Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Daniel Aitken, Giám đốc điều hành của Nhà Xuất Bản Trí Tuệ đã khai mạc cho tiến trình của sự kiện ra mắt bản dịch tiếng Anh của tập thứ hai trong bộ sách “Khoa học và Triết học trong Kinh điển Phật giáo Ấn Độ” vào ngày hôm nay bằng lời kính chúc Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma “Kính chúc buổi sáng tốt lành." Ông cảm ơn Ngài vì đã tham gia cuộc gặp gỡ trực tuyến này, trong đó người biên tập bộ sách là Thupten Jinpa; người dịch của tập sách này là Dechen Rochard và John Dunne, cũng như các dịch giả của các tập khác - Ian Coghlan và Donald Lopez - cũng tham gia.
Aitken mô tả về việc xuất bản bộ sách này là một dự án đầy tâm huyết. Ông lưu ý rằng người Tây Tạng là những người đã bảo vệ Truyền thống Nalanda - đó là truyền thống mà qua bộ sách này - đang được mang trở lại với Ấn Độ và toàn thế giới. Ông tuyên bố rằng Nhà xuất bản Trí tuệ đã rất vinh dự được cung cấp những cuốn sách này, ông tiến lên phía trước để thực hiện động tác nâng bản sao của cuốn sách đầu tiên với một chiếc khăn lụa kata trắng dâng lên cúng dường Ngài. Tiếp theo, ông mời John Dunne nói về những bài luận mà ông đã viết để giới thiệu từng chương của cuốn sách. Dunne đang ở tại Madison, Wisconsin - giải thích rằng: “Cuốn sách về tâm thức này rất quan trọng, bởi lẽ Phật giáo có những quan điểm về phương cách hoạt động của tâm thức mà khoa học hiện đại vẫn còn thiếu. Chúng tôi nghĩ rằng các tiểu luận giới thiệu là điều cần thiết để làm cho bộ sách này có thể tiếp cận được với các độc giả ở phương Tây.
“Những giải thích của Phật giáo về tâm thức được thúc đẩy bởi một mục tiêu tổng thể là làm giảm bớt sự đau khổ. Hơn nữa, các lý thuyết Phật giáo đưa ra một sự giải thích về nhận thức, không giống như các mô hình phương Tây ban đầu, không cho rằng có một ‘cái ngã’ duy nhất, kiểm soát, tự chủ - là tác nhân của những nhận thức đó. Tôi viết những bài luận này là đã có tính đến những sự khác biệt như vậy; và tìm cách xây dựng cầu nối giữa khoa học Phật giáo và khoa học hiện đại.
“Trong khoa học nhận thức phương Tây có sự phân biệt giữa ý thức hiện tượng và ý thức tiếp cận; và điều này được phản ánh trong các phạm trù của Phật giáo như năm chức năng tinh thần với một đối tượng xác định; hoặc sự phân biệt giữa khái niệm và phi khái niệm.
“Chúng tôi hy vọng sẽ giúp độc giả đánh giá cao những gì mà Truyền thống Nalanda đã mang lại cho việc nghiên cứu tâm thức. Chúng tôi cố gắng chỉ ra các lĩnh vực hữu ích. Trong số các nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng, có rất nhiều sự quan tâm đến tác động của những sự thực hành thiền quán niệm như ‘shamatha’ và thiền chánh niệm đối với tâm thức và cơ thể. Những bài luận này cố gắng trả lời về những vấn đề như - điều gì xảy ra khi chúng ta thiền định? Lý thuyết là gì? Và kể cả cách mà sự thiền định vận hành ”.
Daniel Aitken nhận xét rằng, loạt sách này là rất độc đáo ngay cả từ góc độ Phật giáo. Ông thỉnh Ngài nói về lý do của mình đối với sự đề xướng việc biên soạn loạt sách này.
