Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, Sáng nay, trong một sự kiện được tổ chức như một phần của chương trình Techfest IIT Bombay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhìn lướt qua những khuôn mặt của hai mươi sinh viên trên màn hình trước mặt Ngài, chắp tay và chào mừng họ.
“Namaste. Tôi thực sự cảm thấy rất vui khi được nói chuyện với quý vị, bởi vì Ấn Độ đã duy trì được các khái niệm về ‘ahimsa’ - bất bạo động và ‘karuna’ - lòng từ bi, trong hàng nghìn năm qua. Các nhà tư tưởng vĩ đại của Ấn Độ đã phát huy những ý tưởng này. Tôi tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo của chúng ta và tôi cam kết thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo; mà những ý tưởng về bất bạo động và lòng từ bi này có ý nghĩa thích hợp và mang lại lợi ích thiết thực trong thế giới ngày nay. Những ý tưởng này là sự biểu hiện cơ bản của đạo đức thế tục. Nếu mọi người chú ý hơn đến những ý tưởng này trong cuộc sống hàng ngày của họ, thì thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn.
“Tôi rất vinh dự khi được nói chuyện với những người thuộc về quốc gia này, bởi vì người Tây Tạng chúng tôi là tín đồ của tư tưởng Ấn Độ cổ đại. Hơn một nghìn năm trước, quý vị là ‘guru’ (bậc Thầy) và chúng tôi là ‘chelas’ hay học trò. Vào thế kỷ thứ 7, Hoàng Đế Tây Tạng có quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Ông kết hôn với một công chúa Trung Quốc - người đã thỉnh theo một bức tượng quan trọng của Đức Phật và do đó, Phật giáo đã du nhập vào Tây Tạng. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc áp dụng một hình thức chữ viết của Tây Tạng, Hoàng Đế đã loại bỏ các ký tự Trung Quốc và thay vào đó Ông chọn bảng chữ cái Tây Tạng dựa trên mô hình của chữ viết Ấn Độ.
“Vào thế kỷ sau đó, vị Vua Tây Tạng thời bấy giờ có khuynh hướng tìm đến các nguồn gốc Ấn Độ để thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng. Vị Tăng Sĩ và là nhà học giả vĩ đại của Đại học Nalanda - Ngài Tịch Hộ - gợi ý rằng, vì người Tây Tạng đã có chữ viết riêng, do vậy họ nên dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng.
“Truyền thống Nalanda được thiết lập ở Tây Tạng theo cách này là bắt nguồn từ việc thực hiện phương pháp logic. Điều này phù hợp với lời khuyên của Đức Phật dành cho các đệ tử của Ngài là không nên chấp nhận những điều Ngài đã giảng dạy trên bình diện bề mặt, mà hãy kiểm tra và nghiên cứu nó. Ngày nay, tinh thần của ‘ahimsa’ và ‘karuna’ có liên quan và mang lại lợi ích chung cho toàn thế giới.”
Ngài chỉ ra rằng Ấn Độ là một trong hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới, nhưng nhìn chung người dân của họ sống trong hòa bình, và các tôn giáo lớn sống hòa hợp với nhau. Ngài nói, ‘ahimsa’ và ‘karuna’ là cơ sở nền tảng cho sự hạnh phúc. Vào thế kỷ trước, Mahatma Gandhi đã cho thấy được việc áp dụng lập trường bất bạo động có thể đạt được hiệu quả như thế nào. Trong thế kỷ này, Ấn Độ cũng có thể chứng minh rằng bất bạo động và lòng từ bi có sức thuyết phục như thế nào trong các mối quan hệ giữa các cá nhân.
Những động lực này có thể được kết hợp với sự hiểu biết sâu sắc về triết học rằng, không có gì tồn tại như cách mà nó xuất hiện. Ngài nói rằng nhà vật lý hạt nhân người Ấn Độ - Raja Ramana đã từng nói với Ngài rằng, mặc dù vật lý lượng tử dường như là vẫn còn mới mẻ đối với phương Tây, nhưng một số hiểu biết sâu sắc về nó đã được dự đoán trước trong tư tưởng của Ngài Long Thọ. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kết thúc phần nói chuyện chính của mình bằng cách xác nhận rằng một trong những cam kết cá nhân của Ngài là khuyến khích sự hồi sinh về việc quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại ở tại đất nước Ấn Độ.
