New Delhi, Ấn Độ - Hôm nay, hơn 350 người ngồi chật kín khán phòng tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ để tham dự cuộc hội nghị tập trung vào chủ đề ‘Tôn vinh tính Đa dạng trong Thế giới Hồi giáo’ - được truyền cảm hứng và khích lệ bởi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, sự kiện này do người Hồi giáo Ladakh tổ chức.
Khi đến nơi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được chào đón bởi Tiến sĩ Abdul Qayoom của Anjuman Moin-ul-Hồi giáo và Ashraf Ali Barcha của Anjuman Imamia Leh. Trong khán phòng, cá nhân Ngài đã chào đón rất nhiều giáo sĩ Hồi giáo đang hiện diện ở đó trước khi Ngài an toạ trên toà của mình ở khán đài.
Trong bài phát biểu sơ bộ của mình, Ngài đã đề cập rằng - người Hồi giáo Ladakh đã đến Lhasa trong thời kỳ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm - Vị đã ban cho họ một mảnh đất để xây dựng một nhà thờ Hồi giáo. Từ đó trở đi, chúng tôi luôn mời các đại diện của cộng đồng của họ vào những chức vụ của chính phủ Tây Tạng.
Mặc dù không nghe thấy báo cáo nào về sự tranh chấp giữa người Hồi giáo Shiite và Sunni ở Ấn Độ, nhưng các thành viên khác của các giáo phái khác nhau đang giết hại lẫn nhau. Ngài đã bày tỏ sự thất vọng rằng điều này sao lại có thể xảy ra giữa những người có cùng một đức tin, những người tôn thờ cùng một Đức Chúa, đọc cùng một Kinh thánh và theo cùng một mô hình cầu nguyện năm lần mỗi ngày.
Ngài giải thích: “Tôi cảm thấy rằng người Hồi giáo Ấn Độ nên tích cực hơn trong việc quảng bá sự hòa hợp tôn giáo. Tôi nghĩ rằng một cuộc gặp gỡ của người Hồi giáo Ấn Độ ở Delhi có thể hữu ích và tôi thực sự rất ngưỡng mộ về việc mà quý vị đã sắp xếp cho cuộc hội nghị này. Tôi cũng rất vui khi biết rằng các anh chị em từ Iran đang tham gia cùng chúng tôi tại đây. Chúng ta phải làm cho mọi người thấy rõ về tầm quan trọng của việc duy trì sự hài hòa tôn giáo.
Siddiq Wahid chào đón các vị khách và những người tham gia hội nghị - giải thích rằng Vị khách mời danh dự - cựu Phó Tổng thống Hamid Ansari - đã không thể tránh khỏi bị trì hoãn, nhưng sẽ đến sau. Ông ám chỉ đến sự tương tác lâu đời giữa người Hồi giáo và Tây Tạng đã có từ thế kỷ thứ 8. Ông cũng lưu ý rằng ngôn ngữ Tây Tạng được sử dụng ở bốn quốc gia thuộc Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á: Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bhutan. Ông ta yêu cầu Hafiz Ghulam Mohammad đọc thuộc lòng Tilawaat e Qur'an Sharief, ý chính trong đó là nói rằng: “Thánh Allah mang quý vị lại với nhau; quý vị là những người anh em, không thể bị chia rẽ”.
A. Qayum Giri tuyên bố rằng mục đích của hội nghị này là tôn vinh sự đa dạng trong thế giới Hồi giáo. Mặc dù người Hồi giáo Ladakh rất ít về số lượng, nhưng họ đã tạo ra cơ hội này với sự mong muốn rằng các cuộc gặp gỡ như vậy sẽ tiếp tục và phát triển trong tương lai. Chúng tôi muốn làm cho thế giới biết về sự hài hòa mà chúng tôi duy trì trên ‘mái nhà của thế giới’; và hỏi rằng làm thế nào điều này có thể được áp dụng ở những nơi khác trên đất nước này và xa hơn nữa. Chúng tôi dự định sẽ học hỏi, mang về quê nhà những điều mà chúng tôi đã học được và truyền bá những điều đó trong thế giới Hồi giáo.
Ashraf A. Barcha quan sát rằng Ladakh là một vùng xa xôi hẻo lánh và người Hồi giáo chiếm thiểu số ở đó, nhưng rất ổn định, yên tịnh và hòa bình. Ông hy vọng rằng các diễn giả sẽ xác định được các bước để ngăn chặn mọi vấn đề rắc rối trong tương lai có thể phát sinh, và kích thích sự đối thoại mang tính xây dựng.
Trong bài phát biểu của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng trong số bảy tỷ người đang sống hiện nay, có khoảng một tỷ người không có hứng thú với tôn giáo, còn lại sáu tỷ người theo một số truyền thống tôn giáo khác nhau. Ngài lưu ý rằng, sự thực hành tu luyện của Ấn Độ để nuôi dưỡng một tâm trí định tĩnh (shamatha) đã làm nảy sinh ra truyền thống bất bạo động và lòng từ bi (ahimsa và karuna). Ngài cho rằng, so với các nền văn minh cổ đại của Trung Quốc và Ai Cập thì nền văn minh Thung lũng Indus đã dẫn đến sự phát triển triết học đặc biệt sáng tạo.
Ngày nay, mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc. Không ai muốn đau khổ. Thật vậy, hạnh phúc là một phần của nền tảng sinh tồn của chúng ta. Các nhà khoa học đã kết luận rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Điều này có liên quan đến việc sự tồn tại của mỗi cá nhân đều phụ thuộc vào phần còn lại của cả cộng đồng. Những người lớn lên trong một bầu không khí từ bi hơn thì sẽ có xu hướng hạnh phúc hơn và thành công hơn. Mặt khác, các nhà khoa học cho rằng, nếu ta sống với sự tức giận hoặc sợ hãi liên tục thì sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta. Sự phụ thuộc lẫn nhau có nghĩa là tất cả bảy tỷ người đều thuộc về một cộng đồng của nhân loại.
Trong thế giới ngày nay, mặc dù có sự phát triển về vật chất, nhưng vẫn còn có nhiều vấn đề rắc rối mà chúng ta đang gặp phải là do chính chúng ta tạo ra. Chúng bị kích động bởi xu hướng của chúng ta khi nhìn những người khác trên khía cạnh ‘chúng ta’, và ‘bọn họ’. Trẻ em không hề có sự phân biệt như vậy. Các cháu không hề quan tâm đến vấn đề tôn giáo, chủng tộc hay quốc gia gì cả; mà bạn chơi của các cháu là thuộc về những người cùng chơi giỡn cười đùa vui vẻ với nhau mà thôi. Chúng ta cần nhớ đến sự đồng nhất của nhân loại, rằng đã là con người thì tất cả chúng ta đều như nhau, và tôi cam kết rằng sẽ cho làm cho mọi người đều ý thức được về điều này.
Tất cả các truyền thống tôn giáo của chúng ta đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương. Theo quan niệm của Phật giáo thì chúng ta nói về cảm giác rằng tất cả chúng sinh đều là những người yêu quý như những bà mẹ của chính chúng ta. Hồi giáo ở Tây Tạng là những người rất ôn hoà. Ở Turtuk, ngôi làng ở cực bắc Ấn Độ, một người Imam đã nói với tôi rằng, một người Hồi giáo thì nên yêu thương mọi thành viên của đấng sáng tạo Allah. Ở nơi khác, một người cao tuổi khác đã nói với tôi rằng, nếu ai đó gây ra sự đổ máu thì người đó không còn là một người Hồi giáo đúng nghĩa nữa.
Chúng ta đang sống yên bình ở nơi đây và ngay bây giờ, nhưng trong số những người láng giềng của chúng ta ở Afghanistan, Syria và trẻ em Yemen đang phải chịu đựng rất nhiều đau khổ. Tại sao lại là như vậy? Chúng ta cần phải nỗ lực để tạo ra một thế giới hòa bình hơn, bằng cách nuôi dưỡng sự bình yên nội tâm trong chính chúng ta. Tất nhiên, chúng ta theo các truyền thống khác nhau, chúng ta có những quan điểm triết học khác nhau, nhưng thông điệp cơ bản thì chỉ là một - đó chính là tình yêu thương.
Các tôn giáo tin theo thuyết hữu thần thì cho thấy rằng tất cả chúng ta đều là những sinh linh của một Đức Chúa nhân hậu, giống như những đứa con của cùng một người cha duy nhất. Thế nên chúng ta phải suy nghĩ đến những điều hợp nhất chúng ta lại với nhau hơn là những gì làm cho chúng ta trở nên khác biệt nhau. Tất cả các tôn giáo đều có cùng một tiềm năng để tạo ra một con người hạnh phúc; các tôn giáo đều truyền tải cùng một thông điệp của tình yêu thương. Có những con người tuyệt vời thuộc về tất cả các truyền thống tôn giáo này.
Trong khi đó, sự giết chóc giữa những người Hồi giáo và Phật giáo ở Bangladesh, Miến Điện hoặc Sri Lanka, giữa những người Hồi giáo và Kitô giáo ở Ai Cập, đã nhân danh tôn giáo - là điều không thể tưởng tượng được. Nếu chúng ta có sự an lạc nội tâm trong chính mình, thì sự hòa bình trên thế giới sẽ xảy đến. Nhưng sự hòa hợp tôn giáo là điều vô cùng cần thiết. Nếu quý vị hỏi “liệu có thể có sự hòa hợp tôn giáo hay không?” thì hãy nhìn vào tấm gương điển hình của những người Zoroastrians hoặc Parsees, những người mà dân số của họ hầu như không đạt đến 100.000 người, nhưng họ sống giữa hàng triệu người Ấn giáo và Hồi giáo ở Mumbai và hoàn toàn không hề có cảm giác sợ hãi.
“Dường như đối với tôi, người Shias và Sunni là anh chị em của nhau; nhưng ở Pakistan - nước láng giềng của chúng ta - họ đang giết hại lẫn nhau. Tôi cảm thấy rằng, người Hồi giáo Ấn Độ nên thể hiện cho phần còn lại của thế giới - đặc biệt là người dân ở các quốc gia Hồi giáo khác - thấy được rằng, sự hòa hợp tôn giáo là điều có thể khả thi, là một điều nữa mà tôi đã cam kết chia sẻ với những người khác.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng, là một người Tây Tạng - người mà nhân dân Tây Tạng cả bên trong lẫn bên ngoài của Tây Tạng đều đặt niềm tin của họ vào đó, Ngài có trách nhiệm phải quan tâm đến phúc lợi của họ. Ngài cũng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thiên nhiên của Tây Tạng, là nguồn của rất nhiều dòng sông lớn của Châu Á. Ngài cảnh báo rằng có một mối nguy hiểm thực sự về việc lượng nước có sẵn đang bị cạn kiệt dần do sự khủng hoảng về khí hậu. Ngài nói thêm rằng Ngài đang cố gắng giáo dục mọi người về di sản văn hóa Tây Tạng và trung tâm học tập tiên tiến tại Nalanda, nơi mà nền di sản văn hóa ấy đã được bắt nguồn từ đó. Liên kết với điều này là sự cam kết của Ngài trong việc nỗ lực làm hồi sinh lại sự quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại về hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
Sau một thời gian ngắn nghỉ giải lao để uống trà, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời các câu hỏi của khán giả. Ngài bày tỏ sự thông cảm lớn lao đối với những người tị nạn Rohingya từ Miến Điện cùng với niềm tin của mình rằng Đức Phật cũng sẽ bảo vệ những người như vậy. Ngài báo cáo rằng Aung San Suu Kyi đã nói với Ngài rằng, do sự tham gia của quân đội cho nên tình hình rất khó đối phó.
