Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Sáng nay, một Hội chúng với hơn 7600 người đang háo hức cung đợi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tsuglagkhang, ngôi Chùa Chính của Tây Tạng. Họ bao gồm những người từ đến từ 69 quốc gia; trong số họ - 429 người từ Ấn Độ, 254 đến từ Israel, 194 đến từ Hoa Kỳ, 147 đến từ Anh quốc, 137 đến từ nước Đức cũng như một nhóm chính gồm 1100 người đến từ Nga. Ngài đã dừng lại để nói chuyện với nhiều người khi Ngài quang lâm đến sân Chùa. Khi đến chùa, Ngài đã chào đón Ganden Trisur - Rizong Rinpoche - Ganden Tripa đương nhiệm và những Vị khác trước khi an toạ trên Pháp Toà.
Sau khi “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Nga đã được tụng xong, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói chuyện với hội chúng.
“Pháp Hội lần này chủ yếu là hướng đến những Phật tử đến từ Nga, bao gồm cả những người Phật tử đến từ Cộng hòa Liên bang Nga, Kalmykia, Buryatia và Tuva - những người có mối liên hệ lâu dài với Tây Tạng. Giữa chúng ta có một mối liên hệ đặc biệt gắn kết với nhau.
“Thời gian trước, chúng tôi thường tổ chức Pháp hội dành cho người Nga ở Delhi. Sau đó, một số người nói với tôi rằng họ không thể dễ dàng đến được, vì vậy chúng tôi đã sắp xếp các Pháp hội ở Riga, Latvia, để họ dễ dàng tiếp cận hơn. Nhưng việc du hành đến một nơi xa xôi như thế đã trở nên khó khăn đối với tôi, vì vậy chúng tôi nghĩ đến việc tổ chức Pháp hội ở Delhi một lần nữa. Tuy nhiên, thời tiết ở Delhi nóng bức và không khí bị ô nhiễm nên chúng tôi tổ chức ở Dharamsala này một lần nữa, tôi hy vọng quý vị sẽ tận hưởng không khí trong lành và thời tiết dễ chịu ở đây.
“Một trong những kinh điển ghi chép lại lời Đức Phật dự đoán rằng Giáo lý của Ngài sẽ được truyền từ phương Bắc đến phương Bắc. Trước hết, nó lan toả từ Ấn Độ đến Tây Tạng và từ đó đến Mông Cổ và Cộng hòa Phật giáo Nga. Từ rất sớm, Phật giáo đã được giới thiệu đến Tây Tạng từ Trung Quốc khi vua Songtsen Gampo kết hôn với một công chúa Trung Quốc - người đã mang bức tượng Jowo theo cùng. Sau đó, vua Trisong Detsen đã mời Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - người đã mang Truyền thống Nalanda từ Ấn Độ đến Tây Tạng.
“Hai dòng truyền thừa chính của Phật giáo xuất hiện ở Ấn Độ, truyền thống Pali và truyền thống tiếng Phạn. Cả hai đều có sự thực hành kỷ luật thiền môn của tu sĩ, Giới luật của Luật tạng, nói chung. Truyền thống Nalanda được phát triển trong truyền thống tiếng Phạn, nhấn mạnh việc nghiên cứu triết học và kỷ luật của tâm thức trên cơ sở lý luận và logic. Những cảm xúc tiêu cực được giải quyết dựa trên cơ sở của lý luận, đặc biệt là sự hiểu biết về trí tuệ liễu ngộ tánh Vô ngã - Nhân vô ngã và Pháp vô ngã.”
“Cuối cùng, Trường phái Trung Đạo (Madhyamaka) đã khẳng định rằng, các pháp hiện tượng chỉ tồn tại qua sự định danh. Điều này và sự khẳng định rằng mọi pháp không tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện - có thể so sánh với sự quan sát vật lý lượng tử rằng - chẳng có gì có sự tồn tại khách quan cả.”
Ngài nhắc lại rằng Truyền thống Nalanda đã được truyền đạt đầu tiên đến Tây Tạng, sau đó đến Mông Cổ và Cộng hòa Phật giáo Nga. Trong lịch sử, các khu vực này đã sản sinh ra hàng ngàn bậc học giả vĩ đại.
Khi tôi đang chuẩn bị cho kỳ thi Geshé (tiến sĩ Phật học) của mình, tôi đã đọc rất nhiều sách của những bậc học giả như vậy. Một trong những vị trợ lý tranh luận của tôi - một học giả đến từ Nội Mông tên là Ngodup Tsognyi - thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi về sự quan tâm đến quan điểm Trung đạo. Ngày nay chúng tôi có hàng trăm người Mông Cổ đang học tập tại các tu viện lớn ở phía nam Ấn Độ.
Truyền thống Nalanda sử dụng rộng rãi về phương pháp logic theo lời khuyên của Đức Phật:
"Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!"
Các bậc thầy Nalanda đã kiểm tra những lời dạy của Đức Phật bằng cách xem xét nghiên cứu tỉ mỉ một cách logic để xác minh chúng. Chỉ khi nào họ hài lòng bởi lý trí và thử nghiệm thì họ mới chấp nhận chúng. Đức Phật là Vị Thầy tôn giáo duy nhất đã khuyến khích những môn đệ của Ngài phải hoài nghi theo cách này. Và chính sự hoài nghi này là điều đã làm cho Truyền thống Nalanda có sức hấp dẫn đối với các nhà khoa học.
Ngày nay, ở nhiều nơi trên thế giới, khi việc trao đổi thông tin trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, thì ngày càng có nhiều người quan tâm đến Phật giáo - người Nga Châu Âu cũng như người Nga theo truyền thống Phật giáo. Ngoài ra còn có các nhà khoa học Nga cũng quan tâm đến việc nghiên cứu về tâm thức.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lặp lại lời khuyên mà Ngài thường đưa ra rằng, các đệ tử ngày nay của Đức Phật nên cố gắng để trở thành Phật tử của thế kỷ 21. Ngài nói rõ rằng, chỉ quy y Tam Bảo thôi mà không hiểu biết gì về Tam bảo là chưa đủ. Phật giáo có quan điểm triết học độc đáo, nhưng bên cạnh đó cũng còn dạy về tầm quan trọng của ahimsa hoặc “bất bạo động” như một quy tắc ứng xử. Nếu ahimsa, được thúc đẩy bởi karuna hay “lòng từ bi” - là một phần của cuộc sống chúng ta thì trên thế giới sẽ có ít xung đột hơn; và chúng ta có thể giải quyết tốt hơn về các vấn đề như khoảng cách giữa giàu và nghèo.
Ngài nói rằng các tác phẩm kinh điển của các bậc thầy vĩ đại Nalanda và các Luận giải về các tác phẩm này do các học giả Tây Tạng và Mông Cổ trước tác - chứa đựng những trí tuệ và kiến thức sâu sắc; có thể được nghiên cứu ột cách khách quan theo phương pháp học thuật.
“Cuốn sách mà tôi sắp sửa hướng dẫn qua với quý vị ở đây là “Bản thể Bất biến” hay Uttaratantra, nhưng nó có thể là quá dài so với thời gian mà chúng ta hiện có. Nó đề cập đến Kinh “Như Lai Tạng” hay “Kinh Phật Tánh”, là một phần của Giáo lý trong lần chuyển Pháp Luân thứ ba của Đức Phật. Kỳ chuyển Pháp luân thứ hai có liên quan đến giáo lý Bát nhã Ba La Mật; và trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên Đức Phật đã trình bày về giáo lý Tứ diệu đế.
“Ngài Gungtang Tenpai Drönmé đã nhận xét rằng, ba lần chuyển Bánh Xe Pháp của Đức Phật cũng giống như leo lên một ngọn núi, bắt đầu từ nền tảng cơ bản và tiếp tục lên đến đỉnh. Giáo lý “Bát nhã Ba La Mật” trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai đã bàn luận về Tánh Không hay đối tượng của “ánh quang minh”, nhưng trong kỳ Chuyển Pháp Luân thứ ba - đặc biệt là Kinh “Như Lai Tạng” đã nhấn mạnh về Tâm thức chủ quan của ánh quang minh. Chúng ta cần phải học cách phát triển theo tiến trình Đạo lộ của ba kỳ Chuyển Pháp Luân này.
Ngay sau khi giác ngộ, Đức Phật được cho là đã bày tỏ suy nghĩ của mình như sau: Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra Thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha - Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được, Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
Chúng ta có thể hiểu những vần kệ này như dự đoán về những lời dạy mà cuối cùng Ngài sẽ ban truyền. Câu “Thâm thuý và an lành” đề cập đến lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên của Đức Phật; “Vô tự tính” có thể được xem như ám chỉ nội dung Giáo lý mà Ngài đã giảng dạy trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai; “sáng rỡ, chẳng tạp pha” đề cập đến Giáo lý được giải thích trong lần Chuyển Pháp Luân thứ ba. Kinh “Như Lai Tạng” giải thích về cách mà ánh quang minh “sáng rỡ, chẳng tạp pha” đã tồn tại từ thời vô thỉ; và nó luôn luôn hiện hữu ở đó. Điều này cũng được đề cập đến trong Mật tông “Bí Mật Tập Hội” (Guhyasamaja) và bốn trạng thái tánh Không, cũng như trong một luận giải về Kinh “Đại Bát Niết Bàn” do Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy trước tác. Ánh Quang Minh này là chủ đề chính của “Bảo Tánh Luận” hay “Tối thượng Tục” và bảy điểm kim cương với sự nhấn mạnh vào tâm thức tự phát sinh của ánh quang minh.
Điều này có thể so sánh với những gì mà quý vị tìm thấy trong Cửu Thừa của truyền thống Nyingma, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa, ba Ngoại Mật (Mật tông bên ngoài) - Kriya, Charya và Yoga Mật tông và ba Nội Mật (Mật tông bên trong) - Maha, Anu and Ati Yogas. Đại Du già (Mahayoga) tương ứng với giai đoạn phát khởi; Vô thượng Du già (Anuyoga) liên quan đến giai đoạn hoàn thiện, trong khi Đại Thành Tựu Du già (Atiyoga) mang bản chất trong sáng thuần tịnh nguyên sơ của tâm thức vào trong Đạo lộ, như được mô tả trong Bí Mật Tập Hội.
Hôm nay Ngài đã dừng lại ở đây và trở về Dinh thự của mình. Yangden Rinpoche sẽ giảng tiếp cho phần còn lại trong buổi sáng, và buổi chiều Rinpoche sẽ đảm trách phần ôn lại những gì mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảng.