Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời tham gia vào cuộc thảo luận sáng nay với các thành viên của Diễn đàn Einstein - một tổ chức ở bang Brandenburg thuộc nước Đức - đóng vai trò như một phòng thí nghiệm mở của tâm thức. Nó cung cấp học bổng hàng năm cho những nhà tư tưởng trẻ xuất sắc muốn theo đuổi một dự án trong một lĩnh vực khác với nghiên cứu trước đây của họ. Các nghiên cứu sinh có thể sống tại căn nhà mùa hè của Einstein ở Caputh với điều kiện dễ dàng đi đến các trường đại học và học viện của Potsdam và Berlin.
Giáo sư Susan Neiman - Giám đốc Diễn đàn Einstein - đã mở đầu cuộc trò chuyện. Cô thưa với Ngài rằng cô và các đồng nghiệp đã cảm thấy vinh dự và vui mừng như thế nào khi được chào đón Ngài hôm nay. Cô rất tiếc vì không thể thỉnh Ngài đến nhà của Einstein, nhưng cô đã đọc một trích dẫn của Einstein nêu bật sự đánh giá cao của ông về tiềm năng hợp tác giữa Phật giáo và khoa học. Cô thưa với Ngài rằng Diễn đàn Einstein đã được sáng lập cách đây 27 năm để tái tạo và khuyến khích cách trò chuyện mà Einstein đã từng thực hiện về khoa học và tôn giáo, chính trị và công bằng xã hội. Cô cảm ơn Shyam Wappuluri - một thành viên của Diễn đàn Einstein từ Ấn Độ đã tổ chức sự kiện này và Amber Carpenter - một thành viên khác - đã điều hành cuộc trò chuyện.
Ngài bắt đầu: “Hôm nay, chúng ta không tiếp xúc trực tiếp được; nhưng chúng ta có thể nhìn thấy và nói chuyện với nhau qua internet. Tất cả các tôn giáo đều truyền tải thông điệp về lòng từ bi và nhấn mạnh tầm quan trọng của trái tim ấm áp nhân hậu, lòng khoan dung, sự biết đủ (tri túc) và kỷ luật tự giác. Nhiều tôn giáo tin vào một Đấng Thượng đế sáng tạo; và họ quan niệm rằng, vì là con cái của Đấng Thượng Đế đó, cho nên tất cả con người đều là anh chị em của nhau. Rồi cũng có những truyền thống phi hữu thần - chủ yếu là ở Ấn Độ - đã xem lòng nhân ái là phẩm chất quý giá nhất của con người.
“Các nhà khoa học đã nói rằng con người chúng ta là động vật xã hội, có ý thức quan tâm mạnh mẽ đến cộng đồng của mình, bởi vì sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào hạnh phúc của cộng đồng. Nuôi dưỡng phúc lợi của cộng đồng là một trong những cách tốt nhất để thực hiện lợi ích của chính chúng ta.
“Trong bối cảnh này, các nhà khoa học đang chú ý nhiều hơn đến những gì cần phải thực hiện để phát triển sự an lạc nội tâm. Một phương diện được hiểu rằng đó là những chướng ngại bên trong, những cảm xúc tiêu cực như sự tức giận, đã phá vỡ sự bình yên trong tâm hồn của chúng ta. Khi cơn giận nổi lên, sự bình yên bên trong bạn không còn nữa. Tuy nhiên, đối trị cho sự tức giận là lòng từ bi.
“Ấn Độ đã gìn giữ truyền thống bất bạo động, hạn chế gây tổn hại - trong hơn hàng ngàn năm qua. Và điều này được hỗ trợ bởi ‘karuna’ hay lòng từ bi và sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác.
“Theo truyền thống Phật giáo, chúng ta không dựa vào đức tin để trưởng dưỡng lòng từ bi và sự bình yên trong tâm hồn, mà chúng ta sử dụng lý trí. Chúng ta thực hành theo lời khuyên của Đức Phật là, không nên chấp nhận những lời dạy của Ngài bằng giá trị bề mặt bên ngoài, mà hãy kiểm chứng và thử nghiệm chúng giống như cách mà một người thợ kim hoàn kiểm tra vàng vậy. Kết quả là, chư Đệ tử của Đức Phật ở Ấn Độ, và sau đó là ở Tây Tạng, đều coi trọng việc thực hiện một cách tiếp cận hợp lý, điều tra nghiên cứu - và phương pháp này phù hợp với tinh thần khoa học.
“Bởi vì Ngài đã dạy mọi người có những căn cơ tinh thần khác nhau vào những thời gian và địa điểm khác nhau, cho nên chúng ta phải kiểm tra lại những gì Ngài đã dạy và đánh giá về nó. Những bậc thầy vĩ đại ở Đại học Nalanda - những người đến sau Ngài Long Thọ - đã rút ra được sự phân loại giữa những giáo lý của Đức Phật là, những giáo lý có thể được chấp nhận là tối hậu và những giáo lý cần phải được giải thích.
“Kể từ thế kỷ thứ 8, khi Hoàng Đế Tây Tạng - Trisong Detsen - mời Vị học giả hàng thượng thủ tại Đại học Nalanda - Ngài Tịch Hộ, đến Tây Tạng; chúng tôi cũng đã áp dụng phương pháp logic. Ngoài các luận thuyết của Ngài Tịch Hộ, chúng tôi đã dịch và nghiên cứu chặt chẽ các tác phẩm của các nhà luận lý học vĩ đại người Ấn Độ là Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng.
“Sự đào tạo về logic này là cơ sở nền tảng mà tôi đã có thể tổ chức được những cuộc thảo luận với các nhà khoa học trong nhiều năm qua. Có những điểm tương đồng hội tụ giữa tư tưởng Phật giáo cổ đại và một mặt là những khám phá của vật lý lượng tử. Mặt khác, các nhà khoa học đang bắt đầu quan tâm đến sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc.
“Ngày nay, trên hành tinh này, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề bắt nguồn từ sự tức giận, lòng ganh tị và nỗi sợ hãi. Các hệ thống vũ khí - bao gồm cả vũ khí hạt nhân - mà chúng ta đã sử dụng trí tuệ của mình để phát triển - là một mối đe dọa đối với nền hòa bình. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người ủng hộ các động thái không chỉ nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân mà còn nhằm đạt được một quá trình phi quân sự hóa toàn cầu. Mọi người coi trọng và đánh giá cao viễn cảnh hòa bình thế giới, nhưng hoà bình sẽ chẳng bao giờ xảy ra - trừ khi mỗi chúng ta phải là những cá nhân phát triển sự an lạc nội tâm trong chính mình. Tất cả chúng ta đều thuộc về xã hội loài người; và chúng ta phải học cách cùng chung sống với nhau và cùng đóng góp vào xã hội ấy”.
Trong phần trả lời các câu hỏi của khán giả, Ngài lại đề cập đến tầm quan trọng của việc tìm kiếm sự an lạc nội tâm. Ngài khẳng định rằng, việc đào tạo theo những phương pháp để đạt được sự an lạc nội tâm nên là một phần trong chương trình giáo dục của chúng ta. Ngài lưu ý rằng, cũng giống như mọi người giữ gìn quy tắc vệ sinh thân thể, chúng ta cũng cần có sự thực hành như thế về vệ sinh cảm xúc. Điều này bao gồm cả việc hiểu được rằng lòng từ bi sẽ đối trị một cách tích cực đối với tâm sân giận và nỗi sợ hãi.
