Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Sáng nay, khi quang lâm đến Tsuglagkhang - Chùa Chính của Tây Tạng, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chào đón các Vị Lạt ma và những vị khách ngồi quanh Pháp Toà. Trước khi an toạ trên Pháp Toà, Ngài đã đi đến mép bục, từ đó Ngài mỉm cười và vẫy tay chào khán giả. Buổi thuyết giảng bắt đầu với thời tụng niệm của Chư Tăng Thái Lan về kinh ‘Hạnh Phúc’ bằng tiếng Pali và tiếp tục sau đó là Chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Việt.
Ngài đã nhanh chóng cất giọng ngâm nga bài Kệ “Xưng tán Trí Tuệ Bát Nhã Ba La Mật”:
Xin kính lễ Trí tuệ Ba La Mật,
Mẹ của tất cả chư Phật trong ba đời,
Vượt lên trên ngôn từ, không thể nghĩ bàn, không thể diễn tả,
Không bị tạo ra và không bị cản trở, trong bản thể của hư không,
Miền đối tượng của trí tuệ tự chứng.
Tatyatha - gateh, gateh, paragateh, parasamgateh, bodhi svaha
tiếp theo là những bài kệ kính lễ Đức Phật từ “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” của Đức Di Lặc và ‘Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận’ của Ngài Long Thọ.
Ngài nhắc lại: “Hôm qua, tôi đã giới thiệu khái quát với quý vị. Hôm nay, chúng ta sẽ đọc qua ‘Bồ Đề Tâm Luận’. Thay vì nghĩ rằng đây là một Pháp hội trang trọng, thì tôi chỉ thích nghĩ rằng tôi đang phụ trách một lớp học với quý vị. Chúng ta sẽ đọc bản Kinh văn, và sau đó có cơ hội để quý vị đặt câu hỏi.
Đoạn đầu tiên trong ba đoạn giới thiệu của bản Kinh văn là một bài Kệ từ Bí Mật Tập Hội. Đây là điều mà Đức Long Thọ đã nghiên cứu, thực hành và trước tác về nó. Ngài đã giải thích về giai đoạn phát khởi và trong ‘Năm Giai Đoạn’ được nghiên cứu tỉ mỉ về giai đoạn hoàn thiện. Đệ tử của Ngài là Long Trí đã sáng tác ‘Các giai đoạn trình hiện’, liên quan đến sự chuyển hoá của ba trạng thái - sinh, tử và tái sinh - thành ba thân của một vị Phật. Các đệ tử của Ngài Long Thọ như Thánh Thiên và Nguyệt Xứng cũng đã viết luận giải về Bí Mật Tập Hội, đó là những nguồn quan trọng của trí tuệ.
Liên quan đến ‘Bồ Đề Tâm Luận’ này, tôi đã được thọ nhận sự khẩu truyền từ Vị Cựu Pháp Chủ của Ganden Tripa - Rizong Rinpoche - người đang an toạ ở đây với tôi. Bản văn bắt đầu với tiêu đề tiếng Phạn là Bodhichittavivarana. Vì vua Songtsen Gampo đã ủy thác việc tạo ra chữ viết bằng tiếng Tây Tạng, cho nên Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã mạnh mẽ khuyên vua Trisong Detsen cho dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng. Một bộ phận dành riêng cho vấn đề dịch thuật đã được thành lập tại Tu viện Samye. Tiêu đề gốc được đặt bằng tiếng Phạn, hoặc trong một vài trường hợp đặt bằng tiếng Hoa, đã thể hiện tính xác thực của nguồn bản gốc.
Kể từ khi chúng tôi sống lưu vong, người Tây Tạng chúng tôi đã liên lạc rộng rãi hơn với phần còn lại của thế giới so với trước đây. Nhiều luận giải mà chúng tôi đã dịch sang tiếng Tây Tạng bây giờ đã được dịch sang một loạt các ngôn ngữ khác. Những gì mà chúng tôi đã bảo tồn trong những cuốn sách này có thể có giá trị cho toàn thế giới.
