Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Truyền hình trực tuyến về nghi lễ chuẩn bị nhập môn cho quán đảnh Quan Thế Âm được bắt đầu vào hôm nay với sự thực hành lặng lẽ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về các nghi lễ chuẩn bị cần thiết tại Dinh thự của Ngài. Một số Tăng Sĩ Thị Giả đã trợ lễ cho Ngài khi cần thiết. Bên phải của Ngài là một lều Mandala nhỏ. Phía sau đó là bức tượng Đức Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn. Vào dịp này, ở hai bên của máy ảnh trước mặt Ngài là những màn hình lớn để Ngài có thể nhìn thấy các Vị Lạt ma và bạn bè từ các nơi khác nhau trên thế giới.
Khi đã chuẩn bị xong, Ngài đã giải thích về tình hình hiện tại. Có nhiều người quan tâm đã yêu cầu tôi truyền Quán đảnh Đức Quan Thế Âm vào lúc này. Do đó, tôi sẽ thực hiện yêu cầu đó qua mạng internet. Năm ngoái cũng vậy, khi tôi truyền quán đảnh như vậy, lúc ấy có phát trực tiếp và tôi nghe nói rằng mọi người ở Tây Tạng đã có thể theo dõi buổi Lễ ấy. Cũng thế, khi nghi lễ nhập môn cho Giáo lý Đức Văn Thù mà tôi đã bắt đầu ở Bồ Đề Đạo Tràng và hoàn tất ở Mundgod, tôi đã truyền quán đảnh Kim Cang Đại Phẫn Nộ, và chư Phật Tử có thể truy cập qua internet.
Nếu quý vị có một động cơ trong sáng để thọ nhận và tôi có ý định trao truyền theo cách này, thì tôi rất tự tin rằng quý vị sẽ đắc được Quán đảnh. Đức Quan Thế Âm là hiện thân của lòng từ bi. Nếu quý vị cầu nguyện Ngài, và nếu quý vị trau giồi thực hành tập trung vào Ngài, thì nó sẽ giúp quý vị tăng trưởng lòng từ bi. Người ta nói rằng chư Bồ Tát tập trung vào sự giác ngộ bằng trí tuệ và tập trung vào chúng sinh bằng lòng từ bi.
Trong số bảy tỷ con người, không hề có ai đi tìm kiếm khổ đau cả; tất cả chúng ta đều kiếm tìm hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem tin tức trên tivi, chúng ta sẽ thấy các báo cáo về sự phân biệt chủng tộc và của những người - dường như rất vui mừng khi họ giết người. Ngoài các trường hợp phân biệt chủng tộc, như trường hợp của người đàn ông Mỹ gốc Phi ở thành phố Minneapolis đã bị cảnh sát giết chết, cũng có những báo cáo về sự phân biệt tôn giáo nữa.
Các nhà khoa học đã tuyên bố rằng bản chất của con người vốn dĩ là từ bi, và ngay cả loài côn trùng cũng tồn tại trong sự phụ thuộc vào lòng bi mẫn. Tất cả những sinh vật sống trải qua cảm giác vui thích và đớn đau - cuối cùng - sự sống sót chính là kết quả của tình yêu thương và lòng từ ái. Nếu con người chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, phục vụ lẫn nhau, với lòng bi mẫn, thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. Mặt khác, nếu chúng ta để cho mình bị lôi cuốn theo bởi sự tức giận và ganh tỵ, thì chúng ta sẽ phải chịu sự đau khổ mà thôi.
Ngài đã tóm tắt bốn cam kết chủ yếu của mình. Đầu tiên, Ngài cam kết giúp cho con người được hạnh phúc. Ngài nhắc lại rằng nếu bạn là người có trái tim nhân hậu ấm áp, thì bạn sẽ là người vui vẻ hạnh phúc, nhưng nếu bạn luôn tức giận và ganh tỵ thì bạn sẽ chẳng bao giờ có được niềm vui cả. Đây là lý do tại sao Ngài khuyến khích mọi người nên trưởng dưỡng tình yêu thương, lòng từ bi và Bồ đề Tâm. Ngài nói rằng tình yêu thương và lòng từ bi thì luôn có lợi cho tất cả chúng sinh.
