Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến phòng khách tại Dinh thự của Ngài sáng nay, Ngài đã chắp đôi tay lại và mỉm cười chào hỏi trước những gương mặt trẻ trên màn hình trước mặt. Người điều hành - cô Weenee Ng thuộc Trung tâm Phật giáo Tây Tạng Singapore, đã chào Ngài và thưa với Ngài rằng - ngoài hơn 700 người tham gia từ Đông Nam Á, họ còn có ba vị khách quý: Ông Kishore Mahbubani - Hội viên nổi tiếng tại Viện nghiên cứu châu Á, từ Singapore; Giáo sư Imtiaz Ahmed Shaukat Yusuf - Phó Trưởng khoa tại Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia; và Giáo sư Kamar Oniah Kamaruzaman - Nhà sáng lập và đồng thời là Giảng viên tại Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia.
Cô Ng đã nhận xét khi giới thiệu về cuộc đối thoại: “Sự bùng nổ của vi rút corona đã tạo nên sự thay đổi trên thế giới và làm tăng thêm sự lo lắng và sợ hãi. Nhiều người phải đối mặt với nạn thất nghiệp. Thế giới đã trở nên phức tạp hơn và phụ thuộc lẫn nhau hơn. Hôm nay, hơn 700 thanh niên từ tám quốc gia Đông Nam Á đang tham gia vào cuộc đối thoại trực tuyến này. Chúng con hy vọng sẽ đặt ra một số câu hỏi trình lên Ngài; nhưng trước tiên con xin phép được hỏi về lời khuyên của Ngài dành cho giới trẻ ngày nay là gì ạ?
“Xin cảm ơn quý vị! Tôi rất cảm kích những nỗ lực của tất cả các nhà tổ chức đã tạo nên cơ hội này!” - Ngài đã trả lời. “Trước hết, tôi muốn chia sẻ với quý vị về ý tưởng rằng, là con người - tất cả bảy tỷ người trong chúng ta đều như nhau. Theo quan điểm của Phật giáo, tất cả chúng sinh đều giống nhau ở điểm: tất cả đều khát khao hạnh phúc và xa lánh khổ đau. Con người thì có trí thông minh; nhưng khi trí thông minh của chúng ta lại kết hợp với những cảm xúc tiêu cực thì có thể dẫn đến kết quả sẽ bị hủy diệt. Chúng ta phát triển khoa học và công nghệ; nhưng chúng ta lại để dành chúng cho chiến tranh và hủy diệt, đã tạo ra những loại vũ khí đáng sợ hơn bao giờ hết. Các loài động vật khác không thể làm được điều này.
Khi những bộ não tuyệt vời của chúng ta bị sự kiểm soát của những cảm xúc tiêu cực thì chúng ta đã tạo ra những vấn đề rắc rối cho chính mình. Do vì chúng ta cũng có khả năng làm giảm thiểu chúng, cho nên ta phải có trách nhiệm giải quyết những vấn đề này.
Một số nhà khoa học đã nói rằng, bản chất cơ bản của con người vốn dĩ là từ bi. Chúng ta thuộc loại động vật xã hội. Ta có ý thức về cộng đồng. Ngay từ lúc được sinh ra, chúng ta đã quen với ý tưởng quan tâm đến người khác; và sự tích cực trau dồi lòng vị tha đã mang đến cho chúng ta năng lượng.
Cam kết đầu tiên của tôi là khuyến khích người khác đánh giá cao rằng - Lòng vị tha - quan tâm đến người khác - đó chính là một phần bản chất của chúng ta. Trong thế giới ngày nay, có quá nhiều sự phân chia. Sự suy nghĩ đến người khác về phương diện ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’ đã trở nên quá phổ biến; và điều đó đã dẫn đến sự xung đột. Chúng ta cần phải liên tục nhắc nhở bản thân mình về tính đồng nhất của nhân loại. Nếu chúng ta làm điều đó thì sẽ không có chỗ cho sự thù địch hay đổ máu.
