Manali, Himachal Pradesh, Ấn Độ - Cơn mưa đêm qua đã nguôi ngoai khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khởi hành từ Ön Ngari Dratshang sáng nay. Trên bãi đậu xe của Hội đồng thành phố gần đó, một khán đài và một không gian có mái che dành cho khán giả đã được thiết lập. Vị Viện Chủ của Ngari Dratshang đã cung đón Ngài, và cùng với các nhà lãnh đạo địa phương, hộ tống Ngài lên khán đài; từ nơi đó, Ngài đã chào mừng đám đông và chào đón các Vị Lạt ma đại diện cho các truyền thống khác nhau của Phật giáo Tây Tạng. Trong số đó có Vị Rinpoche trẻ tuổi - Dungsey Asanga đến từ Sakya Phuntsok Phodrang.
Khi Ngài quang lâm đến, Chư Tăng đang tranh biện trước khán đài. Lúc Ngài an toạ, những lời cầu nguyện được cất lên, trong khi đó - trà và cơm ngọt được phân phát cho mọi người.
Ngài bắt đầu: Hôm nay, chúng tôi đến Manali thể theo lời mời của Tu viện Ngari, đã được tái lập thể theo yêu cầu của Vị Viện trưởng Tu viện Gomang trước đây trong một tòa nhà đã được trao cho Ba Nơi để Học Tập. Đây là một Tu viện - nơi Chư Tăng không bị giới hạn trong việc ghi nhớ các bản Kinh văn. Họ cũng nghiên cứu các Kinh văn ấy. Ngari Dratshang, Dakpo Shedrupling và Chö-khor Gyal được thành lập bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Hai.
Trong suốt ba tháng nhập thất an cư mùa mưa, Chư Tăng sẽ tập trung tại Chö-khor Gyal. Tuy nhiên, đó là một Tu viện chủ yếu tập trung vào việc thực hiện các nghi lễ, giống như Tu viện Namgyal trước đây, trong khi Tăng chúng của Ngari Dratshang và Dakpo Shedrupling được dành riêng cho việc nghiên cứu nghiêm túc. Tôi rất vui khi đến thăm Dakpo Shedrupling được tái lập gần Patlikuhl và bây giờ tôi đã rất vui khi được ở đây.
Hôm nay, chúng ta được tập hợp ở đây để lắng nghe bài giảng Pháp, vì vậy cả người Thầy và khán giả nên tạo ra một động cơ thích hợp. Không nên mong muốn để có được danh thơm hay tiếng tốt vì số lần mà quý vị tham gia Pháp Hội. Hãy nghĩ về điều này như là một phần trong sự thực hành Pháp của quý vị dựa trên việc quy y Tam Bảo và quyết tâm thực hiện phúc lợi của tất cả chúng sinh.
Ngài đã hướng dẫn đám đông lặp lại những bài Kệ quy y và phát Bồ đề Tâm. Ngài nói rằng vì Kullu là một trong 24 địa điểm linh thiêng đối với Thần Heruka hoặc Chakrasamvara, nên có nhiều vị thần và những chúng sanh khác ở gần đó. Ngài đọc một câu thơ mời gọi họ cũng chú ý đến những gì sẽ được giảng dạy.
Ngài tiếp tục: Trong truyền thống Phật giáo, chúng ta nói về chúng sinh mẹ của chúng ta trải rộng khắp không gian. Tất cả họ, cũng như chúng sinh, đều bình đẳng như nhau trong việc không muốn đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc. Điều này bao gồm tất cả những sinh vật sống trên trái đất này, và đặc biệt là 7 tỷ con người.
Con người thì theo tôn giáo bởi vì họ có sức mạnh của tư tưởng, trong khi động vật và những sinh vật khác thì phụ thuộc chủ yếu vào ý thức cảm giác. Có những người có đức tin, có người không có đức tin và có một số thì không thuộc về bên nào cả. Những người ít quan tâm đến tôn giáo đôi khi có thể thấy mình bị choáng ngợp khi gặp những vấn đề rắc rối. Những người có niềm tin thì có thể tìm thấy nguồn an ủi trong đức tin ấy.
Ở Ấn Độ, ý tưởng về “Pháp” đã nảy sinh; và cùng với nó là tư tưởng “ahimsa” hoặc “bất bạo động”. Và khi chúng ta nghĩ về bất bạo động, thì chúng ta cũng đã có xu hướng tự nhiên nghĩ về lòng từ bi. Ấn Độ cũng đã nuôi dưỡng việc thực hành thiền tập trung và thiền phân tích như những phương pháp để rèn luyện tâm thức. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đưa tất cả những sự thực hành này vào con đường có hiệu lực.
