Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời đến để nói chuyện với các thành viên của Mind Mingle, một sáng kiến nhằm thúc đẩy sự học tập trải nghiệm và giáo dục có mục đích nhằm đạt được sự phát triển toàn diện của trẻ em. Naveen Sharma - Vị đồng sáng lập & cũng là Giám đốc - đã chào đón Đức Ngài và thưa với Ngài rằng - cơ hội được nói chuyện với Ngài là một giấc mơ đã được trở thành hiện thực. Cậu ta đề cập rằng, Mind Mingle cũng liên hệ với Học tập Xã hội, Cảm xúc và Đạo đức (SEE) Ấn Độ, chương trình giáo dục K-12 được phát triển tại Đại học Emory với sự hỗ trợ và khuyến khích của Ngài. Cậu ta thỉnh cầu Ngài hướng dẫn họ về Nhu cầu của Đạo đức Thế tục trong Giáo dục Hiện đại.
Ngài trả lời: “Xin cảm ơn! Mối quan tâm chính của tôi là được nhìn thấy một thế giới hạnh phúc. Nhưng nếu chỉ có kiến thức không thôi - thì không thể bảo đảm rằng ta có thể có được hạnh phúc. Trên thế giới này đã có những con người tài giỏi, có học vấn cao nhưng lại bất hạnh một cách cay đắng. Nền giáo dục hiện đại thường hướng tới các mục tiêu vật chất, mà để có được hạnh phúc, thì chúng ta cần phải có ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (tâm từ bi) - vốn là những khía cạnh của truyền thống Ấn Độ trong hàng ngàn năm qua. Lòng từ bi giúp ta giảm bớt sự lo lắng, mang lại cho chúng ta sự bình an trong tâm hồn và sức mạnh nội tâm. Bất bạo động có nghĩa là trong hành vi thể chất và lời nói của mình, chúng ta không làm tổn hại đến người khác. Và để có được tinh thần bất bạo động thật sự, chúng ta cần phải có lòng từ bi.
“Trong hàng nghìn năm qua, người Ấn Độ đã khám phá và rèn luyện tâm thức của mình thông qua thiền chỉ và thiền quán. Nền giáo dục hiện đại, bắt nguồn từ phương Tây, bao gồm việc không hiểu biết cách làm thế nào để giải quyết những cảm xúc của mình. Do vậy, những người có trình độ học vấn cao đã tham gia vào việc thiết kế và chế tạo ra các loại vũ khí ngày càng tinh vi, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Những phát minh này đòi hỏi trí thông minh và sự khéo léo về kỹ thuật, nhưng việc sản xuất ra những loại vũ khí này hoàn toàn không có sự xem xét, suy ngẫm cẩn trọng về mặt đạo đức; không có sự tham dự của các nguyên tắc về lòng từ bi và tinh thần bất bạo động.
“Trong những trường hợp như vậy, thay vì mang lại sự bình an nội tâm, thì trí thông minh tuyệt vời của con người đã khơi gợi khuấy động lên những cảm xúc tàn phá như giận dữ, sợ hãi và lo lắng. Ngày nay, cũng như tất cả mọi người đều quan tâm đến vấn đề vệ sinh thân thể, tương tự như thế - cũng có những nhu cầu vệ sinh tình cảm; và chúng ta có thể tìm thấy được những sự hướng dẫn về điều đó trong truyền thống Ấn Độ cổ đại. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng Ấn Độ có vị trí đặc biệt tối ưu để kết hợp nền giáo dục vật chất hiện đại với tinh thần bất bạo động và lòng từ ái.
“Vào thế kỷ trước, Mahatma Gandhi đã chân thành theo đuổi con đường bất bạo động; và tất nhiên nhiều người trên khắp thế giới đã noi theo tấm gương của Ngài. Ở châu Phi có Nelson Mandela và ở châu Mỹ có Martin Luther King. Trên thực tế, vị phu nhân của Martin Luther King đã nói với tôi rằng, ông ấy đã rất ấn tượng về Mahatma Gandhi đến nỗi ông thậm chí còn muốn ăn mặc giống như Mahatma Gandhi.
“Ở đây trong thế kỷ 21 này, chúng ta nên cố gắng quảng bá kiến thức cổ xưa của Ấn Độ về tinh thần bất bạo động và lòng từ bi; kết hợp hai phẩm chất này với nền giáo dục hiện đại.”
Ngài đã đề cập rằng Ngài giữ gìn trung thành với bốn lời cam kết của mình. Là một con người trong số bảy tỷ người đang sống hiện nay, Ngài nhận ra rằng, dù có sự tín ngưỡng tôn giáo hay không, thì tất cả chúng ta đều cần sự thanh thản trong tâm hồn. Và đó là cơ sở để cho nhân loại có thể trở nên ít sợ hãi hơn, hạnh phúc hơn, hòa bình hơn; đó chính là cơ sở cho nền hòa bình thực sự của thế giới.
Ngài nói thêm: “Trừ khi chúng ta học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực của mình - bằng không - chúng ta sẽ đi theo mô hình của thế kỷ trước, bị hủy hoại như cũ bởi chiến tranh và giết chóc. Đó là thời kỳ mà kiến thức khoa học đã góp phần cho sự bạo lực khủng khiếp. Nhưng giờ đây, vào thời điểm mà có nhiều người quan tâm đến sự hòa bình, tôi cam kết chia sẻ với mọi người về tầm quan trọng của việc trở nên từ bi nhân ái hơn.
“Các nhà khoa học quan sát và cho thấy rằng những sinh vật xã hội như chúng ta đều phụ thuộc vào cộng đồng mà ta đang sống và có mối quan tâm tự nhiên đối với cộng đồng ấy. Đó là lý do tại sao bản chất cơ bản của con người vốn dĩ là từ bi. Ngay từ thời thơ ấu, chúng ta đã phụ thuộc vào lòng tốt của mẹ. Nhưng khi tới tuổi đi học, ta lại ít chú ý đến lòng ấm áp nhân hậu và giá trị nội tâm. Mặc dù trẻ sơ sinh chơi cùng nhau mà không hề quan tâm đến giai cấp, chủng tộc hay đức tin của những người bạn cùng chơi, nhưng khi chúng đến trường, những sự khác biệt thứ yếu như vậy lại trở thành cơ sở để nhìn người khác dưới khái niệm về ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’.
“Tuy nhiên, bất kể là chúng ta có những sự khác biệt về bề ngoài như thế nào, cho dù chúng ta mang màu da hay tín ngưỡng khác nhau, đến từ Đông hay Tây, Bắc hay Nam, thì tất cả chúng ta vẫn phải sống cùng với nhau. Thêm một điều nữa là những mối đe dọa đang thách thức đối với tất cả chúng ta. Bởi vì trái đất nóng lên, khí hậu đang nóng lên. Một số nhà khoa học nói rằng nếu mọi thứ cứ tiếp tục như vậy, thì nó sẽ trở nên nóng đến mức các nguồn nước của chúng ta sẽ cạn kiệt. Chúng ta không còn có thể nào chỉ tập trung vào ‘nhóm của tôi’, ‘dân tộc tôi’ hoặc ‘quốc gia tôi’. Chúng ta phải nhận ra rằng mỗi người trong chúng ta đều chỉ là một con người khác và chúng ta phải sống và làm việc cùng với nhau.
“Là một Phật tử, tôi nhận ra rằng, tất cả các truyền thống tôn giáo - cho dù là thời gian và nơi chốn khởi sinh khác nhau - đều truyền tải một thông điệp chung về tầm quan trọng của tâm từ bi - sự bao dung, tha thứ, kỷ luật tự giác và tâm biết đủ. Các truyền thống khác nhau có những phương pháp khác nhau để trưởng dưỡng tình yêu thương, một số truyền thống thì liên quan đến đấng sáng tạo là Thượng đế, một số thì không. Và ngay cả trong các truyền thống Phật giáo, chúng ta cũng có những trường phái tư tưởng khác nhau.
“Tuy nhiên, ở Ấn Độ, chúng ta có thể thấy rằng tất cả các tôn giáo trên thế giới đều chung sống cùng nhau. Đôi khi cũng có những vấn đề rắc rối nảy sinh giữa họ, nhưng thường là do các hành động của những chính trị gia. Ở Ấn Độ này, tôi có thể thấy rằng các truyền thống tôn giáo có thể tồn tại song song với nhau, và tôi cam kết khuyến khích sự hòa hợp như thế giữa các tôn giáo.”
