Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được Hội Sáng lập Quốc tế Tiến sĩ APJ Abdul Kalam mời đến ban cho buổi nói chuyện ngắn và trả lời các câu hỏi của sinh viên trên khắp thế giới. Ngài đã được chào đón bởi những người cháu của Tiến sĩ Abdul Kalam và những người đồng sáng lập của Hội. Họ thưa với Đức Ngài rằng họ cảm thấy vinh dự như thế nào khi được tham gia cùng Ngài và các sinh viên qua liên kết truyền hình từ Dinh thự của Ngài. Họ trích dẫn lời của Tiến sĩ Abdul Kalam làm bằng chứng cho ước mơ của Ông về một thế giới hòa bình hơn: “Ở đâu có chính nghĩa trong trái tim, thì ở đó có vẻ đẹp trong nhân cách. Khi có vẻ đẹp trong nhân cách thì trong gia đình có sự hòa hợp. Khi trong nhà hòa thuận, thì quốc gia có trật tự. Khi quốc gia có trật tự, thì thế giới có hòa bình”.
Ngài trả lời: “Các bạn thân mến! Đây cũng là một vinh dự lớn lao cho tôi khi có cơ hội được nhớ đến và nói về Tiến sĩ Abdul Kalam. Khi tôi đến Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 1956, Rajendra Prasad là Tổng thống. Ông đã được nối nghiệp bởi Tiến sĩ Radhakrishnan. Trải qua nhiều năm, tôi đã có cơ hội được gặp gỡ nhiều Vị Tổng thống và Thủ tướng. Trong số đó, có điều thật đặc biệt đối với Tiến sĩ Abdul Kalam. Ngài xuất thân trong một gia đình bình thường, nhưng nhờ vào học hành và sự chăm chỉ, Ngài đã vươn lên trở thành một nhà khoa học lỗi lạc. Ngài là một nhà lãnh đạo hiền lành, chân chính và nghiêm túc.
“Hôm nay, chúng ta có cơ hội tưởng nhớ đến Ngài ấy và nói về nền văn hóa hàng nghìn năm tuổi của Ấn Độ, đặc biệt là phong tục duy trì sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Tiến sĩ Abdul Kalam là một người Hồi giáo, người giữ vị trí cao nhất của đất nước. Và vì tất cả các tôn giáo trên thế giới đều phát triển mạnh mẽ ở đây và cùng chung sống trong sự tôn trọng lẫn nhau, nên Ấn Độ là một tấm gương điển hình sống động cho thấy được sự hòa hợp tôn giáo là điều hoàn toàn có thể khả thi.
“Ấn Độ cũng có truyền thống lâu đời về ‘ahimsa’ và ‘karuna’ - bất bạo động và từ bi - những ý tưởng tuyệt vời. Trong các nghiên cứu của mình, các học giả Ấn Độ đã áp dụng một phương pháp tiếp cận vô cùng hợp lý. Các nhà logic học xuất sắc đã sáng tác các chuyên luận về logic. Ngoài ra, các truyền thống tâm linh của Ấn Độ cũng có những điểm chung là các phương pháp rèn luyện tâm thức, sự tập trung, thiền chỉ - samathi, sự phân tích, thiền quán - vipashyana.
“Việc thực hành tâm từ bi và lòng vị tha có liên quan đến hạnh phúc của con người. Vì nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải đương đầu - là kết quả trực tiếp của việc thiếu lòng từ bi - cho nên ngày nay các khái niệm về ‘karuna’ và ‘ahimsa’ rõ ràng là rất phù hợp. Đây là lý do tại sao một trong những cam kết của tôi là khuyến khích sự hồi sinh về việc quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại, đặc biệt là sự hiểu biết về ý thức và cảm xúc giúp chúng ta đạt được sự bình yên trong tâm hồn.
