Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Mọi người trên khắp thế giới đã có thể xem Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thực hiện các nghi thức nhập môn chuẩn bị cho lễ truyền Quán đảnh Quan Thế Âm trong gần ba phần tư giờ đồng hồ sáng nay. Trong khi Ngài vẫn an toạ tại Dinh thự của mình, thì những việc Ngài nói, Ngài thực hiện đều được phát sóng trực tiếp ở một số nơi. Lời giảng của Ngài được thông dịch cùng một lúc từ tiếng Tây tạng sang mười ba thứ tiếng khác: Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Hindi, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Bồ Đào Nha, Nga, Tây Ban Nha và Việt Nam.
Ngài bắt đầu: “Như tôi đã đề cập ngày hôm qua, câu thần chú ‘Om mani padme hum’ của Đức Quan Thế Âm thì tràn ngập ân phước. Trong quá trình của lễ quán đảnh sáng nay, chúng ta cũng sẽ thiền định về Bồ Đề Tâm và trí tuệ Tánh Không.
Nguyện cầu tiếng trống của Pháp Âm vĩ đại
Xua tan khổ đau của tất cả chúng sinh;
Nguyện cầu Ngài trường thọ để giảng Kinh
Qua hàng tỷ bất khả tư nghì A tăng kỳ kiếp.
Quán đảnh này thuộc về Mật Thừa hay còn gọi là Mật Tông. Mật tông không được tiết lộ trước công chúng mà là trong bí mật. Giáo lý đầu tiên của Đức Phật trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên - liên quan đến Tứ Diệu Đế và vân vân - đã được giảng dạy trước công chúng. Lần chuyển Pháp Luân thứ hai - liên quan đến Giáo lý Trí tuệ Bát Nhã - đã được truyền giảng cho một nhóm đệ tử được chọn lọc hơn - những người không bị kinh ngạc bởi khái niệm về tánh Không. Vì những giáo lý này không được truyền giảng một cách công khai, cho nên một số người sau đó đã đặt ra nghi vấn là liệu Đức Phật có thuyết giảng những giáo lý ấy không.
Sự thực hành Mật tông hay Mật chú đã được hướng đến các đệ tử có trí thông minh sắc bén. Từ “thần chú” ngụ ý là “bảo vệ tâm thức”, bảo vệ nó khỏi sự nhận thức thông thường. Nó được thực hành trong bí mật.
Liên quan đến khái niệm về “Tôi” hay ‘ý thức về Ngã’; Đức Phật cũng có ý thức về “Tôi” nhưng nó không giống như những chúng sinh bình thường nghĩ về cái “Tôi” ấy. Đối với những người có kinh nghiệm về tánh Không - chư Bồ tát cũng như Đức Phật - thì “Tôi” chỉ là một sự định danh. Chúng sinh bình thường hiểu sai về ‘ngã’ như là một thứ gì đó vững chắc. Nếu đúng như vậy, thì quý vị càng tìm kiếm nó - thì nó sẽ càng trở nên rõ ràng hơn; trong khi đó, trên thực tế, bạn càng tìm kiếm nó cực khổ bao nhiêu thì nó lại càng khó tìm bấy nhiêu. Cái ‘ngã’ hoặc “Tôi” vốn không tồn tại như khi nó xuất hiện đối với chúng ta. Ngài Changkya Rölpai Dorjé đã nói rằng ‘ngã’ dường như tồn tại trong chính bản thân nó - nhưng thực tế nó không phải như vậy. Nó dường như có vẻ là hữu hình, nhưng nó không thể được tìm thấy.
