Một lần nữa, người xem có thể nhìn thấy Ngài đang an toạ trong Dinh thự của mình và trong lúc Ngài ban Pháp Thoại bằng tiếng Tây Tạng thì lời giảng của Ngài cũng đồng thời được dịch sang mười ba ngôn ngữ khác: tiếng Hoa, Pháp, Đức, Hindi, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Bồ Đào Nha, Nga, Tây Ban Nha, Tiếng Việt và tiếng Anh. Đánh giá rằng - một số phiên dịch viên ở rất xa trên thế giới - đây quả thật là một kỳ công của kỹ thuật.
Ngài tiếp tục; “Như tôi đã đề cập ngày hôm qua, tất cả chúng ta đều khát khao hạnh phúc và không muốn khổ đau, điều này cũng đúng như thế đối với loài động vật. Tuy nhiên, khi con người chúng ta hành động dựa trên nền tảng của sự sân giận và tham ái - là chúng ta đang tự gây ra sự rắc rối cho chính mình. Điều này cũng thường hay quấy rầy các loài sinh vật khác. Chúng ta nói huyên thuyên không ngớt về sự hòa bình, nhưng việc mang lại sự hoà bình thì phụ thuộc vào cách cư xử của con người. Trong thế kỷ trước, chúng ta đã chứng kiến cuộc xung đột dữ dội - mà tiêu biểu hóa là hai cuộc chiến tranh thế giới bị kích động bởi suy nghĩ hẹp hòi về mặt lợi ích cá nhân. Trong quá khứ, các vị vua đã đưa mọi người vào trận chiến với các quốc gia láng giềng của họ trong các tranh chấp về lãnh thổ. Đây là lý do tại sao tôi nghĩ rằng có một đặc tính phong kiến tiềm ẩn đối với chiến tranh.
Tuy nhiên, đã có sự tiến bộ. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Hợp Quốc đã được thành lập để đảm bảo phúc lợi cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Châu Âu, đã chứng kiến sự thành lập Hội đồng Châu Âu và phát triển thành Liên minh Châu Âu. Trong một khu vực lịch sử bị cạnh tranh bởi chiến tranh, thì hòa bình đã thắng thế. Ấn Độ - trong lịch sử bao gồm các vương quốc và các tiểu vương quốc; nhưng kể từ khi độc lập, việc thành lập Liên minh Ấn Độ đã đưa quốc gia này lại với nhau.
Người dân đang phải đối mặt với những khó khăn ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng vì cả bảy tỷ người chúng ta đều sống trên cùng một hành tinh này, cho nên chúng ta nên liên hợp và đoàn kết với nhau. Khi hành tinh xanh này được nhìn từ không gian, chúng ta không hề thấy có bất cứ ranh giới quốc gia nào. Việc chỉ quan tâm đến mỗi quốc gia này, quốc gia của chúng ta - điều đó đã lỗi thời. Khi mối quan hệ tình cảm tồn tại giữa các thành viên trong một gia đình, mỗi người đều tự tin có thể kêu gọi sự hỗ trợ của người khác. Cũng theo cách tương tự, chúng ta phải liên tục nhắc nhở bản thân về sự đồng nhất của nhân loại.
Các truyền thống tôn giáo - trong đó có Đạo Phật - đã nói về hạnh phúc của tất cả nhân loại. Mặc dù có sự khác biệt về phương pháp triết học, nhưng thông điệp chung của các tôn giáo là về tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng từ bi. Tôi luôn hoan nghênh sự đa dạng phong phú của sự thực hành tôn giáo phù hợp với sự đa dạng về căn cơ và sở thích của con người. Một nhà hàng mà chỉ phục vụ một món ăn thôi - thì sẽ không được nhiều người yêu thích - đa dạng là nhu cầu của con người. Tôi nghi ngờ rằng, sự xung đột trong quá khứ giữa các truyền thống tôn giáo là có mang đặc điểm chính trị. Bản thân của các truyền thống và giáo lý luôn có tiềm ẩn sự đóng góp tích cực để làm cho con người được hưng thịnh. Cũng giống như con người chúng ta nên duy trì sự hài hòa giữa chúng ta, thì ta cũng nên tìm kiếm sự hòa hợp giữa các truyền thống tôn giáo của mình.
Hôm qua, tôi đã trích dẫn bài kệ của Ngài Thánh Thiên, bắt đầu với câu: ‘Trước tiên hãy tránh những điều làm tổn hao công đức’. Tôi đã đề cập đến mười sáu yếu tố đưa đến sự tái sanh vào cảnh hạ mãn thuận lợi mà Ngài Long Thọ gọi là “cảnh giới cao”. Một trong những yếu tố ấy là đề cập đến việc không uống rượu; và tôi đã được nhắc đến một trường hợp mà bậc tiền bối của tôi - ngài Yongzin Ling Rinpoche - truyền giới cho những cư sĩ ở tại McLeod Ganj này. Sau đó, khi Ngài đang giải thích cho hội chúng về những giới nguyện, thì một người đàn ông lớn tuổi đã bộc bạch rằng ông ta không thể bỏ rượu được. Ling Rinpoche đã mỉm cười và khuyên rằng “vậy thì ít nhất là con không nên uống say!”
