Mangaluru, Karnataka, Ấn Độ - Sau khi đến thành phố cảng Mangaluru ngày hôm qua, sáng nay, trước tiên, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ với một nhóm khoảng 250 thanh niên Tây Tạng đang học tập và huấn luyện tại đây. Ngài nhớ lại khi nghe về những tuyên bố rằng Tây Tạng từ lâu đã là một phần của Trung Quốc - lời ấy đã được thực hiện trong một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh vào những năm thập niên 70. Những điều này bao gồm cuộc hôn nhân của Hoàng Đế Songtsen Gampo với một công chúa Trung Quốc và Thành Cát Tư Hãn trao cho Drogön Chögyal Phagpa quyền kiểm soát Tây Tạng. Trong bối cảnh Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc thu hút rất nhiều khách du lịch ngày nay, theo đó, đất đai ở một phía của Vạn Lý Trường Thành là thuộc về Trung Quốc còn phía bên kia thì không phải của Trung quốc, cho nên những tuyên bố này không có chút trọng lượng nào cả. Ngài nhận xét rằng Ngài cũng đã được thông báo rằng, không hề có tài liệu lịch sử nào từ thời nhà Đường đề cập đến rằng Tây Tạng là một phần của Trung Quốc.
Ngài nói rằng: “Công chúa Trung Quốc kết hôn với Hoàng Đế Songtsen Gampo đã mang theo một bức tượng quan trọng của Đức Phật như một món quà. Khi tôi đến thăm Tây An, một thủ đô cũ của Trung Quốc, tôi đã được chỉ ra một cái hốc trống nơi mà tượng Phật này đã từng được an trí ở đó. Mối quan hệ giữa Tây Tạng và Trung Quốc đã từng rất tốt. Tuy nhiên, Hoàng Đế Songtsen Gampo đã chọn không mô phỏng theo phong cách viết của Trung Quốc; và thay vào đó đã có một bảng chữ cái tiếng Tây Tạng được mô phỏng theo chữ viết Devanagari của Ấn Độ.
Sau đó, mặc dù Mẫu Hậu của Vua Trisong Detsen là người Trung Quốc, Đức Vua lại chọn thỉnh mời vị đầu tiên là Thiện Hải Tịch Hộ và sau đó là Đạo sư Liên Hoa Sanh từ Ấn Độ đến Tây Tạng. Ba vị này - Vua, Trụ trì và Nhà Tinh Thông, đã thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng. Đã từng có nhiều tu sĩ Trung Quốc ở Tây Tạng, họ tập trung vào thiền định chứ không phải là nghiên cứu học thuật, và dường như hình ảnh của Đức Phật đã truyền cảm hứng cho các vị Vua tìm đến với Ấn Độ như là nguồn gốc của giáo lý Phật giáo.
Ngài Thiện Hải Tịch Hộ là một bậc thông thái; và phương pháp mà Ngài đã giới thiệu về nghiên cứu (văn), suy tư (tư) và thiền định (tu) đã được chúng ta duy trì cho đến ngày nay. Chúng ta học hỏi dựa trên cơ sở lý trí chứ không phải chỉ là đức tin. Chúng ta đã nghiên cứu, tìm hiểu, điều tra thay vì chỉ biết chấp nhận những gì mà chúng ta đã được dạy bảo.
Lần Chuyển Pháp luân đầu tiên của Đức Phật liên quan đến Tứ Diệu Đế và đã được ban truyền công khai ở Varanasi. Lần Chuyển Pháp Luân thứ hai, được truyền ở Rajgir, bao gồm cả “Bát Nhã Tâm Kinh” mà có lẽ tất cả quý vị đều đã biết - và được thành lập dựa trên lý luận. Có lần tôi đã hỏi một nhóm các học giả người Thái lan, những người ủng hộ Truyền thống Pali rằng, họ đã giải thích Tứ diệu đế trên cơ sở thẩm quyền kinh điển hay dựa trên cơ sở lý luận; và họ nói với tôi rằng họ trích dẫn thẩm quyền của kinh điển. Tôi đã phản ánh rằng chúng ta may mắn như thế nào khi có các tác phẩm của Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng để làm sáng tỏ việc sử dụng logic và lý luận.
Mặc dù đã nhấn mạnh sự khác biệt này trong phương pháp hiểu biết giữa truyền thống Pali và tiếng Phạn, nhưng Ngài vẫn nhấn mạnh rằng cả hai đều có Luật Tạng - giới luật chung của Tu sĩ Thiền môn. Ngài kể lại câu chuyện về hai tu sĩ Miến Điện đã đến gặp Ngài tại một cuộc họp của Quốc hội Tôn giáo Thế giới ở Melbourne, Úc. Họ bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy rằng Chư Tăng Tây Tạng đã thọ trì và tuân thủ giới luật Vinaya giống như họ đang thọ trì.