Hãy tưởng tượng rằng mình đang bị lạc ở một nơi xa xôi nào đó; và đột nhiên nhìn thấy có ai đó đang tiến về hướng mình từ phía chân trời. Bạn sẽ không quan tâm đến chủng tộc, quốc tịch hay đức tin tôn giáo của họ, mà bạn chỉ đơn giản là tràn ngập niềm vui khi được gặp một người khác. Về cơ bản con người chúng ta là như nhau. Chúng ta sinh ra theo cùng một cách và cũng sẽ chết đi theo cùng một kiểu. Cho nên ta cần phải nhớ đến tính đồng nhất đã gắn kết chúng ta lại với nhau. Nhắc nhở cho những người khác về điều này chính là cam kết đầu tiên của tôi.
Thứ hai, tôi đã cam kết thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Truyền thống tôn giáo của chúng ta đã phát triển hàng ngàn năm qua. Tất cả các tôn giáo đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương và sự tha thứ. Họ theo những quan điểm triết học khác nhau. Một số người tin vào một Đấng sáng tạo; những người khác thì chú trọng vào trách nhiệm của chính mình đối với nhân duyên của mình. Các nhà khoa học đã mô tả các sinh vật đầu tiên xuất hiện từ biển cả; và trải qua một quá trình tiến hóa; cuối cùng đã tạo ra bộ não tuyệt vời của con người.
Vì các tôn giáo cùng chia sẻ một thông điệp chung về tầm quan trọng của tình yêu thương, thế nên sự hòa hợp có thể được phát triển giữa các tôn giáo. Ở Ấn Độ, chúng ta có thể thấy được tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đều có thể sống bên cạnh nhau. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này là một ví dụ điển hình sống động cho thấy rằng - sự hòa hợp giữa các tôn giáo là điều khả thi.
“Thứ ba, tôi là người Tây Tạng - một người mà nhân dân Tây Tạng đã đặt niềm hy vọng và sự tin tưởng của họ vào đó. Đối với Tây Tạng, một trong những mối quan tâm chính của tôi là bảo tồn ngôn ngữ Tây Tạng. Đây là ngôn ngữ mà chúng tôi đã dịch được hơn 300 tập văn học Phật giáo từ các nguồn tiếng Phạn và tiếng Pali. Chúng tôi đã nghiên cứu và thiền định về kiến thức mà những dịch phẩm này đã hàm chứa. Kiến thức này, xuất phát từ Truyền thống Nalanda mà Ngài Tịch Hộ đã truyền sang Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám, tôi coi đó là một phần quý giá của di sản nhân loại của chúng ta. Logic và triết lý mà nó hàm chứa không hề bị giới hạn trong truyền thống tôn giáo, mà nó có thể được nghiên cứu một cách đầy lợi ích từ quan điểm học thuật khách quan.
“Tôi cũng quan tâm đến môi trường tự nhiên của Tây Tạng. Một số con sông lớn của châu Á bắt nguồn từ trên cao nguyên Tây Tạng, cung cấp nguồn nước chủ yếu cho Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc, v.v. Vào lúc này - khi mà sự nóng lên của toàn cầu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn - thì hệ sinh thái của Tây Tạng cần phải được bảo vệ - đó là điều vô cùng quan trọng.
Bằng cách nhắc lại rằng - kiến thức được giữ gìn ở Tây Tạng có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, Ngài đã đề cập đến một cam kết nữa để khuyến khích sự quan tâm đến kiến thức ấy trong bối cảnh Ấn Độ hiện đại. Ngài nhấn mạnh rằng, Ngài ít quan tâm đến Niết bàn hay những kiếp lai sinh tốt đẹp, mà là quan tâm nhiều hơn đến khả năng của giới trẻ Ấn Độ để đào tạo và mài giũa tâm thức của họ ngay bây giờ và ở đây. Ngài cũng dành thời gian để ca ngợi truyền thống Ấn Độ cổ xưa về karuna (lòng từ bi) và ahimsa (bất bạo động). Ngài nhấn mạnh vai trò quan trọng mà tinh thần bất bạo động có thể đóng góp cho thế giới ngày nay.
