Manali, Himachal Pradesh, Ấn Độ - Khi thời gian lưu trú của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Manali sắp kết thúc, Chư Tăng của Tu viện Ön Ngari đã cung thỉnh Ngài đến thăm họ. Sau khi ban sự bái kiến cho một số nhóm người, nhiều người trong số họ là những người ốm yếu và các bậc lão thành, Ngài đã đi xuống từ nơi cư trú của mình ở trên đỉnh của khu nhà ở và lớp học mới của Tu viện. Vị Viện Trưởng - Lobsang Samten đã cung đón Ngài và hộ tống Ngài trong một đám rước ngắn bao gồm các Vị Tăng thổi tù và bằng sừng và một Vị khác cầm chiếc lọng nghi lễ đến Chánh Điện.
Bên trong Chánh Điện, Ngài tỏ lòng kính trọng trước các bức tượng của Đức Phật và Quán Thế Âm, trước khi an toạ trên Pháp Toà của mình.
Ngay lập tức, hai Tăng Sĩ, một Vị đứng và một Vị ngồi trên sàn, bắt đầu một cuộc tranh luận về việc sử dụng thuật ngữ như được giải thích trong “Thích Lượng Luận” của Ngài Pháp Xứng. Hàng loạt các cặp Tăng sĩ trẻ tranh biện tiếp theo họ, kể cả một đôi vẫn còn là những cậu trai trẻ, tham gia vào cuộc tranh luận một cách hăng hái, mà Đức Ngài đã theo dõi với sự thích thú.
Sau đó, Ngài cùng với chư Tăng tụng niệm. Họ bắt đầu với chương đầu tiên của ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’, tụng kinh theo phong cách của Ngài Gendun Gyatso - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai. Tiếp theo là chương thứ hai của ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng; sau đó Ngài xưng tán Bậc Đại Từ Bi được gọi là Bạch Xà Cừ Vô Nhiễm. Sự tụng niệm được kết thúc với lời khẩn cầu Jé Tsongkhapa của Đức Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên - Gendun Drup: “Bài Ca về dãy núi tuyết phía Đông" với lời mở đầu:
Trên đỉnh những ngọn núi tuyết ở phía đông
Mây trắng lửng lơ giữa bầu trời cao rộng
Hiện đến với con linh kiến những bậc Thầy
Gợi mãi trong con lòng bi mẫn của các Ngài
Niềm tin khiến con xúc động chẳng hề phai.
Mây trắng bềnh bồng trôi giạt đến phía đông
Tu viện Ganden lừng lẫy, ‘Chốn Thiền An’
Trụ ngự Ba bậc kính tôn không tả xiết
Lobsang Dragpa - Vị Cha Tâm Linh và hai trưởng tử của Ngài.
Chư Tăng đã kính dâng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lễ cúng dường thỉnh cầu trường thọ ngắn gọn dựa trên lời Cầu nguyện Mười Sáu Vị A La Hán, trong thời gian đó trà và cơm ngọt đã được phục vụ. Buổi lễ kết thúc bằng bài tụng ‘Giai điệu Ngọt ngào cho sự Thành Tựu Bất Tử' - lời cầu nguyện cho sự Trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma do hai bậc Thầy Gia Sư của Ngài sáng tác.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với Chư Tăng:
Hôm nay, chúng ta đã tập hợp ở đây tại Ön Ngari Dratshang tái thiết lập này. Tu viện này ban đầu đã được thiết lập bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai - Gendun Gyatso và có mối liên hệ đặc biệt với dòng dõi của Đạt Lai Lạt Ma.
Tôi đã có cơ hội được giảng dạy cho công chúng và hôm nay quý vị đã dành cho tôi một buổi lễ cúng dường thỉnh cầu trường thọ. Các vị Tăng trẻ đã thể hiện kỹ năng tranh biện của họ. Đây là những điều rất quan trọng. Truyền thống Nalanda bao gồm nền tảng, đạo lộ và kết quả; và nền tảng là sự hiểu biết về Nhị Đế, đưa đến sự hiểu biết về Tứ diệu đế, đặc biệt là Diệt Đế. Điều rất quan trọng là có thể chứng minh được rằng chính bản thân chúng ta có thể thành tựu được Diệt Đế. Điều này liên quan đến việc phát khởi niềm tin vào Giáo pháp trên cơ sở lý trí.
Hàng triệu người theo truyền thống Pali đã không theo truyền thống lý luận như chúng ta, họ dựa vào thẩm quyền của Kinh điển. Phật tử ở các quốc gia khác như Hàn Quốc có truyền thống Phật giáo có nguồn gốc từ Truyền thống Nalanda, nhưng họ lại không chú trọng đến việc sử dụng lý luận và logic.
