Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Tsuglagkhang - ngôi Chùa Chính Tây Tạng - được trang trí bằng những vòng hoa cúc vạn thọ và 11.000 người đã tập trung phía bên trong và xung quanh Chùa khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến sáng nay. Ngồi ngay các bậc thềm thang của ngôi Chùa là 23 đội Thanh niên Tây Tạng đến từ châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều vùng khác của Ấn Độ, những người đang tham gia giải bóng đá Cúp vàng Tưởng niệm Gyalyum Chenmo (Người Mẹ Vĩ Đại) lần thứ 25. Ngài đã vui vẻ chào đón họ và chụp ảnh chung với họ.
Từ Pháp toà, nói chuyện với đám đông, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét: Mỗi năm, vào lúc Saga Dawa (tháng thứ tư theo lịch âm của Tây Tạng - kỷ niệm ngày Đản sinh, ngày Thành đạo và ngày nhập Niết Bàn của Đức Phật), chúng ta trì tụng 100 triệu lần thần chú ‘Manis' (Lục Tự thần chú của Đức Quán Thế Âm). Nhiều người ở nhiều nơi đã tham gia vào sự kiện này. Một trong những tác dụng của việc trì tụng này là sự ban phước gia trì của những viên thuốc Pháp ‘Mani’, sau đó thuốc được phân phối rộng rãi đến nhiều nơi. Nghi thức mà chúng ta sử dụng được biên soạn bởi Serkhong Tsenshab Rinpoche.
Chư Tăng của Tu viện Dzongkhar Chödé đã thỉnh cầu tôi ban truyền cho Quán đảnh Quán Thế Âm Tự Tại Thế Gian hôm nay. Sẽ rất tốt nếu như họ cùng tham gia trì tụng trong ba ngày đầu tiên của đợt trì tụng bảy ngày này. Để cho việc thực hành này trở nên có ý nghĩa, thì việc suy tư về Bồ đề Tâm và quan điểm Tánh Không trong khi thực hiện việc trì tụng này của quý vị là điều vô cùng quan trọng.
Khi thực hiện Pháp hành này, quý vị cần quán tưởng Đức Quán Thế Âm đang hiện hữu trước mặt của mình. Ngài có đầy đủ tất cả các phẩm hạnh. Ngài là vị thần hiện thân của lòng Từ Bi - mà Ngài Nguyệt Xứng đã ca ngợi là phẩm hạnh vô cùng cần thiết ở tất cả các chặng đầu, giữa và cuối của Đạo Lộ tu tập.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng, bậc thầy Nyengön Sungrab ở thế kỷ thứ 19 đã quan sát rằng, các giáo lý của Đức Phật có thể được chia thành các giáo lý thuộc cấu trúc chung - bao gồm trong cả ba lần chuyển Pháp Luân được lưu lại trong Kinh tạng, và các giáo lý đặc biệt. Đối với những người có nghiệp duyên thuần tịnh, Đức Phật đã hiện khởi như vị thần bổn tôn chính của Mạn Đà La và truyền dạy các Mật điển. Đây là những giáo lý đặc biệt được thuyết giảng phù hợp với nhu cầu và căn cơ khác nhau của những đệ tử khác nhau.
Ngài nói thêm: “Các bậc Thầy quá khứ - những vị đã thiền định về Đức Quán Thế Âm như vị thần bổn tôn chính của họ - đã có sự tiến bộ trên Đạo Lộ và các Địa. Chúng ta đã phân loại các Mật điển thành Nyingma và Sarma, truyền thống cổ xưa và truyền thống cận đại. Trong truyền thống Nyingma, một số giáo lý được coi là “kama” - truyền giáo hoặc truyền miệng xa xôi, và những giáo lý khác thuộc về “terma” hoặc các dòng truyền thừa bảo tạng được tiết lộ gần; trong khi một loại thứ ba bao gồm các giáo lý xuất phát từ “dag nang” hoặc sự linh kiến thuần tịnh thâm diệu. Trong số những linh kiến thuần tịnh này có ba loại: những loại mà các vị thần xuất hiện như thể nhận thức cảm giác trực tiếp; những loại mà các vị thần hiện thân trong khi thiền định; và những loại mà các vị thần xuất hiện trong những giấc mơ.
