New Delhi, Ấn Độ - Bay từ Dharamsala đến Delhi ngày hôm qua, sáng nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được cung đón tại Trường Shri Ram, Vasant Vihar, bởi Vị Chủ tịch - Arun Bharat Ram - giám đốc và hiệu trưởng của trường. Hơn 2400 học sinh từ 84 trường học ở New Delhi đã chào đón Ngài một cách hết sức nhiệt tình.
Trước khi an toạ trên khán đài, Ngài đã thắp một ngọn đèn và cảm ơn ban tổ chức, Spic Macay, đã triệu tập cuộc họp mặt này.
Ngài bắt đầu: “Các anh chị đáng kính và các em yêu quý! Tôi rất vinh dự khi được tiếp xúc với những sinh viên trẻ tuổi thuộc thế kỷ 21. Mặc dù chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể học hỏi từ nó. Do vậy, tương lai đang nằm trong tay của quý vị. Nếu quý vị nỗ lực để tạo ra một xã hội hạnh phúc, thì tôi tin chắc rằng trong thế kỷ này, quý vị có thể thay đổi thế giới.
Các nhà khoa học đã cho biết rằng bản chất cơ bản của con người vốn dĩ là từ bi. Rõ ràng như thế! Vì chúng ta là động vật xã hội, cho nên chúng ta nên coi tất cả 7 tỷ người là cộng đồng mà chúng ta đang thuộc về. Cách chỉ suy nghĩ về “quốc gia của tôi”, hay “dân tộc của tôi” là đã lỗi thời rồi. Trong thế kỷ 20, suy nghĩ về những người khác trong phương diện “chúng tôi” và “bọn họ” đã đưa đến sự chia rẽ dẫn đến chiến tranh và giết chóc.
Vì tất cả 7 tỷ người đều giống nhau về mặt tinh thần, thể chất và cảm xúc, cho nên các bạn trẻ ngày nay cần phải trau dồi ý thức về sự đồng nhất của nhân loại. Chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để đối diện với những thách thức ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, chẳng hạn như sự khủng hoảng về khí hậu. Chúng ta không thể chỉ đơn giản khai thác hành tinh này và môi trường tự nhiên của nó, mà chúng ta cần phải chăm sóc nó. Các nhà khoa học đã cảnh báo chúng ta trong một thời gian về những nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt.
Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với truyền thống lâu đời về sự hòa hợp giữa các tôn giáo phát triển ở Ấn Độ. Ngài chỉ ra rằng các thành viên của tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đã sống với nhau trong sự hòa hợp trong hàng trăm năm qua. Ngài nhấn mạnh giá trị của tấm gương điển hình Ấn Độ đối với toàn thế giới - các truyền thống tôn giáo thực sự có thể sống cùng nhau trong sự quan tâm lẫn nhau. Hơn nữa, truyền thống thế tục của Ấn Độ về việc thể hiện sự tôn trọng không chỉ đối với tất cả các truyền thống tâm linh, mà còn đối với những người không có đức tin, truyền thống ấy rất thích hợp trong bối cảnh hiện đang có hàng tỷ người dân trên thế giới ngày nay không có đức tin về tôn giáo.
Một khía cạnh khác của truyền thống Ấn Độ mà Ngài cho là có liên quan ngày nay là hành động bất bạo động ‘ahimsa’ được nuôi dưỡng bởi động lực từ bi ‘karuna’. Ngài nhớ lại rằng Mahatma Gandhi đã sử dụng tinh thần bất bạo động ‘ahimsa’ để đạt được hiệu quả lớn trong cuộc đấu tranh cho tự do của Ấn Độ, điều này chính là nguồn cảm hứng đối với Nelson Mandela ở Nam Phi và Martin Luther King Jr ở Hoa Kỳ.
Theo quan điểm của Ngài thì nền Giáo dục hiện đại do người Anh truyền vào Ấn Độ có xu hướng nghiêng về mục tiêu vật chất. Phát triển vật chất là điều quan trọng, nhưng chúng ta không nên bỏ qua kiến thức Ấn Độ cổ đại với sự hiểu biết thấu đáo về hoạt động của tâm thức và cảm xúc của chúng ta. Nếu chúng ta có thể kết hợp điều đó với sự giáo dục hiện đại, thì chúng ta có thể học cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực và đạt được sự an lạc nội tâm. Tôi đã thấy rất hữu ích khi nhận ra rằng những cảm xúc phiền não không có nền tảng về sự thật; trong khi lòng từ bi thì có thể được trau giồi trên cơ sở lý luận. Điều này đã cho phép tôi đối mặt với những sự khó khăn rắc rối khác nhau trong cuộc sống của mình bằng sự an lạc nội tâm.
Trong khi trả lời một số câu hỏi từ phía khán giả, Ngài đã chỉ ra rằng, sự tái sinh không phải là vấn đề tiếp nối liên tục về thể xác, mà là sự liên tục của tâm thức. Nhân chính của một khoảnh khắc của tâm thức - chính là một khoảnh khắc trước đó của tâm thức. Ngài đã trích dẫn các trường hợp về các cháu bé mà Ngài đã gặp, người Ấn Độ và Tây Tạng, đã có những ký ức rõ ràng về kiếp trước của họ.
Ngài đã làm rõ rằng, nghiệp là về hành động và kết quả của những hành động ấy. Ngài giải thích một cách hài hước rằng, nếu Ngài cảm thấy đói, nhưng ăn một cái bánh quy, thì Ngài lại không còn đói nữa. Điều đưa đến kết quả được sinh ra thành một con người - chính là hành động tích cực, được thúc đẩy bởi một mong muốn giúp đỡ người khác. Ngài nhắc lại rằng, trái ngược với điều này, chính là những cảm xúc phiền não nảy sinh do thái độ ái trọng tự thân. Chúng có liên quan đến sự vô minh ngộ nhận những sự xuất hiện bên ngoài và cho rằng đó là sự thật.
Khi được hỏi rằng ai là người bạn thân nhất của mình, Ngài trả lời rằng Ngài có rất nhiều bạn bè. Tuy nhiên, người mà Ngài thân nhất, trước hết, là mẹ của Ngài. Bà là người Thầy đầu tiên của Ngài về lòng từ bi, một người không bao giờ tỏ ra giận dữ. Ngài nhắc lại rằng, vì Ngài luôn nhắc nhở bản thân về sự đồng nhất của tất cả loài người, cho nên bất cứ nơi nào Ngài đến và bất cứ ai Ngài gặp, Ngài đều coi họ là anh chị em của mình.
Trả lời một câu hỏi về sự tái sinh, Ngài đã trích dẫn về một sự kiện vào lúc cuối đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên, khi các đệ tử nói với Ngài rằng Ngài chắc chắn sẽ được sinh ra ở ở cõi Tịnh độ. Ngài đã nói với họ rằng, Ngài không mong muốn như vậy, mà chỉ muốn được sinh ra ở nơi có đau khổ để có thể phụng sự cho tha nhân. Ngài đã kết thúc bằng cách đọc lời cầu nguyện yêu thích của chính mình từ “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Tôi nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Một đại diện của sinh viên cảm ơn Ngài đã quang lâm và ban truyền những lời đầy cảm hứng và phong phú của Ngài, đã mang đến cho tất cả họ một viễn cảnh tươi mới. Khi rời khỏi khán đài, Ngài đã vẫy tay chào khán giả, họ đã tươi cười rạng rỡ và vẫy tay đáp lại.