Sử dụng lý luận và logic là một phẩm chất độc đáo của truyền thống Tây Tạng. Vào thế kỷ thứ 12, theo các hướng dẫn được đặt ra bởi các bậc thầy Nalanda Trần Na và Pháp Xứng, Sakya Pandita đã trước tác một bộ luận giải tỉ mỉ về logic trên cơ sở mà Chapa Chökyi Sengey đã đưa ra các quy tắc và phong cách tranh biên mà chúng ta đang sử dụng ngày nay. Phương pháp này được giới thiệu vào thế kỷ thứ 8 khi Hoàng Đế Songtsen Gampo thỉnh Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đến Tây Tạng. Chúng ta đã giữ gìn và duy trì cho nó được sống còn kể từ đó.
Gần đây, tôi đã gặp được những người từ khắp các vùng của Hy Mã Lạp Sơn, những người đã quyết tâm biến những ngôi Chùa và Tu viện của họ trở thành những trung tâm học tập. Tôi muốn nhắc nhở quý vị rằng việc nghiên cứu về Phật giáo không chỉ giới hạn ở chư Tăng Ni, mà nó còn có nghĩa là dành cho tất cả mọi người. Ở đây tại Tu viện này, quý vị đã có một chương trình học tập rất mạnh mẽ. Tôi đề nghị quý vị giới thiệu những cơ hội để dạy cho người dân địa phương, bắt đầu với các chủ đề được thu thập, sử dụng một vài bản Kinh văn tóm tắt các chủ đề này và về sự hoạt động của tâm thức. Điều này sẽ rất hữu ích."
Vị thầy trưởng của Tu viện đã báo cáo với Ngài rằng họ đã lên kế hoạch giảng dạy ở bảy địa điểm khác nhau gần đó.
Ngài nói rõ rằng: “Tôi không muốn quý vị cải Đạo, cũng không hề cho rằng Phật giáo là tốt hơn bất kỳ truyền thống tâm linh nào khác. Những người theo trường phái Duy Tâm thì nghĩ rằng quan điểm của họ là tốt nhất, nhưng đối với những người nghiêng về trường phái Trung Quán, thì họ dường như bị rơi vào biên kiến thái cực. Đức Phật đã dạy những quan điểm khác nhau tuỳ theo những căn cơ khác nhau của các đệ tử của Ngài.
Về mặt triết học, Phật giáo là một truyền thống sâu sắc; và sự dựa trên lý trí và logic của chúng ta đã cho phép chúng ta tham gia vào các cuộc đối thoại hiệu quả với các nhà khoa học hiện đại. Tôi khuyến khích Phật tử ngày nay là Phật tử của thế kỷ 21, nên sử dụng lý trí và đi theo con đường của sự thông minh.
Quan sát tỉ mỉ các bức tranh tường trên bức tường phía sau của ngôi Chùa, Ngài đã lưu ý về một bức tranh mô tả về Thần Nechung, Dorje Drakden ở một bên cánh cửa và Mười Sáu vị A La Hán ở phía bên kia. Ngài hỏi liệu có bất kỳ tài liệu tham khảo nào về họ trong Luận Tạng hay không, và được cho biết là có, nhưng chúng không rõ ràng. Ngài nhận xét rằng Mười sáu vị La hán được coi là những Vị bảo vệ truyền thống Phật giáo và vì thế nên được coi là Tỳ Kheo, trong khi họ lại thường được mô tả trong những chiếc Y của Trung Quốc. Theo sự hộ trì giáo Pháp của Đức Phật thì phải bao gồm cả kinh điển và kinh nghiệm. Vì vậy, việc phụng sự bảo tồn nó phải có liên quan đến cả việc học tập và thực hành.
Ngài nhớ lại một câu nói rằng, nếu bạn là tái sinh thực sự của một Lạt ma, thì bạn sẽ có thể đóng góp cho Giáo Pháp. Khi ai đó đã được công nhận, nhưng lại lừa gạt người khác với vẻ phong thái bên ngoài trang nghiêm, mà hóa ra là một sự ô nhục, điều đó thật đáng buồn.