Đạo Zoroastrianism, Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đã được phát triển ở Tây Á, nơi đã mang đến cho những người theo họ niềm an ủi và hy vọng. Phân tích bản chất của sự vật, như đã được tìm thấy trong khoa học hiện đại, có thể đưa ra một thách thức đối với niềm tin tôn giáo, nhưng tâm thức con người có khả năng và thiên hướng thực hiện phân tích phê phán. Theo đó, Đức Phật đã khuyên:
Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!
Dẫn đầu dựa trên lời dạy ấy, các bậc thầy Nalanda đã sử dụng lý trí và phân tích để phân loại những lời dạy được ghi lại của Đức Phật thành những điều đích thực kiên định và những điều mở rộng thoáng ra để được giải thích. Điều này là do Đức Phật đã đưa ra những giáo pháp cụ thể phù hợp với căn cơ của các đệ tử của Ngài. Nói cách khác, luôn có một mục đích nào đó đối với những gì mà Ngài sẽ dạy trong những trường hợp cụ thể.
Những lời dạy đó liên quan đến sự thật tối thượng (chân đế) thì được coi là đích thực chắc chắn; những vấn đề liên quan đến những thứ khác được coi là đối tượng để giải thích. Trong truyền thống Nalanda, việc sử dụng phân tích nghiêm túc như vậy là rất quan trọng.
Ngài giải thích rằng Đức Phật đã từ bỏ cuộc sống Hoàng gia thoải mái của mình và chấp nhận cuộc sống của một Tu sĩ vô gia cư sau khi chứng kiến những cảnh tượng về sinh, già, bệnh và chết. Ngài bắt đầu thực hành sự khắc khổ trong sáu năm và cuối cùng đã tìm thấy sự giác ngộ; sau đó Ngài đã suy ngẫm:
Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra
Thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
Khi Ngài gặp năm người bạn đồng hành cũ của mình, Kaundinya, v.v., họ yêu cầu Ngài kể lại những gì mà Ngài đã trải qua. Ngài giải thích điều đó thông qua Tứ diệu đế, mà như Ngài Long Thọ đã tuyên bố là sẽ dễ dàng nắm bắt bởi bất kỳ ai hiểu được lý Duyên Khởi. Sự giải thích này về sự thật của đau khổ (Khổ), nguồn gốc của đau khổ (Tập), sự chấm dứt đau khổ (Diệt) và con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ (Đạo) là một phần của lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên. Những Chân lý này, và đặc biệt là sự thật của sự chấm dứt đau khổ (Diệt), khả năng vượt qua nguồn gốc của đau khổ, đã được Đức Phật xây dựng trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai của mình.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: Bốn sự thật cao quý (Tứ Diệu Đế) và mười sáu đặc điểm của nó là nền tảng của cả hai truyền thống Pali và tiếng Phạn. Trí Tuệ Ba La Mật đã được Đức Phật thuyết giảng trên đỉnh Linh Thứu Sơn ở Rajgir, cho những chúng sanh có nghiệp lực thanh tinh hơn. Một trong những bản Kinh được cho là ngắn hơn của Trí tuệ Ba La Mật là 25 bài Kệ, thường được biết đến với cái tên “Bát Nhã Tâm Kinh”. Nội dung của hai lần chuyển Pháp Luân đầu tiên đều cho thấy sự sáng suốt sâu sắc của Đức Phật.
Ở Vaishali và những nơi khác, Ngài đã ban Chuyển Pháp luân lần thứ ba, bao gồm ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” và sự giải thích về Phật tánh là nền tảng đối với dòng Tương Tục Vi Tế của Ngài Long Thọ. Trường hợp Chuyển Pháp Luân lần thứ ba liên quan đến ánh quang minh chủ quan hoặc tâm trí sáng chói, sự hoàn hảo của trí tuệ đã dạy về đối tượng ánh quang minh hoặc tánh Không. Tâm quang minh cũng được dạy trong Mật thừa Du già Tối thượng về sự kết hợp của ánh quang minh và thân huyễn hoá.
Truyền thống tiếng Phạn nhấn mạnh việc nghiên cứu và phân tích. Như Ngài Long Thọ đã nói, giáo lý Đức Phật dựa trên hai sự thật (nhị Đế). Quy y và đức tin là những sự thực hành thông thường, trong khi hiểu được sự chấm dứt thực sự (Diệt Đế) đòi hỏi phải hiểu được rằng những cảm xúc phiền não đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết (Vô Minh). Như “4000 bài Kệ” của Ngài Thánh Thiên đã nói:
Do bị bao trùm phủ khắp bởi vô minh,
Muốn diệt vô minh phải tinh thông Duyên khởi
Tất cả các pháp đều duyên nhau mà xuất hiện
Vô minh là quan điểm sai lầm, vọng tưởng đảo điên
Vì là vọng tưởng nên luôn mặc nhiên có pháp môn để đối trị.
Những cảm xúc phiền não và những quan niệm đáng lo ngại quấy nhiễu là có tính tạm thời và mạo hiểm, trong khi bản chất thực sự của tâm thức là ánh sáng rõ ràng và không bị ảnh hưởng bởi những phiền não ấy. Điều này được thể hiện rõ trong lần Chuyển Pháp luân thứ ba của Đức Phật và trong truyền thống Du già tối thượng như Bí Mật Tập hội, nơi mà người ta giải thích rằng những cảm xúc tiêu cực hủy diệt nảy sinh trên cơ sở do 80 quan niệm khác nhau. Khi bạn dừng ba giai đoạn của sự xuất hiện màu trắng, tăng màu đỏ, và màu đen gần đạt được, thì 80 quan niệm khác nhau sẽ chấm dứt và tâm quang minh sẽ hiển lộ. Bởi vì những cảm xúc phiền não có thể được khắc phục bằng trí tuệ, do đó bạn có thể thấy rằng việc đạt được trạng thái Niết bàn là điều có thể khả thi.
Các truyền thống phi Phật giáo cũng thảo luận về hai sự thật (Nhị Đế), nhưng để hiểu được chính xác về chúng, bạn phải hiểu được sự hoàn hảo của giáo lý trí tuệ. “Bát Nhã Tâm Kinh” có nói rằng “sắc tức thị không, không tức thị sắc; sắc bất dị không, không bất dị sắc”; điều đó có nghĩa là mặc dù mọi thứ tồn tại, nhưng khi bạn tìm kiếm danh tính lâu dài của chúng, bạn không thể tìm thấy nó. Do đó, chúng chỉ tồn tại trên sự định danh. Trường phái Duy Thức nói rằng, khi bạn tìm kiếm và không thể tìm thấy thứ gì đó, thì đó là vì nó không tồn tại bên ngoài.
Cũng giống như những thứ vật chất không thể tìm thấy khi tìm kiếm, tâm thức cũng không thể được tìm thấy. Nó không có sự hiện diện vật lý, nhưng tồn tại như một sự liên tục, một sự liên tục của những khoảnh khắc của ý thức. Những thứ vật chất dường như có một sự tồn tại khách quan, nhưng không thể được tìm thấy khi tìm kiếm. Tương tự như vậy, tâm thức không thể được tìm thấy. Vật lý lượng tử quan sát rằng không có gì tồn tại khách quan, điều mà tôi cảm thấy vô cùng hữu ích trong sự thiền định của mình về tánh không.
Trường phái Trung Quán Luận thì từ chối về việc cho rằng các pháp có sự tồn tại cụ thể. Ngài Nguyệt Xứng, trong “Nhập Trung Quán Luận” đã chứng minh rằng mọi thứ không hề có sự tồn tại khách quan. Mặc dù Trường phái Trung Quán từ chối rằng các pháp có sự tồn tại cụ thể hoặc tồn tại cố hữu, nhưng bởi vì chúng ảnh hưởng đến chúng ta, do vậy, cho dù không được tìm thấy theo cách phân tích bảy lần, các pháp, như một cỗ xe, tồn tại theo cách định danh. Sắc tức là không, không tức là sắc, bởi vì mọi thứ tồn tại bằng cách của các mối quan hệ lẫn nhau. Chúng không tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện đối với chúng ta. Vì chúng phụ thuộc vào các yếu tố khác, cho nên chúng không hề có sự tồn tại cố hữu, thay vào đó chỉ là sự tồn tại một cách phụ thuộc.