Ngài đã hướng dẫn trực tuyến cho Hội chúng trong việc thọ Bồ Tát Giới. Ngài khuyến khích họ quán tưởng đến tập hội của Chư Phật và các bậc Thầy vĩ đại của Ấn Độ và Tây Tạng đang ngự trong không gian phía trước mặt họ và chứng giám cho lời cam kết và tâm nguyện của họ. Ngài đã trích dẫn lời của Khunu Lama Rinpoche, “Để đạt được mục tiêu của riêng bạn, bạn cần phải có Bồ Đề Tâm; để phục vụ lợi ích tha nhân, bạn cần phải có Bồ Đề Tâm; để tịnh hóa những điều tiêu cực, bạn cần phải có Bồ Đề Tâm”. Ngài cũng trích dẫn câu thơ ca ngợi Đức Phật từ “Xưng tán Duyên Khởi” của Ngài Jé Tsongkhapa:
"Trở thành bậc xuất gia trên con đường của Đức Phật,
Không giãi đãi trong việc nghiên cứu giáo lý của Ngài,
Và bằng cách thực hành Du già với quyết tâm vĩ đại,
Tu sĩ này đã phụng sự truyền tải chân lý cao vời ấy!"
Ngài đã đề cập đến việc Ngài luôn làm mới lại giới nguyện Bồ tát và Mật giới mỗi ngày; suy nghĩ rằng: tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ tư tưởng ích kỷ nào, tôi đã quyết tâm phụng sự cho tất cả chúng sinh. Tôi sẽ đạt được sự giác ngộ vì lợi ích của họ. Nếu quý vị làm theo sự thực hành như thế, rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, sự tỉnh giác sẽ tăng lên. Ngài nhận xét rằng Bồ Đề Tâm thông thường liên quan đến niềm khát vọng trở thành một vị Phật vì lợi ích của tất cả chúng sinh; Bồ Đề Tâm tối thượng liên quan đến sự thiền định về tánh Không.
Ngài lặp lại một số câu thơ từ “Nhập Bồ Tát Hạnh” của Ngài Tịch Thiên:
"Mọi kẻ bất hạnh thế gian phải khổ đau chỉ vì tham vọng cho hạnh phúc riêng của họ;
Tất cả người hạnh phúc ở cõi đời được vui sướng nhờ ước nguyện cho hạnh phúc của tha nhân”.
"Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ luôn sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân."
"Những ai không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì không những cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi họ cũng chẳng thể nào vui."
Bởi vì, hầu hết chúng ta đều bị xúi giục bởi những động cơ ích kỷ, cho nên - cho dù chỉ nghĩ đến Bồ Đề Tâm thôi - cũng có tác dụng giúp chúng ta lắng dịu xuống, thanh thản nghỉ ngơi; nó là nguồn gốc của mọi niềm vui và hạnh phúc. Chư Bồ Tát có hai hạnh nguyện: đạt được sự giác ngộ và cứu giúp chúng sinh. Họ tập trung vào sự giác ngộ thông qua trí tuệ và tập trung vào chúng sinh với lòng từ bi.
Trí tuệ liên quan đến hai sự thật (Nhị Đế), sự thật thông thường (Tục Đế) và sự thật tối hậu (Chơn Đế). Mọi thứ xuất hiện đối với chúng ta, nhưng chúng không tồn tại như cách mà chúng xuất hiện. Vật lý lượng tử cũng đã có sự quan sát tương tự như thế, không có gì tồn tại một cách khách quan cả. Như truyền thống Trung Quán đã nói, mọi thứ chỉ là sự định danh. Đức Long Thọ đã nghiên cứu tỉ mỉ dựa trên những gì Đức Phật đã dạy, Ngài nói rõ rằng không có gì tồn tại độc lập cả; và Lý Duyên Khởi chính là vua của tất cả các lý luận. “Tôi” hay “con người” là được định danh dựa trên các yếu tố khác. Như Ngài Thánh Thiên đã tuyên bố trong ‘400 Bài Kệ’ của mình:
"Bất cứ điều gì do Duyên sinh
Đều không phải là sự độc lập
Tất cả điều này không độc lập
Do vậy chẳng hề có tự “ngã”."
