuẫn logic về việc khẳng định một sự tồn tại tự xác định. Trong luận giải của Jé Rinpoche về “Trí tuệ căn bản”, Ngài nói rằng có hai cách để mọi thứ tồn tại. Hoặc là chúng tồn tại như chúng xuất hiện, hoặc là chúng tồn tại như được chỉ định bởi tâm thức và ngôn ngữ. Sự tồn tại thứ nhất là không đúng, cho nên sự tồn tại thứ hai phải như vậy. Vì mọi thứ không hề có sự tồn tại thực sự, cho nên chúng giống như huyễn hoá ảo thuật.
Kalsang Gyatso viết, sự hợp nhất của sự trống rỗng và sự xuất hiện đã thuyết phục tôi về tính không thể sai lầm của Duyên khởi, nhờ lòng tốt của của bậc Thầy đức hạnh của tôi - Trichen Ngawang Chokden - mà tôi đã tìm thấy niềm tin kiên cố trong bản chất cuối cùng của cách mà mọi thứ tồn tại. Đây là những gì chúng tôi đã từng tụng trong Điện thờ Đức Quán Thế Âm.
“Đó là tất cả. Lễ kỷ niệm này đã thành công. Hãy nhớ về Đức Jé Rinpoche và ba nguyên tắc của Ngài: quyết tâm để đạt được giải thoát; Bồ đề tâm; và quan điểm đúng đắn về tánh Không. Những điều này được giải thích trong 18 tập của các tác phẩm của Ngài, cho thấy rằng Ngài là một Long Thọ thứ hai. Đối với điều này, chúng ta có thể thêm vào sự nghiên cứu về “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên. Geshé Ngawang Samten cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì cuộc nói chuyện của Ngài; và Viện trưởng Ganden Jangtsé đã phát biểu lời cảm tạ.
Sau bữa trưa tại Ganden Lachi, Ngài đã đi xe một quãng ngắn đến Tu viện Ganden Jangtsé, nơi Ngài sẽ ở lại trong ba ngày tới. Ngài nhận được sự cung nghinh theo truyền thống và an toạ một lúc trong hội trường trong khi Tăng chúng đang tụng bài “Xưng tán 17 Bậc thầy của Nalanda”.
“Ganden là một trong ba điểm học tập nghiên cứu, và tôi muốn nói lời “Tashi Delek” (xin chào) đến với tất cả quý vị ở đây. Dường như trong số khán giả có nhiều người có nguồn gốc Trung Quốc. Khi chúng tôi lần đầu tiên đến đây, chúng tôi không có những cơ sở lớn. Nhờ vào lòng tốt của Chính phủ Ấn Độ mà chúng tôi đã được cung cấp đất đai. Chúng tôi đã xây dựng các tu viện này, nhưng ngay cả bây giờ để duy trì chúng đòi hỏi phải có các nguồn lợi tức. Tôi muốn cảm ơn tất cả quý vị - những người đang hỗ trợ cho ở đây.
“Ngày mai sẽ có lễ Cúng dường Trường thọ, vì vậy chúng ta sẽ gặp lại nhau. Hôm nay, tôi muốn được nghỉ ngơi”.