Chúng tôi cũng thực hành về Tam Vô Lậu Học - Giới, Định, Tuệ - như Chư Tăng Thái Lan này. Chúng tôi cũng duy trì Truyền thống Nalanda với trọng tâm là sử dụng logic và lý luận. Ở Tây Tạng, chúng tôi có những giai đoạn truyền bá giáo lý thời kỳ trước (cổ) và sau (cận đại). Jé Tsongkhapa đã nghiên cứu các truyền thống thịnh hành và thành lập truyền thống Riwo Gandenpa hay Gelugpa. Theo thời gian, sự nghiên cứu các bản văn cổ điển trong bối cảnh logic và lý luận có thể được tìm thấy trên khắp Tây Tạng. Chúng tôi tiếp tục giữ gìn toàn bộ giáo lý của Đức Phật được sống còn, bao gồm cả Mật điển.
Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã quan sát và nói rằng:
Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra,
Thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
“Bồ Đề Tâm” được đề cập trong tiêu đề của luận giải này không chỉ đề cập đến bồ đề tâm thông thường. Nó cũng ngụ ý cho quang minh tâm. Điều này có mức độ tinh tế và ở mức tinh tế nhất của nó đề cập đến tâm thức bẩm sinh, tự phát của ánh quang minh. Đây, không phải là trạng thái tâm thức thô thiển thông thường của chúng ta, mà là trạng thái tâm giác ngộ hoàn toàn của một vị Phật.
Tâm quang minh tối thượng sẽ được tan hoà vào tánh không, nó đóng vai trò là sự đối trị cho những phiền não cuối cùng - chính là bồ đề tâm được đề cập ở đây.
Có những giáo lý mà Đức Phật đã dạy trong hình tướng của một Tu sĩ; và những loại giáo lý khác mà Ngài đã hiện ra dưới hình thức một vị thần Mật tông, khiến cho các trạng thái tâm thức và năng lượng thô thiển bị dừng lại, và quang minh tâm bẩm sinh được hiện thực hóa.
Ngài đề cập rằng, quang minh tâm sẽ xuất hiện đối với những người bình thường vào lúc chết, nhưng, vì không có ký ức lần theo linh kiến của hắc cận đạt, cho nên nó không có vai trò như một đạo lộ tu tập. Mặt khác, các hành giả có kinh nghiệm có thể hiển thị nó trong kinh mạch trung tâm ở luân xa tim. Thông qua sức mạnh của thiền định, tại thời điểm giải thể các yếu tố trong quá trình chết, các hành giả có thể dừng lại 80 tư tưởng và biểu lộ quang minh tâm. Do ảnh hưởng của sự thực hành trong cuộc sống của họ, họ có thể duy trì trí nhớ và sự tỉnh giác; và hiện thực hóa quang minh tâm.
Những hành giả như vậy cũng có thể hiện thực hóa quang minh tâm trong suốt quá trình ngủ và sử dụng nó để thiền định về tánh không. Thiền định về quá trình hòa tan và biểu lộ tâm thức tinh vi của ánh quang minh có thể đóng vai trò là sự đối trị cho những chướng ngại tâm linh vi tế nhất. Một tâm thức vi tế như vậy được dạy trong Mật tông. Nó phát khởi như một ý thức liễu ngộ tánh không và đoạn trừ những phiền não vi tế nhất.
Các trường phái không theo đạo Phật đã khẳng định về một bản ngã duy nhất và độc lập, sự khẳng định đó không có cơ sở. Các trường phái Phật giáo thì cho rằng sự kết hợp giữa thân và tâm là cơ sở để chỉ định về một con người. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa cơ thể và tâm thức không tồn tại theo cách mà nó xuất hiện; và bao lâu vẫn còn có sự bám víu vào nó thì sẽ không thể nhận thức được đầy đủ về tánh không.
Ngài giải thích rõ rằng, chủ đề của bản văn này là tâm quang minh tối thượng và sự tham gia của nó với tánh không, đó là một hướng dẫn phổ biến cho Kinh điển và Mật điển. Một tâm thức không phiền não, không có cảm xúc phiền não, là một trạng thái đặc biệt của tâm thức. Thanh Văn Thừa và Duyên Giác Thừa đã không thể đoạn trừ được những phiền não vi tế của sở tri chướng. Để làm được điều đó quý vị cần tu luyện Bồ đề Tâm kết hợp với quang minh tâm. Như tôi đã nói hôm qua, quan điểm về tánh không và trân trọng người khác hơn chính bản thân mình sẽ mang lại sự bình yên và chuyển hoá tâm thức ngang bướng. Bản văn này nói lên rằng quý vị nên phục vụ cho tha nhân.