“Tôi tin rằng, mặc dù phần lớn kiến thức này được tìm thấy trong các bản văn tôn giáo, nhưng nó có thể được sử dụng theo phương cách thế tục - phương cách học thuật. Mỗi con người đều mong muốn hướng đến cuộc sống hòa bình; lòng từ bi và tinh thần bất bạo động là điều quan trọng để họ có thể thực hiện được điều đó.”
Trả lời các câu hỏi của các sinh viên trẻ đến từ các vùng khác nhau trên thế giới; Ngài xác nhận rằng, các thành viên của các gia đình bình thường đều có thể đóng góp cho nền hòa bình thế giới. Ngài trích dẫn tấm gương điển hình của Mahatma Gandhi, với tư cách là một cá nhân, đã tuyên truyền được phương pháp bất bạo động để tạo nên sự thay đổi; trước tiên là ở Nam Phi và sau đó là một phần của cuộc đấu tranh tự do của Ấn Độ. Ông không có lực lượng quân sự hậu thuẫn ở phía sau, nhưng tấm gương mạnh mẽ của ông đã được Nelson Mandela và Martin Luther King noi theo.
“Ý tưởng có thể bắt đầu từ một cá nhân, nhưng nó sẽ lớn dần lên khi được cả nhân loại tiếp nhận. Những người trẻ như các cháu, với một di sản văn hóa phong phú, sẽ có thể tạo nên những đóng góp nhất định cho nền hòa bình trên thế giới”.
Về việc gìn giữ một hành tinh hòa bình, Ngài giải thích rằng, nền giáo dục hiện đại có xu hướng tập trung vào các mục tiêu vật chất, và ít chú ý đến cách nuôi dưỡng sự bình yên trong tâm hồn. Sự chú trọng đương thời vào việc phát triển công nghệ sẽ dẫn đến lòng tham. Ngài gợi ý rằng, nếu cuộc sống của chúng ta chỉ tập trung vào các mục tiêu vật chất; và chúng ta sử dụng bạo lực để bảo vệ chúng, thì sẽ rất khó để tìm thấy được kết quả của nền hòa bình sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 20, nhiều người - bao gồm cả các nhà khoa học - đã bắt đầu quan tâm đến việc làm thế nào để phát triển sự an lạc nội tâm. Một số nhà khoa học đã bắt đầu quan sát thấy những sự thay đổi trong tâm thức có thể ảnh hưởng đến não bộ. Ngài giải thích, “sự an lạc” không liên quan gì đến những ý thức thuộc về giác quan của chúng ta, mà chỉ liên quan đến ý thức tinh thần.
Ngài nói thêm: “Con người chúng ta là loài động vật xã hội với mối quan tâm tự nhiên dành cho cộng đồng mà chúng ta đang sống. Nếu không có lòng từ bi và sự quan tâm của người khác, thì chúng ta không thể tồn tại. Ngay từ lúc được sinh ra - chúng ta đã được mẹ chăm sóc nuôi nấng, và mẹ ta thì cũng được những người thân quyến và hàng xóm chăm sóc giúp đỡ. Lòng từ bi không phải là thứ mà khi lớn lên chúng ta mới học được, mà ngay từ lúc được sinh ra chúng ta đã được trải nghiệm nó rồi.
“Trong thế giới ngày nay, sự tư duy duy vật đã tạo ra rất nhiều vấn đề rắc rối. Ngoài ra, còn có sự nóng lên của toàn cầu và sự biến đổi khí hậu, đó là những điều thực sự cấp bách. Chẳng phải người ta đã báo cáo rằng tháng 9 này là tháng 9 nóng nhất đã được ghi nhận sao? Kinh sách cổ đại đã đề cập đến sự sáng tạo (sinh), tồn tại (trụ) và hủy diệt (diệt) của thế giới; và nếu chúng ta dừng lại để suy nghĩ về điều đó, thì có vẻ như thế giới hiện đang tiến đến sự hủy diệt.
Các chuyên gia nói rằng, “Nếu chúng ta không hành động gì với nó - thì các sông ngòi và ao hồ mà chúng ta đang phụ thuộc vào - nguồn nước sẽ bị khô cạn. Đã đến lúc phải quan tâm nghiêm túc đến hệ sinh thái và hòa bình trên thế giới. Tiếp tục sản xuất vũ khí và tham gia vào chiến tranh là sự tự hủy hoại. Suy nghĩ về người khác theo khía cạnh ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’; và sử dụng vũ lực là hoàn toàn lạc hậu. Chúng ta cần phải dựa vào ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (lòng từ bi). “Hầu hết những vấn đề rắc rối làm phiền chúng ta là do chính chúng ta tự tạo ra. Đây là lý do tại sao điều cần thiết là chúng ta phải học cách thiết lập sự an lạc nội tâm. Một điều rất rõ ràng là - nếu ta luôn ở trong trạng thái tức giận và sợ hãi thì chính điều đó sẽ phá hủy bất kỳ cảm giác an lạc nội tâm nào, trong khi trưởng dưỡng lòng từ bi và quan tâm đến người khác sẽ làm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực này. Tốt hơn hết là hãy sống vị tha và coi hàng xóm của mình như những người anh chị em. Đây là lý do tại sao tôi cố gắng thúc đẩy ý thức về tính đồng nhất của nhân loại.
“Có tồn tại một số sự khác biệt về màu da, đức tin tôn giáo và quốc tịch; nhưng dù đi đến đâu thì tôi cũng cố gắng xem đồng loại như anh chị em của mình. Về cơ bản, chúng ta đều là những con người như nhau. Trẻ con không hề quan tâm đến đức tin, quốc tịch hay tình trạng nghèo - giàu của những người bạn cùng chơi; chúng có sự ngưỡng mộ tự nhiên về tính hợp nhất của nhân loại. Đây là thái độ mà chúng ta phải cố gắng giữ gìn để tất cả chúng ta có thể cùng sống chung với nhau trên hành tinh nhỏ bé này.
“Ta hãy lấy ví dụ về tinh thần của Liên minh châu Âu. Sau nhiều thế kỷ chiến đấu và giết hại lẫn nhau, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia châu Âu đã thành lập Liên minh Châu Âu (EU); và sự giao tranh giữa các quốc gia này đã chấm dứt. Chúng ta cần những Liên minh tương tự như thế ở những nơi khác trên thế giới - Liên minh Mỹ Latinh và Liên minh châu Phi. Ấn Độ và Trung Quốc là những quốc gia đông dân nhất trên thế giới; và sẽ tốt biết dường nào nếu như họ thành lập một Liên minh Châu Á với Nhật Bản và các quốc gia khác như Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam.
“Nếu không còn cần đến quân đội nữa thì ta có thể thực hiện được sự tiết kiệm biết dường nào! Nếu muốn thấy được một thế giới hòa bình hơn, thì chúng ta phải học cách cộng tác với nhau. Các bạn trẻ không nên tuân theo các khuôn mẫu hành vi trước đây. Những điều kiện mới - như thế giới toàn cầu hóa, phụ thuộc lẫn nhau - đòi hỏi những ý tưởng mới. Như tôi đã đề cập trước đây - việc phân chia mọi người thành “chúng tôi" và “bọn họ" thì đã lỗi thời.
“Vào thời Đức Phật tại thế, con người sống trong những cộng đồng nhỏ bé, tương đối biệt lập. Họ không có ý thức về chủ nghĩa quốc tế. Giờ đây, chúng ta đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu và thời đại công nghệ đã mang chúng ta đến gần nhau hơn rất nhiều. Ấn Độ là một quốc gia tuyệt vời, nhưng nó cần có mối quan hệ tốt với các quốc gia khác. Thực tế đang dạy chúng ta rằng tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động.
“Sự tư lợi thiển cận và những xung động cảm xúc như tham ái, giận dữ hoặc sợ hãi là điều vô ích. Những trạng thái tâm thức này dựa trên những sự xuất hiện bên ngoài, đó là một sự ngộ nhận; bởi vì những sự xuất hiện bên ngoài - như vật lý lượng tử đã cho chúng ta thấy - không tương ứng với thực tế. Những cảm xúc tích cực như lòng từ bi - có thể được trưởng dưỡng trên cơ sở của lý trí - cũng giúp chúng ta giảm bớt những cảm xúc tiêu cực của mình”.
Khi được hỏi làm thế nào để ứng phó với đại dịch vi rút corona; Ngài quan sát thấy rằng, ở Ấn Độ số người bị nhiễm bệnh khá cao, nhưng số người đã điều trị khỏi bệnh cũng rất nhiều. Ngài lưu ý rằng các nhà nghiên cứu dường như đang làm việc rất tốt và có nhiều tiến bộ. Ngài nhấn mạnh rằng bệnh nhân không nên để cho bản thân mình bị đánh mất tinh thần, điều này có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch tự nhiên của họ. Ngài cho biết rằng họ cần có lòng can đảm và lòng nhiệt thành để sống và phục vụ cho tha nhân, Ngài khuyên họ nên tự tin và có những suy nghĩ tích cực.
Trả lời câu hỏi về khoảng cách giữa giàu và nghèo; Ngài tuyên bố rằng, người nghèo cũng có quyền lợi của họ; và các cá nhân giàu có, cũng như các quốc gia thịnh vượng, nên quan tâm nhiều hơn đến việc giúp đỡ những người nghèo. Ngài nhận thấy rằng sự tồn tại của khoảng cách giữa giàu và nghèo đang ngày càng gia tăng; đó là do sự sai trái về mặt đạo đức; và vì tất cả chúng ta phải cùng sống chung với nhau, cho nên ta cần phải nỗ lực để thực hiện việc tu bổ chỉnh sửa lại nó.
Ngài nói với một người nêu câu hỏi khác: “Trí thông minh của con người có khả năng nhìn vào cùng một đối tượng từ những góc độ khác nhau, điều đó cho phép chúng ta nhìn mọi thứ dưới một ánh sáng khác. Chúng ta không nên chỉ lặp lại những gì đã làm trong quá khứ. Khi tình hình đã thay đổi, thì cách suy nghĩ của chúng ta về nó cũng nên thay đổi. Như tôi đã đề cập đến nhiều lần, việc phân chia thành "chúng tôi" và “bọn họ" đã bị lỗi thời. Chúng ta phải nghĩ về toàn bộ thế giới, toàn bộ thiên nhiên. Thay vì suy nghĩ hẹp hòi, chúng ta cần một cách tiếp cận rộng lớn cởi mở hơn. Các bạn trẻ có thể thực hiện một sự đóng góp đáng kể bằng cách áp dụng một cách nhìn tổng thể hơn.
“Như tôi đã nói trước đó, chúng ta cần sự tự tin, can đảm và an lạc nội tâm; không nên để cho bản thân mình bị mất tinh thần; và rồi chúng ta có thể vượt qua bất cứ vấn đề nào mà chúng ta đang gặp phải.”
Ban tổ chức cám ơn Ngài và những thành viên tham gia khác đã đóng góp cho cuộc thảo luận này.
Ngài nhắc lại: “Điều quan trọng là phải có sự tự tin. Và một yếu tố chính trong việc này là phải chân thành và trung thực; khi đó sự tự tin của bạn sẽ có nền tảng vững chãi. Sự tự tin mà kết hợp với những cảm xúc tiêu cực thì sẽ chỉ có dẫn đến thảm họa mà thôi. Bản chất con người có xu hướng lạc quan. Nếu chân thành, trung thực và tự tin, thì quý vị có thể sử dụng tốt trí thông minh của con người. Những gì chúng ta thường nói là - trí thông minh cần phải được kết hợp với trái tim ấm áp nhiệt thành và được hỗ trợ bởi sự chân thật và trung thực. Xin cảm ơn quý vị! Xin tạm biệt."