Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Buổi thuyết Pháp sáng nay được bắt đầu với Telo Rinpoche - người đại diện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nga, Mông Cổ và các nước SNG (Cộng đồng các Quốc gia Độc lập) - Rinpoche cảm ơn Đức Ngài đã giảng dạy cho các nhóm người Nga nói chung kể từ năm 2009 và đã dạy họ ở Riga, Latvia kể từ năm 2014. Ông rất vui mừng rằng - mặc dù bị đại dịch - nhưng nhờ vào nền công nghệ mà chúng ta có hiện nay - một nhóm như thế này đã có thể tập hợp với nhau qua mạng internet.
Telo Rinpoche giải thích rằng, trước tiên sẽ có phần trì tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ từ Tu Viện Kuntse Choinoei Datsang ở Đường Petersburg, được xây dựng theo sáng kiến của Tsenshab Ngawang Dorje, với sự đóng góp của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 và các Phật tử từ Mông Cổ và trên khắp nước Nga. Rinpoche đề cập rằng bài tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ lần thứ hai sẽ được tụng bằng ngôn ngữ Buryati từ Rinpoche Bagsha Datsang ở Ulaan Udé.
Sau khi phần tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ được hoàn tất, Ngài đã nói chuyện với thính chúng.
“Thưa chư Phật tử ở Cộng hòa Nga, ngày nay chúng ta đã có thể gặp gỡ nhau qua liên kết truyền hình. Nhân dân Tây Tạng chúng tôi đã có mối liên hệ với những người dân ở Kalmykia, Buryatia và Tuva qua nhiều thế kỷ. Vào năm 1959, khi tôi tham dự kỳ thi Geshé (Tiến sĩ Triết học Phật Giáo Tây Tạng), đã có nhiều Vị Geshé từ các nước cộng hòa này đã tranh biện với tôi. Trong số họ có Khensur Ngawang Lekden, Trụ trì Thupten Nyima đến từ Buryat và Geshé Yangdak đến từ Tuva, những người mà tôi tin rằng có thể nói tiếng Nga rất tốt. Vì vậy, trong suốt cuộc đời của tôi, đã có những Vị học giả hàng đầu như thế, và chúng tôi thường gọi họ bằng cái tên là ‘Sokpo’.
“Ngodup Tsoknyi đến từ Nội Mông là một trong những vị Thầy của tôi. Ông đã giới thiệu cho tôi quan điểm về Tánh Không.
“Người Tây Tạng và người dân tộc Mông Cổ đã có mối liên kết qua nhiều thế hệ. Đáng buồn thay, trong các cuộc cách mạng ở Mông Cổ và sau đó là ở Trung Quốc, nhiều học giả vĩ đại đã bị hành quyết. Một người là Gia Sư của Kunkhyen Jamyang Shayba. Dường như Ông đã bị xử tử vì tội có nhiều đồ đệ. Khi sắp lâm chung, Ông ấy yêu cầu cho Ông một chút thời gian để đọc lời cầu nguyện. Và Ông đã cầu nguyện rằng, ‘Hỡi Đấng Đạo Sư của con! Xin hãy ban phước cho con rằng, những việc ác của chúng sinh xin hãy trổ quả xuống đời con; và tất cả những hạnh lành của con xin hãy ban quả đến cho họ’. Những gì đã xảy ra ở Nga và Mông Cổ thì sau đó cũng đã diễn ra ở Tây Tạng.
“Các nhà chức trách đã cố gắng loại bỏ Giáo Pháp, nhưng Giáo Pháp không thể bị loại bỏ bằng vũ lực! Vì chỉ cần bao lâu chúng ta còn có cảm xúc, có cảm giác, thì tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Là con người, chúng ta thông minh và có khả năng suy nghĩ thấu đáo. Chúng ta có thể sử dụng tâm thức của mình để thay đổi cách mà chúng ta suy nghĩ - để vun đắp hạnh phúc và làm giảm bớt khổ đau. Giáo pháp và Tôn giáo - nói chung - là những phương tiện để chuyển hóa tâm thức của chúng ta.
“Ở Ấn Độ, có hai giai đoạn truyền bá Giáo lý của Đức Phật; một giai đoạn đã trở thành Truyền thống Pali và một giai đoạn khác là Truyền thống Phạn ngữ. Ở Tây Tạng và các khu vực Mông Cổ, chúng tôi thực hành theo Truyền thống Nalanda, nhấn mạnh việc sử dụng phương pháp phân tích bình luận và logic. Đức Phật đã khuyến khích các đệ tử của mình thực hiện phương pháp này khi Ngài nói với họ rằng:
Hỡi chư Tăng và các hàng Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách cắt chặt, cọ xát và đốt nung,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra, nghiệm dụng;
Rồi mới chấp nhận, chứ đừng chỉ vì lòng ái mộ tôn sùng!
“Giống như 'Sáu Tập Hợp Lý Luận' của Ngài, ‘Luận giải về Bồ Đề Tâm’ của Ngài Long Thọ cũng dựa trên lý luận và logic.
“Đức Phật tiên đoán rằng giáo lý của Ngài sẽ lan truyền từ phương Bắc sang phương Bắc, điều này được hiểu rằng nó có nghĩa là - trước tiên nó sẽ được truyền sang Tây Tạng; và sau đó sẽ đến các vùng của Mông Cổ. Chúng tôi noi theo Truyền thống Nalanda mà Tịch Hộ đã giới thiệu đến Tây Tạng. Ngài là tác giả của cuốn ‘Lý Luận Yếu Lược’ đề cập đến logic và nhận thức luận; và ‘Trang hoàng cho Trung quán’ - một bản văn triết học. Ngài cũng được coi là người sáng lập Trường phái Du già Trung quán Tự lập (Yogachara Svatantrika Madhyamaka).
“Phật giáo du nhập vào Mông Cổ từ Tây Tạng vào thời Chögyal Phagpa. Sau đó, nhiều người Mông Cổ đã trở thành đệ tử của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ ba và truyền thống Geluk được truyền bá rộng rãi. Tên của Ngài là Sonam Gyatso, và “Dalai” nghĩa là “đại dương”, là tiếng Mông Cổ tương đương với từ “Gyatso” của Tây tạng.
“Vào năm 1979, tôi đã đến viếng thăm Nga và tiếp tục đến Mông Cổ. Tôi ngồi với một nhóm chư Tăng trưởng thượng bên trong Tu viện Gandan ở Ulaanbaatar. Họ đã cúng dường trường thọ cho tôi, trong thời gian đó họ đã tụng niệm với lòng sùng kính đến nỗi khiến cho họ và tôi đều rơi nước mắt. Tôi suy ngẫm về việc Phật giáo đã truyền bá ở đó như thế nào; và rồi nó đã bị hủy diệt ra sao - nhưng đức tin vẫn không hề bị suy giảm. Sự tàn bạo của các cuộc cách mạng Nga và Trung Quốc đã không thể xóa bỏ được đức tin khỏi tâm thức của người dân”.
Ngài nói về sự miễn cưỡng của các Vị Tu viện trưởng và chư Tăng trưởng thượng khi Ngài đề nghị giới thiệu khoa học hiện đại cho các Tu viện Tây Tạng được tái thiết lập ở miền Nam Ấn Độ. Ngài chỉ ra rằng có những điều mà các học giả Tu viện có thể giải thích cho các nhà khoa học; cũng như học hỏi được từ họ. Ngài nhận thấy rằng, ngày nay, Ngài được biết đến là nhờ vào sự quan tâm đến khoa học; cũng như nhờ vào sự rèn luyện về Giáo pháp của mình. Ngài nói rằng Ngài tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo và cảm thấy rất hoan hỷ khi được tỏ lòng thành kính tại những nơi thờ phụng của họ, nhưng đức tin cá nhân của Ngài vẫn luôn duy trì nơi Đức Phật.
Các nhà khoa học được sinh ra và trưởng thành ở phương Tây chỉ có hiểu biết sơ lược về tâm thức và cảm xúc, trong khi đó - chư Phật tử có thể giải thích chi tiết về điều ấy. Do đó, ngày nay đã có các nhà khoa học quan tâm đến những điều Đức Phật đã dạy. Trong khi đó, các phòng thí nghiệm khoa học cũng đã được thành lập ở những nơi như Tu viện Drepung Loseling. Việc đào tạo theo Truyền thống Nalanda đã trang bị cho Chư Tăng có đủ khả năng để tham gia và học hỏi từ các nhà khoa học hiện đại.
Mặc dù nhiều cơ sở Tu viện ở các vùng Mông Cổ và Tây Tạng đã bị phá hủy, nhưng một cuộc phục hưng đang được tiến hành. Ngài nhận xét rằng những người cộng sản đã cố gắng tẩy não mọi người về những nhược điểm bị cáo buộc là của Phật giáo, nhưng vô ích. Tuy nhiên, Ngài nhấn mạnh rằng, nếu để cho truyền thống được tồn tại thì cần phải học tập và thực hành. Việc thực hành Phật Pháp không chỉ giới hạn trong việc thiết lập một bàn thờ và tôn kính những hình ảnh và kinh sách được đặt trên đó. Lý do mà các bộ Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng) đáng được tôn trọng vì đó là sách giáo khoa để nghiên cứu về giáo lý của Đức Phật.
Ngài tuyên bố: “Tôi đã khuyến khích nhân dân Tây Tạng nên học tập, và tôi khuyên quý vị cũng nên làm như vậy. Khi đọc đến ‘Kho tàng Kiến thức’ (Abhidharmakoshakarika), quý vị có thể chừa chương ba lại; vì nó thảo luận về vũ trụ học theo các phương diện không còn phù hợp với những khảo sát của khoa học. Tuy nhiên, những điều mà cuốn sách cho chúng ta biết về tâm thức và cảm xúc thì vẫn còn giá trị nguyên vẹn. Những cuốn sách thuộc về Bát Nhã Ba La Mật đã cho ta thấy được cách tiến triển trên con đường dẫn đến giác ngộ. ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’ của Ngài Di Lặc đã đề cập đến mười sự hướng dẫn liên quan đến hai sự thật (Nhị Đế), bốn sự thật (Tứ Đế) và đối tượng của Quy Y.
“'Sáu Tập Hợp Lý Luận' của Ngài Long Thọ đã làm sáng tỏ những gì được trình bày trong Bát Nhã Ba La Mật. “Nhập Trung Quán Luận” của Ngài Nguyệt Xứng là một bản văn xuất sắc theo cùng một khuynh hướng. Tôi đặc biệt thích các bài Kệ 34-36 của Chương Sáu, những bài Kệ này nói rõ rằng không có thứ gì có bất kỳ sự tồn tại cố hữu nào trong chính bản thân nó. Tôi thường xuyên đọc lại những câu này cho chính mình và suy ngẫm về chúng.
Nếu các pháp thực sự phụ thuộc vào tự tướng
Bác bỏ tự tướng này khiến các pháp bị mất đi
Vậy Tánh Không làm các pháp triệt tiêu
Điều này thật vô lý - thế nên các pháp vốn dĩ không hề tồn tại. (6.34)
Vì vậy, nếu pháp ấy được phân tích rõ ràng,
Ngoài thật tánh chân như của nó ra - chẳng có gì được tìm thấy,
Và vì vậy, sự thật của quy ước hàng ngày,
Không nên là đối tượng để bày ra khảo sát. (6.35)
Trong phân tích triệt để, không lý luận nào thừa nhận;
Sản phẩm ra đời từ thứ khác hay từ nơi chính nó phát sinh;
Và lý luận không thể ủng hộ ngay cả là quy ước thông thường;
Vậy điều gì xảy ra với thuyết khởi sinh của bạn? (6.36)
“'Nhập Trung Quán Luận’ nói thêm rằng; tất cả những cảm xúc tiêu cực phát sinh đều do kết quả của việc bám chấp vào sự tồn tại thực sự. ‘Tứ Bách Kệ’ cũng nói rằng vô minh là gốc rễ của mọi phiền não tâm thức, nhưng nếu quý vị phát triển sự hiểu biết về duyên sinh, thì quý vị có thể khắc phục được nó. Chúng ta trải nghiệm qua sự tham luyến và tức giận vì quan niệm sai lầm của chúng ta rằng mọi thứ có một sự tồn tại khách quan bên trong và của chính chúng. Nhưng khi chúng ta xem xét các trạng thái lệch lạc của tâm thức như sân giận dữ và tham luyến, chúng ta nhận thấy rằng chúng không hề có cơ sở vững chắc.
“Điều mà tôi khao khát thực hiện là đạt đến sự chấm dứt thực sự được mô tả trong Chương Sáu của ‘Nhập Trung Quán Luận’. Sự giải thoát có thể đạt được bằng cách phát triển sự hiểu biết về tánh Không. Và ngay cả khi quý vị không khao khát cho sự giải thoát, thì sự hiểu biết về tánh Không cũng sẽ giúp chúng ta đối trị được với khổ đau.
Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt. 6.224
Ngài trở lại với bản văn mà Ngài sẽ giảng: ‘Luận giải về Bồ Đề Tâm’ của Ngài Long Thọ. Ngài đọc dòng kính lễ Đức Kim Cang Tát Đoả và lưu ý rằng bài kệ sơ khai đầu tiên đến từ Mật chú Bí Mật Tập Hội. Nó bác bỏ cái “ngã” được đặt ra bởi những người không phải là Phật tử, đó là cái “ngã” tồn tại độc lập với các uẩn thuộc tâm lý-vật lý. Ngài đề cập rằng trường phái Duy tâm đã chấp nhận sự tồn tại khách quan của các pháp, nhưng bác bỏ sự tồn tại bên ngoài của chúng. Họ khẳng định một ‘ý thức nền tảng’ là cơ sở của “ngã”. Mặt khác, những người theo trường phái Trung Quán lại bác bỏ mọi sự tồn tại cố hữu của các pháp.
Ngài đã chú ý đến một bài Kệ trong ‘Trí tuệ Căn bản Trung quán Luận’ bàn về Như Lai.
"Không phải là các uẩn
Cũng không khác các uẩn;
Các uẩn không trong Ngài,
Ngài không trong các uẩn,
Đức Như Lai vốn dĩ
Không sở hữu các uẩn
Như vậy Như Lai là ai?"
Ngài nói rằng Ngài thường hay lặp lại điều này để áp dụng cho bản thân mình và suy ngẫm về nó cho phù hợp với trường hợp của mình:
Tôi không là các uẩn
Cũng chẳng khác các uẩn;
Các uẩn không trong tôi,
Tôi chẳng trong các uẩn;
Tôi thật sự vốn dĩ
Không sở hữu các uẩn;
Như vậy tôi là ai?
“Việc hiểu biết rằng - không hề có bất kỳ điều gì có sự tồn tại khách quan - cần phải được kết hợp với mục đích vị tha để đạt được sự giác ngộ nhằm mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh. Những bài Kệ từ “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên đã chỉ ra ý nghĩa quan trọng của mục đích này.
Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác.
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu phúc lạc của riêng mình. (8/129)
Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân. (8/130)
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui.
“Theo sự khảo sát của các nhà khoa học thì chúng ta là những sinh vật sống theo quần thể. Tình yêu thương và sự quan tâm đến người khác được phát sinh một cách rất tự nhiên trong chúng ta”.
Ngài nêu lên rằng, lần đầu tiên Đức Phật dạy về “nhân vô ngã” ở mức độ thô thiển, nhưng sau đó Ngài đã giảng về tính bất nhị tinh vi của chủ thể và đối tượng. Những người theo Ứng Thành Phái (Prasangikas) - đại diện cho quan điểm cao nhất - khẳng định rằng không hề có sự tồn tại khách quan nào cả. Ngài đọc bài Kệ sơ bộ thứ hai:
Cũng như chư Phật gia trì và các vị đại Bồ Tát đã phát đại Bồ Đề Tâm,
Con cũng như thế, từ nay cho đến ngày đạt được Tâm Bồ Đề,
Xin phát Bồ Đề Tâm để con có thể cứu giúp những người chưa được cứu,
Giải thoát cho những người chưa từng được giải thoát,
Phóng thích cho những ai chưa được phóng thích,
Giúp vượt qua triệt để nỗi sầu cho những ai chưa hoàn toàn vượt khỏi khổ đau.
Ngài nhận xét rằng, nếu chỉ thông qua mỗi mình sự hiểu biết về tánh Không, thì ta chỉ có thể trở thành một vị La hán hoặc Bích Chi Phật (Phật Độc Giác). Để đạt được sự giác ngộ hoàn toàn của một vị Phật, sự hiểu biết về tánh Không này cần phải được kết hợp với Bồ Đề Tâm. Chỉ bằng cách này thì những “sở tri chướng” mới có thể được khắc phục.
Sau đó, Ngài đọc đều đặn 26 bài Kệ đầu của bản văn.
Trong khi trả lời các câu hỏi của khán giả, Ngài đã giải thích rằng, hai phương pháp để phát khởi Bồ Đề Tâm, phương pháp “nhân quả bảy lần” và phương pháp “bình đẳng và hoán đổi ngã - tha”; hai phương pháp này không hề mâu thuẫn lẫn nhau. Phương pháp đầu tiên là một cách tiếp cận dần dần. Phương pháp thứ hai thì phù hợp đối với những người có căn cơ nhạy bén hơn. Bất kể quý vị áp dụng phương pháp nào, nếu quý vị càng vị tha bao nhiêu thì càng được hạnh phúc bấy nhiêu.
Ngài xác nhận rằng chúng ta có cảm giác về cái ‘tôi’ được định danh dựa trên cơ sở của tâm thức. Ngài trích dẫn trong Bí Mật Tập Hội nói rằng, tâm quang minh sâu kín nhất là nền tảng cơ bản để xác định cái tôi. Không có sự khác biệt giữa tánh quang minh trong tâm của Đức Phật và tâm của chúng ta. Tương tự như thế, không có sự khác biệt giữa tánh Không của tâm Đức Phật và tánh Không của chính tâm chúng ta. Khi chúng ta nhận ra Phật tính của mình thông qua sự thực hành, và rồi cuối cùng chúng ta sẽ thành Phật.
Mật thừa Du già Tối thượng nói rằng, con đường nhanh chóng dẫn đến giác ngộ dựa trên việc nhận ra tánh quang minh của tâm thức. Bồ Đề Tâm tối thượng đề cập đến tâm thức trực tiếp liễu ngộ tánh Không. Tuy nhiên, ‘rigpa’ được đề cập trong giáo lý Đại Toàn Thiện (Dzogchen) ám chỉ đến việc có sự trải nghiệm về tánh quang minh của chính tâm thức, tức là làm cho nó hiển lộ bên trong chúng ta.
Sau khi thành đạo, Đức Phật đã suy nghĩ rằng:
Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra,
Thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
Ngài gợi ý rằng những từ “thâm thuý và an bình” có thể đề cập đến lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên của Đức Phật. “Vô tự tính” có thể được xem như ám chỉ tánh Không và Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật mà Ngài đã giảng dạy trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai; “sáng rỡ, chẳng tạp pha” có thể đề cập đến tánh quang minh chủ thể được giải thích trong lần Chuyển Pháp Luân thứ ba. Mật thừa Du già Tối thượng nhấn mạnh đến tánh quang minh chủ thể của tâm thức. Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật tập trung vào tánh Không - tánh quang minh đối tượng. Ngài nhận xét rằng đôi khi - khi nói về Đại Thủ Ấn và Đại Toàn Thiện, (Mahamudra and Dzogchen), một số người dường như bỏ qua tánh quang minh đối tượng - tánh Không - và chỉ chú ý đến tánh quang minh chủ thể.
Khi thảo luận về những tâm thô kệch và vi tế, Ngài đã trích dẫn ví dụ về những người mà thể xác vẫn tươi tắn ngay cả sau khi chết lâm sàng. Điều này là do, nhờ vào kinh nghiệm thiền định của họ, ý thức vi tế nhất, tâm quang minh vi tế của họ, đã duy trì trong cơ thể. Ngài xác nhận rằng các nhà khoa học Mỹ và Nga đang nghiên cứu tìm hiểu về hiện tượng này.
Ngài phân biệt các mức độ thô kệch và vi tế của vô thường. Cái chết về thể xác là một khía cạnh thô thiển. Sự thay đổi trong từng khoảnh khắc, diễn ra liên tục, vì không có bất cứ điều gì có thể duy trì được trạng thái tĩnh - là sự vô thường vi tế. Ngài nói rõ rằng, năm yếu tố tinh thần luôn tồn tại - tiếp xúc, cảm giác, tri giác, hành động và sự chú ý đi kèm với bất kỳ khoảnh khắc nào của tâm thức và luôn xảy ra cùng nhau.
Liên quan đến việc giúp đỡ những người thân yêu đang bị bệnh, đặc biệt là trong trận đại dịch này, Ngài đã khuyến nghị nên kiểm tra xem có việc gì cần làm hay không; và nếu có thì phải thực hiện ngay. Nếu không có giải pháp nào để thực hiện, thì việc lo lắng cũng sẽ không thể làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Được yêu cầu hòa giải về ý thức tự do ngôn luận phổ biến ở châu Âu với chủ nghĩa giáo điều rõ ràng của một số cá nhân, Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ý tưởng về một liên minh các quốc gia do Liên minh châu Âu thể hiện; và gợi ý rằng nó nên được mở rộng ra ở các khu vực khác trên thế giới như một phương pháp thuần thục để chỉnh đốn các mối quan hệ.
Buổi giảng kết thúc khi Ngài nói lời cảm ơn với thính chúng của mình. Ngài sẽ tiếp tục giải thích về “Luận giải về Bồ Đề Tâm” vào ngày mai.