Ngài đã lên tiếng thuyết phục rằng, ở Ấn Độ - kiến thức Ấn Độ cổ đại về phương cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc có thể được kết hợp với lợi ích của sự phát triển vật chất.
Các anh chị em thanh thiếu niên! Xin hãy nghĩ về bốn cam kết này của tôi! Và nếu như chúng có vẻ hữu ích đối với quý vị thì xin hãy chia sẻ chúng với những thanh thiếu niên khác! Trong thế giới ngày nay, có quá nhiều người chỉ ấp ủ những mục tiêu về vật chất. Họ theo đuổi niềm khoái lạc giác quan, mà thờ ơ với việc tập làm quen với ý thức tinh thần đang tiềm ẩn bên trong của chính mình. Bằng cách chú ý nhiều hơn đến các giá trị nội tâm, thì họ sẽ đạt được sự an lạc nhiều hơn.
Người đặt câu hỏi đầu tiên đến từ Thái Lan; và đã hỏi về lòng từ bi đối với chính mình cũng như lòng từ bi dành cho người khác.
Ngài đã trả lời: “Khi chúng ta được sinh ra, mẹ là người đã thể hiện lòng từ bi dành cho chúng ta. Đây là một phản ứng rất tự nhiên không hề liên quan gì đến sự thực hành tâm linh. Nếu không có lòng tốt đó của mẹ - chúng ta sẽ không thể tồn tại. Vì vậy, cuộc sống của chúng ta đã được bắt đầu với một sự trải nghiệm về lòng từ ái và tâm bi mẫn. Lúc chúng ta lâm chung, được bao quanh bởi vàng bạc và đồ trang sức cũng chẳng thể an ủi ta được gì cả, nhưng sự quan tâm chăm sóc của gia đình và bạn bè xung quanh đã giúp chúng ta cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn. Điều này cho thấy được lòng từ bi có thể trở nên quan trọng đến mức nào!
Một người đến từ Hồng Kông đã hỏi rằng - muốn biết làm thế nào để giới trẻ có thể đối phó với những sự quấy rối về tinh thần qua mạng internet đến nỗi dẫn đến tình trạng họ tự làm tổn hại bản thân mình hoặc tìm đến cách tự tử. Ngài đã nói với cô ấy rằng, là con người - chúng ta có trí thông minh; và chúng ta có thể đánh giá và lựa chọn những gì cần phải thực hiện một cách nghiêm túc. Ngay cả Đức Phật cũng khuyên các các đệ tử của Ngài:
“Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ”.
Ngài nói rằng là một Phật tử, một đệ tử của Truyền thống Nalanda, Ngài thấy thật vô cùng hữu ích khi chúng ta luôn đặt nghi vấn ‘Tại sao?’
Ngài khuyên các bạn trẻ nên sử dụng trí thông minh của mình để điều tra tìm hiểu những tình huống mà họ đang gặp phải. Bằng cách đó, họ có thể tự tin trong việc tìm ra con đường đúng đắn để tiếp bước.
Ngài nói với họ rằng: Tôi đã 85 tuổi rồi. Vào độ tuổi 14, 15 tôi đã bị mất đi quyền tự do của mình. Đến năm 24 tuổi, tôi bị mất đi Tổ quốc của mình. Kể từ năm 1959, Tây Tạng ngập tràn trong đau khổ, nhưng khi những tình huống khó khăn xảy ra, tôi luôn suy nghĩ thật kỹ về nó trước khi quyết định mình phải làm gì, vì vậy tôi không bao giờ hối tiếc. Tây Tạng và Ấn Độ đã có mối liên hệ chặt chẽ từ quá khứ; và ngày nay, Ấn Độ là một quốc gia dân chủ; vì vậy trong suốt 60 năm qua, tôi đã được tận hưởng sự tự do mà tôi đã tìm thấy được ở nơi đây.
Một thanh niên đến từ Malaysia đã giải thích rằng công việc của mình hiện đang bị đình chỉ, và hỏi Ngài rằng đây có phải là do nghiệp báo xấu hay không. Ngài nói với cậu ta rằng, con đang còn trẻ, và có cả một tương lai dài ở phía trước. Chẳng có lý do gì để con phải đánh mất đi niềm hy vọng cả! Nếu con giữ được cảm giác tự tin thì con sẽ vượt qua được những khó khăn một cách dễ dàng hơn!
