Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Sáng nay, ước tính có khoảng 7500 người đã tập hợp ở Tsuglagkhang - Ngôi Chùa Chính của Tây Tạng và khoảng sân liền kề với Dinh thự của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma để tham gia buổi lễ Cầu nguyện Trường Thọ dâng lên Ngài. Con đường từ cổng cung điện (nơi cư ngụ của Ngài) ngang qua khoảng sân đến Chùa và ngay trong Chùa đã được trang trí tuyệt đẹp với những vòng hoa và những bó hoa rực rỡ. Các trụ cột được quấn bọc trong vải màu. Các vũ công Tashi Shölpa, Gyal Shay và Lhamo đã cung đón Ngài khi Ngài quang lâm từ Dinh thự của mình.
Bên trong ngôi Chùa đã tập hợp đông đủ chư Tăng và các Vị đại diện của các truyền thống tôn giáo Tây Tạng: từ truyền thống Bôn - Menri Lopon Trinley Nyima Rinpoche; truyền thống Geluk - Jangtsé Chöjé, Gosok Rinpoche và Ganden Tri Rinpoche, Jetsun Lobsang Tenzin; Pháp chủ của truyền thống Sakya - Sakya Trizin, Ratna Vajra Rinpoche; và cũng từ truyền thống Geluk, Sharpa Chöjé, Lobsang Tenzin; từ truyền thống Karma Kagyu - Situ Rinpoche; và từ truyền thống Nyingma - Ringu Tulku.
Bên phải Pháp toà của Ngài, phía sau Ganden Trisur - Rizong Rinpoche, là vị trí ngồi của các Vị Viện trưởng của các Tu viện Sera, Ganden, Drepung, Tashi Lhunpo, Gyumé và Gyutö, trong khi phía bên trái là chỗ ngồi đã được chuẩn bị sẵn cho các Vị Quan Chức Nội Các đã nghỉ hưu.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chào đón họ với một nụ cười rộng mở khi Ngài quang lâm trước khi an toạ trên Pháp Toà. Nhìn về phía khán giả, Ngài thấy sáu Vị Tăng đến từ Thái Lan và Ngài nói rằng họ được ngồi cùng với các vị Tu Viện trưởng trên khán đài.
Buổi lễ được thực hiện bởi chư Tăng của các Tu viện Namgyal, Gyutö và Kirti - bắt đầu bằng bài cầu nguyện khẩn cầu các hóa thân trước đây của Đức Quán Thế Âm ở Ấn Độ và Tây Tạng do cố Trulshik Rinpoche sáng tác. Tiếp theo là bài tụng “Xưng tán 17 Bậc Luận Sư của Nalanda”. Việc cúng dường cầu nguyện Trường Thọ dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là một nghi thức tập trung vào Đức Phật Vô Lượng Thọ do Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Năm sáng tác và thuộc trong bộ sưu tập “Những Linh Kiến Bí Mật” của Ngài. Sự thực hiện nghi lễ ấy đã được đề xuất bởi Thần Nechung - Vị Thần Tiên Tri của Quốc gia, trong giai đoạn chào đón Năm Mới theo thông lệ và được dâng cúng bởi Chính quyền Trung ương Tây Tạng và Nhân dân Tây Tạng.
Tại một thời điểm nhất định trong tiến trình nghi lễ, sau khi năm Dakini đã nhập vào, Thần Tiên Tri Nechung và các Thần tiên tri của Dorje Yamakyong, Nyenchen Thangla, và Kharak Khyung Tsün đã tiếp cận Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong trạng thái thôi miên, nhảy múa và cầu nguyện. Họ được theo sau bởi các Vị đại diện của các truyền thống tôn giáo Tây Tạng - họ đã đảnh lễ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và cầu nguyện. Phẩm vật cúng dường đã được dâng lên cúng dường cho Ngài.
Sikyong - Tiến sĩ Lobsang Sangay đã đứng cùng Đức Sakya Trizin khi Ngài cúng dường Mandala và đọc thuộc lòng lời cầu khẩn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trường thọ. Lời khẩn cầu đã đề cập rằng, Ngài đã vô cùng bi mẫn với nhân dân Tây Tạng và đã giảng dạy trên khắp thế giới. Ngài đã khuyến khích sự hài hòa giữa các truyền thống tôn giáo thế giới, bảo vệ môi trường và bảo tồn các di sản văn hóa Tây Tạng. Ngài đã ủng hộ tinh thần bất bạo động. Ngài đã trình bày kiến thức chứa trong Kinh Tạng và Luận Tạng về lĩnh vực triết học, khoa học và tôn giáo; và đề cao vấn đề đạo đức thế tục vì lợi ích của tất cả mọi người.