Ngài đề cập đến một Tăng Sĩ Tây Tạng mà Ngài quen biết; vị này đã trải qua 18 năm trong các nhà tù ở Trung Quốc. Khi vị Tăng này kể lại lúc đang gặp nguy hiểm trong thời gian đó, Ngài nghĩ rằng có lẽ Thầy này đang ám chỉ đến những mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của mình. Tuy nhiên, Thầy ấy giải thích rằng, đôi khi mình có nguy cơ đánh mất đi lòng từ bi đối với những người cai ngục Trung Quốc. Ngài cho rằng vị Tăng Sĩ này quả thật là người có một tâm hồn an yên rất ấn tượng.
Các nhà khoa học đã khám phá ra bằng chứng cho thấy rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Chúng ta được đón nhận lòng tốt ngay từ khi vừa mới chào đời. Học cách để duy trì sự an lạc nội tâm là yếu tố then chốt trong khả năng trưởng dưỡng lòng nhân ái nhiệt thành của chính chúng ta.
Ngài giải thích rằng bản chất cơ bản của tâm là thanh tịnh; và sự thanh tịnh đó được gọi là Phật tính. Đây là điều làm nền tảng cho ý tưởng rằng chúng ta có thể làm giảm thiểu và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực và thanh lọc tâm thức của mình. Ngài nói rõ rằng, phẩm chất về hành động của chúng ta phụ thuộc vào động cơ của chúng ta, chứ không phải phụ thuộc vào sự nhẹ nhàng hay thô bạo. Nếu động cơ tích cực và từ bi thì hành động theo sau đó sẽ là điều hữu ích.
Khi chúng ta tức giận, thì đối tượng của cơn giận dường như trở nên hoàn toàn tiêu cực. Tuy nhiên, chúng ta có thể đối trị lại điều này bằng cách suy tư rằng không có gì tồn tại độc lập theo cách mà nó xuất hiện. Kinh nghiệm đã dạy cho chúng ta thấy rằng, kẻ thù của hôm nay có thể trở thành bạn bè của ngày mai. Cái tên ‘kẻ thù’ là sự phóng chiếu của tâm thức chúng ta.
Ngài nhận xét rằng việc trưởng dưỡng lòng từ bi và sự hiểu biết về thực tế rằng không có gì tồn tại độc lập như nó xuất hiện; là những yếu tố quan trọng trong việc giúp làm giảm thiểu và khắc phục những cảm xúc tiêu cực của chúng ta; và nhờ đó mà ta đạt được sự an lạc nội tâm. Phương pháp này được gọi theo thuật ngữ Phật giáo là sự kết hợp giữa phương tiện và trí tuệ.
Hiểu được hoạt động của tâm thức và cảm xúc là một phần trong các cuộc thảo luận mà Ngài đã tổ chức với các nhà khoa học trong nhiều thập kỷ qua. Đồng thời, những cơ sở vật chất dành cho việc nghiên cứu khoa học đã được xây dựng tại các trung tâm học tập của các Tu viện Tây Tạng được tái thiết lập ở miền Nam Ấn Độ.
Ngài nhận xét: “Chúng tôi đã học được từ khoa học về những điều đã được ghi chép lại trong văn học Phật giáo đề cập đến một trái đất có hình phẳng; hoặc mặt trời và mặt trăng có cùng kích thước và khoảng cách với trái đất; những điều này là nhầm lẫn. Trong số các học giả Phật giáo, Ngài Nguyệt Xứng đã chỉ trích các bậc thầy - những người đã bày tỏ quan điểm như vậy; và tôi coi mình là học trò của Ngài ấy”.
Khi được hỏi làm thế nào để xem sự vận hành của nghiệp trong mối quan hệ với khoa học; trước tiên, Ngài đã nói rằng; nghiệp có nghĩa là hành động; và hành động có thể thay đổi trong khoảnh khắc. Tuy nhiên, những hành động thuộc về thân, khẩu, ý sẽ để lại những dấu ấn trong tâm thức có thể lưu lại rất lâu. Ngài tuyên bố rằng những dấu ấn tích lũy của những hành động tích cực, cuối cùng sẽ chín muồi trong việc chứng đạt quả vị Phật.