Khi một phụ nữ trẻ từ Singapore hỏi về tầm quan trọng của tôn giáo đối với các thành viên thuộc thế hệ của cô ấy, trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai gần; Ngài đã trả lời rằng, cho dù là có tôn giáo hay không, nhưng nếu con mỉm cười, thì người khác sẽ vui vẻ. Điều quan trọng là cần phải có một trái tim ấm áp nhân hậu. Ngài gợi ý rằng, các thành viên trong thế hệ của cô đang có cơ hội để bù đắp những thiếu sót của nền giáo dục hiện đại - bằng cách phát triển những giá trị nội tâm và học cách xử lý những cảm xúc tiêu cực để tìm ra sự bình yên trong tâm hồn cho chính mình.
Một bạn trẻ Việt Nam đã nêu lên một thực tế rằng, tất cả chúng ta - ai cũng sẽ phải chết, và hỏi làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi của cái chết. Ngài nhắc cô ta rằng, ngay cả Đức Phật cũng phải nhập diệt - cũng như tất cả các học giả và các bậc thánh nhân ra đời sau Ngài cũng đã phải trải qua cái chết. Tất cả chúng ta đều sẽ phải chết, điều quan trọng là phải có một cuộc sống đầy ý nghĩa trong lúc chúng ta đang còn sống. Ngài nhấn mạnh rằng, ngay cả khi bạn sẽ chết vào tuần tới, nếu trong thời gian đó, bạn có thể chia sẻ những giá trị nhân văn sâu sắc với bạn bè của mình, thì đến lúc chết, bạn sẽ có thể chết mà không hề hối tiếc.
Ngài nói với một phụ nữ trẻ đến từ Indonesia - người muốn biết nhiều hơn về việc trưởng dưỡng hạnh phúc nội tâm - rằng: hiện nay nền giáo dục hiện đại không đề cập nhiều đến vấn đề tâm thức và phương pháp để có được sự an lạc nội tâm. Ngài gợi ý rằng nên kết hợp những lợi ích của sự phát triển vật chất với việc tìm hiểu phương cách hoạt động của tâm thức. Ngài nói, như khi cơ thể chúng ta bị bệnh - ta cần sử dụng một phương thuốc thích hợp; thì sự tìm kiếm niềm an lạc nội tâm cũng liên quan đến việc học cách để hiểu biết phương thức vận hành của tâm thức và cảm xúc.
Ngài nói: “Người Châu Á có truyền thống thực hành thiền định - cả về thiền chỉ lẫn thiền quán. Nếu quý vị có thể thiền định hoàn toàn thuần tịnh trong tâm thức, không bị chi phối về giác quan, điều đó có thể rất hiệu quả. Sự tập trung nhất tâm của thiền chỉ sẽ cho ta sức mạnh tinh thần để sau đó chúng ta có thể áp dụng vào thiền quán.
“Vật lý lượng tử đã phân biệt giữa sự xuất hiện và thực tế. Hầu hết cảm xúc của chúng ta đều tập trung vào vẻ bề ngoài, vì vậy chúng ta có thể giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình bằng cách tìm hiểu đào sâu vào thực tế. Khi quý vị nhận ra rằng, tất cả những thứ ở dạng vật chất đều bao gồm các hạt phân tử, thì nó sẽ làm suy yếu đi cơ sở của sự tham luyến. Khái niệm về ‘shunyata’ hay ‘tánh không’ - giống như sự giải thích của vật lý lượng tử - đã cho chúng ta biết rằng - không có gì tồn tại giống như sự xuất hiện của nó.