Ngài giải thích với các sinh viên Tây Tạng rằng, vài năm trước, Ngài đã khởi động một dự án để phân loại lại nội dung của Kangyur (Kinh Tạng) và Tengyur (Luận Tạng) dưới các tiêu đề của khoa học, triết học và tôn giáo, và biên soạn sách theo các tiêu đề đó. Các học giả đã hoàn thành các tập liên quan đến khoa học Phật giáo, chủ yếu liên quan đến sự nghiên cứu về tâm thức. Chúng đã được dịch sang các ngôn ngữ: tiếng Hoa, tiếng Nga, tiếng Hindi, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Mông Cổ và vv. Ngài nói rằng Ngài đã được thông báo rằng những người làm việc trong các trường đại học ở Trung Quốc có thể truy cập các tài liệu này mặc dù chúng không được dành sẵn cho công chúng.
Đề cập đến cách mà thói quen của chúng ta về sự ái trọng tự thân đã khiến cho chúng ta nghi ngờ những người khác, Ngài lưu ý rằng chúng ta có thể đối trị lại điều này bằng cách trưởng dưỡng Bồ đề Tâm, lòng vị tha, tâm tỉnh giác. Chúng ta còn một vấn đề rắc rối nữa là nhìn thấy mọi thứ luôn có sự tồn tại độc lập vững chắc. Chúng ta có thể đối trị lại điều này bằng cách nghiên cứu về những lời dạy của Ngài Long Thọ, rằng mọi thứ không tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện ở bề ngoài.
Ngài nói với các thanh thiếu niên Tây tạng: “Nếu các con có ý thức về Bồ đề Tâm, các con sẽ rất hạnh phúc! Hãy nhớ rằng Tây Tạng là miền đất của Đức Quán Thế Âm; Ngài là vị thần bảo trợ của Xứ Tuyết. Trung Quốc đã cố gắng loại bỏ truyền thống Tây Tạng nhưng họ đã bị thất bại. Người Trung Quốc phụ thuộc vào sức mạnh của súng ống, nhưng chúng ta dựa vào sức mạnh của sự thật. Ở Trung Quốc mọi thứ đang thay đổi và Đảng cầm quyền đang sợ bị mất quyền kiểm soát. Sức mạnh của chúng ta không nằm ở việc tìm kiếm sự độc lập, mà là giữ cho truyền thống văn hóa của chúng ta được tồn tại sống còn.
Các sinh viên vân tập xung quanh Ngài để chụp ảnh. Ngay sau đó, Ngài đã gặp gỡ các đại diện chính trị Ấn Độ địa phương, những người mà Ngài đã ca ngợi với họ về những phẩm chất của kiến thức Ấn Độ cổ đại, khẳng định rằng thế giới đang rất cần những phẩm tính của ‘karuna’ và ‘ahimsa’ - lòng từ bi và tinh thần bất bạo lực.
Một đoạn đường lái xe ngắn qua Mangaluru đã đưa Ngài đến Trung tâm Hội nghị Cha Muller - nơi Tiến sĩ Bro. Thomas Thanickal và Fr. Jimmy James đã chào đón Ngài đến Hội nghị quốc gia lần thứ 52 của Hiệp hội các trường Công giáo toàn Ấn Độ (AINACS). Trong sảnh đường, các nữ tu Công giáo đã dâng lên Ngài ‘aarti’ và anh ta đã đùa vui với họ bằng cách rải những cánh hoa hồng lên trên họ. Một ban nhạc kèn đồng đã biểu diễn một hồi kèn để cung đón Ngài. Bên trong khán phòng, Ngài thắp một ngọn đèn để khai mạc Hội nghị và an toạ trên khán đài. Ban nhạc kèn đồng đã biểu diễn bản : “Khi Thánh Nhân Diễu Hành”, và tiếp theo đó là một dàn hợp xướng nữ tu và một nhóm sinh viên hát những bài ca chào mừng.
Nữ tu Molly Cherian, Hiệu trưởng Trường Thánh Tâm, Sidhpur ở Dharamsala, đã giới thiệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với Hội nghị. Cô ấy đã trích dẫn lời của Ngài rằng, “Niềm vui thật sự chính là sự phục vụ cho tha nhân”. Cô ghi nhận sự cam kết của Ngài trong việc thúc đẩy các giá trị nhân văn và khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Cô kết thúc với lời thỉnh cầu hai linh mục Công giáo lên tôn vinh Ngài với món quà là một chiếc khăn choàng và một bó hoa.