Để áp dụng tinh thần chữa lành cho một xã hội đã bị chia rẽ, Ngài khuyến nghị nên bao gồm việc đào tạo các phương pháp để đạt được sự an lạc nội tâm trong chương trình giáo dục phổ thông. Điều này sẽ liên quan đến các phương pháp để giúp vượt qua cơn tức giận và nỗi sợ hãi. Ngài nhận thấy rằng, sự cạnh tranh có thể có lợi khi mục đích là tất cả mọi người tham gia đều đạt được sự thành công; nhưng khi nó liên quan đến vấn đề có kẻ thắng và người thua thì điều đó lại gây ra những trở ngại. Ngài nhắc lại tầm quan trọng của việc công nhận tính đồng nhất của nhân loại; và rằng tất cả chúng ta phải sống với nhau - điều đó cần phải được thúc đẩy bởi sự ý thức về tình anh em của nhau.
“Bậc Đạo Sư Ấn Độ - Ngài Tịch Thiên - đã nhận xét rằng; kẻ thù của chúng ta có thể là người thầy tốt nhất của ta. Tử tế với kẻ thù của mình là thể hiện lòng tốt thật sự thuần khiết; trong khi thể hiện lòng tốt và tình cảm với bạn bè thì thường hay bị xen lẫn với sự luyến ái. Mặc dù việc thực hành lòng từ bi được mô tả trong các bản kinh văn tôn giáo, tuy nhiên nó nên được đón nhận như những điều có giá trị phổ quát.
“Chương sáu trong cuốn ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên đã giải thích về những tác động tiêu cực của sự tức giận và phương pháp để chế ngự nó. Chương tám có đề cập đến những tác hại của thái độ ái trọng tự thân. Lòng vị tha là yếu tố quan trọng để đạt được hạnh phúc; và hai chương này chứa đựng những lời khuyên hữu ích - cho dù bạn có phải là Phật tử hay không.
“Kể từ khi tôi nhận được sự giải thích về cuốn sách này, cách suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Ngày nay, tôi luôn đọc lại nó bất cứ khi nào tôi có thể. Kết hợp với những điều mà Ngài Nguyệt Xứng đã đề cập đến việc hiểu biết về thực tế, điều đó đã mang lại hiệu quả tuyệt vời trong việc giúp cho tôi chuyển hoá tâm thức của mình”.
Ngài đồng ý rằng dân số ngày càng gia tăng là một nguy cơ, vì lượng lương thực mà hành tinh có thể sản xuất ra thì có giới hạn. Ngoài ra, hiện tượng nóng lên của toàn cầu đã gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng; điều đó có thể dẫn đến việc nguồn nước bị cạn kiệt nghiêm trọng trước đó khá lâu. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá những vấn đề này một cách thực tế từ một góc nhìn thoáng rộng hơn. Ngài nói đùa rằng, để hạn chế dân số quá đông một cách hiệu quả nhất là nên có nhiều người trở thành những Tăng Ni tu sĩ độc thân.
Giáo sư Susan Neiman đã kết thúc cuộc trò chuyện và bày tỏ rằng, thật là niềm vinh dự lớn lao đối với cô khi được thay mặt cho Diễn đàn Einstein, được cảm ơn Ngài đã tham gia cùng với họ hôm nay. Cô cảm ơn những người tổ chức và đội ngũ kỹ thuật tại Văn phòng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đảm bảo cho cuộc trò chuyện này được diễn ra khả thi. Cô cũng gửi lời cảm ơn đến đội ngũ dịch giả đã cùng lúc thông dịch cuộc trò chuyện này sang 13 thứ tiếng.
Ngài trả lời rằng thật vinh dự cho Ngài khi được tiếp xúc với một tổ chức được kết nối với Albert Einstein - một nhân vật mà Ngài vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ.