Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến trước máy quay phim sáng nay, Ngài mỉm cười và nhìn thấy những khuôn mặt của những người bạn cũ trên màn hình phía trước, và Ngài đã vẫy tay chào họ. Một lần nữa, Telo Rinpoche đã cảm ơn Ngài về những lời dạy mà Ngài đã ban truyền. Rinpoche giải thích rằng, hôm nay, ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ sẽ được trì tụng bằng ngôn ngữ Kalmyk từ Tu viện Phật giáo Trung tâm ‘Trú Xứ Vàng Phật Thích Ca Mâu Ni’, được xây dựng theo sáng kiến của cựu Tổng thống Kalmykia - ông Kirsan Ilyumzhinov. Rinpoche nói thêm rằng, Tu viện đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Giáo Pháp, văn hóa và ngôn ngữ. Đây cũng là nơi cung cấp viện trợ cho những người nghèo khổ, khó khăn; và điều hành các chương trình xã hội liên quan đến y tế và giáo dục.
Ngài đã theo dõi thời tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Kalmyk với niềm hoan hỷ rạng ngời.
Ngài bắt đầu: “Hôm nay là một ngày đặc biệt. Thánh Mẫu của Đức Phật - người đã qua đời sau khi Ngài được đản sinh - đã tái sinh về Thiên Giới. Đức Phật đã quang lâm đến thăm tái sanh của Thánh Mẫu và dành một khoảng thời gian ở đó. Hôm nay là ngày tưởng niệm sự trở lại nhân gian của Ngài từ Cõi Trời Ba mươi Ba. Như tôi đã đề nghị ngày hôm qua, chúng ta hãy dâng lên cúng dường Đức Phật bằng sự thiền định về tánh Không và Bồ Đề Tâm.
“Mục đích chính của Giáo Pháp của Đức Phật là chuyển hóa tâm thức của chư đệ tử của Ngài. ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ mà quý vị vừa mới trì tụng - chủ yếu đề cập đến tánh Không. Ở phần đầu, Kinh nói rằng Đức Phật đã miên mật trong thiền định về sự soi sáng uyên thâm - điều này đề cập đến tánh Không và Bồ Đề Tâm. Một cuộc Pháp thoại diễn ra giữa Ngài Xá Lợi Phất và Đức Quán Thế Âm.
“Trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên - vòng Giáo lý đầu tiên của Đức Phật - Ngài đã nói về bốn Chân lý cao cả (Tứ Diệu Đế) và “nhân vô ngã”. Tuy nhiên, trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ - một phần của vòng Giáo lý thứ hai - có nói rằng năm uẩn, sự kết hợp giữa thân và tâm, cũng nên được xem là rỗng không. Đức Quán Thế Âm tuyên bố, ‘Sắc tức là Không; Không tức là Sắc.’
“Sắc, chúng sinh và các vật thể khác đều không tồn tại như chúng trình hiện. Tất cả đều tồn tại dựa vào những điều kiện khác. Sự phụ thuộc hay độc lập đều đối lập hoàn toàn. Bởi lẽ chúng không tồn tại độc lập, cho nên mọi thứ chỉ tồn tại bằng sự gán danh.
“Cuộc Pháp thoại diễn ra giữa Ngài Xá Lợi Phất và Đức Quán Thế Âm do sự linh ứng của Đức Phật. Khi sự việc hoàn tất, Đức Phật đã xuất định và xác nhận về những điều mà Đức Quán Thế Âm đã nói, vì nó phù hợp với sự thực hành của Ngài qua ba A tăng kỳ kiếp.
“Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật bao gồm những Đạo lộ thâm sâu và quảng đại. Nếu chỉ nói suông ‘Con xin quy y Phật’ không thôi - thì tự nó không có ý nghĩa gì lắm. Quý vị cần phải thực hành theo những gì mà Đức Phật đã dạy và áp dụng nó để quý vị được chuyển hóa và trở nên giống như Đức Phật.
“Ngài Long Thọ đã xác định rõ:
Những gì phát sinh từ những nhân duyên,
Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không.
Nếu đó là một pháp nhân duyên,
Thì chính nó cũng là Trung Quán.
Bởi lẽ chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không.
“Tất cả những cảm xúc tiêu cực có thể được diệt trừ bằng cách vượt qua sự vô minh. Vì vô mimh là một quan niệm sai lầm về thực tế, cho nên nó sẽ bị diệt trừ bằng sự nhận thức rõ ràng về thực tế.
“Khi nói rằng mọi thứ không có bất kỳ sự tồn tại thực sự hoặc cố hữu nào - không có nghĩa là chúng hoàn toàn không tồn tại. Chúng tồn tại bằng cách phụ thuộc. Chúng không tồn tại một cách khách quan từ phía của chúng.
“Ngài Long Thọ đã viết trong 'Trí tuệ Căn bản của Trung Quán’:
Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh Không.
“Ngài nói rõ rằng chúng ta quay cuồng trong vòng sinh tử luân hồi là do ác nghiệp - hành động tiêu cực; và sự giải thoát chỉ có thể đạt được bằng cách loại bỏ nghiệp và phiền não của tâm.
“Jé Tsongkhapa đã phát nguyện trong ‘Xưng tán Duyên khởi’:
Nguyện đời đời kiếp kiếp
Dù xả bỏ xác thân
Không chùn bước, thoái lui
Trong thực hành Chánh Pháp
Giáo lý thật cao minh
Của Đạo Sư vĩ đại
Bậc chỉ rõ tận tình
Bản thể lý Duyên Sinh. (56)
Nguyện trọn ngày lẫn đêm
Luôn miên mật suy tư
Cách hoằng truyền Giáo Pháp
Mà Đấng Hướng Đạo Sư
Qua muôn vàn gian nan
Dũng cảm và kiên trì
Pháp bất khả tư nghì
Mới thậm vi chứng được. (57)
Ngài thừa nhận rằng những người theo trường phái Tỳ Bà Sa Luận Bộ và những người theo Kinh Lượng Bộ khẳng định rằng các pháp có một số loại tồn tại khách quan. Hơn nữa, Trường phái Duy Tâm khẳng định rằng một người có thể được xác định bằng cái mà họ gọi là ý thức nền tảng. Ngài nói rằng, trong bối cảnh này, Ngài thường xuyên lặp lại và suy ngẫm về những câu sau đây trong cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng:
Nếu các pháp thực sự phụ thuộc vào tự tướng
Bác bỏ tự tướng này khiến các pháp bị mất đi
Vậy Tánh Không làm các pháp triệt tiêu
Điều này thật vô lý - thế nên các pháp vốn không hề tồn tại. (6.34)
Vì vậy, nếu pháp ấy được phân tích rõ ràng,
Ngoài thật tánh chân như của nó ra - chẳng có gì được tìm thấy,
Và vì vậy, sự thật của quy ước hàng ngày,
Không nên là đối tượng để đem ra khảo sát. (6.35)
Trong phân tích triệt để, không lý luận nào thừa nhận;
Sản phẩm ra đời từ thứ khác hay từ nơi chính nó phát sinh;
Và lý luận không thể ủng hộ ngay cả là quy ước thông thường
Vậy điều gì xảy ra với thuyết khởi sinh của bạn? (6.36)
Trong khi phủ nhận mọi sự tồn tại nội tại cố hữu của các pháp, chúng ta vẫn có thể khẳng định sự tồn tại hàng ngày của chúng.
Ngài mời khán giả của mình cùng thực hành thời thiền định ngắn về tánh Không và yêu cầu họ sử dụng câu thơ được chế tác lại của Ngài từ ‘Trí tuệ Căn bản’ của Ngài Long Thọ:
Tôi không là các uẩn
Cũng chẳng khác các uẩn
Các uẩn không trong tôi,
Tôi không trong các uẩn,
Tôi thật sự vốn dĩ
Không sở hữu các uẩn
Như vậy tôi là ai?
Chuyển sự chú ý của mình sang việc trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm, Ngài đã trích dẫn những bài Kệ từ ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên:
Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng mình. (8/129)
Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân. 8/130
Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể sa ngã trong sự thất vọng triền miên? 30/7
Chúng ta trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi là do thái độ ái trọng tự thân một cách ngoan cố. Tuy nhiên, ở phần đầu của ‘Nhập Trung Quán Luận’ Ngài Nguyệt Xứng đã nói rằng lòng từ bi là nguyên nhân của quả vị Phật hoàn hảo. Thông qua sự hiểu biết về tánh Không, chúng ta có thể thấy rằng sự giải thoát của tất cả chúng sinh là điều có thể khả thi. Khi chúng ta nuôi dưỡng ước nguyện giải thoát cho những chúng sinh khác, thì Bồ Đề Tâm sẽ phát sinh. Vì vậy, vì lợi ích của tha nhân, chúng ta khao khát trở thành một người toàn giác. Ngài mời thính chúng cùng thiền định về Bồ Đề Tâm.
Khi hoàn tất thời thiền định ngắn, Ngài đã trích dẫn những câu thơ đầy tâm huyết từ ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên và ‘Vòng Châu Báu’ của Ngài Long Thọ.
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”. 10/55
"Nguyện cho con luôn là đối tượng của sự hưởng thụ
Đối với tất cả chúng sinh tùy theo ý muốn của họ;
Và không hề có một sự cản trở nào - cũng giống như đất,
Nước, lửa, gió, thảo mộc, và khu rừng hoang dã!" 5/483
"Nguyện cho con được thân thiết với chúng sinh như chính cuộc đời con,
Và nguyện cho họ thậm chí còn đáng quý hơn đối với bản thân con!
Cầu cho những ác nghiệp của họ hãy giáng xuống đời con!
Và tất cả những hạnh lành của con xin hãy trổ quả tốt đẹp cho đời họ!" 5/484
Ngài tuyên bố rằng sự thiền định hàng ngày về tánh Không và Bồ Đề Tâm là hữu ích nhất. Sau đó, Ngài mời thính chúng nêu câu hỏi.
Đầu tiên là câu hỏi từ một người đàn ông muốn xem xét lại vấn đề kinh doanh của mình - liên quan đến việc sản xuất thịt - dưới góc độ nhân quả, nhưng ông cũng cần phải hỗ trợ giúp đỡ cho gia đình của mình. Ngài thừa nhận rằng theo truyền thống thì nhiều người Mông Cổ và Tây Tạng khó có sự lựa chọn ngoài việc ăn thịt vì có rất ít rau củ quả.Ngài đề cập rằng Đức Phật đã khuyên các Tăng sĩ của mình về ba trường hợp mà họ có thể chấp nhận ăn thịt: khi họ không tận mắt chứng kiến con vật bị giết vì họ; khi họ không nghe từ những người mà họ tin tưởng - rằng nó đã bị giết dành riêng cho họ; và khi họ chắc chắn rằng nó không bị giết đặc biệt vì họ. Ngày nay, nhà bếp tập thể của các tu viện Tây Tạng ở miền Nam Ấn Độ chỉ phục vụ đồ ăn chay.
Ngài lưu ý rằng, chăn nuôi công nghiệp được cho là không tốt cho môi trường tự nhiên và dẫn đến sự tổn hại và đau khổ cho động vật. Ngài khuyên rằng sẽ rất tốt nếu có thể tránh được sự hành nghề kiếm sống bằng việc giết mổ động vật, nhưng Ngài cũng thừa nhận rằng điều đó có thể là rất khó khăn, cũng như những người du mục cũng khó mà thay đổi được. Khi đưa ra những quyết định như vậy, cần phải tính đến hoàn cảnh của quý vị.
Một sự ưu tư đã phát sinh về vấn đề liệu việc thọ nhận Giáo Pháp trong tình huống trực tuyến có được công hiệu mạnh mẽ bằng việc thọ Pháp trực tiếp với một Vị Thầy hay không. Ngài trả lời rằng, sẽ rất tốt nếu như quý vị có thể nhận được lời khẩu truyền trực tiếp từ một Vị Thầy, nhưng điều quan trọng hơn là phải nghiên cứu và suy ngẫm về ý nghĩa của những gì mà quý vị đã học được. Ngài đề cập đến bốn sự nương tựa (tứ y):
Y Pháp, bất y nhân;
Y nghĩa, bất y ngữ;
Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa.
Y trí, bất y thức
Ngài khuyên rằng nên đọc học hỏi hoặc lắng nghe bài giảng, cố gắng hiểu nó và áp dụng kết hợp nó vào trong hoàn cảnh của chính bản thân mình.
Ngài nói với một nhóm mà Vị Lạt Ma Sư Phụ của họ - Namkhai Norbu Rinpoche - đã viên tịch; rằng ngay cả khi Sư Phụ đã vắng bóng, họ vẫn có thể thực hành được những gì mà Sư Phụ đã dạy. Ngài chỉ ra rằng, không ai trong chúng ta được diện kiến Ngài Long Thọ; nhưng chúng ta vẫn có được những lời dạy của Ngài và vẫn giữ được niềm tin của mình vào những lời giáo huấn ấy.
Ngài khuyến nghị rằng ở Nga, nơi đã có những người theo đạo Phật trong nhiều thế kỷ, thì Phật giáo không phải là điều mới mẻ. Ngài nói, ngày nay, bằng cách áp dụng phương pháp logic, lý luận để giảng dạy, chúng ta có thể kết hợp sự hiểu biết về hoạt động của tâm thức và cảm xúc với những khám phá của khoa học hiện đại. Vì một phần của Nga nằm ở châu Á và một phần ở châu Âu cho nên nó có thể đóng vai trò như một cầu nối giữa Đông và Tây. Ngài đã lên tiếng khuyến khích các Phật tử ngày nay hãy là người Phật tử của thế kỷ 21, nên đặt nền tảng sự thực hành của mình dựa trên lý luận và sự hiểu biết chứ không nên chỉ dựa vào đức tin.
