Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Sau khi “Bát Nhã Tâm Kinh” được hàng trăm người Phật tử Nga ngồi phía bên trong và vòng quanh Chánh Điện Chùa Chính Tây Tạng cùng nhau tụng bằng tiếng Nga; Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mở bản copy của tác phẩm “Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ” của Đức Tsongkapa. Ngài giải thích rằng nó được trước tác sau khi Đức Tsongkhapa đã viết các chuyên luận Đại Lam Rim, Trung Lam Rim và Lam Rim Yếu Lược. Ngài đã viết tác phẩm này để đáp lại sự thỉnh cầu của Tsako Wönpo Ngawang Drakpa - một đệ tử thân cận và là vị lãnh đạo của người dân Gyalmorong ở miền Đông Tây Tạng.
Trong một ghi chú kèm theo, Đức Tsongkhapa thúc giục Ngawang Drakpa hãy thực hành tốt giáo lý mà Ngài đang gửi cho ông. Ngài bảo đảm với ông ta rằng ông ta nên làm như vậy, khi Ngài - Tsongkhapa - biểu lộ sự giác ngộ là một trong 1000 vị Phật của thời kiếp may mắn này, Ngài sẽ chia sẻ Cam lồ của Giáo lý của Ngài cho người đầu tiên là ông ta.
“Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ” mà tập thơ ngắn này đề cập đến là sự quyết tâm để đạt được giải thoát (tâm yểm ly), Bồ đề tâm và Trí tuệ Tánh Không.
Ngài nói: “Tất cả chúng sinh đều mong muốn hạnh phúc, và tìm cách tránh khỏi khổ đau và nghịch cảnh. Bạn có thể nhìn thấy điều này một cách dễ dàng nếu bạn chặn đường của một con côn trùng, nó sẽ tránh xa và tìm một con đường khác. Các nhà thực hành tâm linh ở Ấn Độ cổ đại đã khẳng định rằng những cảm xúc phiền não là nguồn gốc của nhiều vấn đề rắc rối của chúng ta. Thuật ngữ tiếng Phạn là ‘klesha’, được viết bằng tiếng Tây Tạng là ‘nyön-mong’, dùng để chỉ các trạng thái tâm trí làm xáo trộn sự bình yên trong tâm hồn của chúng ta, khiến cho chúng ta không vui vẻ vào thời điểm mà chúng phát sinh.
Trong Ấn Độ cổ đại, các hành giả không phải là Phật tử đã xem những cảm xúc phiền não của cõi dục vọng là lỗi lầm và bất lợi. Họ đã thực hành tất cả các loại khổ hạnh để vượt qua chúng như nhịn ăn và ở trần truồng không mặc quần áo. Họ quay lưng tránh xa với cõi dục vọng và tập trung tu luyện bốn thiền định miên mật, dẫn đến việc theo đuổi bốn loại thiền định của cõi vô sắc - Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tôi đã nhiều lần hy vọng có cơ hội nói chuyện với những hành giả như vậy khi họ hạ sơn từ sự độc cư trên núi của họ với Kumbha Melas. Sống trong điều kiện lạnh lẽo như vậy, họ đã hoàn thành một cách rõ ràng việc thực hành pháp môn “Nội Hoả”, mà chúng ta được biết từ Sáu Pháp của Ngài Naropa. Tôi muốn học hỏi từ kinh nghiệm của họ, nhưng cơ hội này chưa xảy đến.
Trong “Trí Tuệ Căn Bản Trung Quán Luận Giải” Ngài Long Thọ đã làm rõ bản chất sai lầm của những cảm xúc phiền não:
"Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không".
Tham, sân, si phát sinh từ các khái niệm bắt nguồn từ việc nhìn thấy những gì đẹp đẽ hay xấu xí như là một sự tồn tại cố hữu, đó là một cái nhìn phóng đại. Ngài Thánh Thiên - một đệ tử thân cận của Ngài Long Thọ đã làm rõ điểm này:
"Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể;
Vô minh ngự trị trong mọi cảm xúc não phiền;
Khéo chế ngự não phiền này, bạn sẽ
Khắc phục vô minh, định tĩnh bình yên".
"Khi Duyên Khởi được nhận ra
Thì vô minh không xảy đến
Mọi nỗ lực được thực hiện
Để giải thích kỹ Lý Duyên Sinh".
Các bậc Luận Sư này đã không dựa vào sự trích dẫn kinh điển mà họ đã sử dụng sự phân tích lý luận để đưa ra quan điểm của chính mình.
Trọng tâm chính của ‘Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ’ là quan điểm về Tánh Không. Để phát triển điều đó, chúng ta cần một phương pháp để vượt qua các “Sở Tri Chướng” (những chướng ngại do sự nhận thức gây ra); và phương pháp đó chính là “Bồ đề Tâm”. Đồng thời chúng ta phải hiểu được cách mà những cảm xúc phiền não mang lại rắc rối cho chúng ta; và những “sở tri chướng” có thể được loại bỏ. Một khi chúng ta nhận ra rằng những cảm xúc phiền não có thể được chế ngự, chúng ta có thể đánh giá cao rằng “sở tri chướng” cũng có thể được khắc phục; và việc “liễu ngộ tánh Không” là điều có thể đạt được. Việc thực hành Bồ đề Tâm - khát vọng vị tha để đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh - sẽ trợ duyên cho việc “liễu ngộ tánh Không”. Quyết tâm để được sự giải thoát (tâm yểm ly) là điều kiện ban đầu đối với pháp hành đó.
Ngài đã đề cập rằng, Ngài đã thọ sự luận giải về bản Kinh văn này từ các Vị Thầy Chính của mình - Tagdag Rinpoche, Yongzin Ling Rinpoche và Yongzin Trijang Rinpoche. Ngài nhận xét rằng, trong sự thực hành của chính mình, Ngài đã đọc và suy ngẫm về ‘Ba Cốt tuỷ của Đạo lộ’ chứ không phải là bài ‘Chứng Đạo Ca’ dài hơn. Khi Ngài thiền định hàng ngày phản chiếu về toàn bộ đạo lộ - Ngài đã sử dụng ‘Căn Bản mọi Thiện Đức’; và để thực hành Bồ đề Tâm - Ngài đã đọc ‘Tám Bài Kệ luyện Tâm’. Ngài nhắc lại rằng, để làm cơ sở cho những suy tư của mình về quan điểm tánh Không - Ngài sử dụng ‘Ba Cốt tuỷ của Đạo lộ’.
Đọc qua bản Kinh văn, Ngài đã lưu ý đến tiêu đề, sự kính lễ dành cho các bậc Đạo Sư, và sự cam kết sáng tác (bài kệ 1). Ngài Tsongkhapa thúc giục sự chú ý của thính giả và độc giả (bài kệ 2). Vì không có cách nào để vẫn thu hút những thú vui của thế gian mà không có một quyết tâm thuần túy để được giải thoát, Ngài hỏi làm thế nào để đạt được điều đó (bài kệ 3). Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra sự cần thiết phải hiểu được rằng, đau khổ lan tràn bao trùm khắp cả, để đạt được điều đó cần phải đánh giá cao về “khổ khổ” và “hoại khổ”.
Đạt được thân người với đầy đủ các căn viên mãn và thuận duyên là điều vô cùng khó. Do đó, chúng ta cần phải tránh xa sự luyến ái đối với những điều hấp dẫn của đời này và đời sau (bài kệ 5). Bài kệ tiếp theo kích vào phương pháp phát triển ý chí quyết tâm đạt được sự giải thoát (tâm yểm ly); và bài kệ sau đó cho thấy, chỉ điều này thôi là chưa đủ - và chư Bồ tát đã phát khởi Bồ Đề Tâm tối thượng. Chúng ta cần Bồ đề tâm để đạt đến Phật quả (bài kệ 6). Quá trình phát triển Bồ Đề Tâm được mô tả trong hai bài kệ sau đây:
"Bị cuốn phăng bởi dòng chảy của bốn con sông hùng hổ,
Bị trói chặt hoàn toàn bởi bóng tối vô minh;
Bị tra tấn không ngừng bởi ba loại khổ đau;
Tất cả chúng sinh mẹ đang lâm tình trạng đó;
Hãy nghĩ đến họ và phát khởi tâm vô thượng Bồ đề!" (Bài kệ 7 & 8)
“Dù kiên quyết để đạt được tâm yểm ly và Bồ đề Tâm
Nhưng thiếu trí tuệ liễu ngộ được tánh Không
Bạn không thể cắt đứt gốc rễ của luân hồi sinh tử.
Thế nên hãy tinh cần để hiểu lý Duyên Sinh!”
Thật thú vị khi Ngài Tsongkhapa không đề cập đến “vô ngã” ở đây, mặc dù nó là chung cho tất cả bốn trường phái tư tưởng Phật giáo. Thay vào đó, Ngài đã trình bày hệ thống đó của Ngài Long Thọ - người đã xưng tán Đức Phật vì đã dạy về lý Duyên Sinh - mà Ngài Long Thọ và các đệ tử của Ngài là những người rất thành thạo trong lĩnh vực khám phá. Vào phần cuối của tác phẩm “Trí tuệ căn bản” của mình, Ngài Long Thọ đã viết:
"Xin kính lễ Đức Phật Gautama
Một Bậc đã có Tâm Từ Bi
Mà thuyết giảng Pháp mầu trân quý,
Giúp từ bỏ mọi cách nhìn ấu trĩ".
"Các pháp trình hiện là Duyên sinh không nhầm lẫn
Tánh Không thoát khỏi mọi giới hạn “chắc thật là”;
Khi nào vẫn thấy cả hai còn tách biệt
Bạn chưa hiểu ra thâm ý của Phật Đà"
Khi cả hai sự nhận thức cùng xảy ra một lúc
Từ chỉ cái nhìn lý Duyên sinh chân thật
Trí tuệ chắc chắn sẽ được phát sinh
Đoạn trừ hoàn toàn vọng tâm chấp thủ
Thành tựu chánh kiến phân tích uyên thâm”. (bài kệ 11 & 12)
Khi sự phân tích này được hoàn thiện, sự hiểu biết về Duyên khởi sẽ làm phát sinh sự liễu ngộ về tánh Không; và ngược lại sự liễu ngộ tánh Không sẽ sinh khởi trí tuệ hiểu biết lý Duyên khởi.
Điều này không phải nói lên rằng “trí tuệ liễu ngộ tánh Không” và “tâm hiểu biết lý Duyên Khởi” là đồng nghĩa với nhau, mà là chúng bổ sung cho nhau.
Ngài nhấn mạnh: “Khi tôi nhìn vào quý vị, thì vài điều gì đó xuất hiện đối với tôi. Tôi thấy thân thể của quý vị; tôi có thể nghe lời phát biểu của quý vị. Quý vị xuất hiện như một thứ gì đó tồn tại trong dạng vật chất hữu hình cụ thể, rắn chắc từ phía quý vị, nhưng thật ra, quý vị không thực sự tồn tại theo cách đó. Tương tự như vậy, khi quý vị nhìn thấy tôi và lắng nghe tôi, quý vị có thể suy ra điều gì đó trong suy nghĩ của tôi từ những gì tôi nói; nhưng cơ thể, lời nói và suy nghĩ của tôi không phải là tôi, hơn thế nữa - thân, khẩu, ý của quý vị không phải là quý vị. Các pháp có thể có một sự xuất hiện bề ngoài dưới dạng hữu hình cụ thể rắn chắc, nhưng chúng không tồn tại theo cách đó.
Tuy nhiên, Luận Sư Nguyệt Xứng đã quan sát thấy rằng các pháp chẳng có gì tồn tại độc lập từ phía nó, nhưng nó tồn tại ở mức độ thông thường. Ngài trích dẫn sự tương tự của một cỗ xe - không thể tìm thấy được khi phân tích theo bảy cách, nhưng nó vẫn tồn tại theo cách quy ước của thế gian.
Khi bạn hiểu được lý Duyên khởi, bạn sẽ có được trí tuệ về Tánh Không. Bạn cũng có thể hiểu rằng bất cứ điều gì thuộc tánh Không thì cũng chính là Duyên Khởi. Hai điều này bổ sung cho nhau.
Bài Kệ cuối cùng kết luận rằng, khi bạn nhận ra chìa khóa của “Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ” này, dựa vào sự độc cư và nỗ lực mạnh mẽ; và sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu cuối cùng của mình (bài kệ 14). Lời chú thích cuối sách đã ghi rằng: “Lời khuyên này được Vị Tỳ Kheo học rộng uyên bác Lobsang Drakpa ban cho Tsako Wönpo Ngawang Drakpa".
Sau khi hoàn tất buổi thuyết giảng hôm nay, Ngài đã dừng lại tại đây. Ngài thông báo rằng, ngày mai Ngài sẽ tiến hành Nghi lễ Phát Bồ Đề Tâm. Ngài chào hỏi bạn bè và những người thiện nguyện đang xếp hàng dọc theo hành lang khi Ngài rời khỏi Chùa; và lại có vài lời chào hỏi dành cho những người tập trung ở dưới cầu thang của ngôi Chùa trước khi Ngài lên xe để trở về Dinh thự của mình.