Manali, Himachal Pradesh, Ấn Độ - Sau hai ngày ngập lụt, mưa tiếp tục rơi khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến sân giảng dạy sáng nay. Ngài vẫy tay chào khán giả, chào những người ngồi quanh Pháp toà và an toạ. Ngài khuyên các Vị Tăng ngồi ở hàng ghế đầu nên quấn khăn lại để bảo vệ tránh cái lạnh rét buốt.
Ngài mở một bản sao của cuốn sách có chứa các bản Kinh văn mà Ngài đang dạy bằng tiếng Tây Tạng, tiếng Hindi, tiếng Anh và tiếng Hoa, Ngài thông báo: Hôm nay chúng ta sẽ học về ‘Tám bài Kệ luyện Tâm’. Geshé Langri Thangpa được nổi tiếng với việc thực hành Bồ đề tâm. Suy nghĩ về sự đau khổ của chúng sinh, Ngài rất xúc động, và Ngài đã khóc. Khuôn mặt của Ngài mang một biểu cảm buồn bã vô tận.
Tôi đã được thọ bộ luận giải về bản Kinh văn này từ một số Vị Thầy của mình, bao gồm Kyabjé Trijang Rinpoche, và tôi đã đọc thuộc lòng nó hàng ngày kể từ khi tôi còn là một cậu bé.
Hãy tự hỏi chính mình về từ ‘Tôi’ trong câu thơ đầu tiên có nghĩa là gì. Chúng ta có những cảm giác và thức giác giống như những phương tiện cho cái “Tôi”, đó là người sử dụng của chúng và là kẻ điều khiển cơ thể, v.v. Những người không theo đạo Phật thì khẳng định rằng ‘Tôi’ là một cái gì đó tách biệt với sự kết hợp giữa thân và tâm, nhưng những người theo đạo Phật thì nói rằng nó có thể tồn tại ngoài điều đó. Một số người khẳng định rằng ‘Tôi’ hay ‘con người’ có thể được xác định bằng ý thức tinh thần. Trường phái duy Tâm - chẳng hạn - đề cập đến ý thức nền tảng theo cách này.
Tuy nhiên, Trường phái Trung quán thì tuyên bố rằng ‘Tôi’ hay ‘con người’ chỉ được định danh dựa trên sự kết hợp giữa cơ thể và tâm thức, giống như những thứ khác trên thế giới được định danh bởi các dự đoán và định kiến của chúng ta. Mục đích của giáo lý này là để đối trị lại quan niệm sai lầm của chúng ta về một cái ‘Ngã’ độc lập. Các học giả Trung Quán nói rằng không có sự tồn tại thông thường, họ nói rằng mọi thứ không hề có sự tồn tại khách quan.
Như tôi đã đề cập hôm qua, Đức Phật không phải là sự kết hợp giữa thân và tâm, cũng không khác gì với sự kết hợp đó. Sự kết hợp giữa thể xác và tinh thần không nằm bên trong Ngài, Ngài cũng không phải ở bên trong sự kết hợp giữa thể xác và tinh thần. Đức Phật không sở hữu sự kết hợp giữa thân và tâm, mà Đức Phật còn là gì khác nữa? Ngay cả Đức Phật cũng không có sự tồn tại khách quan, mà chỉ tồn tại trên danh nghĩa, như một quy ước.
Chúng ta thường làm cho mình không vui, bởi vì ý thức về một cái ‘ngã’ độc lập đã khiến cho chúng ta trở nên ích kỷ, trên cơ sở đó chúng ta thể hiện tất cả các loại cảm xúc. Kinh nghiệm hàng ngày cho chúng ta biết rằng những người ích kỷ có xu hướng dễ bị buồn bã hơn, trong khi những người từ bi và quan tâm một cách tự nhiên về những người khác thì luôn cởi mở rộng rãi và thoải mái hơn.
Vì chúng ta không muốn đau khổ và chúng ta khát khao hạnh phúc, cho nên ta cần giảm bớt các nguyên nhân của đau khổ và làm tăng thêm các nguyên nhân của hạnh phúc. Là con người, đây là điều mà chúng ta có thể suy tư và đưa vào áp dụng một cách có hiệu quả. Bài Kệ đầu tiên cho thấy rằng, việc hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chúng ta đều phụ thuộc vào người khác. Hãy tránh các hành động bất thiện của sự sát sanh giết chóc, không lấy những gì không được ban cho, không quan hệ tình dục bất chính, cũng như tránh những hành vi và lời nói bất thiện trong mối quan hệ với người khác. Bởi vì niềm hạnh phúc của chúng ta có liên quan đến những người khác, cho nên bài Kệ thứ hai đã khuyên ‘Hãy trân trọng người khác như là bậc tối cao’.
Ngài đã nhấn mạnh rằng, là con người chúng ta nên tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta nên tử tế với những người đã từng lợi dụng ta, chúng ta không nên để cho lòng từ bi của mình bị phai nhạt. Bất cứ điều gì thúc đẩy khiến cho cảm xúc phiền não phát sinh, thì ta nên đối trị chúng. Chính chúng đã khơi dậy thái độ ái trọng tự thân, và điều này dẫn đến sự hủy hoại.
Bất cứ khi nào chúng ta thấy những người thực sự đau khổ, chúng ta không nên khinh bỉ xem thường họ mà nên từ bi với họ. Ví dụ, chúng ta nên bố thí cho người hành khất một cách tôn trọng. Bố thí, cúng dường một cách tôn trọng là một trong mười sáu yếu tố giúp được tái sinh vào những cảnh giới cao hơn. Trong bài Kệ thứ 5 chúng ta đã đọc, có câu: “Nguyện cho con có thể chấp nhận sự thất bại”. Khi một người theo truyền thống Kadampa phải chịu sự chỉ trích của một người khác, anh ta đã yêu cầu bạn bè đừng phản ứng, và nói rằng, "Tôi sẽ đón nhận sự thất bại cho chính mình”. Bài Kệ tiếp theo đề cập đến một dịp mà chúng ta có thể đã từng giúp đỡ một người không tỏ ra cảm kích đối với sự giúp đỡ ấy. Phản ứng thích hợp là hãy xem người đó chính là những người Thầy của mình.
Các dòng trong bài Kệ thứ 7,
“Tóm lại, xin dâng ích lợi, niềm vui,
Đến Mẹ chúng sanh trực và gián tiếp
Xin nguyện riêng con âm thầm nhận lãnh,
Những đớn đau bất hạnh của người”.
là sự tóm tắt cách thực hành về phương pháp “cho và nhận”. Khi bạn hít vào, hãy tưởng tượng rằng ta đang đón nhận những nỗi đau đớn và sự đau khổ của người khác lên cho chính mình, và khi bạn thở ra, hãy hình dung rằng ta đang hiến dâng cho họ những niềm vui hạnh phúc. Đây là những gì mà tôi đã thực hành khi tin tức về các cuộc biểu tình ở Lhasa năm 2008 khiến tôi lo lắng e ngại về những gì có thể xảy ra. Tôi đã tưởng tượng lấy đi sự tức giận và thù địch ra khỏi các quan chức Trung Quốc có liên quan đến vụ việc, và mang lại cho họ sự bình yên và niềm vui hạnh phúc.
Bài Kệ cuối cùng khuyên chúng ta, khi thực hiện những sự thực hành này, thì không nên bị cuốn theo những mối bận tâm của thế tục như mong muốn có được danh thơm tiếng tốt. Dòng kệ, “Nguyện cầu cho con có thể nhìn thấy tất cả các pháp như ảo ảnh”, đề cập đến Bồ đề Tâm tối thượng, mà Trường phái Trung đạo đã đặc trưng là không có gì tồn tại khách quan. Mọi thứ chỉ tồn tại bằng cách định danh mà thôi.
Chuyển sang đến “37 pháp thực hành của Bồ tát”, Ngài nhớ lại rằng Togmé Sangpo được cho là một vị Bồ tát, một người đã thực sự trải nghiệm về Bồ Đề Tâm. Ngài đã sống trong một hang động ở Ngulchu. Ngài là một học giả thành tựu, người đã trước tác bộ luận giải về “Cứu cánh Nhất thừa Bảo Tánh Luận” của Ngài Di Lặc; và cũng được công nhận vì sự khiêm tốn và bản chất tốt đẹp của Ngài.
Ngài quan sát thấy rằng nội dung của Tam Tạng: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng là dành cho các cá nhân để thực hành. Một cá nhân có năng lực tối thiểu (hạ căn) có thể tu tập để đạt được trạng thái tái sinh tốt đẹp. Một chúng sanh có năng lực trung bình (trung căn) nhằm mục đích thực hiện sự giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, trong khi một chúng sanh có năng lực vĩ đại (thượng căn) có thể hoạt động để mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh bằng cách đạt được giác ngộ. Ngài lưu ý rằng hai bài Kệ đầu liên quan đến việc kính lễ Đức Quán Thế Âm, hiện thân của lòng từ bi của tất cả chư Phật, và lời tuyên bố hứa khả soạn thảo bản Kinh văn.
Một đoạn thơ trong "400 bài Kệ” của Ngài Thánh Thiên cũng đề cập đến ba loại chúng sanh có năng lực đạt được sự tiến bộ trên Đạo lộ:
Trước tiên ngăn chặn những điều quấy sai lầm lỗi,
Kế tiếp ngăn chặn [ý tưởng thô] về một cái Tôi;
Sau đó ngăn ngừa quan điểm về tất cả các loại.
Ai liễu ngộ điều này - đó chính là bậc trí.
Để hoàn thành ba tâm nguyện này đòi hỏi phải học hỏi và thực hành như những dòng thơ trong bài Kệ đầu tiên đã khuyên - Hãy lắng nghe, suy ngẫm và thiền định ngày đêm không ngừng nghỉ,
Chúng ta được thân người, có cơ hội biết phân biệt đúng sai.
Để lãng phí một cơ hội như vậy sẽ là sự mất mát lớn lắm thay!
Biết tận dụng thân này, trau dồi đức hạnh sẽ lưu lại trong tâm ấn tượng đầy tốt đẹp.
Vào lúc lâm chung, chỉ có Pháp mà ta đã thực hành mới mang lại điều lợi ích thiện lành thôi!
Tìm kiếm và nương tựa vào một bậc thầy tâm linh có phẩm hạnh xứng đáng, một bậc từ bi và có trí tuệ về chân như, người hùng biện và hiểu biết. Jé Tsongkhapa đã khuyên nên dựa vào một bậc có sự thực hành về giới, định, tuệ. Nhớ về cái chết và sự vô thường, ai biết được điều nào sẽ đến trước, ngày mai hay kiếp sau? Suy ngẫm về giá trị của thân người này và về sự dễ dàng bị đánh mất nó - sẽ thúc đẩy chúng ta nỗ lực thực hành.
Ngài đã đề cập rằng, việc dâng hương cho các vị thần là có thể chấp nhận được, miễn là chúng ta không nên coi vị thần ấy là một đối tượng của sự quy y. Nếu chúng ta xem họ là đối tượng để quy y thì sẽ mâu thuẫn với việc chúng ta quy y Tam Bảo. Giáo Pháp, sự thực hành Pháp là nơi nương tựa thực sự; Đức Phật là bậc Thầy của chúng ta và Tăng đoàn là những người bạn đồng hành của chúng ta. Chư Phật đã nhổ tận gốc vô minh và dẫn dắt chúng sanh đến với sự giải thoát. Các Ngài không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước, không loại bỏ khổ đau của chúng sanh bằng chính đôi tay. Ngài giải thoát họ bằng cách dạy cho họ về thực tế của Giáo lý Chân như này. Tăng đoàn bao gồm những cá nhân có kinh nghiệm trực tiếp về tánh không.
Ngài đã kể một câu chuyện về Trehor Kyorpön Rinpoche, một học giả thành đạt và lão luyện, người đã dừng lại ở một nơi để nghỉ ngơi sau khi trốn thoát khỏi Lhasa. Ở nơi đó có một người đã bị vong nhập. Ông ta tuyên bố rằng ông ta là Shukden, vì vậy Trehor Kyorpön Rinpoche đã đặt một câu hỏi khó cho vong linh này và ông ta đã không trả lời được, thế nên Rinpoche bảo ông ấy hãy đi đi.
Ngài Long Thọ và các đệ tử của Ngài đã sử dụng trí thông minh của họ; chúng ta cũng có thể làm điều đó.
Bài Kệ thứ 8 có nêu rõ, ‘Đừng bao giờ làm quấy’ hoàn thiện sự thực hành để đạt được hạnh phúc trong kiếp sau. Bài Kệ 9 đề cập đến khát vọng không bao giờ thay đổi về trạng thái giải thoát tối cao, đó là sự thực hành của một người có năng lực trung bình (trung căn). Những bài Kệ tiếp theo liên quan đến con đường của những người thượng căn - những người giải thoát cho vô số chúng sanh và phát triển tâm nguyện vị tha.
Ngài nhận xét rằng, vì Ngài đã giải thích về tâm nguyện vị tha khá kỹ lưỡng rồi cho nên Ngài sẽ không giải thích lại nữa, mà chỉ đọc những vần Kệ. Bài Kệ 11 khuyên nên hoán đổi hạnh phúc của riêng mình cho sự đau khổ của tha nhân. Kệ 18 khuyên đừng nản lòng về việc gánh vác những hành vi sai trái và nỗi đau của tất cả chúng sinh. Câu 22 nói đến Bồ đề Tâm tối thượng. Từ câu 25 phát thảo về việc thực hành sáu Ba la Mật. Câu 31 chỉ ra rằng “Bạn có thể trông giống như một hành giả, nhưng sẽ không hành động như một bậc hành giả nếu bạn không kiểm tra lỗi lầm của mình”, do đó, “Hãy xem xét những lỗi lầm của chính bạn, và hãy tự mình tránh xa những sai lầm ấy!”.
Sau khi hoàn tất việc đọc bản kinh văn, Ngài đã khuyến khích mọi người hãy đọc lại bất cứ khi nào họ có thời gian. Ngài đảm bảo với họ rằng sẽ có lợi ích khi làm như thế.
Hôm nay, chúng ta đã hoàn tất loạt bài giảng này. Liên quan đến việc lễ quán đảnh ngày hôm qua, trước tiên hãy quán tưởng Đức Quán Thế Âm trước mặt của quý vị như Ngài đã được vẽ trong bức thangka. Sau đó, tưởng tượng Ngài hòa tan vào trong quý vị, trì tụng thần chú Lục Tự (OM MANI PADME HUM) với số lượng 10 chuỗi tràng hạt. Điều này sẽ chẳng giúp ích gì nhiều nếu tâm trí của quý vị vẫn còn ngang bướng. Thay vì đoạn trừ được những cảm xúc phiền não của mình, thì quý vị sẽ chỉ làm mòn móng tay trên đầu ngón tay của mình mà thôi. Vì vậy, hãy cố gắng đừng nên chỉ nghĩ cho riêng bản thân mình, mà nên nghĩ đến tất cả chúng sinh muôn loài.
Ngài đã truyền những câu thần chú của Đức Phật, Đức Quán Thế Âm, Đức Văn Thù và Đức Tara. Ngài nói rằng Ngài rất vui khi được thuyết giảng và Ngài biết ơn những thông dịch viên đã phiên dịch lời của Ngài sang tiếng Hindi, tiếng Anh và tiếng Hoa để mọi người có thể hiểu được Ngài.
Giáo Pháp có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào việc quý vị có thể chuyển hoá tâm thức của mình hay không nữa! Nghe được những lời thuyết giảng từ tôi, nó phụ thuộc vào quý vị để thực hiện sự chuyển hoá đó. Hàng xóm láng giềng sẽ có thể nhận thấy được một sự khác biệt nơi quý vị nếu quý vị thực hành tốt. Xin cầu nguyện cho Đức Quán Thế Âm sẽ chăm sóc che chở cho quý vị trong kiếp này và cả những kiếp sau. Cho đến khi chúng ta gặp lại nhau.
Một vị đại diện của ban tổ chức đã đọc bản báo cáo về tài chính.
Ngài rời khỏi khán đài và trở về Tu viện Ön Ngari. Thời tiết bắt đầu trở nên khá hơn.