Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời tham gia cuộc trò chuyện với Ian Hickie, Giáo sư Tâm thần Học ở Sydney trong khuôn khổ của Hội nghị năm nay về “Hạnh phúc và Nguyên nhân của Hạnh phúc” tại Úc. Người điều hành - Tony Steel đã chào mừng Ngài, Giáo sư Hickie, những người khác đang cùng tham gia hội nghị và một số khán giả trực tuyến khoảng vài nghìn người. Ông bắt đầu với câu hỏi nêu lên cho Ngài rằng chúng ta có thể làm gì đối với các vấn đề về sự cô lập và cô đơn trong thời điểm khó khăn mà thế giới đang trải qua hiện nay.
Ngài trả lời: “Trước tiên, tôi muốn gởi đến quý vị lời chào của mình! Bây giờ, đối với tôi thì nước Úc quá xa xôi để đi được đến đó. Tôi có nhiều bạn bè ở đó và ở New Zealand - nơi mà tôi đã học được cách chào hỏi mọi người bằng cách xoa mũi. Một khi chúng ta đã trở thành bạn bè rồi thì tôi tin rằng tình bằng hữu sẽ vẫn còn duy trì mãi trong suốt quãng đời còn lại của chúng ta. Và theo quan điểm của Phật giáo, một khi chúng ta đã hình thành mối liên hệ chặt chẽ với ai đó, thì nó sẽ được tiếp tục mãi hết đời này sang đời khác.
“Trong thế giới ngày nay, những ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu - chẳng hạn như những đám cháy rừng lan tràn qua các khu vực của Úc - đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Đó là những hiện tượng của thiên nhiên phản ánh lại những điều đã được viết trong một số văn bản cổ của Ấn Độ về vấn đề bạo lực và nạn đói có thể dẫn đến ngày tận thế như chúng ta đã biết. Một số nhà khoa học đã nói với tôi rằng, nếu mọi thứ cứ tiếp tục như vậy, thì khí hậu sẽ trở nên nóng đến mức các nguồn nước của chúng ta như ao hồ và sông ngòi đều sẽ bị khô cạn.
“Về mặt logic, bất cứ điều gì có sự bắt đầu thì cũng sẽ dẫn đến sự kết thúc. Chúng ta không thể làm gì hơn cho điều đó. Những gì chúng ta có thể làm được trong lúc này là hãy sống một cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Thật đáng buồn nếu chúng ta chỉ biết đấu đá với nhau. Nhưng để học hỏi được cách sống hạnh phúc và hòa bình thì cần phải có giáo dục. Chúng ta cần rút kinh nghiệm rằng trong thế kỷ trước và những năm đầu của thế kỷ này đã có quá nhiều bạo lực.
“Tất cả chúng sinh đều muốn hướng đến một cuộc sống hạnh phúc; và một cuộc sống hạnh phúc có nghĩa là một cuộc sống bình yên. Vì vậy, chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc về việc làm thế nào để thế giới của chúng ta được yên bình và hòa hợp hơn. Chúng ta là động vật xã hội. Ta phụ thuộc vào cộng đồng mà mình đang sinh sống. Ngay từ lúc chào đời, chúng ta đã phụ thuộc vào sự chăm sóc và tình yêu thương của mẹ và gia đình để tồn tại. Điều này không liên quan gì đến việc thực hành tôn giáo, đó chỉ là thái độ tự nhiên.
“Khi chúng ta vào khoảng hai hoặc ba tuổi, ta không hề quan tâm về việc gia đình của những đứa trẻ khác có theo tôn giáo này hay tôn giáo kia; hay thuộc chủng tộc này, chủng tộc nọ hay không; miễn là chúng mỉm cười và chơi đùa vui vẻ cùng nhau. Từ quan điểm này, trẻ em nhận thức được tính đồng nhất của con người. Tuy nhiên, một khi chúng ta bắt đầu đến trường, ta đã học cách nhận định về sự khác biệt giữa chúng ta. Chúng ta ghi nhận sự khác biệt về đức tin, hoặc địa vị xã hội, rằng những người bạn đồng hành của mình giàu hay nghèo, v.v. Tuy nhiên, những sự khác biệt này chỉ có giá trị thứ yếu. Về cơ bản, tất cả chúng ta đều là những con người như nhau.
“Tất cả chúng ta đều có những hạt giống từ bi, nhân ái và sự quan tâm dành cho người khác. Trên cơ sở đó, nếu chúng ta nỗ lực, ta có thể xây dựng một cộng đồng nhân loại hạnh phúc. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, khi chúng tôi còn ở Tây Tạng, chúng tôi đã nghĩ về thế giới bên ngoài và những người ở đó khác với chúng tôi, đặc biệt là những người châu Âu và những người khác với chiếc mũi to của họ. Nhưng một khi chúng tôi đã trở thành người tị nạn ở Ấn Độ, chúng tôi thấy rằng những người có mũi to đó đã trở thành bạn bè của chúng tôi. Chúng tôi nhận thức được tính đồng nhất của nhân loại và hiểu rằng tất cả con người về cơ bản đều như nhau.
“Chúng ta phát hiện ra rằng mọi người đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc thực sự không phải là có tiền bạc hay quyền lực, mà là đạt được sự bình yên trong tâm hồn. Nếu quý vị yên tâm, quý vị sẽ hạnh phúc suốt cả ngày lẫn đêm. Hạnh phúc có liên quan đến cảm xúc của chúng ta. Và tất cả chúng ta đều có khả năng trải nghiệm những cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực. Chúng ta muốn trau giồi loại cảm xúc nào - điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng trí thông minh của mình.
“Chúng ta có thể học cách nuôi dưỡng một tâm hồn an lạc. Sau đó, ta có thể sử dụng trí thông minh của mình để mở rộng tâm từ bi ở cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn cầu. Bản chất của chúng ta là từ bi nhưng chúng ta lại tạo ra đủ loại rắc rối cho những chúng sanh khác. Nền giáo dục nên dạy cho ta biết rõ rằng chúng ta như những anh chị em của nhau; và rằng chúng ta không có nhiều thời gian. Nếu như ta đang ở trong một ngôi làng dưới chân đồi và một tảng đá lớn đang lăn xuống phía chúng ta, thì chẳng phải là chúng ta quá ngu ngốc khi dành những giây phút cuối cùng của đời mình để gây gỗ với nhau hay sao?
“Thông qua sự giáo dục, ta cần phải nhấn mạnh tính đồng nhất của hơn bảy tỷ con người đang sống hiện nay. Và một điều khác - cũng giống như chúng ta dạy cho trẻ em giữ gìn vệ sinh thân thể vì những lợi ích của nó đối với sức khỏe, thì chúng ta cũng cần dạy cho họ cách giữ gìn vệ sinh cảm xúc. Họ cần phải học cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực và đạt được sự bình yên trong tâm hồn.
“Nếu tương lai của nhân loại và hành tinh của chúng ta gặp rủi ro, chẳng phải tốt hơn là nên sống hạnh phúc cùng nhau hay sao? Chúng ta có thể thực hiện điều đó mà không cần đến vũ khí. Chúng ta phải hướng tới mục tiêu phi quân sự hóa toàn cầu và một thế giới không còn sự sợ hãi ”.
Tony Steel đã mời Giáo sư Ian Hickie tham gia cuộc trò chuyện. Hickie nhận xét rằng những người thổ dân có câu nói rằng: “Một cá nhân chỉ có thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn nếu tất cả mọi người đều có được sự bình yên ấy”. Đây là sự phản ánh cho thấy rằng chúng ta cần các nhóm xã hội như thế nào. Ông cho rằng thời gian gần đây, sức khỏe tinh thần ngày càng giảm sút vì các mối quan hệ xã hội ngày càng xấu đi. Chúng ta cần đặt những nguyện vọng của mình vào hành động tập thể trên cơ sở công nhận mối quan hệ chặt chẽ của chúng ta với nhau.
Ông đồng ý với Ngài rằng chúng ta không thể chỉ tập trung vào những gì đang xảy ra tại địa phương, mà phải nghĩ đến cộng đồng rộng lớn hơn. Mọi người đang sợ hãi và lo lắng cho tương lai. Nếu hạnh phúc tập thể dựa trên lòng từ bi, và nếu cảm giác bình an nội tâm của tôi liên quan đến bạn cũng được bình an - thì làm thế nào để chúng ta có thể mang lại điều này?
Trong câu trả lời của mình, Ngài đã đề cập đến sự ngưỡng mộ của mình đối với tinh thần của Liên minh Châu Âu. Ngài giải thích về cách mà Pháp và Đức đã từng là kẻ thù của nhau trong nhiều thế kỷ cho đến tận thế chiến thứ nhất và thứ hai. Nhưng họ đã nhận ra rằng việc duy trì sự xung đột là vô ích. Cách suy nghĩ của họ đã thay đổi. Những kẻ thù ngày xưa giờ đã trở thành bạn bè. Adenauer và de Gaulle nhận ra rằng các dân tộc của họ phải sống bên cạnh nhau, vì vậy họ đã khởi xướng việc thành lập khối Liên minh châu Âu (EU). Do đó, trong bảy thập kỷ qua, các thành viên của EU đã không còn giết hại nhau nữa.
Ngài nhận thấy rằng, trong nền dân chủ hiện đại, quyền lực đã không còn thuộc về vua chúa hay nữ hoàng nữa. Quyền lực nằm trong tay của cộng đồng, và khi thực hiện quyền lực ấy thì phải tính đến lợi ích của cả cộng đồng. Ngày nay, các biên giới quốc gia không còn phản ánh được địa thế thực sự của nó nữa - sự lưu thông của tiền tệ hay sự lây lan của virus đều không bị chặn lại bởi những đường biên giới của các lãnh thổ.
“Chúng ta phải nghĩ xem điều gì sẽ mang lại lợi ích cho đa số dân chúng chứ không chỉ là điều gì tốt cho một vài công ty. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là một vấn đề nghiêm trọng; khi đối mặt với nó, người nghèo phải đau khổ và phụ nữ bị bóc lột sức lao động. Chúng ta không những phải làm giảm bớt khoảng cách giữa giàu và nghèo mà còn phải học cách xem nhau một cách bình đẳng nữa!”.
Giáo sư Hickie muốn biết cách mà mọi người có thể dung hòa những thách thức mà họ phải đối mặt ở cấp độ toàn cầu với những gì họ đang phải trải qua tại địa phương. Ngài đã đề cập đến điều mà một Đạo sư Ấn Độ cổ đại đã khuyên. Vị ấy khuyên bạn nên phân tích bất kỳ vấn đề nào mà bạn đang gặp phải - để xem liệu nó có thể giải quyết được hay không. Nếu có thể, thì việc triển khai giải pháp là điều bạn nên làm. Nếu không có giải pháp và không thể làm được gì - thì đó là điều bạn phải nên chấp nhận. Lo lắng về nó sẽ chẳng có ích lợi gì cả!
Về nạn đại dịch, Ngài nhận xét rằng, nhiều người đang làm việc để tìm ra các phương pháp điều trị và phát triển một loại vắc-xin, thế nên chúng ta không cần phải nản lòng. Điều quan trọng là phải tin rằng ta có thể vượt qua được thử thách.
Hickie hỏi làm thế nào để niềm hy vọng có thể được truyền sang cho thế hệ tiếp theo. Ngài trả lời rằng chúng ta sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến hệ sinh thái. Sự thay đổi sẽ diễn ra trong thế kỷ tới. Một thí nghiệm quan trọng sẽ là bảo vệ nguồn nước. Ngài thừa nhận rằng điều đó có thể không thích hợp và không thực tế, nhưng Ngài đã tự hỏi liệu có thể không - ở những nơi như Sahara - sử dụng năng lượng mặt trời để vận hành các nhà máy khử muối nhằm làm xanh sa mạc và sản xuất nhiều lương thực hơn hay không.
Ngài nói rằng ở tuổi 86, Ngài không lo lắng về tương lai của mình, mà Ngài nhận được sự khích lệ lớn từ cách mà những người trẻ ngày nay nhận thức sâu sắc về những rủi ro đối với tương lai của họ.
Hickie đã đề cập rằng có những người nói rằng tập trung vào sự bình yên bên trong của chính bạn là thực hiện một phương pháp ích kỷ và rút lui khỏi sự tương tác với thế giới thực. "Làm thế nào để chúng ta dung hòa giữa việc đạt được sự thanh thản trong tâm hồn và sống một cuộc sống nhân ái trong việc tương tác với một thế giới phức tạp?"
Ngài trả lời: “Tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn chính là lợi ích tốt nhất của chúng ta. Khi đối mặt với sự khủng hoảng, nếu để xảy ra thêm sự xung đột thì thật là ngu ngốc. Thực tế là tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về tầm quan trọng của tình yêu thương, lòng từ bi, tâm khoan dung và sự tha thứ; có nghĩa là có cơ sở cho sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Nhưng vì tất cả chúng ta phải sống cùng với nhau, cho nên tôi khuyến khích nên chọn cách tiếp cận thế tục, để chúng ta sống đơn giản như những con người có tấm lòng ấm áp nhân hậu."
Tony Steel đã nêu một câu hỏi cuối cùng cho Ngài về sự tham gia của Ngài với các nhà khoa học trong hơn ba mươi năm qua. Ông hỏi rằng Ngài đã có thể đóng góp gì cho khoa học hiện đại và Ngài đã đạt được những gì từ sự tương tác ấy.
Ngài nhận xét: “Truyền thống Nalanda dựa trên lý luận và logic. Thực hiện phương pháp hợp lý, logic; điều tra nghiên cứu và phân tích là điều mà chúng tôi chia sẻ với giới khoa học. Hiện nay, về mặt tâm thức, sự hiểu biết của khoa học hiện đại vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, ngày nay các nhà khoa học đang chú ý nhiều hơn đến điều đó, đặc biệt là về các phương pháp để tạo ra sự bình yên nội tâm.
“Sự tiến bộ đáng kể đã đạt được trong việc hiểu biết chức năng của não bộ; tuy nhiên vẫn chưa đạt được sự hiểu biết tương ứng về cách hoạt động của ý thức tinh thần. Kinh nghiệm của các hành giả Yogis đã được đào tạo trong các truyền thống Ấn Độ cổ đại rất hữu ích cho ánh sáng mà nó chiếu rọi vào các cấp độ khác nhau của ý thức vi tế. Một ví dụ điển hình là hiện tượng quan sát về những người hành thiền được cho là đã chết lâm sàng, nhưng cơ thể của họ vẫn tươi tắn trong một thời gian sau khi đã chết rõ ràng. Khoa học vẫn chưa có sự giải thích về hiện tượng này.
“Chúng tôi cho rằng mức độ ý thức vi tế nhất vẫn còn trong các kinh mạch tâm linh bên trong cơ thể. Cho nên mặc dù tim đã ngừng đập và não bộ không còn hoạt động nữa nhưng quá trình phân hủy vẫn chưa diễn ra. Các nhà khoa học, người Nga và người Mỹ trong số họ, đang điều tra xem chuyện gì đang xảy ra”.
Tony Steel cảm ơn Ngài và Giáo sư Ian Hickie vì những đóng góp của họ. Ông kết thúc bằng cách lời kính chúc Ngài luôn được Pháp thể khinh an và miên trụ trường thọ, và bày tỏ niềm hy vọng sẽ được diện kiến Ngài một cách trực tiếp - trước khi quá lâu.