Thekchen Chöling, Dharamsala, HP - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được mời đến để nói chuyện với các sinh viên Khoa Luật của Đại học Delhi; Đại học Banara Hindu, Varanasi; Đại học sư phạm Govind Singh Indraprastha, New Delhi; Viện Công nghệ Quốc gia, Yupia, Arunachal Pradesh và Trường Trung Tâm Chapra, Saran, Bihar.
Giáo sư Raman Mittal của Khoa Luật, Đại học Delhi đã phát biểu lời chào mừng ngắn gọn. Ông thừa nhận rằng thế giới đang trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn, qua đó mọi người đều được nhắc nhở về sự mong manh của cuộc sống. Điều đó buộc người ta phải hướng nội, họ tìm kiếm sự dẫn dắt của Ngài liên quan đến lòng từ bi và niềm hy vọng.
Ngài trả lời: Khi chúng ta đối mặt với những vấn đề rắc rối và khó khăn, tôi thấy thật vô cùng hữu ích khi chúng ta dựa vào lời khuyên của Ngài Tịch Thiên - bậc thầy Nalanda ở thế kỷ thứ 8. Hãy phân tích vấn đề mà quý vị đang phải đối mặt. Hãy tìm hiểu kiểm tra xem nó có thể được khắc phục hay không. Nếu có thể khắc phục thì không cần phải lo lắng gì cả. Hãy đưa giải pháp vào thực hiện để đạt được hiệu quả. Trong trường hợp nếu vấn đề không thể khắc phục được, thì sự lo lắng về vấn đề đó cũng sẽ chẳng có ích lợi gì. Tôi thấy đây là một lời khuyên rất thực tế.
Nếu chúng ta chỉ có một tầm nhìn hẹp hòi, thiển cận, thì vấn đề của chúng ta có thể sẽ trở nên rất lớn. Nhưng nếu chúng ta nhìn chúng từ một góc độ thoáng rộng hơn, thì chúng sẽ không có vẻ quá khó khăn đến nản lòng như thế!
Các bậc thầy vĩ đại của Ấn Độ trong thời cổ xưa đã cho rằng các dãy thiên hà có sự khởi đầu và kết thúc. Bất cứ điều gì có nguyên nhân thì chắc chắn sẽ phải đi đến chấm dứt. Mặt trời của chúng ta đã có một khởi đầu, vì vậy cuối cùng nó cũng sẽ kết thúc. Trong bối cảnh như vậy, thì so ra, các vấn đề ngay hiện tại trước mắt của chúng ta cũng còn tương đối bé nhỏ.
Ngoài ra còn có đề cập đến trong các bản cổ văn rằng, vũ trụ có thể bị lửa, nước hoặc gió tiêu diệt. Các dấu hiệu hiện tại của tình trạng nóng lên của toàn cầu cho thấy rằng trong thời đại của chúng ta, sự kết thúc sẽ là do lửa gây nên. Các nhà khoa học nói rằng, trừ khi những sự thay đổi được thực hiện, nếu không - sự nóng lên của toàn cầu sẽ đạt đến điểm - lúc mà các sông ngòi, ao hồ khô cạn; và vùng đất xanh tươi hiện giờ sẽ chuyển thành sa mạc. Trong bối cảnh rộng lớn như vậy, những bất đồng, những sự khác nhau giữa con người sẽ không còn là điều quan trọng nữa.
Trong khi đó, hậu quả của đại dịch hiện nay thật sự rất đáng buồn, nhưng chúng ta cần phải đối mặt với nó trong khả năng tốt nhất có thể. Việc nghiên cứu cần phải được tiếp tục tiến hành để tìm ra biện pháp làm thế nào để đối phó với nó. Tôi tin rằng các truyền thống y học cổ truyền có thể sẽ có những đóng góp hữu ích. Vào thế kỷ thứ 8, Hoàng đế Tây Tạng - Trisong Detsen - đã triệu tập một hội nghị của các Hành giả Ayurveda (tri thức cuộc sống), y học cổ truyền Trung Quốc, y học Tây Tạng và các truyền thống khác để chia sẻ kiến thức của họ. Ngày nay, một hội nghị tương tự như thế dành cho các bác sĩ điều trị về hệ miễn nhiễm có thể sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.
Ngài nhận xét rằng đối với bất cứ vấn đề nào chúng ta gặp phải, nếu chúng ta thành thật và trung thực thì nó sẽ trở nên khá hơn. Ngài nhắc lại niềm tin của mình rằng, nếu chúng ta làm hồi phục lại các truyền thống cổ xưa của Ấn Độ về ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (lòng từ bi), thì nhân loại sẽ hạnh phúc hơn. Ngài tuyên bố rằng mình chính là môn đệ của những truyền thống này, và mục đích của mình là để tạo ra một xã hội nhân ái hơn. Cả ‘ahimsa’ và ‘karuna’ đều được phát khởi từ sự thực hành để trau dồi thiền định và trí tuệ. Đây là những điểm chung đối với sự thực hành thiền định của các tín đồ Ấn giáo, Số luận Phái, Kỳ Na Giáo và Phật Giáo. Sự trưởng dưỡng lòng từ bi sẽ góp phần mang lại niềm an lạc trong tâm hồn.
Ngài đã nêu lên rằng, để duy trì sức khỏe, chúng ta cần phải tuân thủ các quy tắc vệ sinh thân thể; nhưng ngoài ra, chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng vệ sinh cảm xúc. Điều này liên quan đến việc nhận biết được toàn bộ hệ thống cảm xúc của chúng ta. Hiểu được về điều đó, cùng với sự hiểu biết về những hoạt động của tâm thức, là điều vô cùng độc đáo đối với kiến thức Ấn Độ cổ đại. Ngài nhấn mạnh rằng, mặc dù những lời giải thích về những điều này được tìm thấy trong các luận giải thuộc về tâm linh, nhưng kiến thức ấy có thể được áp dụng một cách khách quan trong bối cảnh của cuộc sống thế tục.
Ngài tiếp tục, tôi thường nói rằng - bởi vì kiến thức về tâm thức và cảm xúc chính là một phần di sản cổ xưa của Ấn Độ, do đó Ấn Độ có một cơ hội đặc biệt để kết hợp kiến thức ấy với nền giáo dục hiện đại. Tôi tin rằng đã đến lúc các anh chị em Ấn Độ cần chú ý hơn đến các phương pháp để xử lý những cảm xúc của chúng ta và đạt được sự an lạc thật sự trong tâm thức.
Trong phạm vi Phật giáo, chúng ta có truyền thống Pali và tiếng Phạn. Các bậc thầy của Nalanda phần lớn đều thực hành theo truyền thống tiếng Phạn, nhấn mạnh đến việc sử dụng lý trí hơn là dựa vào đức tin. Đức Phật khuyến khích các đệ tử của Ngài nên kiểm nghiệm những điều Ngài đã dạy theo phương pháp giống như một người thợ kim hoàn kiểm tra chất lượng của vàng. Ngài khuyên bảo họ nên tìm hiểu điều tra và thử nghiệm, nên áp dụng một phương pháp khoa học. Đây là điều mà các Ngài Long Thọ, Thánh Thiên, Nguyệt Xứng, Trần Na và Pháp Xứng - những bậc hành giả cũng như các học giả Nalanda - đã làm.
Khi văn học Phật giáo được dịch sang tiếng Tây Tạng, chủ yếu từ tiếng Phạn, bao gồm 100 tập về lời dạy của Đức Phật (Kinh tạng) và hơn 220 tập về các chuyên luận giải thích (Luận tạng) của các bậc thầy sau này. Đây là những cuốn sách mà chúng tôi học hỏi nghiên cứu.
Vào thế kỷ 20, Mahatma Gandhi đã làm hồi sinh tinh thần ‘ahimsa’ - bất bạo động; và cho thấy rằng nó đã có hiệu quả như thế nào về mặt đấu tranh chính trị. Đức Tổng Giám mục Desmond Tutu, Nelson Mandela và Martin Luther King đều vô cùng xúc động trước tấm gương của ông. Trong thế kỷ 21 này - ở đây và bây giờ - khi mà có quá nhiều vấn đề xoay quanh cảm xúc, thì tôi tin rằng Ấn Độ có thể chỉ cho thế giới thấy được cách đối phó với chúng như thế nào và sẽ đạt được sự an lạc nội tâm.
Tôi đã trải qua hơn 60 năm ở Ấn Độ. Khi tôi mới đến đây với thân phận của một người tị nạn, tôi có lý do để đau buồn. Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng - trong khi Trung Quốc phải đối mặt với đủ thứ thăng trầm, thì Ấn Độ vẫn kiên định giữ gìn nền dân chủ và pháp quyền. Đó là một quốc gia - nơi mà các dân tộc khác nhau có ngôn ngữ và văn hóa riêng - đều thuộc về một Liên minh Ấn Độ.
Truyền thống Trung Quốc là một quốc gia Phật giáo và ngày nay được cho là có khoảng 400 triệu Phật tử Trung Quốc. Do đó, có điểm văn hóa chung giữa Trung Quốc và Ấn Độ; và đó có thể là cơ sở để họ hợp tác với nhau để đạt được sự hòa bình trên thế giới.