Ngài đã giải thích rằng khi chúng ta thấy rằng phiền não là mạo hiểm và có thể bị loại bỏ, thì chúng ta có thể thấy rằng bản chất của tâm là vốn dĩ thanh tịnh và trong sáng. Ngài chỉ ra rằng đối với những người theo truyền thống Pali, dựa vào thẩm quyền kinh điển để hiểu được sự vô thường, đau khổ và vô ngã, thì truyền thống Nalanda phụ thuộc vào lý trí. Ngay phần mở đầu của “Trí tuệ cơ bản Trung Quán Luận”, Ngài Long Thọ đã kính lễ Đức Phật vì Ngài đã dạy về Lý Duyên Khởi. Và lúc kết thúc Ngài đã xưng tán Đức Phật một lần nữa vì đã dạy chúng ta thoát khỏi mọi quan điểm lệch lạc. Cả Ngài Phật Hộ và Nguyệt Xứng đều khảo sát dựa trên ý tưởng của sự tồn tại qua cách định danh.
Ngài Trần Na và Pháp Xứng đã sử dụng lý luận để chứng minh sự thật của giáo lý Đức Phật. Trong chương hai của ‘Luận Giải về Tỷ Lượng Học”, ngài Pháp Xứng đã sử dụng lý luận để chứng minh Đức Phật là một người có thẩm quyền đáng tin cậy. Việc sử dụng lý luận này đã làm cho Phật giáo khác biệt với nhiều truyền thống khác, nhưng Ngài nhận thấy rằng tất cả các truyền thống tôn giáo đều khen ngợi việc thực hành lòng nhân ái. Chẳng hạn, Kitô giáo dạy rằng, vì tất cả chúng ta đều là con của một vị thần, cho nên chúng ta đều là anh chị em của nhau. Tuy nhiên, Ngài nhận xét rằng, ngày nay, chúng ta thấy tôn giáo đã bị sử dụng như một cái cớ để mọi người giết hại lẫn nhau, thật là đáng buồn và không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, bởi vì họ đều đưa ra một thông điệp chung về tình yêu thương và lòng từ bi, cho nên điều quan trọng là các truyền thống tôn giáo khác nhau phải nên cùng sống hòa hợp với nhau.
Ngài tuyên bố rằng Ngài sẽ dừng lại tại đây hôm nay. Vì những cuốn sách có chứa các bản Kinh văn mà Ngài sẽ dạy bằng tiếng Tây Tạng, tiếng Hindi, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc đã được phân phát cho khán giả, nên Ngài khuyến khích các khán thính giả của mình nên đọc trước để chuẩn bị cho buổi học ngày mai. Ngài nói với họ rằng hôm nay Ngài đã giới thiệu khái quát về Phật giáo, nhưng khi nói đến sự thực hành, thì điều quan trọng là phải hiểu về bồ đề tâm được hỗ trợ bởi sự liễu ngộ tánh không và về những gì mà bản văn này đã giải thích.
Ngài cho rằng thái độ ái trọng tự thân, sự ích kỷ chỉ khiến cho chúng ta sợ hãi và không được vui vẻ. Chúng ta có nguy cơ xem cả thế giới là kẻ thù của mình. Khi quý vị có thể xem thế giới là bằng hữu của mình, thì quý vị có thể sống một cách thoải mái. Ngài kêu gọi các thính giả của mình hãy áp dụng phương pháp Tam Vô Lậu Học đối với kiến thức - Văn, Tư, Tu. Điều đó sẽ trang bị cho họ tiến trình vượt qua năm đạo lộ như Đức Quan Thế Âm đã mô tả trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh', Ngài nói, “Tadyata gaté gaté paragaté parasamgaté bodhi svaha” (Tiến qua, Tiến qua, Tiến vượt qua bờ kia, Tiến triệt để sang bờ kia, được an lập trong sự Giác ngộ”).
Ngài đã giải thích rõ về ý nghĩa của điều này:
Gaté gaté - tiến qua, tiến qua - chỉ ra những con đường tích lũy (tư lương đạo) và chuẩn bị (gia hành đạo); và kinh nghiệm ban đầu về bồ đề tâm và tánh không; paragaté - tiến vượt xa hơn qua bờ kia - chỉ ra con đường nhìn thấy (kiến đạo) - trí tuệ đầu tiên về tánh không và sự thành tựu của Bồ tát Sơ địa; parasamgaté - vượt qua triệt để - chỉ ra con đường thiền định (thiền đạo) và sự thành tựu của các Bồ tát Địa tiếp theo, trong khi bodhi svaha (vô học đạo) - được an lập trong sự giác ngộ - chỉ ra nền tảng của sự giác ngộ hoàn toàn.
Rời khỏi sân bãi giảng dạy để trở về Ön Ngari Dratshang, Ngài thông báo kế hoạch tiếp tục giảng dạy vào ngày mai.