Goa, Ấn Độ - Hôm qua, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bay từ phía bắc mùa đông lạnh lẽo đến vùng ấm áp của xứ Goa. Hơn 100 người Tây Tạng đã tập trung bên ngoài sân bay để cung đón Ngài. Ngài đã được đón tiếp tại khách sạn của mình bởi Tiến sĩ Anita Dudhane và Rajiv Mehrotra - Thư ký của Tổ chức Trách nhiệm toàn cầu, cả hai Vị này đã tham gia vào việc tạo điều kiện để thành lập Ghế đại diện Đạt Lai Lạt Ma cho việc nghiên cứu Nalanda tại Đại học Goa.
Sáng nay, Ngài đã gặp Phó hiệu trưởng Đại học Goa - Varun Sahni - Hộ tịch viên YV Reddy, cũng như Rajiv Mehrotra và Tiến sĩ Anita Dudhane, để thảo luận về Ghế đại diện mới tại Đại học, được tài trợ bởi Quỹ Trách nhiệm toàn cầu. Cùng tham gia với họ là Tiến sĩ Ajit Parulekar - Giám đốc Học viện Goa - đang phát triển và thực hiện một chương trình đạo đức thế tục.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với họ rằng Ngài coi Ghế đại diện Đạt Lai Lạt Ma cho việc Nghiên cứu Nalanda tại Đại học Goa là sự đóng góp cho cam kết của Ngài trong việc phục hồi sự quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại.
Truyền thống Nalanda được Ngài Thiện Hải Tịch Hộ giới thiệu đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám. Và mặc dù kiến thức mà nó bảo tồn được chứa trong các bản Kinh tôn giáo, nhưng nó có thể được áp dụng phổ biến. Ngày nay thế giới cần những loại kiến thức này. Ở Tây Tạng, chúng tôi vẫn duy trì kiến thức này, nhưng cho đến bây giờ các học giả của chúng tôi mới bắt đầu tham gia với các đối tác của họ trong các trường đại học hiện đại.
Rajiv Mehrotra làm rõ rằng, Ghế đại diện Đạt Lai Lạt Ma sẽ là một vị trí viếng thăm, với các diễn giả đến thăm Đại học Goa để làm sáng tỏ các khía cạnh của Truyền thống Nalanda. Ngài nhận xét rằng bất cứ ai là học giả đến thăm, điều quan trọng là họ áp dụng cách tiếp cận thế tục một cách nghiêm túc để có thể thu hút khán giả càng rộng càng tốt. Ngài dừng lại, sau đó bày tỏ một điều quan trọng về việc liệu tên Nalanda có nên được sử dụng hay không, nếu nó ngụ ý liên kết với sự thông thái trong Phật giáo hơn là một trí tuệ Ấn Độ cổ đại rộng lớn hơn.
Ngài nói với hội chúng: “Tôi có bốn cam kết. Trước tiên, là một con người, tôi cam kết thúc đẩy các giá trị nhân văn đóng góp cho sự hạnh phúc của con người. Hãy nhìn vào thế giới ngày nay, nơi đầy rẫy bạo lực, vũ khí phát triển nhanh chóng và các quốc gia háo hức theo đuổi việc buôn bán vũ khí. Đây là một phơng pháp sai lầm. Có nhiều cách khác để có thể kiếm tiền. Chúng ta dường như đang theo đuổi mô hình của thế kỷ 20, đó là một kỷ nguyên của chiến tranh. Đây là lý do tại sao truyền thống “ahimsa” của Ấn Độ - không bạo lực, không gây hại - là rất phù hợp. Thế giới cần ‘ahimsa, và ‘karuna’ - từ bi và bất bạo động - không phải về phương diện cầu nguyện hay nghi lễ, mà là thúc đẩy một phương hướng khác của hành động.
Ấn Độ cũng có một kiến thức được trau giồi tốt về chủ nghĩa thế tục, tôn trọng quan điểm của người khác và cho phép ngay cả những ý tưởng với một nguồn tôn giáo được phép nghiên cứu học thuật. Điều cần phải làm rõ là nền tảng cho hòa bình trên thế giới là tấm lòng nhân hậu ấm áp trong con người.
Các nhà khoa học nói rằng vì chúng ta là động vật xã hội cho nên bản chất cơ bản của con người là từ bi; chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng nơi ta đang sống. Tuy nhiên, bộ não thông minh của con người chúng ta cũng có thể bị lạm dụng để tiêu diệt người khác.
Trẻ em rất ít quan tâm đến những vấn đề tôn giáo, quốc tịch hay chủng tộc của những bạn bè của mình, miễn là các cháu vui cười và chơi đùa vui vẻ với nhau là được. Đây là những thái độ mà tất cả chúng ta cần phải áp dụng. Trong thế giới ngày nay, tính cạnh tranh thù địch dẫn đến sự kỳ thị đối với người khác về khía cạnh ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’ - điều mà rất dễ trở thành bạo lực. Ahimsa - bất bạo động - vẫn còn rất phù hợp; và cùng với tinh thần bất bạo động ấy - chúng ta cần phải nhắc nhở bản thân về sự đồng nhất của loài người.