Ngài mời nêu các câu hỏi từ phía khán giả trực tuyến, họ là những sinh viên trên khắp thế giới. Vấn đề đầu tiên được quan tâm đó là sự cạnh tranh. Ngài giải thích rõ rằng, khi sự cạnh tranh đưa đến việc mở rộng kiến thức và mang lại lợi ích trên bình diện rộng lớn, thì chúng ta có thể coi đó là lợi ích; nhưng nếu đó là vấn đề về kẻ thắng người thua, thì kết quả sẽ kém tích cực hơn.
Ngài thu hút sự chú ý đến mối liên hệ giữa sức khỏe thể chất và tinh thần, Ngài chỉ ra rằng, tìm thấy sự an lạc nội tâm có nghĩa là bạn không còn bị lo lắng và sợ hãi, mà bạn cũng có xu hướng giảm huyết áp. Khi tâm trí của bạn thoải mái, bạn sẽ ít bị căng thẳng về thể chất. Bất bạo động và lòng từ bi đem đến sự an yên trong tâm hồn, từ đó mang lại cho bạn cảm giác khỏe mạnh về thể chất. Trái lại, thái độ ái trọng tự thân sẽ chiêu cảm nhiều vấn đề rắc rối; tuy nhiên, nó có thể được khắc phục bằng cách trưởng dưỡng lòng vị tha.
Các pháp dường như tồn tại độc lập từ phía của chúng, nhưng chúng xuất hiện theo cách đó là do một số yếu tố, bao gồm cả quan điểm của chính bạn. Quan điểm về ‘pratityasamutpada’ - duyên khởi - cho thấy rằng mọi thứ được hình thành nhờ vào nhiều yếu tố khác tạo nên.
Ngài không chỉ nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự biết đủ; mà còn nhấn mạnh về thực tế rằng các giá trị bên trong nội tâm quan trọng hơn việc bám víu vào tài sản vật chất bên ngoài.
Khi được hỏi làm thế nào để dung hòa Chơn Đế (sự thật tối hậu) với Tục Đế (sự thật tương đối); Ngài làm sáng tỏ rằng, điều này liên quan đến cách mà các pháp dường như tồn tại - độc lập từ phía của chúng - và cách mà chúng thực sự tồn tại. Ngài lưu ý rằng, một số trường phái tư tưởng của Ấn Độ đề cập đến một cái “tôi” tồn tại độc lập với cơ thể và tâm thức là ‘atman’. Khi chúng ta nói về ‘cơ thể của tôi’, ‘tâm thức của tôi’ hoặc ‘cuộc sống của tôi’, chúng ta ngụ ý rằng có một ‘bản ngã’ hoặc ‘atman’ là chủ sở hữu. Tuy nhiên, các trường phái tư tưởng Phật giáo không chấp nhận điều này. Họ khẳng định ‘anatman’ - sự vắng mặt của cái ‘tôi’ hay cái ‘ngã’ tồn tại một cách độc lập.
Ngài Nguyệt Xứng - một học trò của Ngài Long Thọ, đã thẳng thắn khẳng định rằng không có gì tồn tại như nó xuất hiện. Suy nghĩ sâu sắc về điều này là phương pháp hiệu quả để giảm bớt sự vô minh, từ đó làm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực. Ngài nói rằng, ngay khoảnh khắc thức dậy vào buổi sáng, Ngài luôn lặp lại với chính mình về những dòng từ tác phẩm của Ngài Nguyệt Xứng thể hiện về sự thật, đồng thời cũng trưởng dưỡng lòng vị tha. Ngài thấy đây là một cách rất hữu ích để bắt đầu cho một ngày mới.
Ngài nhắc lại rằng khái niệm về Duyên Khởi không chỉ là vấn đề của kiến thức, mà còn đóng vai trò như một vũ khí hữu hiệu để làm giảm thiểu cảm xúc tiêu cực.
Ngài thừa nhận rằng đại dịch hiện nay là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng cũng đã đề cập rằng mọi thứ sẽ thay đổi và không có gì giữ nguyên một trạng thái cả. Ngài nhận xét rằng hiện tượng ấm lên của toàn cầu cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với đời sống của con người. Ngài nói về mối quan tâm của mình đối với hệ sinh thái của Tây Tạng, vì các con sông lớn ở châu Á đều bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng; và nếu chúng khô cạn, như một số nhà khoa học đã dự đoán, thì hậu quả sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến một số lượng lớn người dân.