Ngài nói rõ rằng cam kết thứ ba của Ngài có liên quan đến việc Ngài là người Tây Tạng và là người mà nhân dân Tây Tạng đã tin tưởng. Kể từ khi từ nhiệm vai trò chính trị vào năm 2011, sau cuộc bầu cử lãnh đạo chính trị, Ngài đã nhận thấy trách nhiệm của mình là liên quan đến việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng. Ngài muốn chia sẻ với các anh chị em Ấn Độ của mình rằng, trong khi các truyền thống của Đại học Nalanda nằm trong đống đổ nát ở Ấn Độ, thì những truyền thống ấy vẫn được duy trì sống động ở Tây Tạng.
Trong lịch sử, người Tây Tạng đã xem người Ấn Độ là bậc Thầy của mình; và họ là ‘chelas’ hoặc đồ đệ. Ngày nay, trên vùng đất của những bậc thầy của họ, kiến thức Ấn Độ cổ đại đã bị lãng quên. Ngài đã cam kết bảo tồn kiến thức này - kiến thức mà đã được lưu giữ lâu dài ở Tây Tạng. Ngài quan sát thấy rằng vào thế kỷ thứ bảy, Vua Songtsen Gampo đã thích chọn mô hình chữ viết Tây Tạng dựa trên bảng chữ cái Devanagari của Ấn Độ mà không thích chọn các ký tự Trung Quốc.
Cũng giống như vậy, vào thế kỷ thứ tám, Vua Trisong Detsen đã thích xem Ấn Độ là nguồn gốc của việc học hỏi Phật giáo. Do đó, Vua đã thỉnh Ngài Tịch Hộ đến Tây Tạng, người đã khuyên Đức Vua nên cho dịch văn học Phật giáo từ tiếng Pali và tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Hệ quả là sự ra đời của hơn 300 tập của Kinh Tạng và Luận Tạng - bao gồm các tác phẩm của Ngài Long Thọ, Nguyệt Xứng, Pháp Xứng .v.v. Ngài khẳng định rằng, dù hiện nay đã 85 tuổi rồi nhưng khi có thời gian thì Ngài vẫn tiếp tục đọc những cuốn sách này.
Ngài lưu ý rằng những đặc điểm độc đáo của Truyền thống Nalanda là sự tín nhiệm vào lý luận và logic, và đó chính là truyền thống Phật giáo toàn diện nhất. Ngày nay, khi các nhà khoa học bị hấp dẫn bởi lý duyên khởi, thì các truyền thống Phật giáo Tây Tạng - xuất phát từ Truyền thống Nalanda - càng xứng đáng được bảo tồn. Tương tự như vậy, ngôn ngữ Tây Tạng - vẫn là phương tiện chính xác nhất để giải thích tư tưởng Phật giáo - cũng càng xứng đáng được bảo tồn.
Ngài nhớ lại: “Tôi đã yêu cầu Nehru giúp chúng tôi thành lập các trường học Tây Tạng, và đã thảo luận với ông ấy xem - ngoài tiếng Tây Tạng ra - họ nên dạy tiếng Hindi hay tiếng Anh. Ông ấy đã đề xuất là nên dạy tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ quốc tế. Nehru rất tốt với chúng tôi. Ông ấy đã chọn Dharamsala là nơi dành cho tôi sinh sống. Ông cũng viết thư cho các Thủ hiến của các bang khác nhau của Ấn Độ hỏi xem có đất đai để cho người Tây Tạng có thể định cư không. Sự phản hồi hào phóng nhất đã đến từ Nijalingappa - Thủ hiến của bang Mysore - nay là Karnataka. Các trung tâm tu học lớn của chúng tôi đã được tái thiết lập ở đó, nơi mà có khoảng 10.000 Tăng ni, cũng như một số người Ấn Độ và một số người nước ngoài, đang học tập rất nghiêm túc.
Tiếp theo là vấn đề về sinh thái Tây Tạng. Tây Tạng là nguồn cung cấp nước chính cho phần lớn của châu Á. Tôi coi một trong những trách nhiệm của mình là phải làm rõ rằng - cao nguyên Tây Tạng cần phải được xanh tươi, không bị chặt phá rừng hoặc khai thác bừa bãi để lấy tài nguyên khoáng sản.
“Chúng tôi là những người tị nạn, nhưng chúng tôi đã tìm thấy được một quê hương tốt đẹp. Chúng tôi đã mất đi Tổ quốc của mình, nhưng chúng tôi đã đến được với vùng đất của những bậc thầy của chúng tôi.
“Cam kết thứ tư của tôi liên quan đến sự hồi sinh của tri thức Ấn Độ cổ đại tại vùng đất khai sinh ra nó. Như tôi đã nói, tôi tin rằng Ấn Độ là nơi tốt nhất để kết hợp kiến thức cổ xưa này về hoạt động của tâm thức và cảm xúc với nền giáo dục hiện đại.
“Tôi đã 85 tuổi rồi, nhưng nếu quý vị nhìn vào khuôn mặt của tôi, quý vị sẽ thấy rằng tôi vẫn khỏe khoắn và mạnh mẽ; và vẫn sẽ ở đây trong 15 năm nữa. Cảm ơn quý Vị!”
Trong những câu trả lời của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rõ rằng, khi Ngài đề cập đến triển vọng phục hưng kiến thức Ấn Độ cổ đại, Ngài sẽ thực hiện điều đó trong bối cảnh hoàn toàn thế tục. Một sự phục hưng như vậy sẽ không đạt được qua sự cầu nguyện mà phải thông qua sự giáo dục. Mục đích ở đây không phải là tôn giáo, mà là để cho cá nhân con người tìm thấy được niềm hạnh phúc. Điều quan trọng là áp dụng phương pháp thế tục để đưa lòng từ bi và bất bạo động vào sự thực hành. Mục đích là một xã hội từ bi và phi bạo lực.
Ngài nói với một người đến từ Indonesia và đã đặt câu hỏi rằng - mặc dù đất nước của cô ấy đa số là người Hồi giáo - nhưng cũng giống như nhiều vùng khác của châu Á; người Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Cơ đốc giáo, v.v., có thể được tìm thấy ở đó. Áp dụng phương pháp thế tục có nghĩa là tránh làm hại lẫn nhau trên cơ sở thành kiến bè phái, và tích cực thực hiện những điều tốt đẹp cho nhau. Điều quan trọng là vẫn duy trì tâm thức cởi mở, thoáng đạt. Ngài nói rằng khi nghĩ về Indonesia, Ngài nhớ đến chuyến viếng thăm Bảo Tháp khổng lồ ở Borobodur.
Ngài nhận xét rằng trong một đức tin dân chủ thì vấn đề ở đây chính là sự lựa chọn của cá nhân. “Nếu quý vị có xu hướng theo một con đường hữu thần như Cơ đốc giáo hoặc Hồi giáo thì đó là sự quyết định cá nhân. Và nếu quý vị cảm thấy thoải mái hơn trong bối cảnh Phật giáo hoặc Kỳ Na Giáo phi hữu thần, thì điều đó cũng tùy thuộc vào quý vị. Dù theo con đường tôn giáo nào, thì nó cũng phải giúp quý vị chuyển hóa cảm xúc và nuôi dưỡng lòng nhiệt tâm từ ái nhân hậu của mình.
Liên quan đến đại dịch Covid-19, Ngài đã bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các bác sĩ và y tá đang chăm sóc cho những bệnh nhân, họ là những người thường gặp rủi ro đối với chính mình. Trong khi khuyến khích những người đang tiến hành các loại nghiên cứu khác nhau về các biện pháp khắc phục vi rút, Ngài gợi ý rằng Ayurveda, Yunani, yoga, cũng như các truyền thống y học Tây Tạng và Trung Quốc, cũng có thể đóng góp cho sự khắc phục này.
Naveen Sharma cảm ơn Ngài đã nói chuyện với nhóm; và bày tỏ hy vọng rằng các nhà giáo dục đã được nhiều lợi ích từ sự giao lưu tương tác này.
Lời khuyên cuối cùng của Ngài là nên luôn luôn học hỏi tìm hiểu thêm. Các bậc thầy của Truyền thống Nalanda đã không ngừng nghiên cứu, phân tích và mở rộng kiến thức của họ. Ngài khẳng định rằng, mặc dù sự biết đủ đối với những thứ vật chất là điều tốt, nhưng không hề có giới hạn nào như thế liên quan đến việc đào sâu sự hiểu biết của mình.