Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến căn phòng trong Dinh thự của Ngài đã được sắp xếp để Ngài tham gia vào cuộc trò chuyện liên kết truyền hình với mọi người trên khắp thế giới. Ngài nhìn lướt qua những khuôn mặt của những người Malaysia tham gia trên màn hình trước mặt mình; Ngài mỉm cười, chào họ và an toạ vào chỗ của mình.
Cuộc trò chuyện về “Bi Mẫn và Từ Ái - Giá trị chung giữa Hồi Giáo và Phật Giáo” đã được tổ chức bởi Phong trào Thanh niên Hồi giáo Malaysia (ABIM) và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tây Tạng (TBCC), Malaysia. Vị Chủ tịch TBCC - Casey Liu - đã chào mừng Ngài và những người tham gia khác. Ông đã mời Muhammad Faisal Abdul Aziz - Chủ tịch ABIM và cũng là người điều hành để bắt đầu buổi đàm thoại. Anh ta bắt đầu bằng lời chào thông thường của người Hồi giáo: “As-salamu alaykum” - và giới thiệu về Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Anh ấy đề cập đến cam kết của Ngài về sự thúc đẩy nhận thức về tính đồng nhất của nhân loại, sự hòa hợp giữa các tôn giáo, việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng và môi trường của Tây Tạng, cũng như sự phục hưng kiến thức Ấn Độ cổ đại.
Tiếp theo, anh ta giới thiệu Giáo sư danh dự Datuk Osman Bakar - người giữ chức Chủ tịch Al-Ghazzali về Nhận thức luận và Nghiên cứu Văn minh tại Viện Quốc tế về Tư tưởng và Văn minh Hồi giáo (ISTAC). Anh mời Giáo sư Osman mở đầu cuộc trò chuyện.
Giáo sư cũng mở đầu bằng câu chào “As-salamu alaykum”, thêm vào bằng câu tiếng Anh, “Kính chúc Ngài an lạc!”. Ông bày tỏ rằng đây là một niềm vinh dự và đặc ân lớn lao khi được tham gia vào cuộc trò chuyện với Đức Ngài. Ông giải thích rằng cuộc gặp gỡ trực tuyến này rất quan trọng đối với Malaysia bởi vì Hồi giáo và Phật giáo là hai tôn giáo lớn nhất trong quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Ông lưu ý rằng mục đích của cuộc đối thoại giữa các tôn giáo như vậy là để xác định những điểm chung của các truyền thống để nuôi dưỡng một nền văn hóa tôn trọng lẫn nhau.
Giáo sư Osman nói rằng lòng Từ Ái là bản chất của Hồi giáo. Từ “Từ Ái” trong tiếng Ả Rập từ Kinh Quran là 'rahmah' và nó có thể được định nghĩa là lòng bi mẫn, tình yêu thương, lòng bác ái, sự tử tế, v.v. Nó có thể so sánh với ý nghĩa của từ ‘karuna’ hoặc “lòng từ bi” đối với các Phật tử; và từ ‘agape’ hoặc “tình yêu thương” biểu thị cho những người theo đạo Thiên Chúa. Ông nói, lòng từ ái là thuộc tính thiêng liêng nhất của Đức Chúa - Đấng được mô tả là 'nhân từ nhất' và 'bi mẫn nhất'. ‘Từ Ái đối với thế giới’ là một trong những thanh danh của Nhà tiên tri Muhammad - người đặc biệt thương xót trẻ mồ côi, người nghèo khổ, kẻ yếu thế và bị áp bức.
Giáo sư Osman cũng nhận xét rằng luật thiêng liêng của Hồi giáo (Shari'ah) được ban cho như sự hướng dẫn và lòng từ ái của Chúa, không phải với ý bắt buộc hay trừng phạt gì cả, mà là với tâm bi mẫn, lòng bác ái và sự nhân từ của Ngài. Giáo sư kết luận rằng, vì tất cả con người đều có hạt giống của bi mẫn và từ ái, cho nên những phẩm chất này là một trong những đặc tính thiết yếu của họ.
Được mời để trả lời, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu, “Trước tiên, thật vinh dự cho tôi khi được gặp gỡ những người Hồi giáo Malaysia. Tôi đã trải qua thời thơ ấu trong ngôi làng nhỏ hẻo lánh của mình, ở đó có những gia đình Hồi giáo giữa những người hàng xóm của chúng tôi. Sau đó, khi tôi đến Lhasa, tôi được biết rằng truyền thống của Chính phủ Tây Tạng là mời đại diện của cộng đồng Hồi giáo đến tham dự tất cả các sự kiện chức năng chính thức. Trong lịch sử, vào thời của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm, một số người Hồi giáo từ Ladakh đã tìm đến Lhasa. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chào đón họ và cấp cho họ một mảnh đất để xây dựng một nhà thờ Hồi giáo.