Quay lại trọng tâm của tác phẩm Đức Long Thọ, Ngài đã trích dẫn câu đầu tiên của Chương 22 của cuốn 'Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận’:
Chẳng phải là các uẩn, cũng chẳng khác các uẩn
Các uẩn không trong Ngài, Ngài chẳng trong các uẩn;
Đấng Như Lai chẳng hề sở hữu nơi các uẩn
Vậy Như Lai còn là gì khác hơn thế nữa?
Ngài nói rằng Ngài thường hay suy ngẫm về điều này để áp dụng cho bản thân và phản ánh về nó một cách thích hợp:
Tôi không phải là một với các uẩn, cũng chẳng khác với các uẩn,
Các uẩn không ở trong tôi, tôi không ở trong các uẩn.
Tôi không hề sở hữu nơi các uẩn;
Vậy tôi là gì khác hơn thế nữa?
Khi bạn hiểu rằng mọi thứ - kể cả bản thân bạn - đều khởi sinh một cách phụ thuộc, không có gì tồn tại độc lập cả, thì bạn sẽ hiểu rằng không hề có một cái “ngã” độc lập, không hề có người điều khiển, tách rời khỏi cơ thể và tâm thức của bạn. Đây là những điều mà dòng thứ ba trong bài kệ của Ngài Thánh Thiên đã đề cập đến: ‘Sau đó ngăn ngừa quan điểm về tất cả các loại’.
Trong đó văn học Phật giáo đề cập đến việc không hề có một tự ngã tồn tại một cách cố hữu; điều đó là để đối trị với những cảm xúc tiêu cực của chúng ta.
Nhắc thêm về những bài kệ từ “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên mà Ngài đã trích dẫn ngày hôm qua liên quan đến việc quan tâm đến hạnh phúc của tha nhân; Ngài đã trích dẫn một bài Kệ khác:
Được cỡi trên lưng con ngựa của Bồ Đề Tâm
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai đã biết đến Tâm này sẽ tiến từ niềm vui này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể sa ngã trong sự thất vọng chán chường
Và:
Khi phát triển tâm nguyện cho giác ngộ tối cao
Con mời thỉnh tất cả chúng sanh như khách quý
Thực hành hạnh giác ngộ vô song trong hoan hỷ
Vì lợi lạc chúng sanh - nguyện đắc thành Phật Vị!
Ngài đã chuyển sang chương bốn của ‘Vòng Châu Báu’. Đọc bài Kệ 465, ‘Vì vậy, trước sự hiện diện của một bức ảnh, hoặc một bức tượng hay một đối tượng tâm linh nào đó; hãy đọc hai mươi bài Kệ này ba lần mỗi ngày, Ngài nói rằng Ngài có một số người bạn phương Tây đã tụng hai mươi bài Kệ sau đây mỗi ngày, cũng giống như Ngài đã hành trì vậy. Hai bài Kệ cuối là:
Nguyện cho con được thân thiết với chúng sinh như chính cuộc đời con,
Và nguyện cho họ thậm chí còn đáng quý hơn đối với bản thân con!
Cầu cho những ác nghiệp của họ hãy giáng xuống đời con!
Và tất cả những hạnh lành của con xin hãy trổ quả tốt đẹp cho đời họ!
Dù cho có bao lâu - còn bất cứ chúng sinh nào
Ở bất cứ nơi đâu - mà chưa được giải thoát
Nguyện cho con được lưu lại [cõi trần] vì lợi ích của chúng sanh,
Cho dù con đã đạt được sự tối cao của Giác ngộ viên thành!
Ngài nhận xét rằng truyền thống Phật giáo ở Tây Tạng được thành lập bởi Vị Viện trưởng Tịch Hộ từ ái qua sự giúp đỡ của Hoàng Đế Trisong Detsen. Ngài khuyến khích tính cách nghi vấn hiếu kỳ mà chính Đức Phật đã khuyên dạy:
Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!
Sự nghiên cứu cẩn thận trên cơ sở logic và lý luận sẽ mang lại sự hiểu biết rằng mọi thứ xảy ra đều do nhân và duyên. Vì cái này, mà cái kia sinh khởi. Trau giồi lý luận và logic sẽ giúp chúng ta phát triển trí thông minh nhanh nhẹn, rộng lớn, vĩ đại và sâu sắc. Điều này phù hợp với truyền thống Nalanda - noi theo tấm gương điển hình mà Thánh Bồ Tát Long Thọ đã thể hiện. Tác phẩm “Trí tuệ Căn bản Trung quán Luận” của Ngài đã được dịch sang tiếng Trung. Ngài quan sát, nếu các huynh đệ Trung Quốc của chúng ta nghiên cứu về tác phẩm ấy thì họ sẽ thấy rằng nó vô cùng hữu ích; các huynh đệ Nhật Bản của chúng ta cũng vậy. Ngài nói thêm rằng Ngài cũng khuyến khích các Pháp Hữu theo truyền thống Pali cũng nên quan tâm đến logic.