Một người ở tại ‘Trú Xứ Vàng Phật Thích Ca Mâu Ni’ ở Kalmykia muốn biết tại sao Ngài Long Thọ chủ trương phát triển Bồ Đề Tâm tối thượng trước tiên và thứ đến mới phát triển Bồ Đề Tâm thông thường. Ngài nói với cô rằng, mặc dù Ngài Long Thọ đã sống cách đây gần 2000 năm, nhưng khi đọc các tác phẩm của Đức Long Thọ, Ngài cảm thấy như thể Đức Long Thọ đang đứng ngay bên cạnh mình. Ngài giải thích rằng, nếu quý vị thực hiện phương pháp lý luận, quý vị cần phải đặt câu hỏi liệu có thực sự có thể loại bỏ được những phiền não của tâm hay không; và liệu có thể đạt được Phật quả hay không.
Chư Bồ Tát tập trung vào sự giác ngộ với trí tuệ; và tập trung vào chúng sinh bằng lòng từ bi. Do đó, điều quan trọng là phải phát triển trí tuệ hiểu biết về tánh Không. Khi những người có căn cơ nhạy bén biết rõ rằng họ có thể đạt được giác ngộ, rằng có thể đạt được toàn tri, rồi sau đó họ mới tính đến việc dẫn dắt những chúng sinh khác đạt đến trạng thái đó.
Một người hỏi cần phải làm gì để có thể cung thỉnh được Ngài quang lâm đến viếng thăm Nga; trong khi một người khác hỏi họ cần phải làm gì để có thể được trở thành đệ tử của Ngài trong những kiếp về sau. Trả lời cho câu hỏi đầu tiên, Ngài cho biết rằng Ngài rất cảm kích về lời thỉnh mời đó. Ngài lưu ý rằng Ngài đang ngày càng lớn tuổi; và cơn đại dịch hiện nay đã hạn chế các hoạt động của Ngài. Tuy nhiên, khi cho rằng Kalmykia chỉ cách nơi này khoảng 4 giờ bay; và Matxcova chỉ cách đó 3 giờ bay, cho nên chuyến viếng thăm của Ngài không phải là không có thể.
Ngài nói với người hỏi thứ hai rằng, “Tương lai của quý vị phụ thuộc vào hiện tại của quý vị. Trau dồi thực hành Bồ Đề Tâm và trí tuệ liễu ngộ tánh Không, đó cũng là những thực hành thiết yếu của tôi. Hãy nhớ lại những điều này vào lúc lâm chung và lời cầu nguyện mà Jé Tsongkhapa đã trước tác ở phần cuối ‘Nền tảng mọi Thiện Đức’ có thể sẽ được ứng nghiệm:
Nguyện muôn kiếp hoan hỷ trong niềm vui Chánh Pháp
Mãi không rời xa bậc Thầy hoàn hảo vẹn toàn
Thành tựu các chứng địa và con đường Đạo Lộ
Nguyện nhanh chóng viên thành quả vị Chấp Kim Cang.
“Tôi đã nhận được nhiều quán đảnh Mật tông, nhưng trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tánh Không là những thực hành chính của tôi. Nếu để cho chúng ta được gặp lại nhau, thì đây là những điều mà quý vị cũng có thể thực hành”.
Cuối cùng, một cặp chủ hộ bận tâm về việc họ còn phải nuôi dưỡng cho gia đình - muốn biết sự thực hành đặc biệt nào mà họ có thể làm. Ngài trả lời rằng, quý vị không cần phải là một tu sĩ để thực hành Bồ Đề Tâm và tánh Không. Ngài nói thêm rằng nếu quý vị tham gia vào công tác giáo dục hoặc công tác xã hội, thì quý vị đã có thể đóng góp được nhiều hơn cho xã hội so với những Tăng Sĩ sống độc cư. Ngài trích dẫn câu thơ ở cuối chương thứ sáu của cuốn “Nhập Trung Quán Luận” của Ngài Nguyệt Xứng:
Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn
Với đôi cánh của Chân Đế và Tục Đế rộng dang.
Được thúc đẩy bởi sức mạnh của cơn gió đại hùng Giới Đức,
Vượt đến bờ bên kia, đạt được phẩm chất đại dương của Chiến thắng Huy hoàng. 6.226
Telo Rinpoche đã kết thúc buổi giảng bằng cách thay mặt cho tất cả Phật tử Nga - những người đã cùng nhau tổ chức cuộc gặp gỡ trực tuyến này - thành kính tri ân Ngài vì sự quan tâm mà Ngài đã dành cho họ trong những năm qua. Rinpoche thỉnh cầu Ngài hãy cùng với họ và giảng dạy cho họ một lần nữa trong tương lai. Rinpoche kết thúc bằng lời kính chúc Ngài luôn được Pháp Thể khinh an và miên trụ trường thọ.