Khi quý vị sử dụng quang minh tâm để thiền định về tánh không, quý vị có thể chấp nhận quan điểm của trường phái Duy Thức, nhưng khi tâm thức trở nên tinh vi hơn và thiền giả đạt đến sự tịch tịnh của tâm thức, thì người theo trường phái Duy Thức sẽ chuyển hoá sang trường phái Trung Quán. Như Ngài Long Thọ đã viết trong “Trí Tuệ Căn Bản Luận”:
Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp nhân duyên,
Thì chính nó cũng là Trung đạo.
Vì chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên,
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ám chỉ đến lời tuyên bố của Đức Quán Thế Âm trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ về 4 lĩnh vực của tánh không - “Sắc tức là không - không tức là sắc; sắc chẳng khác không - không chẳng khác sắc” áp dụng cho sự kết hợp giữa thân và tâm.
Điều này khiến Ngài nhớ đến một câu chuyện về Jé Tsongkhapa. Trong thời gian ở tu viện Kyormolung, nơi mà Ngài tập trung vào nghiên cứu về Giới luật (Vinaya), Tsongkhapa đã tham gia vào cộng đồng tu viện trong các buổi cầu nguyện của họ. Thông thường, trong các buổi này, khi hội chúng tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh, Ngài sẽ nhập sâu vào thiền định và duy trì sự tập trung nhất tâm. Đôi lúc Ngài thực hành vô cùng miên mật đến nỗi Ngài bị bỏ lại một mình trong hội trường sau khi phần còn lại của hội chúng đã hoàn tất những lời cầu nguyện của họ và đã rời đi. Trụ cột đặc biệt gần nơi Đức Tsongkhapa toạ thiền được gọi một cách cung kính là "trụ cột của thiền định”.
Ngài nhận xét: “Khi quý vị trực tiếp nhận ra được tánh không là quý vị đã được bước vào kiến đạo. Sau đó, quý vị tiến vào Bồ Tát Địa. Ở Địa thứ Bảy, quý vị sẽ được xa rời mọi cảm xúc phiền não.
Đọc những bài Kệ trong bản Kinh văn, Ngài chỉ ra rằng, từ bài Kệ 22, lập luận được đưa ra để phản bác lại quan điểm của trường phái Duy Thức. Từ câu 55, trình bày về quan điểm của Trung Quán. Ngài lưu ý rằng, “tánh không” không phải là một quan điểm về hư vô, bởi vì tất cả các pháp đều duyên vào nhau mà sinh khởi. Ngài đã tạm ngưng bài giảng hôm nay ở bài Kệ số 59.
Khi trả lời một số câu hỏi mà các cá nhân đặt ra cho Ngài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích rõ rằng, bốn lĩnh vực tánh không được đề cập trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ có nghĩa là tánh không là một thuộc tính của một thứ gì đó; phải có một cái gì đó là nền tảng của nó. Ngài nói thêm rằng “sắc” và “không” có cùng bản chất, nhưng khác biệt nhau về mặt khái niệm.
Ngài nói rõ hơn rằng, khi chúng ta nói rằng một cái gì đó có thể được tìm thấy, thì chúng ta không nói rằng nó không tồn tại. Ngài đã trích dẫn sự tương tự của Dromtön-pa, rằng lửa và bàn tay không có sự tồn tại cố hữu, nhưng nếu bạn đặt tay mình vào ngọn lửa thì nó sẽ bị bỏng. Theo sự phân tích, quý vị không thể tìm thấy ngọn lửa hoặc bàn tay thực sự tồn tại, nhưng cả hai đều có một sự tồn tại thông thường.
Khi được hỏi về việc trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm trong cuộc sống hàng ngày, Ngài nói rằng, khi bạn hiểu rằng có một phương tiện để vượt qua đau khổ, thì bạn có thể khởi lên một mong muốn giúp đỡ người khác vượt qua nỗi đau khổ của họ. Bồ Đề Tâm bắt nguồn từ ý nghĩa của tình yêu thương và lòng từ bi mà chúng ta thấy được thể hiện bởi tất cả các truyền thống tôn giáo, nhưng đặc biệt liên quan đến một khát vọng đạt được sự giác ngộ để có khả năng giúp đỡ người khác một cách tốt nhất.
Ngày mai Ngài sẽ tiếp tục đọc về ‘Bồ Đề Tâm Luận’.