Quán đảnh hôm nay là một phần của ‘Sangwa Gyachen’ hay “Linh Kiến Ấn Bí Mật” của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm vĩ đại, một bộ sưu tập được coi là một trong những giáo lý chính của dòng truyền thừa các Đạt Lai Lạt Ma. Tagdrag Rinpoche nghĩ rằng điều quan trọng là ban truyền bộ sưu tập giáo lý này cho tôi. Trong quá trình nhận được những sự ban truyền này, mỗi đêm tôi đã có hàng loạt những giấc mơ khác nhau. Có một phần liên quan đến Dzogchen mà tôi không chắc là tôi đã nhận được từ Tagdrag Rinpoche nên tôi đã yêu cầu Dilgo Khyentse Rinpoche ban truyền lại cho tôi.
Ngài tuyên bố rằng Ngài phải thực hiện một số nghi thức chuẩn bị trước khi ban quán đảnh và yêu cầu hội chúng trì tụng thần chú Lục Tự “Om Mani Padme Hum”. Ngài giải thích rằng ‘OM’ là Chủng Tự đầu tiên của nhiều câu thần chú và nó bao gồm ba chủng tự ‘A’, ‘U’ và ‘M’ - “AUM”. Các chủng tự này đại diện cho thân, ngữ và ý của Đức Phật và một số chúng sinh. Ngài nói rằng, mặc dù tâm thức vốn dĩ là hoàn toàn thuần tịnh, nhưng nó bị che khuất bởi những phiền não tạm thời. Những điều này có thể được khắc phục bằng cách phát triển trí tuệ sâu sắc về chân lý thực tại. Trong ngữ cảnh này, ‘MANI’ có nghĩa là ngọc báu - là hiện thân của phương tiện hay “Bồ Đề Tâm”. ‘PADME’ - hay “hoa sen”, biểu thị cho “Trí Tuệ” - cụ thể là trí tuệ liễu ngộ “Tánh Không”. Cả hai phẩm tính này (Trí Tuệ và Từ Bi) cần phải được phát triển trong sự kết hợp với nhau; và ‘HUM’ chính là hiện thân của sự kết hợp bất khả phân của Trí tuệ và Từ Bi ấy. Trên cơ sở này, thân, khẩu, ý của chúng ta có thể được chuyển hoá thành thân, khẩu, ý của một vị Phật.
Ngài chỉ vào bức tượng đứng bằng gỗ trầm hương bên phải Pháp Toà của Ngài và nói rằng: “Bức tượng này của Đức Quán Thế Âm Wati Zangpo - đã được chăm sóc bởi Chư Tăng của Tu viện Dzongkha Chödé. Trong thời gian sống lưu vong, bức tượng này đã được mang đến cho tôi. Khi Tu viện Dzongkha Chödé được chuyển đến khu của họ ở phía nam Ấn Độ, một cuộc tiên tri đã được thực hiện để xem liệu bức tượng ấy nên được mang đi với họ hay ở lại đây. Kết quả là bức tượng đã ở lại đây với tôi. Có ý kiến cho rằng biểu cảm trên khuôn mặt có thay đổi, điều này tôi nghĩ có thể đúng. Tôi cảm thấy thỉnh thoảng Ngài cười với tôi.
Khi Đức Đạt Lai lạt Ma thứ 5 vĩ đại thực hiện một khóa nhập thất Quán Thế Âm, Ngài đã tập hợp hai bức tượng được gọi là anh em Quán Thế Âm lại với nhau, một tượng từ Ngari, là bức tượng Wati Zangpo này, và tượng kia từ Lhasa - được gợi nhắc trong những linh kiến thuần tịnh. Ngài thấy Songtsen Gampo đã hiện ra từ trái tim của bức tượng này.
