Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - Thời tiết ở Bồ Đề Đạo Tràng đã trở nên lạnh lẽo và một màn sương mù lơ lửng trong không gian khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến khuôn viên Kalachakra sáng nay. Như thông lệ, Ngài đã dành thời gian để gặp gỡ trực tiếp với càng nhiều người càng tốt trong số những người xếp hàng trên con đường Ngài đang đi. Từ khán đài, Ngài vẫy tay chào khán giả và họ đã vẫy tay đáp lại. Ngài đã chào đón nhiều vị Lạt ma và những vị khách khác trước khi lên Pháp toà. Trước khi an toạ, Ngài nhìn nhận một loạt các bức tranh thiêng liêng được treo ở phía sau và xung quanh khán đài.
Tám vị Tăng sĩ từ Tu viện Hoàng gia Thái Lan, do vị Tu viện trưởng của họ là Trưởng lão Thái Lan ở Ấn Độ, đã nhanh chóng an toạ trước Pháp Toà và tụng Kinh “Hạnh Phúc” bằng tiếng Pali. Tiếp theo sau đó là một nhóm gồm mười Tăng Ni và Phật Tử Nhật Bản tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Nhật. Sau đó là mười một Tăng Ni và Phật tử người Mông Cổ tụng “Bát Nhã Tâm Kinh” bằng tiếng Mông Cổ.
Ngài tuyên bố: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt tôi sẽ ban quán đảnh Pháp Luân Văn Thù mà tôi đã bắt đầu từ năm ngoái. Tôi hy vọng lần này sẽ truyền hoàn tất những Pháp Luân còn lại.
Những giáo lý này được truyền đến với chúng ta từ Lama Umapa, Pawo Dorjé - người mà ngay từ lúc còn là một cậu bé chăn cừu, đã có linh kiến về Đức Văn Thù. Tôi đã nhận được sự ban truyền từ Tagdrak Rinpoche.
“Kính lễ Đức Văn Thù Sư Lợi,
Với khuôn mặt dáng vẻ trẻ trung,
Có trí tuệ rạng ngời sáng chói,
Xua tan bóng tối của tam giới”.
Đây không phải là đề cập đến bóng tối vật lý, mà là bóng tối của vô minh.
Đối với những người theo tôn giáo thần học, đức tin vào Chúa là đã đủ, nhưng những người trong số chúng ta không tin vào Chúa thì cần phải sử dụng trí thông minh của mình một cách triệt để. Để chuyển hoá tâm thức, chúng ta cần phải phát triển trí tuệ một cách toàn diện, sáng suốt, nhanh chóng và sâu sắc. Sự thực hành để phát triển những trí tuệ này và tăng cường trí thông minh của mình bao gồm việc tham gia vào các nghiên cứu triết học trên cơ sở lý luận và logic, như nhiều Tăng sĩ ở đây - những Tăng Sinh đến từ các Học Viện Phật Giáo - đang thực hiện.
Bậc Viện trưởng vĩ đại Thiện Hải Tịch Hộ, Đức Liên Hoa Sanh và vua Trisong Detsen đã đưa Truyền thống Nalanda vào Tây Tạng. Để duy trì được truyền thống ấy đòi hỏi chúng ta phải sử dụng lý trí và logic - một phương pháp được bảo tồn chủ yếu bởi những người Tây Tạng. Chúng tôi nghiên cứu các bản Kinh văn dưới ánh sáng của logic và sau đó tham gia vào cuộc biện kinh và tranh luận.
Trong khi tôi thực hiện các nghi thức chuẩn bị, quý vị có thể tụng thần chú ‘Om ara patsa na di' của Đức Văn Thù. Khi tôi truyền xong quán đảnh đầu tiên, tôi sẽ tiếp tục các nghi thức chuẩn bị cho lần tiếp theo.
“Những ngày này, khi tôi truyền quán đảnh và các lễ gia trì như thế này, các tiến trình sẽ được phát sóng trực tiếp cho những người ở những nơi xa xôi có thể thọ nhận. Tôi ban truyền những giáo lý này với sự tận tâm và tình yêu thương. Những người xem trực tuyến với niềm tin chân thành và sự tận tâm thì có thể nhận được sự ban truyền. Vào thời Đức Phật, có những lúc những người mộ đạo không thể diện kiến Ngài một cách trực tiếp cho nên sự xuất gia đã được phép thực hiện thông qua trung gian của một thông điệp. Điều khoản này trong Luật Tạng đã đặt ra một tiền lệ tích cực. Pháp Luân Văn Thù này thuộc về Mật tông Du Già cao nhất và những người không có mặt ở đây, những người đang theo dõi với đức tin, cũng có thể nhận được nó.
Tất nhiên, chúng ta đã có được cuộc sống của con người, và chúng ta không muốn khổ đau. Ta chỉ muốn được hạnh phúc, nhưng chúng ta lại không chú ý đến những nguyên nhân làm phát sinh ra khổ đau và không tìm cách vượt qua những khổ đau ấy. Chúng ta cũng không nghĩ nhiều về nguyên nhân của hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta đã gặp được những lời dạy của Đức Phật, một phần của truyền thống Ấn Độ, trong đó quy định những phương tiện kỷ luật tâm thức của chúng ta. Vấn đề chính là việc chúng ta trải qua nỗi đau hay niềm vui đều phụ thuộc phần lớn vào trạng thái tâm thức của chúng ta.
Các kinh điển và Mật điển nói rõ rằng nguyên nhân chính của sự bất hạnh là thái độ ái trọng tự thân, đặc biệt khi nó được kết hợp với quan niệm sai lầm rằng con người và hiện tượng có sự tồn tại cố hữu. Để đối trị với những khuynh hướng này, chúng ta quy y Phật và làm theo những gì mà đã được Đức Văn Thù Sư Lợi, Ngài Long Thọ và các đệ tử của Ngài, cũng như Đức Di Lặc đã tiết lộ. Họ đã trở thành những bậc chứng ngộ nhờ vào việc khắc cốt ghi tâm và thực hành theo những gì Đức Phật đã dạy. Khi tôi tặng cho mọi người những bức tượng của Đức Phật, tôi giải thích rằng Ngài là bậc Thầy của chúng ta. Điều đó làm cho chúng ta trở thành học trò của Ngài, vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu, phải học hành.
Trong quá khứ xa xôi, Đức Phật đã trau giồi Bồ đề Tâm, sau đó tích lũy công đức và trí tuệ trải qua ba A tăng kỳ kiếp. Cuối cùng, Ngài đã đạt được giác ngộ tại nơi Thánh địa đặc biệt này. Đó là Đạo lộ mà chúng ta cũng có thể bắt đầu ngay bây giờ.
Quán đảnh thứ bảy trong Pháp luân này liên quan đến Đức Tara Trắng, bậc mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét là được liên kết trong Mật tông Bí Mật Tập Hội với năng lượng động lực. Ngài cũng lưu ý rằng Drom-tön-pa có mối liên hệ đặc biệt với Đức Tara và cũng mở rộng vòng tay đến với nhân dân Tây Tạng.
Ngày mai, Ngài sẽ ban quán đảnh về Nữ thần Phẫn nộ.