“Tôi còn có một câu chuyện khác để kể về mối quan hệ của tôi với những người Hồi giáo - ít nhất là nó cũng có phần hệ trọng. Chính phủ Tây Tạng đã cử các phái đoàn đi tìm kiếm sự tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba. Đã có dấu hiệu cho thấy cậu bé được sinh ra ở Amdo. Phái đoàn đến khu vực xung quanh Kumbum - nơi ở của tôi, họ đã lập một danh sách ngắn gồm ba cậu bé. Mẹ tôi nói với tôi rằng một trong số họ đã qua đời. Hai cậu bé còn lại đã thu hút sự chú ý của Ma Bufang - Vị Lãnh Chúa ở đó.
“Mẹ tôi kể lại rằng, khi cậu bé kia được mẹ bồng trên tay đến diện kiến Ma Bufang, cậu ấy đã rất nhút nhát và sợ hãi. Lãnh Chúa đã cho cậu ta mấy viên kẹo, cậu ta đưa tay ra nắm lấy một nắm và quay đi. Khi mẹ tôi đưa tôi đến gặp Lãnh Chúa, tôi có vẻ rất bình tĩnh và chẳng sợ sệt gì cả. Và khi Ông cho tôi kẹo, tôi nhận một chiếc cho mẹ và một chiếc nữa cho mình. Ông nhìn vào mắt tôi và nói, "Cậu bé này là Đạt Lai Lạt Ma". Vì vậy, ta có thể nói rằng, vị Đạt Lai Lạt Ma này lần đầu tiên được công nhận bởi một Lãnh chúa Hồi giáo. Dù sao thì dường như cũng đã có một mối liên hệ đặc biệt nào đó rồi.
“Sau đó, ở Lhasa, tôi biết rằng chư Tăng của Tu viện Namgyal từ Potala đặc biệt thích ghé thăm các cửa hàng của người Hồi giáo. Ở đó họ có thể thu thập thông tin về Ấn Độ và đôi khi được thưởng thức những món ăn Hồi giáo rất ngon.
“Một trong những cam kết của tôi là khuyến khích sự hòa hợp giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta. Lý do đơn giản đối với việc này là tất cả các tôn giáo đều dạy về lòng từ bi. Ý thức quan tâm đến những người khác là một phần của bản chất con người. Cuộc sống của con người phụ thuộc vào việc sinh sống trong một cộng đồng. Khi vừa được sinh ra, ta được nuôi dưỡng bởi tình cảm của mẹ, đó là bước khởi đầu của cuộc sống chúng ta như những sinh vật xã hội.
“Trong thế giới của chúng ta ngày nay, tất cả mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc; và thực sự mọi người đều có quyền có một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, và nhiều vấn đề trong số đó là do chính chúng ta tự gây ra. Nếu chúng ta nhìn sâu hơn một chút, ta có thể thấy rằng lòng nhân ái là chìa khóa cho sự sống còn của chúng ta - và tất cả các tôn giáo đều dạy về đức tính của lòng nhân ái và từ bi”.
Ngài giải thích rằng, các tôn giáo hữu thần thì tin vào Đức Chúa hoặc Thánh Allah - bậc có bản chất là lòng nhân ái. Ở Ấn Độ cũng có những truyền thống lâu đời về bất bạo động và lòng từ bi, cũng như các phương pháp rèn luyện tâm thức trong sự tập trung (định) và sáng suốt (tuệ). Những điều này có thể giúp chúng ta hiểu được cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình. Ngay cả thời kỳ trước khi Đức Phật đản sanh, người Ấn Độ cũng đã khám phá ra cách rèn luyện tâm thức và sử dụng trí thông minh để trưởng dưỡng cảm xúc tích cực và giảm trừ cảm xúc tiêu cực.
Đức Phật đã nhấn mạnh đến lòng từ bi. Tín đồ của Kỳ Na Giáo thì chú trọng về bất bạo động; và nhà tiên tri Muhammad, mặc dù mang theo một thanh kiếm, nhưng đã truyền tải thông điệp về lòng từ ái và giúp đỡ đồng loại của chúng ta. Chúa Giê-su cũng tuyên bố tầm quan trọng của tình yêu thương.