Được mời lên để nói chuyện với 1000 khán giả đông đảo bao gồm 150 sinh viên từ vùng Hy Mã Lạp Sơn cũng như các nhà giáo dục Công giáo, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chào đón họ như những người anh chị em tâm linh khả kính.
Ngài tiếp tục: “Hôm nay tôi rất vui khi được cùng ở đây với quý vị. Khi tôi gặp gỡ những người lớn tuổi hơn, tôi tự hỏi ai trong số chúng tôi sẽ ra đi trước, nhưng khi tôi gặp những người trẻ hơn, tôi cảm thấy chính mình cũng trẻ hơn. Trên thực tế, tôi đã thuộc thế hệ của thế kỷ 20, trong khi nhiều người trong số quý vị thuộc về thế kỷ 21. Những gì của quá khứ đã là quá khứ, chúng ta không thể thay đổi nó được, nhưng chúng ta có thể học hỏi từ nó. Điều rõ ràng là tương lai của nhân loại đang nằm trong tay chúng ta. Hãy nhìn vào thế giới ngày nay và những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Có khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo, và thậm chí ngay cả ở những quốc gia giàu có hơn, người dân vẫn bất ổn về mặt tinh thần.
Các nhà khoa học quan sát thấy rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi, đó là điều dễ hiểu vì chúng ta là những sinh vật xã hội. Niềm hạnh phúc giản đơn và sự sống còn của các cá nhân đều phụ thuộc vào cộng đồng. Nếu chúng ta quan sát các trẻ em, chúng không hề quan tâm đến sự khác biệt về đức tin hay quốc tịch, chúng đáp lại với nhau theo cách cởi mở của con người. Sau khi được sinh ra, chúng ta sống sót nhờ vào tình yêu thương ấp ủ của mẹ, tình cảm ấy đã mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn kéo dài trong suốt cuộc đời.
Tương lai của người dân ở Mangaluru này phụ thuộc vào phần còn lại của cả Ấn Độ. Tương lai của Ấn Độ phụ thuộc vào phần còn lại của cả châu Á. Thực tế là tất cả bảy tỷ người đang sống hôm nay là một cộng đồng. Nếu chúng ta cảm kích về điều đó thì sẽ không còn có chỗ cho chiến tranh và giết hại lẫn nhau. Tuy nhiên, ngày nay có quá nhiều sự nhấn mạnh về ‘chúng ta, và ‘bọn họ’; đó là nguồn gốc của sự xung đột. Chính bởi vì điều này mà nhiều vấn đề chúng ta đang gặp phải là do chính chúng ta gây ra. Chúng ta bỏ bê những phẩm chất cơ bản của con người về sự tử tế và lòng từ bi. Nền giáo dục chỉ tập trung vào các giá trị vật chất đã làm phát sinh ra điều này.
Ngay sau khi bắt đầu đến trường, trẻ em đã học cách phân biệt đối xử về đức tin, đẳng cấp và quốc tịch, điều này một lần nữa dẫn đến cảm giác về “chúng ta” và “bọn họ”. Giáo dục không nên chỉ là về việc phát triển bộ não của chúng ta; mà chúng ta cũng cần nuôi dưỡng một trái tim ấm áp nữa!
Tất cả các tôn giáo lớn của chúng ta đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương và lòng từ bi. Họ áp dụng các phương pháp triết học khác nhau và cách sống khác nhau, nhưng tất cả đều khuyến khích về tình yêu thương, lòng khoan dung và sự biết đủ.
Là một con người, tôi cam kết cố gắng chia sẻ với mọi người rằng chúng ta là những sinh vật xã hội, vì thế cho nên, dù chúng ta có phải là tín đồ tôn giáo hay không, thì chúng ta cũng cần có một ý thức quan tâm đến người khác. Tôi cũng cam kết thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Các anh chị em Kitô giáo tin vào Đức Chúa - Đấng sáng tạo; điều đó thật tuyệt vời. Nếu quý vị xem tất cả con người là những đứa con của Chúa, thì làm sao quý vị có thể tổn hại họ được? Những người trong số chúng ta thuộc về những truyền thống phi thần học, như Kỳ Na Giáo, Phật tử và một số Số luận Phái, thay vào đó thì lại tin vào sức mạnh của hành động của chúng ta. Nếu mình làm điều tốt thì sẽ có được kết quả hạnh phúc.