Ngày nay có rất nhiều Tăng Ni từ Vùng Hy Mã Lạp Sơn trong các cơ sở tự viện của chúng tôi. Họ nghiên cứu những cuốn sách do mười bảy bậc Luận Sư Nalanda sáng tác; và vì vậy họ đã góp phần để giữ gìn sự sống động cho truyền thống vĩ đại và sâu sắc này mà tôi xem đó là một phần vô giá của văn hóa nhân loại. Nó bao gồm các hành trạng bất bạo động và quan điểm triết học Lý Duyên Khởi mà các nhà khoa học đang rất quan tâm.
Ở đây chúng ta đang ở vào thế kỷ 21, tất cả chúng ta đều khát khao hạnh phúc và không muốn khổ đau, điều đó có nghĩa là chúng ta cần một thế giới được hòa bình. Như tôi đã đề cập trước đó, chúng ta có thể thấy rằng các cuộc chiến tranh trong lịch sử đã xảy ra vì lợi ích cá nhân hẹp hòi. Đây là lý do tại sao - vào lúc này đây - thật hết sức quan trọng để cho chúng ta suy nghĩ rằng tất cả nhân loại đều thuộc về một gia đình.
Được sống ở Ấn Độ, một đất nước tự do, chúng ta có thể tận dụng cơ hội học tập và tích hợp những gì chúng ta học được để áp dụng vào thực tiễn. Sẽ chẳng có lợi ích gì nếu chỉ phục vụ bằng lời nói suông đối với sự học vấn. Ngài Trulshik Rinpoche đã từng trêu chọc tôi rằng Geshés (Tiến Sĩ) có thể là người thông thái, nhưng những gì họ biết chỉ là những từ ngữ trống rỗng mà không có kết quả gì cả. Học hỏi thông qua sự lắng nghe và đọc nghiên cứu, đưa đến sự hiểu biết thông qua tư duy, suy ngẫm; và biến sự hiểu biết đó thành kinh nghiệm thông qua thực hành thiền định. Tôi đã rất ấn tượng phương pháp của Jé Rinpoche khi Ngài mô tả nó trong ‘Tán thán Duyên Khởi’:
Trở thành bậc xuất gia trên con đường của Đức Phật
Không giãi đãi trong việc nghiên cứu giáo lý của Ngài
Và bằng cách thực hành Du già với quyết tâm vĩ đại
Tu sĩ này đã phụng sự truyền tải chân lý cao vời ấy!
Tôi cũng đã cố gắng kết hợp thấm nhuần giáo lý cho bản thân mình, kết quả là tôi cảm thấy an bình và thoải mái.
Ngày nay, tình trạng của thế giới khá nguy kịch. Các chuyên gia y tế đang ở tuyến đầu điều trị bệnh nhân bị Covid-19. Tôi chân thành tuỳ hỷ với sự can đảm của tất cả những người ấy và tiếc thương đối với một số Vị đã hy sinh tính mạng của mình trong lúc chăm sóc cho những người khác.
Chúng ta không nên để bản thân mình trở nên tuyệt vọng hay mất tinh thần vì điều đó sẽ chẳng có ích lợi gì. Khi những vấn đề như đại dịch này xảy ra, nếu nhân loại chúng ta không cùng nhau hợp tác để giải quyết vấn đề, thì ai sẽ làm điều đó? Tôi yêu cầu các bác sĩ và các nhà nghiên cứu hãy tìm kiếm một giải pháp để tiếp tục những nỗ lực của họ.
Sau đó, Ngài tuyên bố rằng Ngài sẽ truyền những câu tâm chú của Đức Phật, Phật Dược Sư, Đức Quán Thế Âm - hiện thân của lòng từ bi và là vị Hộ Thần của Tây Tạng, bài Kệ Xưng Tán bốn dòng của Đức Tsongkhapa, cũng như những câu thần chú của Đức Liên Hoa Sanh và Thánh Tara.
Ngài khuyên rằng, thông thường trước tiên hãy quán tưởng bản thân mình trở thành vị thần bổn tôn liên quan đến câu tâm chú - nếu mọi người có thể làm được như thế thì sẽ rất tốt và thật tuyệt! Nếu không thì - hãy niệm thần chú với mong ước rằng đại dịch sẽ tiêu trừ và đó chính là động lực để chúng ta thực hành Pháp. Ngài nói: quý vị có thể không nghĩ đến việc đạt được sự giải thoát hay trạng thái toàn tri của một vị Phật, nhưng sự trì tụng như vậy có thể giúp ta giảm bớt sự ngồi lê đôi mách vô nghĩa thường xảy ra trong những cuộc trò chuyện tán gẫu với nhiều người khác nhau.
"Đó là tất cả những gì tôi muốn nói. Tashi Delek (xin chào!). Cám ơn tất cả quý vị đã quan tâm theo dõi!
Với những lời ấy, Ngài chắp tay chào mọi người và kết thúc buổi thuyết giảng.