“Ngày nay, chúng ta cần lòng từ bi để tạo nên một thế giới hạnh phúc hơn. Thật không may, trong thời gian gần đây, người ta đã ít quan tâm đến lòng từ bi, nhưng lại nhiệt tình hơn trong việc phát triển vũ khí để tiêu diệt kẻ khác. Chúng ta cần phải học cách phát triển sự bình an trong tâm hồn bằng phương thức thế tục để nuôi dưỡng lòng từ bi. Chúng ta phải học cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình, và tôi gọi đó là giữ gìn vệ sinh cảm xúc.
“Điều quan trọng là chúng ta phải hoạt động để khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo; vì chúng ta vẫn còn thấy quá nhiều trường hợp đánh đập và giết chóc nhân danh tôn giáo. Thật đáng buồn khi những truyền thống có mục đích nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi - lại trở thành nguyên nhân của bạo lực. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giúp đỡ trong việc giải quyết những xung đột như thế. Chẳng hạn như: mặc dù tôi chưa nghe nói về bất kỳ cuộc cãi vã nào giữa truyền thống Shia và Sunni ở Ấn Độ, nhưng tôi tin rằng sự đối kháng như thế đã xảy ra ở nơi khác.
“Là một Tăng sĩ Phật giáo, tôi cam kết khuyến khích sự hòa hợp và tôn trọng giữa các truyền thống tôn giáo.”
Giáo sư Osman trả lời rằng ông hoàn toàn đồng ý với điều đó. Ông hỏi Đức Ngài về điều gì cần được thực hiện để củng cố những điểm chung của các truyền thống tôn giáo. Ngài nói với ông rằng, bắt đầu từ năm 1975, Ngài đã áp dụng thực hành - bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có thể - Ngài đều bày tỏ sự tôn kính của mình tại các địa điểm thờ cúng của các truyền thống khác. Trong dịp đầu tiên đó, Ngài đã ở Sarnath và viếng thăm một nhà thờ, một đền thờ Hồi giáo, cũng như một ngôi đền Hindu và một ngôi chùa Phật giáo.
Một lần khác, ở Rewalsar, Ngài đã đến thăm một số nơi thờ cúng xung quanh một hồ thiêng. Điểm dừng cuối cùng là ở Gurudwara - nơi thờ cúng của người Đạo Sikh. Theo phong tục thì những người hành hương sẽ được ban cho một ít ‘prasad’ hoặc thực phẩm ban phước; và Ngài nhớ đặc biệt đã rất biết ơn về điều đó.
Ngài nói thêm rằng, trong một chuyến viếng thăm Jerusalem, Ngài đã đến thăm các nhà thờ, các đền thờ Hồi giáo và các giáo đường Do Thái; và luôn tỏ lòng thành kính ở mỗi nơi Ngài viếng thăm.
Giáo sư Osman nhận xét rằng, ngày nay, ở mọi nơi đều cần có nhiều lòng từ bi hơn; và ông hỏi nên làm thế nào để phát triển lòng từ bi. Ngài nhắc lại rằng, nếu chúng ta học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực của mình, thì ta sẽ có thể đạt được sự thanh thản trong tâm hồn. Sự tức giận và sợ hãi dẫn đến tình trạng tâm trí bồn chồn. Tuy nhiên, nếu quý vị càng từ bi bao nhiêu, thì tâm trí của quý vị càng được yên tĩnh bấy nhiêu. Ngài khẳng định rằng, về phương diện đạt được sự thanh thản trong tâm hồn thì việc trưởng dưỡng lòng từ bi sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc uống thuốc an thần.
Một số câu hỏi đã được các thành viên của khán giả nêu lên. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến việc làm thế nào để trả lời cho những người hiểu sai giáo lý. Ngài trả lời rằng trong thế giới ngày nay, luôn có thể liên lạc được với những người khác, vì vậy ta có thể học hỏi được từ họ. Trong số các Phật tử, có bốn trường phái tư tưởng có quan điểm triết học khác nhau. Điều mà Ngài cảm thấy quan trọng không phải là nhập thất ở những nơi hẻo lánh, mà là tiếp cận và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các huynh đệ pháp hữu của mình.
Giáo sư Osman gợi ý rằng, điều quan trọng là phải phân biệt giữa những cách giải thích khác nhau về giáo lý và những giải thích sai. Ngài thừa nhận rằng giáo lý có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau.