Ngài trả lời: “Tôi tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn. Mặc dù giữa chúng có những sự khác biệt về triết học, những chúng đều truyền tải những thông điệp về tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ và tự kỷ luật. Theo quan điểm của Phật giáo, tôn giáo là sự sáng tạo của con người và chúng tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp của con người, chẳng hạn như lòng từ bi và sự tha thứ. Đây là những phẩm chất góp phần giúp cho chúng ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc.
“Có sự khác biệt về truyền thống - ngay cả trong Phật giáo. Tuy nhiên, nói chung, thật sai lầm khi nghĩ về khía cạnh “tôn giáo của tôi" và "tôn giáo của họ". Và đặc biệt đáng tiếc nếu đấu đá nhau nhân danh tôn giáo. Vì vậy, chúng ta cần phải thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
“Về vấn đề Phật giáo, Đức Phật đã khuyên các đệ tử của mình:
Hỡi chư Tăng và các hàng Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách cắt chặt, cọ xát và đốt nung,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra, nghiệm dụng;
Rồi mới chấp nhận, chứ đừng chỉ vì lòng ái mộ tôn sùng!
Mặc dù truyền thống Pali dựa trên niềm tin vào những lời dạy của Đức Phật, nhưng truyền thống của Nalanda - nơi đã từng là trung tâm của nền học thuật - đã áp dụng phương pháp logic và lý luận. Các học giả thậm chí còn tuân theo những lời của Đức Phật để xem xét thật kỹ lưỡng thấu đáo về những lời dạy của Ngài.
“Trong ‘Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận’, Ngài Long Thọ đã nói rằng tất cả những lời dạy của Đức Phật nên được hiểu trong khuôn khổ của hai sự thật (Nhị Đế), sự thật thông thường (Tục Đế) và sự thật tối hậu (Chơn Đế). Trọng tâm của phương pháp này là sự hiểu biết về bản chất của thực tế. Đức Phật không tạo ra sự khác biệt giữa sự thật thông thường và sự thật tối hậu, mà chúng là một phần của thực tế. Và sự nhấn mạnh trong Phật giáo là sự am tường về bản chất của thực tại. Sự thật thông thường dựa trên nhận thức của chúng ta về thực tại ở mức độ trình hiện. Có sự khác biệt giữa sự trình hiện bên ngoài và cách mà các pháp “như nó là”. Sự thật tối hậu liên quan đến cách mà các pháp diễn ra theo nghĩa tối thượng.
“Khi giải thích cặn kẽ về hai sự thật này, Đức Phật đã giải thích bốn sự thật cao quý (Tứ Diệu Đế) bắt đầu bằng sự thật về đau khổ (Khổ Đế) và nguồn gốc của nó (Tập Đế). Thế rồi, khi quý vị nhìn vào sự đau khổ, có ba cấp độ. Đầu tiên là sự đau khổ hiển nhiên (khổ khổ) mà ngay cả động vật cũng có thể cảm nhận được. Tiếp theo là sự đau khổ của sự thay đổi (hoại khổ), mà hầu hết con người nhầm lẫn với niềm vui. Ẩn chứa bên dưới của cả hai nỗi khổ này đều là nỗi khổ cơ bản bắt nguồn từ nguyên nhân điều kiện bao trùm khắp. Đau khổ xuất phát từ những nguyên nhân, vì vậy nếu chúng ta không muốn gặp phải khổ đau thì chúng ta phải tìm ra những nguyên nhân đó và đoạn trừ chúng.
“Ngài Long Thọ đề cập rằng, có hai nguyên nhân chính, đó là nghiệp lực và phiền não. Sự giải thoát chỉ xảy ra khi có sự chấm dứt của hai nguyên nhân này. Nghiệp phát sinh từ những phiền não tinh thần; và những phiền não này lại bắt nguồn từ những phân tích tư duy của khái niệm, được củng cố bởi vô minh. Vô minh chỉ được khắc phục bằng cách hiểu rõ bản chất của thực tế.