Khi được thỉnh cầu giải thích về cách làm thế nào để trưởng dưỡng sự bình an nội tâm, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng, việc tin tưởng rằng ‘Đức Chúa là một người Cha’ thì sẽ rất hữu ích. Mặt khác, việc nhận ra rằng mọi thứ không tồn tại như cách mà chúng xuất hiện bề ngoài, và nuôi dưỡng lòng từ bi, có thể đối trị được những cảm xúc tiêu cực quấy rầy chúng ta. Ngài nói thêm rằng cả ‘ahimsa’ (bất bạo động), và ‘karuna’ (lòng từ bi) đều tham gia vào việc rèn luyện tâm thức.
Ngài nói với một người đã đặt câu hỏi về việc muốn biết về Niết bàn - rằng nó rất phức tạp. Ngài nói - Nirvana (Niết Bàn) - là một trạng thái của tâm thanh tịnh thông qua sự liễu ngộ sâu sắc về thực tại. Ngài giải thích rõ rằng, vì vô minh không phải là một phần của bản chất của tâm thức, cho nên nó có thể được xua tan khỏi tâm thức. Tuy nhiên, để đạt được điều đó thì đòi hỏi phải có sự học hỏi, suy ngẫm và thiền định (văn, tư, tu).
Một giáo viên muốn biết làm thế nào để dạy học sinh về tình yêu thương và lòng từ bi. Ngài đề nghị nên chỉ ra cho được rằng, tình bạn chân chính không dựa trên tiền bạc và quyền lực, mà là dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, từ đó phát triển như là kết quả của việc thể hiện sự quan tâm đối với phúc lợi của những người khác. Nói cách khác, hãy giải thích cho học sinh hiểu rằng, tình bạn được thiết lập dựa trên tình cảm từ ái nhân hậu. Ngài thừa nhận rằng, chúng ta có ý thức tự nhiên về lợi ích bản thân, nhưng Ngài cũng nói rõ rằng, có một sự khác biệt giữa việc theo đuổi lợi ích bản thân một cách khôn ngoan và theo đuổi một cách dại dột.
Khi được mời gợi ý cách dung hòa sự khác biệt giữa người Shias và người Sunni, hoặc giữa người Iran và người Ả Rập Saudi, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nêu ra rằng, các chính trị gia đã đưa ra những khẳng định nhân danh tôn giáo đều có xu hướng kích động phản ứng cảm xúc. Ngài nhận xét rằng có một số người nhìn người dân Iran với sự nghi ngờ, điều mà Ngài không mô tả nó như là một quốc gia dân chủ theo truyền thống Shia. Mặt khác, Ngài nhận xét, Bin Laden đến từ phía Sunni. Ngài tuyên bố rằng, chúng ta không thể gán một cách chung chung về một số người Shias như một cộng đồng; cũng như không thể nói chung về một số người Sunni như một cộng đồng. Nó không thể khái quát cho cả một cộng đồng trên cơ sở hành vi sai trái của một vài cá nhân.
Cuối cùng, Ngài đã trả lời cho một cuộc tìm hiểu về sự thiền định bằng cách giải thích rõ rằng, có một sự khác biệt giữa ý thức tinh thần và nhận thức giác quan. Ngài chỉ ra rằng chúng ta có thể tiến sâu một cách rõ ràng hơn vào ý thức tinh thần khi chúng ta đang ở trong giấc mơ; bởi vì tại thời điểm đó, ý thức cảm giác của chúng ta không hoạt động. Rèn luyện tâm thức, trau dồi lòng từ bi và hiểu biết về thực tại, tất cả đều có liên quan đến ý thức tinh thần. Sự thành công trong việc phát triển một tâm thức định tĩnh (thiền chỉ) và một tâm thức phân tích (thiền quán) đều phụ thuộc vào mức độ nỗ lực của quý vị và mức độ hiểu biết về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
Có sự đóng góp từ các giáo sĩ Hồi giáo đại diện. Maulana Abdul Qadir Noorudin từ truyền thống Bohra ở Mumbai đã nói về sự đa dạng đó chính là Ấn Độ, nhưng cũng nói về sự hài hòa đã chiếm ưu thế ở đây. Ông nói rằng Thánh kinh Qur'an đã khuyến khích việc tìm kiếm các giá trị được chia sẻ với những người khác, đóng vai trò là biện pháp xây dựng lòng tin. Ngài gợi ý rằng, người dân Ấn Độ gắn bó với nhau bởi một lối sống chung. Tuy nhiên, những người có ý định xấu thì cố gắng thúc đẩy sự chia rẽ, trong khi những người có trái tim nhân hậu thì lại nuôi dưỡng tình bằng hữu. Ông kết luận rằng tất cả con người đều cần sự khoan dung và tha thứ.