Bất kể niềm tin cá nhân của chúng ta là gì đi nữa thì Ấn Độ vẫn là một ví dụ cho thấy rằng sự hòa hợp giữa các tôn giáo là điều có thể. Tất cả các tôn giáo lớn đều phát triển ở đây. Họ tôn trọng lẫn nhau và học hỏi lẫn nhau. Nhiều năm trước, tại Thái Lan, tôi đã gặp Sangharaja - vị lãnh đạo của cộng đồng tu viện. Tôi đã đề cập với Vị ấy rằng các anh chị em Kitô giáo của chúng ta đã rất tích cực trong việc thúc đẩy về sức khỏe và giáo dục. Tôi nói với Vị ấy rằng, tôi cảm thấy Phật tử chúng ta nên noi theo tấm gương này. Vị ấy trả lời rằng, các Tăng sĩ Phật giáo phù hợp hơn với cuộc sống ở những nơi hoang vắng cô tịch.
Ngài kết thúc cuộc nói chuyện của mình bằng sự bình luận rằng, giống như Mahatma Gandhi đã đưa ra một tấm gương rất hiệu quả về ‘ahimsa’ - bất bạo lực - vào thế kỷ 20; ngày nay, Ấn Độ có thể phục vụ nhân loại bằng phương pháp chứng tỏ cách làm thế nào để đạt được sự an lạc nội tâm. Ngài đã đề cập đến những sự thực hành cổ xưa dành cho việc phát triển định và tuệ ‘shamatha’ và‘ vipashyana’ như những con đường đã được chứng minh để chuyển hoá tâm thức. Ngài nói thêm rằng chính những cá nhân có tâm hồn lành mạnh đã tạo nên một xã hội lành mạnh.
Trong số các câu hỏi của khán giả có hai câu về việc ăn chay. Ngài cảm thấy rằng triển vọng của những con hổ ăn chay là không thể, nhưng con người có thể được khuyến khích để hiểu rằng một chế độ ăn chay là tốt cho sức khỏe của chúng ta. Ngài quan sát thấy rằng những kẻ giết người nhân danh tôn giáo thì không thể được tính là những tín đồ chân thành của đức tin của họ. Ngài nhắc lại rằng, mục đích chính của tôn giáo là phát triển lòng nhân ái trong các tín đồ của tôn giáo ấy.
Nhắc nhở về tình bạn của mình với Đức cha Desmond Tutu, Ngài nhận xét rằng Tutu gọi Ngài là Đức Đạt Lai Lạt Ma nghịch ngợm, trong khi Ngài lại nhắc đến Tutu như một vị giám mục tinh nghịch. Ngài nhớ lại với tiếng cười khúc khích của Tutu khi Ngài chỉ ra với ông ta rằng là một người Cơ đốc, ông ấy sẵn sàng lên thiên đàng, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma thì sẽ đi đến một nơi khác.
Khi được thử thách nói rằng liệu Tây Tạng sẽ được tự do trong quảng đời còn lại này của Ngài hay không, Ngài khẳng định rằng chế độ độc đoán của Trung Quốc sẽ thay đổi. Ngài lưu ý rằng Ngài không tìm kiếm sự độc lập cho Tây Tạng, nhưng ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu, theo tinh thần đó, kẻ thù xưa đã được thúc đẩy vì lợi ích chung mà vượt qua được sự xung đột.
Một sinh viên có cha là Phật tử, nhưng mẹ là người Công giáo - muốn biết điều gì là quan trọng hơn, từ bi hay sự thật. Ngài nói với câu ta rằng, lòng từ bi là điều quan trọng như thế nào; và bạn không cần phải là một Phật tử hay là một người Công giáo thì mới thực hành lòng từ bi. Ngài đặt trọng tâm vào điều này một lần nữa khi nhấn mạnh rằng cần phải thực hành lòng từ bi ngay bây giờ và ở tại đây - sống một cuộc sống có ý nghĩa - đó chính là điều quan trọng nhất.
Sau những lời cảm ơn trịnh trọng và dâng tặng kỷ vật của dịp này lên Ngài, Ngài đã đến trước khán đài để vẫy tay chào tạm biệt. Nhiều khán giả đã vẫy tay đáp lại. Trước khi trở về khách sạn của mình, Ngài đã cùng dùng cơm trưa với các thành viên của ban tổ chức AINACS.
Ngày mai, Ngài sẽ đến Delhi trên đường trở về Dharamsala.