Tôi rất tự hào khi nói với mọi người rằng tôi là đứa con trai của Ấn Độ! và đã có lần một nhà báo hỏi tôi vì sao tôi lại nói như thế. Tôi nói với cậu ta rằng, tâm thức của tôi chứa đầy những tư tưởng của Ấn Độ; và cơ thể tôi đã được nuôi dưỡng qua nhiều năm nhờ gạo, dal và roti của Ấn Độ. Khi đối diện với những khó khăn, kiến thức Ấn Độ cổ đại về tâm thức và cảm xúc đã giúp tôi đối phó được với những khó khăn ấy. Bất cứ nơi nào tôi đến và bất cứ khi nào có thể, tôi đều nói với mọi người về tinh thần bất bạo động và lòng từ bi.
Ngày nay tôi là một vị khách lâu năm nhất của Chính phủ Ấn Độ. Kể từ khi tôi gặp Tổng thống Rajendra Prasad và Pandit Nehru lần đầu tiên, chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã chăm sóc cho cộng đồng Tây Tạng, bao gồm cả tôi. Bây giờ, để trả ơn lòng tốt của quý vị, tôi quyết tâm làm hồi phục lại kiến thức Ấn Độ cổ đại trong phương thức thế tục để cho phù hợp với thời hiện đại ngày nay. Cho đến giờ, công chúng Ấn Độ đã đáp ứng một cách rất tích cực. Tuy nhiên, một người như tôi chỉ có một đôi tay; và tôi cần sự giúp đỡ và hỗ trợ nhiều nhất có thể để cùng đồng hành bên nhau thực hiện tâm nguyện này.
Để đáp lại yêu cầu của Ngài về việc nêu lên câu hỏi; một cô gái trẻ từ Khoa Luật của Đại học Delhi đã hỏi Ngài về vấn đề tâm linh. Ngài nói với cô rằng, mặc dù có sự khác biệt về triết học, nhưng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đều truyền tải một thông điệp chung về tầm quan trọng của lòng tốt, tình yêu thương, lòng khoan dung và sự tha thứ. Ngài giải thích rằng, vì có sự khác nhau giữa con người cho nên chúng ta cần những phương pháp khác nhau để phát triển tình yêu thương và lòng tử tế.
Một phụ nữ trẻ khác - là Thẩm phán ở Rajasthan - muốn biết làm thế nào để có thể nhìn mọi vấn đề một cách khách quan. Ngài đã giải thích rằng, mọi thứ dường như tồn tại khách quan từ phía của nó, nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Nó không phải là sự thực. Ngài trích dẫn về sự quan sát của vật lý lượng tử rằng, không có gì tồn tại giống như nó xuất hiện cả! Ngài giải thích rõ rằng, nền tảng của các phản ứng cảm xúc - chẳng hạn như - tham đắm và giận dữ - là sự suy nghĩ rằng mọi thứ tồn tại một cách khách quan. Trong thực tế, tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh khởi; chúng phụ thuộc lẫn nhau. Ngài yêu cầu cô ta hãy quán sát về Đức Phật; và hỏi rằng Đức Phật là thân thể của Ngài, là lời nói của Ngài, hay là tâm thức của Ngài.
Một giáo sư tại Đại học Hindu Banaras đã hỏi làm thế nào để tìm được sự định tĩnh. Ngài đã trả lời rằng, những cảm xúc tiêu cực nảy sinh từ sự bám chấp một cách vô minh vào vẻ xuất hiện bề ngoài. Phương pháp đối trị cho quan niệm sai lầm này là cần phải hiểu rằng - không có gì tồn tại giống như nó xuất hiện. Ngài đã đề cập đến sự minh họa của Ngài Nguyệt Xứng về điều này liên quan đến sự phân tích bảy lần về một cỗ xe. Ngài Nguyệt Xứng tuyên bố rằng, một cỗ xe không thể nói là khác với các bộ phận của nó; nó không đồng nhất với những phần đó, nó cũng không sở hữu những phần đó; nó không nằm trong các bộ phận của nó; các bộ phận của nó cũng không tồn tại trong nó; nó không chỉ là sự kết hợp đơn thuần, cũng không phải là hình dạng. Tuy nhiên, cỗ xe vẫn tồn tại trong dạng thức quy ước của nó.
Ngài tiếp tục nói rằng, nếu mọi thứ có sự tồn tại khách quan trong chính nó, thì sẽ có những ngụy biện logic sẽ xảy ra. Những điều này bao gồm sự thiền định của một hiền nhân cao quý tan hoà vào tánh không sẽ là sự hủy diệt của các pháp hiện tượng; và sự tồn tại thông thường của sự vật có thể đối nghịch phản bác lại sự phân tích tối hậu về bản chất của sự vật.
Ngài nhớ lại nhà vật lý hạt nhân Raja Ramanna đã nói với Ngài rằng, trong khi vật lý lượng tử mới được phát hiện ở phương tây, thì các phương thức tư tưởng tương ứng có thể được truy tìm vết tích từ Ấn Độ cổ đại. Ngài Long Thọ cũng đồng tình rằng không hề có gì tồn tại như nó xuất hiện.
Ngài nói rằng, ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng, tôi đã tự nhắc nhở mình rằng, không có gì tồn tại như nó xuất hiện. Sau đó tôi nghĩ đến chúng sinh - những người luôn khát khao hạnh phúc, nhưng lại phải trải nghiệm chịu đựng khổ đau. Tôi phát khởi lòng từ bi dành cho họ, quyết tâm giúp đỡ họ hết mức trong khả năng có thể để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực của họ.
Câu hỏi tiếp theo là của Phó hiệu trưởng trường trung học Chapra ở Bihar, liên quan đến việc làm thế nào để phát triển sự an lạc nội tâm. Ông cũng đề cập rằng trường có sự liên kết với Jayaprakash Narayan (1902-1979; là một nhà hoạt động độc lập, nhà lý luận, nhà xã hội và là nhà lãnh đạo chính trị Ấn Độ). Ngài đã trả lời ngay lập tức rằng, JP là một người ủng hộ tuyệt vời dành cho nhân dân Tây Tạng; và là một người bạn tốt của tôi; một người đàn ông tuyệt vời.
Trong câu trả lời, Ngài nói, kẻ hủy hoại thực sự niềm an lạc nội tâm của chúng ta không phải là vũ khí hay kẻ thù bên ngoài, mà đó chính là những cảm xúc tiêu cực của chính chúng ta. Ngược lại, Ngài Tịch Thiên đã chỉ ra rằng, kẻ thù có thể trở thành người thầy tâm linh tốt nhất của chúng ta. Bạn bè của ta, và thậm chí kể cả Đức Phật cũng đều không cho ta có cơ hội để rèn luyện sự kiên nhẫn như cách mà một người thù địch đã tạo ra cho ta. Và khi làm như thế, một kẻ thù có thể trở thành một người thầy.
Cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ quan điểm thiển cận, thiếu hiểu biết và sai lầm của chúng ta. Mặt khác, cảm xúc tích cực thì được dựa trên lý trí. Chúng ta không thể thiền định về sự tức giận hoặc nỗi sợ hãi, nhưng, vì nó được hỗ trợ bởi lý trí, cho nên chúng ta có thể củng cố ý thức từ bi của mình qua sự thiền định.
Một giáo sư từ Đại học Guru Govind Singh Indraprastha, New Delhi muốn nghe lời khuyên của Ngài về việc thay đổi hệ thống giáo dục.
Ngài đã khẳng định rằng, nền Giáo dục hiện đại ở đất nước này do người nước Anh đưa vào. Điều đó có nghĩa là nó có mục tiêu về vật chất và rất ít đề cập đến thế giới nội tâm của chúng ta. Tuy nhiên, nếu như nền giáo dục hiện đại này được kết hợp với kiến thức về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc, về phương pháp làm thế nào để đạt được sự an lạc nội tâm, thì nó sẽ trở nên hoàn thiện hơn.
Học sinh không chỉ học về thế giới vật chất mà còn phải được học về những trải nghiệm cảm xúc của mình. Từ mẫu giáo đến đại học, chương trình giảng dạy cũng nên bao gồm các buổi học về tâm thức và cảm xúc một cách khách quan trong bối cảnh thế tục. Đất nước này có một di sản về sự hiểu biết tâm thức và thế giới nội tâm của chúng ta, nhưng điều này cần phải được hồi sinh qua các lớp học của quốc gia.
Trẻ em tạo ra vài vấn đề rắc rối. Chúng trung thực một cách tự nhiên, cởi mở và ngưỡng mộ tình cảm. Một số nhà khoa học nói rằng, con người thuộc động vật xã hội với mối quan tâm tự nhiên đối với cộng đồng của mình. Chúng ta có thể thấy những bản tính này ở các cháu bé. Khi còn trẻ, chúng tốt bụng một cách tự nhiên. Nhưng một khi đã đến trường đi học thì bản tính này đã thay đổi. Chúng phát triển các mục tiêu vật chất. Chúng bắt đầu nhìn những người khác qua khía cạnh ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’. Bản chất con người cơ bản của họ là lòng từ bi - đã bị bỏ rơi.
Nếu hệ thống giáo dục trưởng dưỡng cho sự an lạc nội tâm, lòng từ bi và bất bạo động; thì học sinh sẽ học được cách làm thế nào để có được sự bình yên trong tâm hồn. Đây là những gì cần thiết nếu chúng ta thực hiện mục tiêu của một thế giới hòa bình và phi quân sự thực sự. Cảm ơn quý vị!”