Sự phụ thuộc và sự độc lập luôn loại trừ lẫn nhau. Mọi vật tồn tại trong mối quan hệ với các yếu tố khác. Trước khi bạn kiểm tra chúng, thì mọi thứ dường như có sự tồn tại khách quan, nhưng khi bạn phân tích chúng, thì chúng không thể được tìm thấy. Chúng tồn tại một cách thông thường như chỉ là sự định danh. Bởi vì nó không có nền tảng, cho nên sự thiếu hiểu biết ấy có thể được khắc phục. Do đó, chư vị Bồ Tát nhận thấy rằng việc chấm dứt (Diệt Đế) là điều khả thi; và cảm thấy xót thương cho những người không được bảo vệ. Như Ngài Nguyệt Xứng đã nói, chư Bồ Tát trưởng dưỡng đôi cánh từ bi và trí tuệ.
“Chúng ta” và “bọn họ”, “bạn” và “tôi”, chỉ tồn tại như sự định danh, mà không độc lập như nó xuất hiện.
Ngài đã giải thích ý nghĩa của các từ ‘Duyên khởi’. 'Duyên khởi' không hề loại trừ ‘tánh Không’; ‘Duyên khởi’ không hề phủ nhận ‘nhân quả’. Ngài đã trích dẫn một bài Kệ từ “Ba Cốt Tuỷ của Đạo Lộ” của Jé Tsongkhapa:
"Sự xuất hiện loại trừ Cực Hữu
Và tánh Không bác bỏ Cực Vô
Khi hiểu Duyên sinh về Nhân - Quả
Xuất phát từ quan điểm Tánh Không
Bạn không còn bị lôi cuốn bởi
Quan điểm về Cực Hữu - Cực Vô".
Hướng dẫn hội chúng thông qua ‘tổng thể Du già’, tập trung vào Bồ Đề Tâm Nguyện và Bồ Đề Tâm Hạnh; Ngài đã tóm tắt bằng một bài Kệ mô tả chư Bồ Tát từ “Nhập Trung Quán Luận” của Ngài Nguyệt Xứng:
"Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn,
Với đôi cánh của Chân Đế và Tục Đế rộng dang,
Được thúc đẩy bởi sức mạnh của cơn gió đại hùng Giới Đức,
Vượt đến bờ bên kia, đạt được phẩm chất đại dương của Chiến thắng Huy hoàng".
Khi đã hoàn tất lễ quán đảnh Quan Thế Âm, Ngài đã ban lễ gia trì về Đức Quan Âm Sư Tử Hống. Ngài kết luận bằng cách tuyên bố rằng Ngài đã có một quyết tâm đặc biệt để dành bất cứ phước lành nào có được từ hai ngày thuyết giảng này - hồi hướng cho mọi người trên hành tinh, cho cả loài người và các loại chúng sinh khác. Ngài lưu ý rằng các giáo lý của Đức Phật bao gồm việc truyền đạt kinh điển và sự chứng ngộ xuất phát từ kinh nghiệm. Như Ngài Thế Thân đã khẳng định, cách duy nhất để duy trì Chánh Pháp là thông qua sự học tập và thực hành, đòi hỏi phải “Văn” - nghe hoặc đọc giáo lý; “Tư” - phản ánh suy tư về những gì mà mình đã được hiểu; và rồi sau đó “Tu” - trải nghiệm thông thạo với niềm tin kiên cố đó qua sự thiền định.
Tôi đã hành thiền rất lâu về những lời dạy của Đức Phật và tôi đã chia sẻ với quý vị về những gì mà tôi đã học được. Quý vị cũng nên làm như vậy, hãy chia sẻ những gì mình đã hiểu với gia đình và bạn bè! và hãy khuyến khích họ cũng làm tương tự như thế. Do đại dịch vi rút corona cho nên chúng ta thực sự không thể gặp nhau, nhưng chúng ta đã có thể tạo ra sự gặp gỡ trực tuyến và đã hoàn tất lễ Quán đảnh này. Xin quý vị hãy bảo trọng!
Ngài đứng dậy từ chỗ ngồi của mình, nhìn lướt qua những khuôn mặt trên màn hình trước mặt Ngài; và với tiếng cười vang - Ngài vẫy tay chào và rời khỏi khán phòng.