Một người khác đã hỏi làm thế nào để áp dụng lòng từ bi trong các hoạt động hàng ngày; và làm thế nào để dạy điều này cho trẻ em. Ngài nhận xét rằng trẻ em luôn rất cởi mở. Chúng ít quan tâm đến sự khác biệt bề ngoài giữa những người bạn cùng chơi của mình. Tuy nhiên, khi các cháu đi học thì sự hỗ trợ cho các giá trị nội tâm bị trở nên rất ít; và sự khác biệt thứ yếu giữa mọi người thì trở nên nổi bật. Giáo sư Osman đã trích dẫn Kinh Qur'an dạy rằng, lòng tốt được bắt đầu từ gia đình - nó nói rằng hãy tử tế với cha mẹ và hãy kính trọng họ.
Một câu hỏi đã được nêu lên về “ái trọng tự thân” hay cái “tôi”. Ngài khuyên rằng nên phân biệt giữa sự luyến ái và từ bi. Ngài nói, khi chúng ta bị xúc động bởi sự luyến ái, chúng ta có xu hướng nhìn người khác theo nghĩa ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’. Ngài nói thêm rằng, có sự khác biệt giữa sự xuất hiện bên ngoài và thực tế. Cảm xúc tiêu cực thường nảy sinh trên cơ sở của bề ngoài, trong khi lòng từ bi được hình thành dựa trên sự hiểu biết sâu sắc hơn về thực tế.
“Ngày nay, thế giới phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết, đó là lý do tại sao chúng ta cần có một ý thức sâu sắc về tính đồng nhất của tất cả con người. Chúng ta phải tính đến toàn bộ nhân loại. Chúng ta phải hiểu được điểm chung của chúng ta với mọi người”.
Giáo sư Osman nhận xét rằng Shari'ah cũng ban cho sự hướng dẫn khuyên bảo; sự cầu nguyện có tác dụng làm giảm bớt tâm “ái trọng tự thân”, cũng ban cho sự khuyên bảo về việc ăn chay và ‘zakat’ hoặc hoạt động từ thiện.
Được mời để nói về những gì mà người Hồi giáo và Phật tử có thể học hỏi lẫn nhau, Ngài đề nghị rằng, khi chúng ta nhận thấy có sự khác biệt trong cách tiếp cận, chúng ta nên nhớ đến mục tiêu chung của chúng ta là lòng từ bi. Để củng cố các giá trị nhân văn, chúng ta cần phải sử dụng trí thông minh của con người. Con người ở những thời điểm khác nhau, những nơi khác nhau và theo đuổi những cách sống khác nhau - thì cần những cách khác nhau để củng cố giá trị nội tâm của mình. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Phật tử, người Hồi giáo và những người khác nên tạo cơ hội để gặp gỡ và thảo luận về những cách khác nhau mà họ tiếp cận với những điều này. Giáo sư Osman ủng hộ ý tưởng đối thoại như một phương tiện để thực hiện điều này.
Về cách đưa tình yêu thương và lòng từ bi vào hành động, Ngài nhắc nhở mọi người rằng, hầu như tất cả chúng ta đều bắt đầu cuộc sống của mình dựa trên tình yêu thương và cảm tình của mẹ. Sau đó, khi lớn lên, chúng ta nhận thấy rằng, để có được hạnh phúc, điều quan trọng là chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau. Ngài nhắc lại rằng cam kết đầu tiên của Ngài là chia sẻ với càng nhiều người càng tốt - về nhu cầu đánh giá cao tính đồng nhất của nhân loại.
“Tất cả chúng ta đều giống nhau về bản chất là những con người như nhau. Trong quá khứ, con người và cộng đồng sống tách biệt với nhau; nhưng ngày nay chúng ta gần gũi nhau hơn và ta phải học cách để làm việc cùng nhau”.
Giáo sư Osman đề nghị rằng chúng ta nên nghĩ đến lợi ích chung.
Người điều hành đã cảm ơn Đức Ngài, Giáo sư Osman và tất cả những vị khách mời khác đã đến với cuộc thảo luận này. Casey Liu gửi lời cảm ơn và bày tỏ hy vọng rằng Đức Ngài có thể quang lâm đến viếng thăm Malaysia. Ngài trả lời rằng Ngài mong đợi điều này có thể được khả thi khi những hạn chế liên quan đến đại dịch được dỡ bỏ. Ngài nói rằng nếu làm vậy, Ngài sẽ nhớ đến Tunku Abdul Rahman - nhà lãnh đạo Malaysia - người đã giúp đỡ rất nhiều khi vấn đề Tây Tạng được đưa ra tại Liên Hợp Quốc.
Những lời cuối cùng của Ngài là “Hẹn gặp lại!” khi Ngài mỉm cười và vẫy tay chào những người trên màn hình.