Bài khẩn cầu kết thúc với lời cầu nguyện: “Nguyện cầu thọ mạng của Ngài được vững chắc như Kim Cương Bất Hoại! Nguyện cho nhân dân Tây Tạng được đoàn tụ trở lại! Nguyện cầu cho Ngài quay về cố hương Tây Tạng để an toạ trên Ngai Sư Tử trong Cung điện Potala. Kính xin Ngài hãy dẫn dắt chúng con đời đời kiếp kiếp! Kính xin Ngài hãy thuỳ từ chấp nhận lời khẩn cầu tha thiết của chúng con!”. Sau đó, Đức Sakya Trizin đã dâng một bức tượng Vô Lượng Thọ Phật lên cho Ngài, tiếp theo là các khay lễ mang tám Biểu Tượng Kiết Tường, bảy Biểu Tượng Hoàng Gia và tám Chất Kiết Tường.
Những Vị Pháp Chủ của các truyền thống và các quan chức Chính quyền Trung Ương Tây Tạng dâng lên cúng dường những chiếc khăn Khata lụa.
Ngài đã nói chuyện với hội chúng: “Nhân dân từ ba tỉnh - các vị đại diện của các truyền thống tâm linh và các vị thần bảo hộ của chúng ta đã tuyên thệ vào thời Hoàng Đế Trisong Detsen - đã thực hiện nghi lễ Cúng Dường Trường Thọ này. Tôi xin được cảm ơn tất cả quý vị!
“Thời gian gần đây tôi đã bị bệnh, nhiều người trên khắp thế giới, cũng như nhân dân bên trong và bên ngoài đất nước Tây Tạng, đã cầu nguyện cho tôi. Một lần nữa, tôi xin được cảm ơn tất cả quý vị! Nghiệp là điều mà - nếu như bạn không làm một điều gì đó, thì bạn sẽ không phải lãnh chịu hậu quả của việc ấy; cũng như hậu quả về hành động của một người khác sẽ không bao giờ xảy đến với bạn. Tuy nhiên, vì mối quan hệ chặt chẽ trong một gia đình và mối liên kết chặt chẽ giữa thầy và trò - những lời cầu nguyện giữa họ có thể có hiệu quả. Những người cầu nguyện cho tôi đã cầu nguyện một cách chân thành như thế, tôi chắc chắn rằng nó sẽ rất mãnh liệt và vô cùng hiệu quả. Xin cảm ơn quý vị!
Tôi không thể nói về kiếp trước của mình, nhưng trong kiếp này, tôi là một Tu Sĩ, và tôi đã nghiên cứu và thực hành, như Jé Rinpoche đã viết ở phần cuối của “Lý Duyên Khởi: Lời Xưng Tán Đức Phật”:
Trở thành một bậc xuất gia theo con đường của Đức Phật
Bằng cách không lơ là trong việc nghiên cứu Giáo Pháp của Ngài,
Với lòng quyết tâm mãnh liệt thực hành Pháp Du Già
Tăng Sĩ này cống hiến hết mình để truyền tải chân lý vĩ đại ấy.
Ngài đã mô tả sự kính trọng sâu sắc của mình đối với 17 Bậc Thầy của Nalanda. Ngài quan sát thấy rằng trước đó đã có lời xưng tán dành cho ‘Sáu bậc Trang Nghiêm và hai bậc Tối Thượng, mà bỏ qua một số Vị Luận Sư có những tác phẩm có ảnh hưởng ở Tây Tạng. Do đó, Ngài đã trước tác ‘Lời Xưng Tán 17 Bậc Hiền Triết của Nalanda”, và khuyến khích nghiên cứu các luận giải của họ.
Ngài tiếp tục: “Nhờ sự khích lệ của Vị trợ lý tranh biện của tôi - Ngodup Tsognyi mà tôi đã suy tư rất nghiêm túc về tánh Không. Sau đó, khi tôi báo cáo với Kyabjé Ling Rinpoche về kinh nghiệm của tôi chính là kết quả của việc suy tư về”Chánh Kiến Ca” của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai; Rinpoche nhận xét, ‘Trước kia, Ngài đã là một “Hành Giả Du Già về Tánh Không”. Như Choné Lama Rinpoche đã nói, “Chính nhờ lòng tốt của Thầy tôi mà tôi có bất cứ điều gì để nói về Tánh Không, bản chất sáng ngời của tâm thức và Bồ Đề Tâm.
Về việc liên quan đến Bồ Đề Tâm, tôi thấy tâm thức của mình đã được chuyển hoá khi nghe lời giải thích của Khunu Lama Rinpoche về ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ vào năm 1967. Tôi đã có được một số kinh nghiệm về quan điểm Tánh Không và mở rộng con đường về Bồ Đề Tâm; và tôi đã chia sẻ nó với những người khác vì tôi thấy nó vô cùng lợi lạc. Tôi sẽ tiếp tục phát khởi Bồ Đề Tâm hàng ngày và suy ngẫm về những gì mà Ngài Tịch Thiên đã viết:
"Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng mình."