Maulana Syed Kalbi Jawad Naqavi - một giáo viên Shia từ Lucknow - thú nhận rằng, việc sử dụng tiếng Anh mà ông ta đã học 40 năm về trước khiến ông ta không đủ vốn từ để nói. Trong ba điểm mà ông ấy đưa ra, đầu tiên là, hầu hết chúng ta không phải là người Hồi giáo thực sự; chúng ta không phải là người Hồi giáo thực sự mà là những người Hồi giáo giả tạo, bởi vì người Hồi giáo thực sự được kỳ vọng sẽ là những người biết giúp đỡ người khác, làm việc để phục vụ cho tất cả nhân loại. Một người Hồi giáo là một người giúp đỡ người khác, bất kể là họ theo đức tin nào.
Điểm thứ hai của ông là hỏi ý nghĩa của sự chiến thắng trong đạo Hồi. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng, sự “chiến thắng” có liên quan đến việc “chinh phục” hoặc “vượt hơn” những người khác; nhưng “chiến thắng” là để “thiết lập hòa bình” giữa loài người với nhau. Thứ ba, Maulana hỏi, ‘jihad, là gì? Ông ta giải thích rằng, khi bóng tối bị xua tan bằng cách thắp lên một ngọn nến, đó chính là ‘jihad’. Khi bạn hoạt động để loại bỏ nạn mù chữ, đó chính là ‘jihad’. Khi một người mẹ cho đứa con của mình ăn để làm giảm cơn đói của nó, đó chính là ‘jihad’. Sự đổ máu không phải là ‘jahad’.
Ông kết thúc bằng cách nhận xét rằng: “Thành thật xin lỗi về việc phải nhờ đến một người không theo đạo Hồi như Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma để nhắc nhở người Hồi giáo về giá trị của sự hòa giải và tinh thần bất bạo động”.
Maulana Mahmud Madani, đến từ Deoband, đã nói về việc viếng thăm Ladakh và Turtuk. Ở đó ông đã gặp người Shias và người Sunni; và tình cờ gặp một số người cầu nguyện cùng nhau. Ông lưu ý rằng sự hòa hợp chung chỉ tồn tại khi người Hồi giáo làm việc không chỉ cho người Hồi giáo mà còn cho tất cả mọi người. Ông đồng ý với ý kiến của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, rất thường không phải vấn đề tôn giáo là nền tảng của sự xung đột mà là những vấn đề về tư tưởng chính trị. Quá thường xuyên, tôn giáo được sử dụng như một loại vũ khí cho lợi ích chính trị ngắn hạn. Ông nhớ lại rằng chính các Đạo Sĩ - những người đã chiếm được trái tim và khối óc của mọi người và có thể được gọi là những người cai trị của họ hơn là vua hay hoàng đế.
Tiến sĩ Mohammed Husain Mokhtari (Hiệu trưởng Đại học Giáo phái Hồi giáo hoặc Đại học Madhaheb, Tehran, Iran) nói với khán giả rằng, nghĩa vụ của tôn giáo là tôn trọng lẫn nhau. Ông khen ngợi sự chấp nhận tính đa dạng giữa các tín đồ của các tôn giáo, nhưng cũng ca ngợi tính đa dạng trong một tôn giáo mà họ hợp nhất. Ông nói rằng, chúng ta phải công nhận sự đa dạng là một thực tế và làm như vậy là có lợi cho tất cả mọi người.
