Mathura, UP, Ấn Độ - Sáng nay, khi bắt đầu ngày thứ hai tại Đền Shri Udasin Karshni, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được Swami Karshni Gurusharanandaji Maharaj, Swami Chidanand Saraswati cùng với các thành viên khác của Đền cùng tham gia thiền định với nhau.
Sau đó, Ngài đã đi xe đến bờ sông Yamuna, cùng với Maharaj-ji và Swami-ji, Ngài tham gia vào một nghi lễ aarti liên quan đến việc dâng cúng dường đèn. Khi một nhà báo hỏi những phần nào của văn hóa Ấn Độ có liên quan đến thế giới ngày nay, Ngài đã trả lời:
“Tôi tin tưởng rằng, nuôi dưỡng truyền thống lâu đời của Ấn Độ về ‘ahimsa’ - hành vi phi bạo lực và ‘karuna’ - động lực từ bi của phi bạo lực, là cách duy nhất để chấm dứt bạo lực trên thế giới. Là con người, chúng ta rất giống nhau. Chúng ta được sinh ra theo cùng một cách, và chúng ta cũng chết đi theo cùng một cách. Do đó, điều quan trọng là phải chú ý đến các giá trị cơ bản của con người đã được nuôi dưỡng trên đất nước này trong hàng ngàn năm qua.
Trở lại ngôi Đền, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khánh thành cánh cổng đến vườn Đức Phật đã được thiết lập ở đó bằng cách rung một chiếc chuông lớn, cuối cùng sẽ được treo trên lối vào. Ngài kính lễ trước bức tượng Phật và đọc kinh cầu nguyện:
Với sự xuất hiện của Đức Bổn Sư trong thế giới này,
Chánh Pháp rạng ngời như mặt trời toả sáng,
Cảm kích nghĩa đệ huynh giữa các tông môn,
Nguyện cầu mọi Thắng Duyên cho Giáo Pháp trường tồn.
Ngài đã nhận xét rằng, mặc dù rất đáng quý khi tạo ra những bức tượng của Đức Phật, nhưng vì các bức tượng không thể nói năng được, cho nên điều quan trọng là phải thành lập các trung tâm học tập nghiên cứu nếu chúng ta muốn đóng góp vào việc bảo tồn Giáo Pháp.
Sau đó, Ngài được hộ tống đến Đền thờ Shiva, nơi mà Ngài cùng với Maharaj-ji thực hiện lễ cúng dường Rudra Abhishek cho Shivling. Lingam được tắm và xức bằng năm chất cam lồ, bông hoa và các chất linh thiêng khác.
Sau một lúc nghỉ ngơi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến khán phòng của ngôi Đền, nơi mà Ngài đã trả lời những câu hỏi của các nhà báo và các thành viên của Đền thờ. Liên quan đến vai trò của Ấn Độ trong một thế giới ngày càng bị phân mảnh, Ngài đã nói rõ về tầm quan trọng của ‘ahimsa’ - tinh thần bất bạo động, và ‘karuna’ - lòng từ bi; và Ấn Độ là một tấm gương điển hình về sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Những phẩm chất này đã đóng góp cho sức mạnh của quốc gia. Ngài đã nói thêm rằng Ấn Độ nên lãnh đạo một phong trào toàn cầu hướng đến vấn đề “phi quân sự hóa”
Ngài cũng khuyên rằng, Ấn Độ nên được đặt vào vị trí đặc biệt để tích hợp sự giáo dục hiện đại liên quan đến khoa học và công nghệ với kiến thức truyền thống về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Nền giáo dục hiện đại tự nó vẫn còn khiếm khuyết vì nó không mang lại sự an lạc nội tâm. Bất chấp sự đa dạng trong quan điểm triết học, các truyền thống tôn giáo của Ấn Độ đều tập trung vào các giá trị nội tâm, đó là một trong những lý do mà sự hài hòa đã chiếm ưu thế.
Ngài khuyên rằng các giá trị nội tâm cần nên được khắc cốt ghi tâm bởi những người trẻ tuổi từ những năm đầu đời cho đến khi họ vào đại học; Ngài chỉ ra rằng ‘ahimsa’ - tinh thần bất bạo động, và ‘karuna’ - lòng từ bi, là những sự đối trị hoàn hảo đối với tâm sân giận. Ngài nhấn mạnh rằng, việc nghiên cứu về những chủ đề này không cần phải được thực hiện theo phương cách của tôn giáo. Chúng có thể được tiếp cận một cách khách quan bằng con đường học tập. Việc bạn có muốn chọn lấy sự thực hành tôn giáo hay không đó là vấn đề của sự lựa chọn cá nhân, nhưng toàn thể nhân loại đều đang rất cần sự bình yên trong tâm hồn.
Maharaj-ji ca ngợi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về cách mà Ngài đã làm việc không mệt mỏi vì lợi ích của nhân loại, Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ và tình yêu. Ông nói rằng Ông rất cảm kích lời khuyên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về việc phát triển tình yêu thương và lòng từ bi từ bên trong nội tâm. Ông cũng đồng ý với Ngài về thông điệp chung cơ bản của các truyền thống Ấn Độ. Ông đọc những câu thơ từ “Gita” minh họa về cách mà trí tuệ và tình yêu đã đối trị lại sự tham ái và sân giận.
Ông nói: “Không phải chúng tôi kính trọng xương thịt của xác thân Ngài mà là kính trọng trí tuệ uyên thâm đang ngự bên trong Ngài. Vì Ngài là hiện thân của chân lý và trí tuệ, cho nên những ai đi theo chân lý thì cũng là những đệ tử của Ngài. Tôi xem Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là một trong những bậc Thầy của ngôi Đền này; thế nên ngôi Đền này đã thuộc về Ngài. Ngài có thể tự do đến cư ngụ ở đây bất cứ khi nào Ngài muốn”.
Sau bữa trưa cùng với Maharaj-ji và Swami Chidanand Saraswati, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rời khỏi ngôi Đền để đi Delhi.