"Nếu tôi không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì không những cảnh giới Phật tôi sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi tôi sẽ chẳng thể nào vui."
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
“Trong kiếp này, tôi đã có thể phục vụ cho truyền thống Tây Tạng và nhân dân Tây Tạng; và tôi đã có thể chỉ cho người khác thấy được một tâm hồn vị tha có được sự lợi lạc như thế nào. Loài động vật săn mồi chỉ giết hại loài khác khi chúng đang bị đói, nhưng con người thì hãm hại nhau với hầu hết mọi lý do. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần phải vị tha hơn.
Ngài đã trích dẫn lời khuyên của Đức Phật:
"Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ".
Đức Phật khuyến khích về một phương pháp lý luận, hoài nghi như thế. Ngài lưu ý rằng, trong lần Chuyển pháp Luân đầu tiên của mình, Đức Phật đã giải thích về Tứ diệu đế và 37 phẩm Trợ đạo. Trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai, Ngài đã làm rõ về Bát nhã Ba La Mật; và trong lần thứ ba, Ngài đã tiết lộ bản chất ánh sáng quang minh của tâm thức, đó là nền tảng cho việc thực hành Mật tông. Vì thế, Đức Phật đã đưa ra những lời dạy của mình theo một tiến trình phát triển cao dần.
Đề cập đến ba cam kết của mình, Ngài nhận xét rằng, là một con người, Ngài cam kết phục vụ cho nhân loại. Là một Phật tử, Ngài cam kết thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo - là kết quả của truyền thống lâu đời về ahimsa và karuna (bất bạo động và lòng từ bi) - truyền thống đã được phát triển mạnh ở Ấn Độ. Mục tiêu của tất cả các truyền thống tôn giáo là hòa bình. Thứ ba - là một người Tây Tạng - Ngài nói rằng Ngài đã cố gắng hết sức cho nền giáo dục của nhân dân Tây Tạng lưu vong. Mặc dù rất khó để Ngài có thể thực hiện điều này có nhiều hiệu quả ở Tây Tạng, nhưng khi lưu vong, Ngài đã làm những gì trong khả năng có thể - để hỗ trợ và làm phong phú di sản văn hóa Tây Tạng.
Ngài khẳng định: “Phật giáo tại Tây Tạng là một truyền thống hoàn chỉnh, bao gồm cả truyền thống Nguyên Thuỷ, truyền thống Đại Thừa và Mật tông. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - một triết gia và là nhà logic học - đã thiết lập Phật giáo ở Xứ Tuyết. Vị Đại Học Giả Sakya Pandita đã theo sự dẫn dắt của Ngài khi ông viết tác phẩm "Kho Tàng Logic và Nhận Thức Luận" có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Chính nhờ dựa trên nền tảng này mà chúng ta đã có sự tương tác rất thành công và cùng có lợi đối với các nhà khoa học hiện đại. Tôi đã có một số đóng góp cho sự thịnh vượng chung trong hơn 60 năm qua, mà tinh thần không lay chuyển của nhân dân ở Tây Tạng chính là nguồn cảm hứng của tôi. Nhờ vào họ mà chúng tôi đã có thể giữ cho nền văn hóa của đất nước mình được tồn tại.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên - Gyalwa Gendun Drup, sống đến 84 tuổi, Ngài không mong cầu được sinh về cõi Tịnh Độ. Vì tôi có cơ hội mang lại lợi ích cho chúng sinh cho nên sẽ rất tốt nếu tôi có thể sống lâu hơn. Tôi đã cầu nguyện Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên gia trì cho tôi có thể sống thêm 10 - 15 năm nữa.
Một lần tôi có một giấc mơ rằng tôi đang bơi, mặc dù tôi không thể bơi, nhưng Ngài Nữ thần Palden Lhamo lại đang cưỡi trên lưng tôi. Vị ấy nhận xét: “Không có gì nghi ngờ rằng ông sẽ sống cho đến khi ông 110 tuổi”. Những tràng vỗ tay vang lên khắp cả ngôi Chùa. Ngài nói: “Những người khác cũng đã mơ rằng tôi có thể sống cho đến khi tôi 113 tuổi. Như tôi đã nói với mọi người ở Ladakh, quý vị thích như thế nào hơn, thích thỉnh cầu tôi đi đây đi đó, hay là thích tôi được sống lâu?
“Cả người và chư Thần đều thực hiện lễ cúng dường Trường thọ này. Tôi chắc chắn rằng nó sẽ có tác động tích cực và tôi hy vọng tôi sẽ sống đến 110 tuổi.”
Một số lời cầu nguyện Cát tường đã được tụng lên khi cựu Bộ trưởng và các Quan chức Nội Các đã đảnh lễ Ngài, buổi lễ kết thúc với bài tụng về “Lời Chân Thật”.