Ngài ca ngợi về sự phát triển vật chất và công nghệ đã diễn ra trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Ngài cảnh báo về sự phát triển như vậy đang được coi là quá mức, mà không quan tâm đến khía cạnh tác dụng phụ của nó. Ngài khuyến khích nên thực hiện một phương pháp toàn diện hơn.
Một câu hỏi liên quan đến sự hoảng sợ và lo lắng, và Ngài đã đề cập đến tầm quan trọng của việc tìm hiểu thêm về thế giới nội tâm của chúng ta. Ngài nhận thấy rằng, ngay khi nỗi sợ hãi được phóng đại lên mới chính là nguyên nhân gây ra vấn đề cho chúng ta. Ngài khuyên chúng ta nên đọc cuốn ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên. Chương sáu khám phá về cách mà sự sân giận có thể gây tổn hại như thế nào; và thay vào đó, sự kiên nhẫn sẽ mang lại kết quả tích cực ra sao. Chương tám khảo sát tỉ mỉ về những hạn chế của bản tính ái trọng tự thân.
Chúng ta cần phân tích những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt, điều tra xem có biện pháp nào để giải quyết chúng hay không. Nếu có giải pháp thì việc thực hiện giải pháp là điều chúng ta nên làm. Nếu không có giải pháp và không thể làm được gì, thì chúng ta phải chấp nhận điều đó. Lo lắng về nó sẽ chẳng có lợi ích gì cả.
Ngài nói với một sinh viên - người cảm thấy rằng xu hướng hành động vì lòng từ bi của mình thường đi ngược lại lợi ích của chính mình - rằng chúng ta là động vật xã hội. Ngay từ lúc chào đời, cuộc sống của chúng ta đã phụ thuộc vào người khác. Ngài gợi ý rằng trong bối cảnh này, giúp đỡ người khác thực sự là cách tốt nhất để quan tâm đến lợi ích của chính mình. Chăm sóc người khác là chăm sóc chính mình.
Được mời bình luận về sự tồn tại của Chúa, Ngài thừa nhận rằng người Hồi giáo, Cơ đốc giáo và người Do Thái đều tin vào Chúa, một đấng sáng tạo với phẩm hạnh đặc trưng của lòng từ ái. Ngài nói, điều đó khiến tất cả chúng ta trở thành những đứa con của Chúa nhân từ - và vì vậy - chúng ta trở thành những anh chị em của nhau.
Ngài đã cười và nhớ lại một tình tiết xảy ra khi Ngài đang ở cùng với người bạn tốt của mình là Tổng giám mục Desmond Tutu. Tutu tuyên bố rằng là một hành giả Thiên Chúa Giáo, Ông mong muốn lúc chết được lên thiên đường. Nhưng Ông than thở rằng sau khi lâm chung, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đi đến một nơi khác. Ngài nói rằng, có một số người đã bảo rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đi đến đâu, thì họ cũng mong muốn được đi đến đó.
Ngài nói thêm: “Tôi rất tôn trọng Thiên Chúa Giáo. Nhưng tôi chưa tìm ra câu trả lời cho việc tại sao, trong một thế giới do Chúa tạo ra, lại có quá nhiều rắc rối. Tôi thấy dễ hiểu hơn đối với ý niệm về “nghiệp”, rằng những gì xảy ra với chúng ta là kết quả của hành động mà chúng ta đã tạo tác. Giúp đỡ người khác sẽ mang lại kết quả tích cực; làm tổn hại họ là nguồn gốc của sự đau khổ ”.
Các nhà tổ chức của Techfest Bombay cảm ơn Ngài đã tham gia cuộc trò chuyện với họ. Ngài trả lời rằng Ngài đang mong chờ khi những hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng; và Ngài sẽ có thể đến thăm các thành phố khác nhau và thảo luận với các nhà giáo dục Ấn Độ về cách kết hợp những hiểu biết sâu sắc của tư tưởng Ấn Độ cổ đại với nền giáo dục hiện đại.