Liên quan đến những bản Kinh văn “Các giai trình của Đạo Giác Ngộ”; đặc biệt là các bản văn “Con đường Phúc Lạc” và “Con đường Nhanh chóng” của Panchen Rinpoche; Ngài đã quan sát thấy rằng, họ dường như dẫn dắt các đệ tử đi qua một con đường dành cho những người kém thông minh hơn. Ngài nói, “Các giai trình của Đạo Giác Ngộ” thật ra vẫn chưa đủ. Cần phải hiểu những điều Đức Phật đã dạy trên cơ sở của Nhị Đế, Tứ Diệu Đế và các đặc tính của Tam Bảo - như được trình bày trong ‘Hiện Quán Trang Nghiêm luận’. Ngài nhắc lại rằng trong quá khứ, người Tây Tạng dường như đã đi theo những con đường dành cho những người có căn cơ trì độn.
Học hỏi nghiên cứu và tranh biện là điều quan trọng. Trước tiên, quý vị cần phải học hỏi nghiên cứu, sau đó quý vị nên suy ngẫm về những gì mà mình đã học, cả ngày lẫn đêm, cho đến khi quý vị đạt được niềm tin chắc chắn. Đây không phải là một trường hợp khẳng định những gì bạn đọc bởi vì đó là những gì bậc Thầy đã dạy cho bạn. Bạn cần phải suy ngẫm lại nhiều lần, sử dụng lý luận gấp bốn lần. Suy ngẫm cho đến khi bạn có được một niềm tin chắc chắn rằng không còn có sự lựa chọn nào khác. Giải quyết được mọi nghi ngờ của bạn và áp dụng niềm tin bất thối trong bạn. Tích luỹ công đức và trí tuệ. Chính nhờ sự nghiên cứu, suy tư và thiền định mà Jé Rinpoche đã liễu ngộ được trí tuệ về Tánh Không.
“Khi sự thiền định Nhất tâm của Ngài tăng trưởng, Ngài đã có những linh kiến về Đức Văn Thù Sư Lợi. Điều này đã xảy ra đầu tiên tại Gadhong và Ngài đã đặt câu hỏi cho Đức Văn Thù. Tuy nhiên, Ngài cảm thấy sự trả lời ngắn gọn súc tích của Đức Văn Thù rất khó hiểu. Khi Ngài đề cập đến điều này, Đức Văn Thù đã khuyên Ngài nên thực hành sự tịnh hoá và tích lũy. Sau đó, Jé Rinpoche có linh kiến về Ngài Long Thọ và năm đệ tử của Ngài. Trong số những vị ấy, Ngài Phật Hộ đã bước đến và chạm vào đầu Jé Rinpoche bằng một cuốn sách. Ngày hôm sau, Ngài nhận được một bản luận giải của Ngài Phật Hộ về “Trí tuệ căn bản Trung Quán Luận” của Ngài Long Thọ. Je Rinpoche đã đọc nó, và người ta nói rằng, khi Ngài đọc đến chương 18 thì Ngài đạt được tuệ giác. Thukhen Chökyi Nyima cho rằng một phần khác của cuốn sách là điều mà Ngài đã đạt được tuệ giác.
“Những gì chúng ta được biết là Jé Rinpoche đã tham gia vào sự học hỏi nghiên cứu, suy tư và thiền định; và đã tăng cường điều này bằng những sự thực hành về tịnh hoá và tích lũy.
“Đối với bản thân tôi, tôi đã suy ngẫm về tánh Không từ khi tôi 15 tuổi, tức là trong khoảng 70 năm. Khi tôi nhận được một sự giải thích về "Nhập Bồ Tát Hạnh” từ Khunu Lama Rinpoche, điều đó thực sự rất hữu ích đối với tôi trong sự thực hành về Bồ đề tâm. Dĩ nhiên tôi thực hành bổn tôn Du Già, nhưng trọng tâm chính của tôi là trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tánh không. Nếu tôi nỗ lực tôi có thể đạt được một số kinh nghiệm. Nếu bạn cố gắng, bạn cũng có thể thành công. Đó là tất cả những gì tôi cần nói, xin cảm ơn quý vị!
Sự kiện này được kết thúc bằng sự trì tụng lời cầu nguyện của Trulshik Rinpoche thuật lại các hóa thân của Đức Quán Thế Âm ở Ấn Độ và Tây Tạng, lời cầu nguyện Đức Thiên Nữ Cát Tường, lời cầu nguyện Đức Phật Vô Lượng Thọ, ‘Lời Chân Thật’ và lời cầu nguyện cho sự hưng thịnh của Giáo Pháp.
Chư Tăng của Tu viện đã tập hợp quanh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma để chụp ảnh với Ngài, các tình nguyện viên và những người khác ở ngoài sân cũng vậy. Ngài đã vẫy tay chào đám đông người đang chen lấn về phía cổng để được nhìn thấy Ngài. Ngày mai, Ngài sẽ rời Manali để lên đường đến Delhi.