Ngài chỉ ra rằng, do kết quả của sự phát triển vật chất và giáo dục hiện đại, cho nên con người thường hay tìm kiếm hạnh phúc từ những thứ bên ngoài, mà lại thờ ơ bỏ bê tâm thức của mình. Hạnh phúc thật sự và lâu dài đều phụ thuộc vào việc chúng ta thuần hóa được tâm thức bất trị của mình. Điều này không đặt trọng tâm qúa nhiều vào sự phát triển trí tuệ bằng việc trưởng dưỡng một trái tim ấm áp nhân hậu. Bởi lẽ khi con người có trái tim nhân hậu thì họ sẽ giúp đỡ cho chính mình và cho cả người khác nữa.
Ngài nhấn mạnh rằng lý do thực sự của việc Ngài ban Quán đảnh Quan Thế Âm này là để khuyến khích sự trưởng dưỡng của lòng từ bi.
Chuyển sự chú ý sang các truyền thống tôn giáo khác, Ngài nhận xét rằng tất cả các tôn giáo đều tìm cách truyền cảm hứng cho các tín đồ của mình để họ phát triển những phẩm chất tốt đẹp như tình yêu thương và lòng từ bi; đức khoan dung và kỷ luật tự giác. Do đó, sự hài hòa và tôn trọng giữa các tôn giáo nên được phát khởi một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nếu ta rao giảng về tình yêu thương và lòng từ bi, nhưng lại khơi dậy sự xung đột đối với người khác, thì thật là mâu thuẫn với điều giảng dạy ấy. Ngài tuyên bố rằng Ngài cam kết thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ngài đã dẫn chứng về Ấn Độ - nơi mà các truyền thống tâm linh bản địa đã sống thân thiện với những truyền thống có nguồn gốc từ nơi khác - như một tấm gương điển hình cho thấy sự hòa hợp giữa các tôn giáo là điều có thể khả thi.
Ngài tiếp tục: “Tôi là một người Tây Tạng, và nhân dân Tây Tạng đã đặt hy vọng vào nơi tôi - họ tin tưởng tôi. Có một lần, khi tôi ở Assam, lúc đang bay trên một chiếc máy bay nhỏ trong cơn bão - tôi cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm; và tôi nghĩ - ‘Điều gì sẽ xảy ra với sáu hoặc bảy triệu người dân Tây Tạng nếu tôi chết?' Bởi vì họ đặt nơi tôi với sự kính trọng, cho nên tôi cần phải có trách nhiệm thực hiện bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ họ.
Chúng tôi đã bị mất đi Tổ quốc của mình; và một số người trong chúng tôi đã phải sống như những người tị nạn. Đối với chúng tôi, điều đó giống như một phước lành được che chở. Chúng tôi được sống ở vùng đất linh thiêng này, nơi mà Đức Phật đã từng sống và giảng Pháp, và là nơi của Đức Long Thọ và chư đệ tử của Ngài. Ấn Độ là nguồn gốc của tất cả các kiến thức của chúng tôi. Nó là một nền dân chủ. Đây là nơi mà tôi được làm quen với Pandit Nehru. Và sau đó, nhiều nhà lãnh đạo của Ấn Độ đã là bạn bè của tôi.
Trong cuộc sống lưu vong ở đây, nhiều người trong số chúng tôi đã sống trong các trung tâm tu viện học tập được tái thiết lập ở Nam Ấn Độ. Tôi có thể nhìn thấy Ganden Tri Rinpoche trên màn hình trước mặt tôi. Tất cả chư Tăng Ni quý Vị là những người đã duy trì và gìn giữ Truyền thống Nalanda. Trong các cuộc thảo luận và trao đổi về quan điểm mà chúng tôi đã có với các nhà khoa học, chúng ta đã có thể đóng góp cho thế giới từ những gì mà chúng ta được hiểu biết. Qua sự học tập và thực hành của mình, quý vị đang thực hiện một phụng sự không những chỉ cho văn hóa và dân tộc của chúng ta, mà còn cho cả nhân loại.
Qua hơn một nghìn năm kể từ khi Ngài Tịch Hộ mang truyền thống Phật giáo - Truyền thống Nalanda - đến cho chúng ta; ta đã giữ gìn duy trì cho nó được sống còn - đó là một phần vô giá của di sản văn hóa nhân loại. Ngay cả đối với những người không có hứng thú với sự thực hành tôn giáo cũng vẫn có thể được hưởng lợi từ kiến thức mà nó đã được bảo tồn. Khi chúng tôi lần đầu tiên đến với cuộc sống lưu vong, mọi người vẫn gọi truyền thống của chúng tôi là Lạt ma Giáo. Thurman và Berzin ở đó - Ngài chỉ vào màn hình trước mặt mình - quý vị ấy đều biết tất cả về điều đó. Như thể tất cả những gì quan trọng chỉ là những vị Lạt Ma và những chiếc mũ của họ. Giờ đây thì mọi người đã rõ ràng rằng truyền thống của chúng tôi là Truyền thống Nalanda có nguồn gốc vững chắc từ các truyền thống Ấn Độ.
Mặc dù giáo dục hiện đại ở Ấn Độ có xu hướng tập trung vào các mục tiêu duy vật và thờ ơ với kiến thức nội tâm, nhưng ngày nay, người ta ngày càng quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại và sự hiểu biết của nó về hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
Vì vậy, tôi sẽ truyền Quán đảnh Đức Quan Thế Âm này vì nhu cầu về lòng từ bi trong thế giới ngày nay.
Khi Ngài bắt đầu các nghi lễ chuẩn bị - bao gồm cả việc chuẩn bị của các đệ tử; Ngài nói rằng, lúc đầu phong tục tập quán đặt ra một nghi thức cúng bánh để xua đuổi các thế lực tâm linh có thể quấy nhiễu cản trở buổi lễ. Nhưng hiện giờ Ngài tuyên bố rằng Ngài không còn tuân theo phong tục này nữa, vì Ngài nhận ra rằng có một sự mâu thuẫn giữa việc phát nguyện vào sáng sớm rằng: “Con nguyện phát khởi tâm giác ngộ cao nhất; con sẽ mời tất cả chúng sinh như những vị khách quý của con”, nhưng rồi sau đó vào cuối ngày thì lại đuổi họ đi…
Ngài Ganden Tri Rinpoche có thể được nhìn thấy trên màn hình trước mặt Ngài - đang dâng lên một mạn đà la và ba biểu tượng đại diện cho thân, ngữ và ý giác ngộ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Về mặt lịch sử, Tây Tạng được cho là vùng đất đã được Đức Quán Thế Âm thuần hóa. Từ thời của Hoàng Đế Songtsen Gampo và Trisong Detsen, nhiều vị Lạt ma và các nhà lãnh đạo vĩ đại đã có sự kết nối với Đức Quán Thế Âm. Ngài là vị thần bảo trợ của Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm vĩ đại đã từng tập hợp những bức tượng được gọi là ba Huynh Đệ Quán Thế Âm khi Ngài đang thực hiện một khóa tu nhập thất. Một trong những bức tượng đó, được gọi là Wati Sangpo hoặc Kyirong Jowo, được chăm sóc bởi chư Tăng của Tu viện Dzongkar Chödé. Do sự hỗn loạn ở Tây Tạng, họ đã tìm cách chuyển bức tượng ấy ra khỏi Tây Tạng đến Nepal và sau đó mang đến cho tôi ở Dharamsala này.
Sau đó, khi Dzongkar Chödé được tái thiết lập ở miền nam Ấn, tôi đã thực hiện một cuộc tiên tri để xem liệu bức tượng này nên đi với họ hay ở lại đây. Kết quả là bức tượng đã được an trí tại đây. Có một điều mà tôi đã nhận thấy được là biểu cảm khuôn mặt của bức tượng thường thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Tôi cũng có những giấc mơ được nói chuyện với Ngài và hỏi Ngài rằng Ngài đã liễu ngộ được Tánh Không chưa - trực ngộ về Tánh Không - Ngài nói với tôi rằng Ngài đã đạt được điều đó.
Khi tôi truyền quán đảnh về Đức Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn này; điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải có một động cơ thuần tịnh.
Ngài đã truyền các Giới nguyện cho Cư Sĩ, tiếp theo đó là Giới Bồ Tát và hướng dẫn thính chúng qua những sự quán tưởng khác nhau về quán đảnh. Vào lúc kết thúc nghi lễ nhập môn; Ngài nói rằng Ngài sẽ truyền quán đảnh chính thức vào ngày mai. Ngài cũng đề cập rằng Giáo sư Robert Thurman đã thỉnh cầu Ngài ban lễ gia trì về Simhanada (Quan Âm Sư Tử Hống) và Ngài đã hứa khả.