Sự tôn trọng lẫn nhau là rất quan trọng. Chấp nhận và công nhận lẫn nhau là bước đầu tiên để đối thoại; và nếu mục tiêu là sự đoàn kết thống nhất thì cần phải có sự đối thoại. Ông khuyến khích sự công nhận những điểm tương đồng cũng như sự chấp nhận sự khác biệt. Vô minh và sự cẩu thả là những trở ngại đáng kể cho tinh thần đa dạng. Chúng ta không thể đạt được sự thống nhất nếu chúng ta nhìn một số nhóm người với tâm trạng sợ hãi. Cũng chẳng có ích lợi gì để chỉ trích người khác là những người không có niềm tin tôn giáo.
Cựu phó tổng thống Ấn Độ, Hamid Ansari đã nói về sự đa dạng như một khái niệm đơn giản và hữu ích. Ông hỏi những gì chúng ta tìm thấy trong thiên nhiên, chẳng có bông hoa, cây cối hay con người nào mà giống hệt nhau cả; tất cả đều có sự đa dạng. Ông khen ngợi những nỗ lực đã được thực hiện để triệu tập hội nghị này, nhưng cũng tự hỏi liệu có cần thiết để chúng ta hiểu đúng về sự đa dạng hay không.
Ông Ansari nói: “Hồi giáo là một cộng đồng toàn cầu, Dân số của họ là 1,6 tỷ. Trong đó, 66% sống ở châu Á; 15% sống ở Tây Á hoặc Trung Đông; 20% sống ở Châu Phi. Ấn Độ - với 190 triệu người Hồi giáo, có số dân Hồi giáo lớn thứ hai sau Indonesia. Ông đề nghị rằng Hồi giáo nên được thống nhất trong niềm tin và ngôn ngữ tôn giáo của họ, nhưng đa dạng trong cách cư xử và phong tục của họ. Sự hợp nhất trong đức tin của họ được thể hiện trong cuộc hành hương hàng năm của người Haj. Cho dù họ đến từ bất cứ nơi đâu thì nghi lễ của họ đều giống nhau. Có sự thống nhất trong đa dạng và sự đa dạng trong thống nhất.
“Hồi giáo đã có mặt ở Ấn Độ trong một thời gian dài và không chỉ thể hiện sự đa dạng mà còn cả khả năng thích ứng. Nó có thể là một mô hình cho những tôn giáo khác trên khắp thế giới noi theo. Sống cùng chung với nhau trong sự đa dạng như chúng ta đã thấy ở Ấn Độ là sự độc nhất vô nhị; chúng ta hãy mang nó đi xa hơn nữa!”.
Khi kết thúc phiên buổi sáng, Siddiq Wahid nhớ lại một điều mà ông đã học được từ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ lâu - khi ông khoảng 13 tuổi - để thực hành một tôn giáo một cách rõ ràng là thực hành chúng một cách toàn tâm toàn ý. Ông cảm ơn Ngài đã quang lâm đến; và bày tỏ hy vọng rằng những gì học được ngày hôm nay có thể gây ấn tượng với Ladakh, J & K, Ấn Độ và Nam Á. Ông tiếp tục cảm ơn tất cả những người đã góp phần làm cho hội nghị được thành công.
Phái đoàn đến từ Iran đã dâng tặng quà lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và ông Ansari. Ngài đã dùng cơm trưa với các giáo sĩ Hồi giáo, trong khi công chúng dùng cơm trưa trong hiên nhà.
Vào buổi chiều, hội nghị lắng nghe từ các thành viên khác của phái đoàn đến từ Iran, cũng như từ Giáo sư Ali Khan nói về “Đối thoại trong Thế giới Hồi giáo”; từ cô Farah Naqvi nói về “Giới tính trong thế giới Hồi giáo” và từ cô Seems Mustafa nói về “Hồi giáo và Truyền thông”.
Ngài trở lại khách sạn của mình và sẽ trở về Dharamsala vào ngày mai.