Một phụ nữ trẻ người Singapore đã nêu lên một câu hỏi về việc thúc đẩy sự hòa hợp xã hội khi đối mặt với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Ngài nhắc lại rằng, thật không may là các hệ thống giáo dục hiện tại đã tập trung chủ yếu vào sự phát triển về vật chất. Họ ít tạo ra cơ hội để tìm hiểu về tâm thức. Khi mà sự khác biệt về chủng tộc, quốc tịch và đức tin tôn giáo xuất hiện, thì tôn giáo có thể sẽ trở thành nguyên nhân gây ra sự chia rẽ. Ngài nhận xét, ngay cả trong Phật giáo, chúng ta phân biệt truyền thống tiếng Phạn và tiếng Pali; Kinh điển và Mật tông, mũ Vàng và mũ Đỏ, trên cơ sở đó - chúng ta chấp vào “tín ngưỡng của tôi” và “tôn giáo của tôi”. Ngài chỉ ra rằng, thỉnh thoảng, sự khác biệt tôn giáo bị thao túng vì lý do chính trị bởi những người có quyền lực. Giải pháp cho vấn đề này chính là sự tập trung vào tính đồng nhất của nhân loại và luôn nhắc nhở bản thân rằng sự thực hành tôn giáo là vấn đề lựa chọn cá nhân.
Ngài nhắc lại rằng, tất cả chúng ta đều là những người anh chị em của nhân loại; chúng ta phải sống cùng với nhau. Những mối liên hệ cá nhân rất quan trọng. Chẳng hạn như ở Ladakh, người Hồi giáo, Phật giáo và Cơ đốc giáo là bạn bè của nhau. Trong thế giới Ả Rập - nơi mà hầu hết mọi người đều theo đạo Hồi, ở đó, ít quen thuộc với những người có đức tin khác. Thể theo sự đề nghị của tôi, bạn bè tôi ở Ladakh đã triệu tập một cuộc hội nghị của người Hồi giáo ở Delhi và những người đại diện đến từ Iran. Nếu như một cuộc hội nghị như thế trở thành một sự kiện thường niên thì đó quả là một điều rất tốt.
Ngài giải thích cho một thanh niên Indonesia rằng, mọi người đều yêu quý bản thân mình, vì vậy - ở một mức độ nào đó - mọi người đều có sự ích kỷ. Tuy nhiên, mỗi cá nhân đều phụ thuộc vào cộng đồng của họ; thế nên, cách tốt nhất để chăm sóc bản thân mình - chính là quan tâm đến người khác. Người nông dân săn sóc đất đai của họ, không phải vì bất kỳ cảm xúc tình cảm nào, nhưng vì kế sinh nhai của họ phụ thuộc vào nó. Cũng vậy, bất cứ niềm hạnh phúc nào mà chúng ta trải qua, cũng đều phụ thuộc vào người khác.
Một thanh niên Singapore muốn biết về lợi ích của việc nghiên cứu Phật giáo nếu chúng ta không phải là Phật tử; và Ngài đã cho biết rằng, chúng ta có thể sử dụng logic và tâm lý của Truyền thống Nalanda ở mức độ học thức. Chẳng hạn như, những phương pháp của nó có thể được sử dụng một cách đơn giản là để giúp cho tâm trí trở nên nhạy bén hơn.
Ngài đã trả lời câu hỏi của một người Malaysia khác, bằng cách chỉ ra rằng - tâm thức và cảm xúc của chúng ta không phải được tạo ra bởi một cỗ máy. Thế nên, nền giáo dục cần phải cung cấp kiến thức về thế giới nội tâm của tâm thức và cảm xúc của chúng ta.
Ngài phát biểu rằng, trước kia, các chuyên gia chỉ coi các chức năng của bộ não là quan trọng, nhưng đến cuối thế kỷ 20 này, nhiều người đã bắt đầu thừa nhận rằng có nhiều điều hơn thế nữa! Nhà thần kinh học Richie Davidson đã thực hiện các thí nghiệm cho thấy những thay đổi có thể được nhìn thấy trong não bộ của những người có kinh nghiệm về thiền định. Việc phát hiện ra sự khả biến thần kinh cho thấy rằng sự rèn luyện tâm thức đã ảnh hưởng đến những thay đổi trong não bộ. Do đó, ngày càng có nhiều người chú ý đến chủ đề rộng lớn của tâm thức.