Ngài nhận xét rằng, thay vì trích dẫn những điều Đức Phật dạy, Ngài thích trích dẫn những phát hiện khoa học, kết quả của sự thí nghiệm và kiểm chứng đã được chấp nhận đối với bất kỳ ai. Ngài ủng hộ việc thực hiện phương pháp thế tục và mô phỏng những tấm gương điển hình của các bậc thầy Nalanda về việc sử dụng trí thông minh của con người một cách triệt để bằng cách sử dụng lý lẽ và logic chặt chẽ. Ngài lưu ý rằng, trong khi vật lý lượng tử khẳng định rằng không có gì tồn tại một cách khách quan; và nhấn mạnh vai trò của người quan sát, thật ra thì việc tìm hiểu về người quan sát được thực hiện rất ít; thì truyền thống Nalanda có thể lấp đầy được khoảng trống này.
Ngài được Phó hiệu trưởng và Hộ tịch viên chào đón khi Ngài quang lâm đến Thính phòng của Học viện Kala, và họ đã hộ tống Ngài lên khán đài. Trước tiên, dàn hợp xướng Đại học Goa đã biểu diễn ‘Đại Dương Cantata’ để vinh danh Ngài, một nhạc phẩm hợp xướng đầy cảm động với phần đệm của piano, violin và bộ gõ hết sức rung động. Đây là buổi ra mắt thế giới về một tác phẩm được sáng tác bao gồm ba hành động để phản ánh về sự kiện Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thoát khỏi Lhasa, sự vượt qua của Ngài để đến với tự do; và sự đấu tranh cho sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng lưu vong. Nhạc phẩm này được sáng tác bởi Santiago Lusardi Girelli - Giáo sư nghiên cứu về âm nhạc phương Tây tại Đại học Goa. Ông cũng đã từng là nhạc trưởng. Buổi biểu diễn thu hút những tràng pháo tay nồng nhiệt.
Phát biểu từ một bài giảng được đánh dấu bằng logo và phương châm của Đại học Goa - ‘Kiến thức là Thánh Thần’ - Phó hiệu trưởng chào đón các vị khách của mình. Ông tuyên bố rằng ngày hôm qua - 10 tháng 12 - Đại học Goa đã ký một biên bản ghi nhớ với Tổ chức Trách nhiệm toàn cầu về việc thành lập Ghế đại diện Đạt Lai Lạt Ma cho việc nghiên cứu Nalanda. Ông nói thêm rằng ngày hôm qua cũng là ngày đánh dấu kỷ niệm 30 năm Ngài được trao giải Nobel Hòa bình và kỷ niệm 60 năm Ngài hoàn thành xuất sắc kỳ thi Geshé (Tiến Sĩ) của mình.
“Những người nắm giữ địa vị Ghế đại diện Đạt Lai Lạt Ma sẽ tập trung vào kiến thức Ấn Độ cổ đại kết hợp với giáo dục hiện đại”, ông nói với hơn 1500 người tham dự; 200 người trong số họ đang xem màn hình phía bên ngoài. “Tại sao truyền thống Nalanda ngày nay lại quan trọng? Đại Tự (chùa lớn) không phải chỉ là nơi để dạy các đệ tử, mà đây còn là nơi khuyến khích sự hợp tác, tranh luận, kích thích tư duy mới và rút ra sự đổi mới. Chúng tôi hy vọng sẽ mô phỏng được điều này trong học viện của chúng tôi.
Các Luận sư Nalanda đều là người Ấn Độ. Khi trường đại học bị huỷ hoại vào thế kỷ thứ 12, thế giới có thể sẽ bị mất đi kiến thức mà nó được bảo tồn - nếu như nó chưa được truyền đến các tu viện của Tây Tạng. Bây giờ thì nó có thể được cấy ghép trở lại ở các trường đại học ở Ấn Độ.
Như kết quả của một bản ghi nhớ mà chúng tôi đã ký với Tu viện Drepung Loseling năm ngoái, các sinh viên đã đến đó để tham gia vào khóa đào tạo về thiền định. Chẳng bao lâu nữa các thành viên trong khoa của chúng tôi cũng sẽ đến Mundgod để kết nối với chương trình học thuật SEE. Đại học Goa mong muốn được ghép truyền thống Nalanda vào chương trình học thuật ngày nay.
Rajiv Mehrotra thay mặt Tổ chức Trách nhiệm toàn cầu, thừa nhận quan hệ đối tác mới với lòng biết ơn. Ông nhấn mạnh rằng nó đang diễn ra theo một chương trình nghị sự thế tục và sẽ liên quan đến sự kết hợp giữa từ bi và trí tuệ.
Ngài nói chuyện với các anh chị em quý mến của mình; nói với họ rằng, “Tôi luôn luôn bắt đầu theo cách này, bởi vì tôi thực sự tin rằng tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay là một phần của gia đình nhân loại. Cách chúng ta sinh ra và cách chúng ta chết đi đều là như nhau. Và điều quý giá nhất trong mối quan hệ của chúng ta với người khác là tấm lòng ấm áp nhân hậu. Nó mang lại sự an lạc nội tâm và sức mạnh bên trong - là nền tảng cho một cộng đồng hạnh phúc.
Tôi cố gắng chia sẻ với mọi người rằng nguồn hạnh phúc tối thượng thì nằm ở bên trong chúng ta; nó không thể được tìm thấy trong tiền tài và danh vọng. Tôi thúc đẩy các giá trị cơ bản của con người trên cơ sở những phát hiện khoa học và lẽ thường tình. Bằng chứng cho thấy rằng tính chất cơ bản của con người là từ bi - đó chính là nguồn hy vọng. Điều này rất quan trọng, không phải ở khía cạnh của kiếp lai sinh hay sự giải thoát, mà là ngay ở đây và bây giờ.
Tôi cũng cam kết khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo tồn văn hóa Tây Tạng và bảo vệ môi trường của Tây Tạng. Ngoài ra, tôi cũng cống hiến cho việc làm sống lại kiến thức Ấn Độ cổ đại ở tại Ấn Độ. Tích hợp với điều này là sự hiểu biết về cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Hầu hết mọi người nhận thức được sự trải nghiệm của cảm giác, nhưng ít chú ý đến trải nghiệm về tinh thần của họ. Mà những cảm xúc mạnh mẽ như giận dữ và từ bi đều liên quan đến sự trải nghiệm tinh thần.
Khi áp dụng trí thông minh của con người, chúng ta có thể khám phá ra cách làm thế nào để đạt được sự an lạc nội tâm. Chúng ta có thể nhận ra được rằng điều này hoặc điều kia là cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như sự tức giận và thù hận, chúng phá hủy sự an lạc nội tâm của chúng ta. Trau giồi một tâm trí bình tĩnh sẽ cho phép chúng ta tập trung tâm trí vào nơi mà chúng ta muốn. Khi phát triển trí tuệ về thực tại thì chúng ta có thể học được cách chuyển hoá tâm thức.
Ngài đã thảo luận về việc học tập thì quan trọng như thế nào. Ngài trở lại với những sự thách thức mà một số thiền giả Trung Quốc đã đưa ra ngay sau khi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ giới thiệu Truyền thống Nalanda vào Tây Tạng. Họ ủng hộ thiền vô khái niệm hơn là việc học hành nghiên cứu, nhưng họ đã bị đánh bại trong cuộc tranh luận của đệ tử Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, đó là Liên Hoa Giới. Ngài khuyến khích các thành viên của Đại học Goa tận dụng tối đa các học giả lão luyện trong vấn đề “học cái gì” và “học như thế nào”, những vị này sống trong các tu viện Tây Tạng ở Karnataka. Ngài mong chờ sự hồi sinh của kiến thức Ấn Độ cổ đại và sự kết hợp của nó vào giáo dục hiện đại. Nếu điều này có thể được thực hiện thì Ấn Độ có khả năng làm tấm gương điển hình cho thế giới.
Trả lời một số câu hỏi từ phía khán giả, Ngài đã trích dẫn sự trưởng thành được thể hiện bởi những quốc gia Châu Âu về việc đã thành lập Liên minh Châu Âu như một điển hình về lý do tại sao Ngài cảm thấy lạc quan. Họ đã đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của địa phương sau nhiều thế kỷ xung đột tàn hại.
Khi được hỏi rằng, điều gì khiến Ngài tức giận, Ngài nói rõ rằng sự tức giận không phục vụ được mục đích tốt đẹp nào cả. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta trưởng dưỡng trái tim ấm áp nhân hậu và lòng từ ái bi mẫn. Tương tự như vậy, Ngài loại bỏ sự bạo lực nhân danh tôn giáo vì mâu thuẫn.
Ngài làm rõ rằng, những điều cần thiết về Nalanda không phải là những tòa nhà hiện đang bị hủy hoại, mà là kiến thức đã có ở đó, kiến thức mà người Tây Tạng đã giữ gìn trong hơn một nghìn năm qua. Ngài cũng ca ngợi các truyền thống bất bạo động, lòng từ bi và chủ nghĩa thế tục - đó là một phần của di sản Ấn Độ cổ đại. Đồng thời, Ngài cũng cho rằng, ở một quốc gia dân chủ đông dân nhất trên trái đất, hệ thống giai cấp - một vết tích của chế độ phong kiến - đã bị lỗi thời.
Hộ tịch viên - YV Reddy đã phát biểu lời cảm ơn để kết thúc sự kiện này và mọi người đứng lên trong khi dàn hợp xướng hát quốc ca.