Tôi không có linh kiến thuần tịnh như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, nhưng tôi thấy mọi thứ trong giấc mơ. Vào những ngày đầu của cuộc sống lưu vong, khi tôi còn ở Swarag Ashram, tôi đã mơ thấy rằng tôi đã đến Jokhang ở Lhasa và nhìn thấy bức tượng được biết đến như Đức Quán Thế Âm ngũ diện (có năm mặt) tự sanh khởi. Ngài vẫy gọi tôi đến với Ngài và tôi đã ôm chầm lấy Ngài. Ngài bảo tôi hãy duy trì sự tinh tấn và không nên cảm thấy mệt mỏi với những nhiệm vụ phía trước của mình.
Một thời gian sau, trong cuộc cách mạng văn hóa, bức tượng này đã bị phá hủy, nhưng vài mảnh của những khuôn mặt đã được giải cứu và mang đến cho tôi ở đây. Một vài trong số đó tôi đã yểm đặt vào bên trong của bức tượng Đức Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (nghìn mắt nghìn tay) của chúng tôi đang có ở đây; những mảnh khác được giữ trong chiếc hộp đặt bên cạnh Ngài. Chiếc hộp phía trước gắn bằng thuỷ tinh được mang ra và đặt trên bàn bên cạnh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Vào một dịp khác, tôi có một giấc mơ rằng Đức Wati Zangpo đứng trước mặt tôi và chúng tôi nói chuyện với nhau như những người bạn. Tôi hỏi Ngài rằng Ngài có liễu ngộ được tánh Không chưa, Ngài trả lời, "Vâng, ta đã liễu ngộ”. Dù sao thì thỉnh thoảng tôi cũng tự hào rằng Đức Quán Thế Âm chính là Vị Lãnh Đạo của tôi, tôi nghĩ về chính mình như là Sứ giả của Ngài.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu các nghi thức cho lễ quán đảnh, Ngài nói rằng Ngài đã từ bỏ phong tục khuyến dẫn những chúng sanh có khả năng gây phiền nhiễu cho buổi lễ đi xa nơi khác bằng một chiếc bánh nghi lễ. Ngài nói rằng dường như có sự mâu thuẫn trong việc phát khởi lòng từ bi đến tất cả chúng sinh vào đầu ngày và sau đó thì xua đuổi một số trong số họ. Ngài nhấn mạnh, kẻ thù thực sự chính là những phiền não phiêu lưu che khuất một cách tạm thời tâm thức tỉnh giác và sáng suốt của chúng ta.
Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn lên và thấy một người theo đạo Sikh đang nhìn với sự quan tâm chú ý từ cánh cửa ở phía sau của Chánh Điện, Ngài hỏi ông ta từ đâu đến và mời ông lên để Ngài bắt tay ông. Trong quá trình truyền quán đảnh, Ngài đã hướng dẫn tu luyện Du Già toàn diện bao gồm tất cả những gì liên quan đến việc trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm và quán tưởng nó như một đĩa mặt trăng sáng ở nơi tim. Tiếp theo là trau giồi trí tuệ liễu ngộ Tánh Không được quán tưởng chuyển hoá thành chày kim cang đứng trên mặt trăng ấy. Ngài nói rằng đây là điều mà Ngài thực hành mỗi ngày; và Ngài khuyến khích các khán giả cũng nên thực hành như vậy.
Mỉm cười, đưa ánh mắt nhìn những người xếp hàng, nói chuyện với một số người và vẫy tay với những người khác, Ngài đi từ Chánh Điện xuống cầu thang đến sân, nơi có nhiều người hơn đang tranh thủ để giành được sự chú ý của Ngài. Ngài nói chuyện với một vài người trước khi lên xe để trở về lại Dinh thự của mình.
Sự trì tụng 100 triệu câu thần chú “Mani” sẽ được bắt đầu vào ngày mai.