“Thiền định có thể giúp chúng ta học cách sử dụng tâm thức của mình. Chúng ta có thể học cách tập trung vào các chủ đề khác nhau để phân tích chúng, điều này có thể rất mạnh mẽ. Những cảm xúc tiêu cực được hình thành trong sự vô minh; vì vậy, có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về thực tế thì có thể giúp chúng ta đối trị được với sự vô minh ấy. Nếu có thể giới thiệu sự thực hành thiền định ở trường học thì sẽ rất hữu ích, bởi vì sự tập trung và phân tích được cải thiện thì sẽ lợi lạc vô cùng.
“Tôi thực hành thiền phân tích mỗi ngày; và theo kinh nghiệm của tôi thì nó rất hiệu quả. Chẳng hạn như, tôi đọc “Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận” của Đức Long Thọ mỗi ngày; và thấy rằng nó rất hữu ích khi suy ngẫm về những gì mà mình đã đọc. Tôi bắt đầu việc học hành của mình lúc tôi bảy hoặc tám tuổi, học thuộc lòng các bản kinh văn cổ điển. Hiện giờ tôi đã 85 tuổi, nhưng tôi vẫn đọc và học hỏi bất cứ khi nào tôi có thể. Những gì quý vị cần làm là đọc, suy ngẫm về những gì mà mình đã đọc cho đến khi quý vị thực sự hiểu nó; và sau đó làm quen với những gì mà mình đã hiểu; cho đến khi quý vị có được trải nghiệm chắc chắn về nó.
Suy ngẫm qua nhiều năm về việc không hề có một pháp nào có thể tồn tại một cách độc lập cả; và quán chiếu kiên định về lòng vị tha đã chuyển hoá tâm thức của tôi.
Khi một trong số những giáo viên gợi ý rằng có quá ít sự hiểu biết lẫn nhau giữa các truyền thống tôn giáo, Ngài đã đề nghị nên tạo những cơ hội thảo luận giữa các đại diện của họ. Một giáo viên khác nói rằng, về mặt kỹ thuật, chúng ta có khả năng xóa đói giảm nghèo nhưng tại sao chúng ta lại thất bại về điều đó. Ngài đã trả lời rằng khoảng cách giữa giàu và nghèo vô cùng nghiêm trọng. Có nạn đói xảy ra ở Châu Phi, mà thậm chí ngay cả ở Ấn Độ, trong khi có những triệu phú giàu có nhưng vẫn còn nhiều người khác đang rất nghèo khổ. Ngài khuyên rằng, những người có cuộc sống khá giả hơn nên giúp đỡ bằng cách cung cấp những cơ sở vật chất và tạo cơ hội cho người nghèo để họ có thể cải thiện số phận của mình.
Ngài đã ca ngợi mục tiêu xã hội chủ nghĩa là bình đẳng hơn, nhưng gượng gạo nhận xét rằng - mặc dù Trung Quốc - trên danh nghĩa là một hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhưng khoảng cách giữa giàu và nghèo là rất lớn.
Cuối cùng, một phụ nữ trẻ người Malaysia đã hỏi rằng, thanh thiếu niên có thể đóng vai trò gì trong việc làm cho thế giới trở nên hạnh phúc hơn. Ngài trả lời rằng, mặc dù hệ thống giáo dục hiện tại không phù hợp, nhưng giới trẻ có thể chú ý nhiều hơn đến các giá trị nội tâm và phương pháp để giải quyết những cảm xúc tiêu cực với mục đích đạt được sự an lạc nhiều hơn.
Cô Weenee Ng - người điều phối chương trình - đã cảm ơn Ngài và thỉnh cầu Ngài giữ gìn sức khỏe tốt. Ngài trả lời rằng, là một hành giả Phật giáo, Ngài đã cống hiến cả thân, khẩu, ý của mình cho lợi ích của tha nhân; vì vậy Ngài luôn sẵn sàng giúp đỡ. “Hiện nay, công nghệ ngụ ý là - tôi có thể vẫn ở nơi tôi đang ở, nhưng vẫn chia sẻ được kinh nghiệm của mình với quý vị. Xin cảm ơn! Hẹn gặp lại!”