Thekchen Chöling, Dharamsala, HP - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham gia cuộc hội thảo trực tuyến do Đại học Amity tổ chức. Khi quang lâm đến phòng khách của Dinh thự, Ngài mỉm cười, chắp tay chào và yên lặng an toạ.
Phó hiệu trưởng Đại học Amity - Gurgaon - Giáo sư PB Sharma đã chào đón Ngài, sau đó trở về vị trí chỗ ngồi của mình và hỏi Ngài: “Hiện nay chúng ta nên phục vụ cho nhân loại như thế nào ạ?” Vị Hiệu Trưởng - Tiến sĩ Aseem Chauhan nói thêm rằng Đại học Amity được thành lập dựa trên các giá trị nhân sinh và làm việc cùng nhau. Ông hỏi, chúng ta có thể làm gì để biến thế giới của chúng ta thành một nơi yên bình hơn, từ bi hơn?
Ngài trả lời: “Cảm ơn quý vị! Thật là niềm vinh dự lớn lao cho tôi khi được trò chuyện và chia sẻ một số kinh nghiệm của tôi với quý vị. Tôi luôn cảm thấy đặc biệt gần gũi với các anh chị em Ấn Độ vì tôi coi mình là một học trò của tư tưởng Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ tám, Hoàng đế Tây Tạng Trisong Detsen đã có mối liên hệ chặt chẽ với Hoàng đế Trung Quốc. Tây Tạng đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo Trung Quốc với sở thích thiên về thiền định hơn là nghiên cứu học tập. Tuy nhiên, thay vào đó, Hoàng Đế đã chọn để mời bậc thầy Ấn Độ - Ngài Tịch Hộ - một triết gia và là nhà logic học vĩ đại từ Đại học Nalanda - đến Tây Tạng.
Trong hơn 3000 năm, đất nước này đã duy trì các khái niệm về ‘ahimsa’ hay bất bạo động’ và ‘karuna’ hay lòng từ bi. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là kết tinh của những ý tưởng này cũng như sự thực hành để trưởng dưỡng tâm thái an định ‘shamatha’ và tuệ giác ‘vipashyana’.
Chúng tôi coi Ấn Độ là Arya Bhumi (Thánh Địa), một đất nước có sự phát triển mạnh mẽ về phương diện tâm linh. Là những Phật tử, người Tây Tạng chúng tôi từ lâu đã ấp ủ niềm khát khao được hành hương đến Bồ Đề Đạo Tràng ít nhất một lần trong đời, cũng giống như người Hồi giáo mong ước được hành hương đến Mecca vậy.
Người Tây Tạng chúng tôi tự coi mình như những ‘chelas’ hay những đệ tử trung thành của các bậc thầy Ấn Độ; vì vậy, đã có một mối liên hệ đặc biệt giữa chúng ta. Tuy nhiên, ngày nay, dường như các gurus (các bậc thầy) ít quan tâm chú ý đến kiến thức cổ xưa của họ - thứ mà chúng tôi đã giữ gìn cho nó được sống còn trong hơn 1000 năm qua. Chúng tôi đã học hỏi như Ngài Tịch Hộ đã từng dạy cho chúng tôi; và chúng tôi cũng đã thực hành theo lời khuyên của Ngài ấy. Chúng tôi tiếp nhận phương pháp logic và đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ. Chẳng hạn, các tác phẩm của Ngài Long Thọ rất có ý nghĩa đối với chúng tôi, đó là lý do tại sao mỗi ngày tôi đều đọc thuộc lòng một số bài Kệ của Ngài ấy.
Cuối cùng, lý do chúng tôi nghiên cứu là để có thể xử lý và làm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực của mình. Đối với trường hợp của cá nhân tôi, sự thực hành hàng ngày của riêng tôi bao gồm sự trưởng dưỡng Bồ đề tâm, ý thức về lòng vị tha bắt nguồn từ lòng từ bi. Tâm nguyện này được thể hiện trong một bài Kệ của Ngài Tịch Thiên:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại.
Và đến khi nào chúng sinh vẫn thường còn;
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian.”
Tất cả những cảm xúc tiêu cực đều xoay quanh thái độ ái trọng tự thân - và Bồ Đề Tâm phụng sự cho việc đối trị lại thái độ ấy.
Theo như triết học thì quan điểm của Phật giáo Trung Quán Luận có nhiều điểm tương đồng với những gì mà vật lý lượng tử đã nói với chúng ta ngày nay. Nhà vật lý hạt nhân Ấn Độ - Raja Ramanna - đã từng đề cập với tôi rằng, vật lý lượng tử là một khám phá mới mẻ đối với phương Tây, nhưng Ngài Long Thọ đã có những hệ thống tư tưởng tương tự như thế từ 2000 năm về trước. Cả hai đều có sự đồng tình rằng, không hề có gì tồn tại giống như nó xuất hiện. Mọi thứ dường như tồn tại một cách khách quan, nhưng vật lý lượng tử nói rằng, khi nghiên cứu sâu hơn sẽ cho thấy rằng điều này không đúng như vậy. Ngài Long Thọ cũng đã viết rằng: vạn vật không hề có sự tồn tại độc lập. Chúng tồn tại phụ thuộc vào các yếu tố khác, điều mà Ngài mô tả là ‘pratityasamutpada’ hay Lý Duyên Khởi.
Nếu quý vị cảm thấy tức giận hoặc sợ hãi, nhưng quý vị điều tra xem đối tượng của sự tức giận hoặc sợ hãi ấy là gì, thì quý vị sẽ thấy rằng, cảm xúc của mình chỉ là những sự phóng tưởng của tâm thức. Đây là lý do vì sao ta nói rằng những người gây rắc rối cho ta lại chính là những người đã cho ta cơ hội để trau dồi sự kiên nhẫn và lòng từ bi - và đây là lý do tại sao chúng ta nói rằng kẻ thù của ta lại chính là người thầy của ta vậy.
Tôi đã gửi một bản sao của một cuốn sách mà chúng tôi biên soạn có tên là ‘Khoa học và triết học trong Kinh điển Phật giáo Ấn Độ’ cho các giáo sư của một trường đại học ở Trung Quốc. Sau khi đọc xong cuốn sách ấy, họ đã đánh giá cao rằng Phật giáo Tây Tạng được bắt nguồn vững chắc từ Truyền thống Nalanda, một phương pháp khoa học mà chúng ta đã học được từ Ấn Độ.
Ngài đã nêu lên ba hoặc bốn cam kết của mình. Trước hết, với tư cách là một con người, Ngài xem bảy tỷ người bạn đồng hành của mình đều là những con người như nhau. Ngài nói rằng, bởi vì chúng ta là loài động vật xã hội, cho nên chúng ta phụ thuộc vào người khác và họ cũng phụ thuộc vào chúng ta. Nếu ta nhìn những người khác với khái niệm ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’ thì sẽ gây ra sự xung đột và có thể dẫn đến sự đổ máu và giết chóc. Do đó, Ngài cam kết thúc đẩy sự đồng nhất của nhân loại.
Là một Phật tử, Ngài cảm thấy có trách nhiệm lớn lao trong việc khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ngài cho rằng, dù bất cứ ai mà giao tranh hoặc giết chóc nhân danh tôn giáo thì đó là điều không thể tưởng tượng được. Ngài thừa nhận rằng các truyền thống tâm linh khác nhau sẽ đưa ra những quan điểm triết học khác nhau và tương phản nhau. Nhiều truyền thống Ấn Độ đã mô tả một bản ngã hoặc atman, tách biệt khỏi cơ thể và tâm thức, tiếp tục từ kiếp này sang kiếp khác. Đức Phật thì dạy rằng bản ngã không phải là một cái gì đó riêng biệt và độc lập. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào cơ thể và tâm thức. Mặc dù quan điểm khác nhau như vậy, nhưng tất cả các truyền thống, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo, đều truyền tải một thông điệp chung về tình yêu thương. Trên cơ sở nền tảng như vậy, sự hài hòa giữa các tôn giáo là điều có thể khả thi. Và đất nước Ấn Độ này là một ví dụ điển hình sống động.
Ngài tuyên bố rằng người dân Tây Tạng đã đặt trọn vẹn niềm tin vào Ngài; và vì thế trong lịch sử, Ngài đã có trách nhiệm giúp đỡ cho họ. Tuy nhiên, kể từ năm 2001, ông đã từ nhiệm và giao trách nhiệm chính trị của mình lại cho một Vị lãnh đạo đã được nhân dân bầu chọn. Ngài cảm thấy cần phải lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ hệ sinh thái Tây Tạng, không chỉ vì lợi ích của người dân Tây Tạng, mà còn là thay mặt cho tất cả những người trên khắp châu Á - những người sống phụ thuộc vào nguồn nước của các dòng sông bắt nguồn từ Tây Tạng.
Một tầm quan trọng không kém - đó chính là người Tây Tạng đã giữ gìn và duy trì cho nền kiến thức Ấn Độ cổ đại được tồn tại, không phải chỉ về phương diện cầu nguyện và nghi lễ, mà là bằng phương tiện nghiên cứu hết sức nghiêm ngặt. Người Tây Tạng đã học thuộc lòng các bản văn cổ điển, nghiên cứu ý nghĩa của chúng, từng chữ… từng chữ…và kiểm tra sự hiểu biết của họ thông qua phương pháp tranh biện.
Ngài tuyên bố rằng kể từ khi chính thức hoàn thành việc học hành của mình vào năm 1959, Ngài đã tiếp tục nỗ lực thực hành. Ngài đã thực hiện để trưởng dưỡng những cảm xúc tích cực và diệt trừ những cảm xúc tiêu cực của mình. Ngài nói - kết quả là, Ngài luôn có nụ cười trên khuôn mặt - nụ cười chân thành, thật tình, không giả tạo. Điều này phản ánh rằng tâm trí của Ngài luôn an lạc bình yên.
Ngài tiết lộ, đó là nhờ dựa trên cơ sở tôi là một sứ giả của tư tưởng Ấn Độ cổ đại, đặc biệt là liên quan đến ‘ahimsa’ và ‘karuna’ - lòng từ bi và bất bạo động.
Câu hỏi đầu tiên được nêu lên cho Ngài là về cách duy trì sự an lạc và lòng từ bi khi đối mặt với các thế lực bạo động.
Ngài trả lời: “Bất bạo động được bắt nguồn từ lòng từ bi. Nếu bạn có lòng từ bi đối với người khác thì mong muốn của bạn sẽ không gây tổn hại cho họ mà là giúp đỡ họ. Nếu bạn áp dụng trí thông minh của con người, thì bạn cũng có thể nhận ra rằng, sự tức giận sẽ phá hủy sự an lạc nội tâm của bạn. Nó huỷ diệt tình cảm thân thiện trong gia đình và cộng đồng. Chúng ta là loài động vật xã hội - những người cần bằng hữu thân cận. Lòng từ bi sẽ thu hút bạn bè. Mặt khác, sự giận dữ và bạo lực thì trái ngược với bản chất tự nhiên của con người. Điều mà chúng ta cần làm là tìm cách để cùng chung sống hạnh phúc bên nhau.
Khi có một người khác hỏi rằng, hầu như những người tốt bụng đều có xu hướng phải hứng chịu nhiều đau khổ hơn là những người tham lam; Ngài đã trả lời rằng Ngài không nghĩ như vậy. Trong một xã hội với các mục tiêu chủ yếu là vật chất, một xã hội không có sự thừa nhận nhiều về ý tưởng của sự an lạc nội tâm, thì có vẻ như những người cạnh tranh, khó tính, sẽ thành công hơn về mặt bề ngoài. Nhưng sự phán đoán này đã bỏ qua thế giới nội tâm của họ. Kiến thức Ấn Độ cổ đại được tiết lộ bởi các học giả Ấn Độ giáo và Phật giáo - đã cung cấp cho chúng ta một lời giải thích vô cùng phong phú về phương cách hoạt động của tâm thức. Nó tiết lộ cách làm thế nào để giải quyết những cảm xúc tiêu cực và nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực. Điều quan trọng là phải kết hợp kiến thức cổ xưa này với nền giáo dục hiện đại ngày nay.
Vào thế kỷ trước, Mahatma Gandhi đã dạy rất rõ ràng về giá trị thiết yếu của bất bạo động - tư tưởng mà ông đã có tầm ảnh hưởng hết sức sâu sắc đối với những người như Nelson Mandela và Martin Luther King. Trong thế kỷ này, chúng ta cần phải mở rộng phát triển thông điệp này kết hợp với lòng từ bi.
Ở Ấn Độ ngày nay vẫn còn tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa người giàu và người nghèo. Chúng ta cần phát triển mối quan tâm sâu sắc hơn đối với anh chị em nhân loại của chúng ta. Một phương pháp để tiếp cận với điều này là làm sống lại ý thức mạnh mẽ về lòng từ bi và tinh thần bất bạo động trong hành động. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách cố gắng rèn luyện tâm thức của mình.
Một người bạn thân của tôi đã bị giam cầm nhiều năm ở Tây Tạng. Khi cuối cùng được thả tự do, ông đã đến Ấn Độ. Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi về những trải nghiệm của ông ấy trong ngục tù; ông đã nói với tôi rằng đôi khi ông cảm thấy vô cùng nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng đó là sự nguy hiểm đến tính mạng, và tôi đã yêu cầu ông có thể nói rõ hơn về sự nguy hiểm đó; thì ông đã trả lời rằng, có nhiều lần ông cảm thấy mình có nguy cơ đánh mất lòng từ bi đối với những kẻ Trung Quốc đã bắt giữ giam cầm ông trong lao ngục.
Người sáng lập - Chủ tịch Đại học Amity - Tiến sĩ Ashok K Chauhan đã tham gia vào và thưa với Ngài rằng họ đã tự hào như thế nào khi được nghe những lời của Ngài, và ông đảm bảo với Ngài rằng họ sẽ thay đổi cuộc sống của Ấn Độ. Ông đã giới thiệu người bạn thân của mình - Tiến sĩ Pradeep Chowbey - người đã bày tỏ với Ngài về niềm vui khôn xiết của mình khi biết rằng sức khoẻ của Ngài vẫn được duy trì rất tốt.
Ngài trả lời: “Nhiệm vụ của tôi là đóng góp cho đất nước này bất cứ điều gì tôi có thể làm được. Chia sẻ bức thông điệp của Ấn Độ cổ đại để nó có thể vươn tới khắp thế giới.
Nhận thấy những khó khăn mà Covid-19 đã gây ra; một sinh viên tiến sĩ đã hỏi Ngài rằng: chúng ta có thể làm gì để vượt qua sự trầm cảm. Ngài đã nói với cô ấy rằng: một trong những phương pháp mà cá nhân tôi cảm thấy rất hữu ích - đó là nuôi dưỡng suy nghĩ này: Nếu như tình huống hoặc vấn đề mà ta đang gặp phải - có thể được khắc phục, thì không cần phải lo lắng về nó. Nói một cách khác, nếu có một giải pháp hoặc một cách để thoát khỏi khó khăn đó thì bạn không cần phải quá sức với nó. Hành động thích hợp là tìm kiếm giải pháp của nó. Sau đó, để dành năng lượng của bạn tập trung vào thực hiện giải pháp ấy - hơn là cứ mãi lo lắng về vấn đề này. Điều đó rõ ràng là vô cùng hợp lý. Còn nếu không có giải pháp, không có khả năng giải quyết, thì cũng chẳng có gì để phải lo lắng về nó, vì dù sao thì bạn cũng không thể làm gì được đối với nó cả. Trong trường hợp đó, nếu bạn càng sớm chấp nhận sự thật này, thì nó sẽ càng dễ dàng hơn cho bạn. Tất nhiên, cách suy nghĩ này ngụ ý rằng chúng ta nên trực tiếp đối diện với vấn đề và hãy có cái nhìn thực tế đối với vấn đề ấy. Điều này vô cùng thực tế.
Khi được hỏi rằng liệu Ngài có chọn để trở lại làm Đạt Lai Lạt Ma nữa không, Ngài đã đáp vặn lại,
Đó là vấn đề của cá nhân tôi. Tuy nhiên, như tôi đã nói với quý vị, lời cầu nguyện yêu thích của tôi và tâm nguyện bất tận của tôi có liên quan đến điều đó. Tất cả chúng ta đều là một phần của xã hội loài người, vì vậy mục đích cuộc sống của chúng ta không phải là gây ra rắc rối, mà là phụng sự cho tha nhân bằng mọi cách trong khả năng có thể. Tất cả chúng ta đều hướng đến lợi ích cá nhân ở một mức độ nào đó, nhưng nuôi dưỡng mối quan tâm dành cho người khác là một cách thông minh để thực hiện lợi ích cá nhân của chính mình.
Giáo sư PB Sharma đã thay mặt cho Đại học Amity cảm ơn Ngài đã dành thời gian quý báu của Ngài cho họ. Ngài đã chắp hai tay lại và mỉm cười khi cuộc hội nghị kết thúc.