“Một khi chúng ta hiểu rằng có thể khắc phục được những nguyên nhân gây ra đau khổ này, thì chúng ta sẽ phát triển sự nhiệt tình đi theo con đường tu tập. Sự đoạn trừ cảm xúc tiêu cực sẽ không xảy ra nhờ vào đức tin và lời cầu nguyện, mà chỉ bằng cách rèn luyện tâm thức. Để bước theo đạo lộ, quý vị phải hiểu biết về tâm thức. Để làm sáng tỏ tâm thức và vượt qua những cảm xúc tiêu cực, quý vị phải biết rõ về bản chất của tâm. Một bản văn nói rằng, bản chất chính yếu của tâm là tánh quang minh.
“Có một số cấp độ của tâm thức và cảm xúc. Cảm xúc tiêu cực xảy ra ở mức độ thô kệch của tâm thức do các yếu tố nhất định. Có nhiều mức độ vi tế hơn của tâm thức mà chúng ta chỉ trải nghiệm được khi thiền định hoặc trong giấc ngủ sâu. Mức độ vi tế nhất của tâm sẽ thể hiện vào lúc lâm chung, ở đỉnh điểm của sự giải thể mọi quá trình tư duy khái niệm. Lúc đó, tâm quang minh hiển lộ, không phiền não, trong sáng và thanh tịnh.
“Điều quan trọng là phải nghiên cứu tâm thức và các cấp độ khác nhau của ý thức; bởi vì ngay cả những người bình thường cũng sẽ trải nghiệm cấp độ tâm thức sâu sắc nhất, tinh tế nhất, tâm nguyên thủy của tánh quang minh - vào lúc chết.
“Nếu quý vị nhìn vào các nguồn tài liệu mà chúng tôi tìm thấy trong Phật giáo, điểm nhấn chính là hiểu rõ bản chất của thực tại. Như tôi đã đề cập trước đây, nguồn gốc cơ bản của các vấn đề của chúng ta là do sự thiếu hiểu biết về bản chất của thực tại, điều này làm phát sinh những phiền não về tinh thần. Chúng ta phải chấm dứt cơ chế làm phát sinh những phiền não về tinh thần bắt nguồn từ sự vô minh. Một kỹ thuật mà chúng ta tìm thấy trong Phật giáo - mà đỉnh cao là Mật Tông Du Già - được biểu lộ trong lần chuyển Pháp Luân thứ 3 của Đức Phật, và nhấn mạnh về tánh quang minh chủ quan.
“Có những cấp độ tâm thức tiến bộ trong Kim Cương Thừa. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật như ‘pranayama’ - tập trung vào hơi thở - quý vị có thể đưa ý thức về trạng thái vi tế nhất. Đây là một cách để tiếp cận ánh sáng thuần túy hoặc sự trong sáng và tỉnh giác đơn thuần.
“Một phương pháp khác đã được tiết lộ trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai đề cập đến Bát Nhã Ba La Mật. Ngài Long Thọ và Ngài Thánh Thiên đã trình bày chi tiết về điều này trong những tác phẩm của các Ngài. Họ đã đưa ra quan điểm là, nền tảng nhận thức của chúng ta về thực tại là một quan niệm sai lầm cơ bản về một thực tại lâu dài. Điều này đóng vai trò là cơ sở để tạo ra toàn bộ kết cấu cho cái nhìn ngây thơ của chúng ta về thực tại, điều này làm nảy sinh mối quan hệ tình cảm của chúng ta đối với thế giới. Vì vậy, mục đích ở đây là để chúng ta hiểu đúng về thực tế. Chúng ta phải phân tích và giải mã các tầng khác nhau của sự vô minh. Chúng ta phải nhận ra rằng, cách mà thế giới xuất hiện đối với chúng ta không phải là cách mà nó tồn tại. Ngài Thánh Thiên nhận xét rằng, sự vô minh ngập tràn tâm phiền não của chúng ta theo cách mà các giác quan cơ thể vật lý của chúng ta lan tỏa xâm nhập khắp các giác quan khác của chúng ta.
“Cách mà chúng ta có thể vượt qua sự vô minh là hiểu biết về tánh Không theo nghĩa Duyên sinh. Chúng ta cần trau dồi sự hiểu biết của mình về thế giới khách quan bằng cách hiểu biết Giáo lý về tánh Không và bằng cách giảm dần sự phụ thuộc của mình vào các cấp độ thô thiển của tâm thức. Cả hai phương pháp này đều dựa trên sự hiểu biết về bản chất của thực tế.
“Cả sự giải thoát và sinh tử luân hồi đều là chức năng của tâm thức. Truyền thống Ấn Độ - đặc biệt là truyền thống Phật giáo - nhấn mạnh sự hiểu biết về bản chất của tâm, không nhất thiết là về mặt thực hành tôn giáo, mà là hiểu được bản chất của thực tại.
“Khoa học hiện đại rất tinh nhuệ về thế giới vật chất, nhưng khi đề cập đến vấn đề hiểu biết về tâm thức, thì truyền thống Ấn Độ và Phật giáo sẽ có rất nhiều điều để cung cấp cho khoa học, không chỉ là các lý thuyết về tâm thức, mà còn cả về các kỹ thuật để rèn luyện nó. Chúng bao gồm cách phát triển tâm trí tập trung cũng như khả năng phân tích nhạy bén (‘shamatha’ và ‘vipashyana’ - thiền chỉ và thiền quán). Đây là hai loại thực hành quan trọng, một loại tĩnh lặng và tập trung và một loại phân tích và suy luận. Do đó, các nhà khoa học khám phá ra rằng sự đối thoại với Phật tử là rất giá trị và hữu ích.
“Các nhà khoa học thần kinh tương quan giữa tâm thức với não bộ, nhưng họ ít phân biệt được giữa các thể dạng cảm giác và tinh thần - điều mà đã được truyền thống Ấn Độ đề cập đến rất chi tiết.
“Cho đến cuối thế kỷ 20, người phương Tây vẫn ít chú ý đến tâm thức. Khi họ sử dụng từ “tâm thức”, họ chỉ nghĩ đến não bộ. Tuy nhiên, gần đây, nhiều trường hợp đã được đưa ra ánh sáng về những người - thường là những thiền giả có kinh nghiệm - đã chết lâm sàng nhưng cơ thể vẫn còn tươi tắn. Khoa học không thể giải thích được về hiện tượng này. Hơn nữa, có những trường hợp về các cháu bé có những ký ức rõ ràng về tiền kiếp của mình. Dần dần các nhà khoa học đã chấp nhận rằng, có thứ gì đó đã ảnh hưởng đến não bộ - và chúng tôi gọi đó là ‘tâm thức’ ”.
Ngài đã nói về văn học Phật giáo và cách phân loại nội dung của nó theo ba tiêu đề - khoa học, triết học và tôn giáo. Ngài đề cập rằng, Ngài đã yêu cầu các học giả biên soạn tài liệu từ những nguồn này về khoa học, đặc biệt là liên quan đến tâm thức và triết học. Ngài nói rằng Ngài đã được thông báo rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã đọc bản dịch của tập đầu tiên; và họ đã rất ngạc nhiên trước phương pháp khoa học mà đã được truyền thống Phật giáo Tây Tạng áp dụng. Ngài xác nhận rằng những sự giải thích về khoa học và triết học có thể bắt nguồn từ các bản văn tôn giáo, nhưng chúng có thể được nghiên cứu trong một bối cảnh học thuật khách quan.
Khi Daniel Aitken hỏi liệu Ngài có thấy lợi ích nào của những cuốn sách này đối với thế giới - ngoài việc đóng góp cho kiến thức khoa học. Ngài đã chú ý đến nhu cầu của những người bình thường để phát triển ý thức vệ sinh cảm xúc. Mặc dù mọi người đều muốn được khỏe mạnh và hạnh phúc, nhưng họ thường không biết làm thế nào để đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Ngài nói rằng đã đến lúc mọi người không chỉ chú ý đến sức khỏe thể chất mà còn cả sức khỏe về tinh thần của họ.
Ngài gợi ý rằng khoa học cũng có thể xem xét cách phát triển sự an lạc nội tâm trong cuộc sống hàng ngày. Ngài đưa ra ví dụ về sự quan sát của Ngài Tịch Thiên trong cuốn sách ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ rằng, khi nói đến việc trau dồi tính kiên nhẫn, thì kẻ thù của chúng ta là người thầy tốt nhất của chúng ta; và ta nên biết ơn người ấy. Ngài chỉ ra rằng, chúng ta coi mọi người là bạn hay kẻ thù trong tâm thức của mình; và nếu chúng ta có thể cảm thấy biết ơn kẻ thù, thì điều đó giúp chúng ta cảm thấy yên tâm hơn. Ngài nói thêm rằng những phán đoán này cũng liên quan đến việc công nhận rằng mọi thứ không tồn tại theo cách mà chúng trình hiện. Vì những suy nghĩ như vậy sẽ giúp ta giảm bớt sự tức giận và tham luyến, thế nên Ngài kết luận rằng Ngài không phải đang truyền bá Phật giáo, mà chỉ đơn giản là chia sẻ kinh nghiệm về sự an lạc nội tâm. Aitken mời Dechen Rochard nói về kinh nghiệm trong việc dịch thuật cuốn sách này của cô. Cô bắt đầu bằng cách thành kính tri ân Ngài đã tạo cơ hội cho Cô được phụng sự Ngài với tư cách là một phiên dịch viên. Cô tiếp tục: “Phiên dịch thường là một hoạt động đơn độc, nhưng con nhận thấy mình đã được làm việc với bốn Vị Tiến Sĩ (Geshe), cùng với Thupten Jinpa, Ian Coghlan và John Dunne với sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
“Bản văn bao gồm hàng loạt các tài liệu phức tạp và khác nhau; để làm cho nó có thể tiếp cận được với người đọc tiếng Anh thì qủa là một sự thách thức. Xây dựng những chiếc cầu là một dự án dài hạn. Cuốn sách này là một phần của nền tảng ấy.
“Sự làm việc trong dự án này đã mang đến cho con nền văn học Phật giáo Ấn Độ, điều này đòi hỏi mình phải nghiên cứu sâu sắc về nó để có thể hiểu được nó. Nhờ vậy mà sự hiểu biết của con đã được nâng cao, con xin được thành kính tri ân Ngài!”
Aitken mời Thupten Jinpa giải thích tầm quan trọng của bộ sách. Ông bắt đầu: “Kính thưa Đức Ngài! thưa các đồng nghiệp và bạn bè! Tôi vô cùng vinh dự khi được tham gia buổi ra mắt hôm nay về tập hai của bộ sách “Khoa học và Triết học trong Kinh điển Phật giáo Ấn Độ”. Một điều tôi muốn nhấn mạnh là bản chất đầy tâm huyết của bộ sách. Những gì mà Ngài đã khởi xướng và gây dựng ở đây thực sự là một sáng tạo trong lịch sử 2500 năm của tư tưởng Phật giáo. Bộ sách đã cung cấp cho thế giới rộng lớn những hiểu biết, kiến thức và trí tuệ uyên bác của các bậc thầy Nalanda vĩ đại của Ấn Độ.
“Người Tây Tạng chúng tôi tự hào là những người bảo vệ Truyền thống Nalanda. Dựa trên Kho tàng Vi Diệu Pháp mà họ đã phát triển thành một bản đồ tâm thức và xây dựng chi tiết cấu trúc của sự trải nghiệm tinh thần của chúng ta. Nhận thức luận của Ngài Trần Na, Pháp Xứng, v.v., phân tích về bản chất của ý thức. Các bản văn Kim Cương Thừa - đặc biệt là những bản văn liên quan đến Mật tông Du già Tối thượng - đã thể hiện một quan điểm độc đáo mà trong đó tâm thức và cơ thể được coi là năng lượng và sự tỉnh giác. Thêm vào đó, truyền thống Du Già Tông đã cung cấp các kỹ thuật thiền định để chuyển hóa tâm thức. Theo quan sát của John Dunne, bộ sách này sẽ được các nhà thần kinh học đặc biệt quan tâm.
“Với tư cách là người biên tập bộ sách, tôi muốn cảm ơn Dechen Rochard vì bản dịch của cô ấy; cảm ơn John Dunne vì những bài tiểu luận giới thiệu của anh ấy; cảm ơn Nhà Xuất Bản Trí Tuệ - Daniel Aitken; biên tập viên tiền bối David Kittelstrom và đồng nghiệp của anh ấy - Mary Petrusewicz - vì những cống hiến của họ. Tôi cũng phải cảm ơn bốn học giả Thiền môn - Tiến Sĩ (Geshe) Jangchup Sangye - Viện trưởng của Ganden Shartse, Tiến Sĩ (Geshe) Ngawang Sangye của trường Đại Học Drepung Loseling, Tiến Sĩ (Geshe) Chilsa Drungchen Rinpoche của trường Đại Học Ganden Jangtse, và Tiến Sĩ (Geshe) Lobsang Konchok của trường Đại Học Drepung Gomang - những Vị này đã làm việc trong nhiều năm để chuẩn bị các bản thảo gốc tiếng Tây Tạng của bộ sách. Thực sự là một nguồn vinh dự sâu sắc đối với tôi khi có thể đóng một vai trò nào đó là biến tầm nhìn quan trọng này của Đức Ngài trở thành hiện thực.”
Khi Daniel Aitken hỏi về hy vọng và tầm nhìn của Ngài đối với bộ sách, Ngài trả lời rằng trong thời hiện đại đã có sự phát triển vượt bậc về vật chất, nhưng thế giới nội tâm của chúng ta rất ít được chú ý đến. Chúng ta phải đối mặt với những vấn đề mà chúng ta không mong muốn, nhưng những điều đó là do ta tạo ra. Chúng ta cần tìm cách để giữ cho tâm thức của mình được yên bình. Vì vậy, sẽ rất hữu ích khi chúng ta biết được cách mà trí óc và cảm xúc của ta hoạt động. Theo kinh nghiệm của tôi, những lời khuyên trong ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên, ‘Trí tuệ Căn bản’ của Ngài Long Thọ và ‘Tứ Bách Kệ’ của Ngài Thánh Thiên đã giúp tôi giữ gìn và duy trì được sự thanh thản trong tâm hồn. Vì vậy, tôi tin rằng những kiến thức này có thể sẽ hữu ích đối với nhiều anh chị em nhân loại khác.
Aitken cảm ơn Ngài một lần nữa và thưa với Ngài rằng thật vinh dự biết bao khi được tham gia vào công việc này. Ngài đã cầm một bản sao của tập thứ hai của bộ sách và chụp ảnh với bản sao ấy trước màn hình có hiển thị những khuôn mặt của những người đóng góp khác nhau.
Ngài nói thêm lời cuối cùng về sự cảm kích của Ngài đối với công việc của các dịch giả trong sự dịch thuật cho hai cuốn sách đã được xuất bản cho đến nay. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện công việc này với động cơ tích cực là mang lại lợi ích cho tha nhân chứ không chỉ đơn giản là đạt được lợi ích về tài chính. Ngài kết thúc bằng cách đọc những câu trong ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên:
Những niềm hỷ lạc trên thế gian này
Đều xuất phát từ lòng khát khao mang lại niềm vui cho người khác;
Và những nỗi khổ đau trên cõi đời này,
Đều đến từ lòng ích kỷ mong cầu hạnh phúc của riêng ta. 8/129
Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ ngu sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân. 8/130
Được cỡi trên lưng con tuấn mã Bồ Đề Tâm
Điều đó xua tan mọi mệt mỏi chán phiền,
Ai biết đến Tâm này sẽ tiến từ hạnh phúc này đến niềm vui khác,
Làm sao có thể tuyệt vọng trong sự mỏi mệt triền miên? 7/30